Home / Chia Sẻ / Bông Hồng TRẮNG

Bông Hồng TRẮNG

 

h1Rằm Tháng Bảy âm lịch được giới Tăng Ni Phật tử gọi là Đại Lễ Vu Lan, dịp đặc biệt để con cái báo hiếu các bậc sinh thành, tổ tiên đã khuất. Theo tín ngưỡng dân gian, Vu Lan còn là ngày xá tội vong nhân. Đây là Mùa Báo Hiếu, những ai còn mẹ thì được gắn Bông Hồng ĐỎ, những ai mất mẹ thì được gắn Bông hồng TRẮNG.

Mỗi năm đến dịp lễ Vu Lan tôi lại cảm thấy “ghen” với những người còn cha mẹ – nhất là còn mẹ, vì tôi thấy họ là những người may mắn! Người Trung quốc xác định: “Phúc đức tại mẫu”. Người có công trực tiếp với chúng ta nhất chính là Cha Mẹ: Mẹ khởi đầu cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc; Cha khởi đầu cho ý chí, niềm tin và sức mạnh.

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau

Vu Lan nhắc nhớ chúng ta về chữ Hiếu mà có lẽ ngày nay có chút gì đó bị lu mờ. Người Việt nói riêng, và người Á Đông nói chung, rất trọng chữ Hiếu. Như vậy, Vu Lan là một nét văn hóa đẹp đáng tôn trọng và duy trì. Điều này hẳn không sai lệch, vì ai trong chúng ta cũng nhờ thừa hưởng từ cha mẹ mà có hình hài, có thân thể này. Sự trao truyền đó là huyết thống. Mọi điều hay, dở hoặc tốt, xấu của chúng ta là niềm vui mừng hoặc đau khổ của cha mẹ. Bổn phận làm con không bao giờ được quên ơn nghĩa sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, vì đó là thâm ân, không thể chối cãi, không thể bác bỏ. Thiết tưởng cũng nên biết một chút về lễ Vu Lan – vì nhiều người Công giáo có thể chưa biết rõ!

TÍCH XƯA

Bồ tát Mục Kiền Liên là đại hiếu tử, vì ông đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Sau khi đã chứng quả A La Hán, ông tưởng nhớ và muốn biết mẹ mình thế nào nên dùng huệ nhãn dò tìm. Thấy mẹ rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát, khổ sở, vì đã gây nhiều nghiệp ác, ông đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên, do đói lâu nên khi ăn, mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm để không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, thế nên khi thức ăn vừa được đưa lên miệng thì lập tức hóa thành lửa đỏ. Quá thương cảm, Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ. Phật dạy: “Dù ta thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Rằm Tháng Bảy là ngày thích hợp lập trai đàn để cầu siêu, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Phật mà chú tâm cầu cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát”.

Rằm Tháng Bảy là ngày chư tăng tự tứ (kết thúc hạ an cư), dùng thức ăn uống đựng trong bồn Vu Lan cúng dường Tam bảo sẽ được vô lượng công đức, cứu được cha mẹ 7 đời.

Tôn giả Mục Kiền Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan Bồn Pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan Bồn Hội (tiếng Phạm là Avalambana), đó là nghi thức cầu siêu độ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân thuộc nhiều đời, được cử hành vào ngày Rằm Tháng Bảy âm lịch hàng năm, theo lời Phật dạy trong kinh Vu Lan Bồn. Còn bộ kinh ghi chép sự tích trên thì gọi là Vu Lan Bồn Kinh.

Theo Phật Quang Đại từ điển, Vu Lan (tiếng Phạn là Ullalambana), cũng gọi là Ô-lam-bà-noa. Hán ngữ dịch là Đảo huyền (nghĩa là “treo ngược” – nỗi khổ của người chết giống như cái khổ của người bị treo ngược, cực kỳ đau đớn), cũng gọi là Vu Lan Bồn Hội hoặc Bồn Hội.

Và thế là mỗi năm, khi ngày này đến gần, các phụ nữ trong gia đình lại bận rộn hơn với công việc chuẩn bị cúng rằm nhớ ơn tổ tiên, lên chùa khấn cầu Phật phù hộ cho gia đình, cha mẹ được bình an phúc đức. Theo truyền thuyết Trung quốc, Vũ đế vương nhà Lương là người đầu tiên cử hành hội Vu Lan Bồn Hội.

Theo Từ điển Văn hóa Cổ truyền Việt Nam, Vu Lan (bồn) là cái chậu đựng hoa quả, phẩm vật dâng cúng. Lễ Vu Lan được cử hành vào Rằm Tháng Bảy âm lịch hàng năm, là lễ dâng các phẩm vật cúng chư tăng đựng trong chiếc Vu Lan để cầu siêu cho vong hồn người thân thoát khỏi địa ngục. Rằm Tháng Bảy âm lịch gọi là ngàu vong nhân xá, là ngày các vong hồn được tha tội. Bởi vậy người ta thường đốt vàng mã cúng gia tiên.

SUY TƯ

Người nào thấy cha mẹ già có vẻ lẩm cẩm một chút hoặc không văn minh hiện đại mà xem thường cha mẹ là có tội lớn. Dù cha mẹ lẩm cẩm bao nhiêu đi nữa, có kém kiến thức hơn mình, hoặc có là gì đi nữa, thì đó vẫn là những đấng sinh thành đáng kính. Chúng ta phải nhớ rằng bản thân mình là một phần thân thể cha mẹ, không thể tách rời, không thể đứng riêng, dù muốn chối bỏ cũng không chối bỏ được. Thân này đã là của cha mẹ mà mình phụ rẫy, vong ân bội nghĩa thì thật vô lý, không xứng đáng là một con người, vì một danh nhân đã nói: “Chỉ có ai biết yêu thương mới xứng đáng nhận danh hiệu con người”. Do đó, lòng hiếu thảo đối với chúng ta là một chân lý. Trên đời này không có ơn nào cao trọng bằng ơn cha nghĩa mẹ. Nếu ơn cao nghĩa dày như vậy mà chúng ta quên đi thì những ơn khác trong xã hội – ơn của bạn bè, tình làng nghĩa xóm, ơn của người vãng lai,… – làm sao chúng ta có thể biết ơn và đền ơn?

Kinh thánh dạy: “Hãy thảo kính Cha Mẹ” (x. Tb 4:3; Hc 3:8), còn Kinh Phật dạy: “Tột cùng thiện không gì bằng CÓ HIẾU, tột cùng ác không gì bằng BẤT HIẾU”. Không có gì đối lập, dù đạo hay đời. Thật tuyệt! Sau khi Đức Maria và Đức Thánh Giuse tìm thấy Chúa Giêsu và “trách yêu”: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48), nhưng rồi Chúa Giêsu vẫn ngoan ngoãn theo cha mẹ về Nadarét và hằng vâng phục các ngài (x. Lc 2:51). Vì vậy, lễ Vu lan gợi nhớ tinh thần cao đẹp của chúng ta dành cho tổ tiên. Nghĩ đến tình thương cha mẹ đối với chúng ta như thế nào để cố gắng tu thân, cố gắng đền ơn đáp nghĩa “chín đức cù lao” (*) của song thân phụ mẫu, như thế mới phần nào xứng đáng là người con có hiếu – dù có thể chúng ta không theo kịp “nhị thập tứ hiếu” (chuyện 24 người con chí hiếu).

Hãy thắp một nén nhang mỗi tối và cầu nguyện cho những người đã khuất. Đó vừa là văn hóa vừa là đạo đức và sống đức tin Công giáo vậy!

LỤC BÁT VU LAN 

Chiều chiều ra đứng ngõ sau 
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều 
Vu Lan chợt nhớ ca dao 
Nghe lòng trống vắng buồn hiu một mình 
Hoàng hôn rồi lại bình minh 
Mẹ đi, con chịu cảnh tình lao đao 
Công ơn Mẹ đức cù lao
Giờ con khắc khoải nỗi đau giữa đời! 
Con cầu xin Đức Chúa Trời 
Xót thương Mẹ đã một đời tân toan…

TRẦM THIÊN THU

 

____________________

(*) 1. Sinh (sinh nở), 2. Cúc (nâng niu, nâng đỡ), 3. Phủ (vỗ về, âu yếm), 4. Dưỡng (nuôi nấng, cho ăn, bú mớm), 5. Trưởng (nuôi cho khôn lớn), 6. Dục (dạy dỗ, uốn nắn), 7. Súc (săn sóc, chăm chút, trông nom), 8. Phục (chiều chuộng), 9. Phúc (che chở, bảo vệ).

Trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật kể đến 10 công đức của mẹ đối với con cái: 1. Chín tháng cưu mang khó nhọc, 2. Sợ hãi, đau đớn khi sinh, 3. Nuôi con cam đành cực khổ, 4. Nuốt cay, mớm ngọt cho con, 5. Chịu ướt, nhường ráo cho con, 6. Sú nước, nhai cơm cho con, 7. Vui giặt đồ dơ cho con, 8. Thương nhớ khi con xa nhà, 9. Có thể tạo tội vì con, 10. Nhịn đói cho con được no.

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …