Home / Chia Sẻ / BỔN PHẬN TÔI TỚ

BỔN PHẬN TÔI TỚ

BỔN PHẬN TÔI TỚKhi Hồng Y Angelo Giuseppe Roncalli được bầu làm vị Giáo Hoàng thứ 261 của Giáo hội Công giáo vào ngày 28-10-1958, với tông hiệu Gioan XXIII và khẩu hiệu “Obœdientia et Pax” (Vâng phục và Bình an), hiển thánh ngày 27-4-2014. Có lần ngài đã kể lại một kinh nghiệm độc đáo này:

“Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: ‘Kìa Gioan, ĐỪNG TỰ XEM MÌNH LÀ QUAN TRỌNG!’. Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên y như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng!”

Trong chữ Khôn Ngoan, chữ Khôn mà có thêm mẫu tự G thì thật nguy hiểm, vì nó biến thành KHÔNG NGOAN. Sai một ly đi một dặm! Chúa Giêsu đã so sánh: “Con cái thế gian khôn ngoan hơn con cái sự sáng” (Lc 16:8). Ngài đã quả quyết và xác định như vậy. “Khôn ngoan” ở đây không phải là một lời khen, mà là một lời cảnh báo và chê trách. Khôn ngoan ở đây là khôn ranh, ranh ma hoặc ranh mãnh. Nói theo cách bình dân là “đểu”.

KHÔN và NGOAN

Ai cũng có quỹ thời gian như nhau, không hơn 1 phút và không kém 1 giây. Ai cũng có tài năng riêng, người thì giỏi về lĩnh vực này, người thì giỏi về lĩnh vực kia, có thể là mức độ khác nhau, nhưng mức chênh lệch đó là do mình, vì người Việt chúng ta nói: “Cần cù bù thông minh”. Người ta học một biết mười, tôi cố học mười chắc cũng được năm, được bảy. Chỉ tại lười mà dốt. Người không muốn cố gắng làm thì ai dám giao việc? Anh “bán trời không văn tự” thì làm sao tôi tin anh? Đó là thừa nói, thiếu ăn!

Chúa trao cho mỗi người số nén-tài-năng “tuỳ khả năng riêng mỗi người” (Mt 25:15). Vấn đề không là vốn nhiều hay ít, mà là mình có sinh lời số vốn đó hay không. Có trách nhiệm và nỗ lực sinh lời mới quan trọng. Được năm nén, nếu không sinh lời được gấp đôi thì cũng phải sinh lời hai hoặc ba nén. Được hai nén, nếu không sinh lời được gấp đôi thì cũng phải sinh lời một nén. Đó là chứng tỏ nỗ lực của mình: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Phaolô trồng, Apollo tưới, Thiên Chúa mới cho mọc lên (x. 1 Cr 3:6).

Những đầy tớ biết sinh lời “vốn đời” của mình sẽ được Thiên Chúa chúc lành: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25:21). Thật hạnh phúc biết bao!

KHÔN mà KHÔNG NGOAN

Người ta có câu: “Cho không lấy, thấy không xin, kín thì rình, hở thì rinh”. Đó là một kiểu “cướp cạn”. Xã hội hàng ngày có nhiều loại người và nhiều kiểu ăn chặn – từ vụ nhỏ tới vụ lớn, người ta lợi dụng nhau đủ thứ.

Đó là hình ảnh của người lãnh một yến, họ không nỗ lực sinh lời mà lại đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Họ lý luận tiêu cực và đơn giản: “Không có mợ, chợ vẫn đông”. Xã hội có những người ích kỷ như vậy thì xã hội không thể nào phát triển tốt đẹp. Họ làm không vì công ích mà vì tư lợi, cảm thấy không có lợi cho mình thì thụ động. Cuộc sống con người có nhiều thứ liên đới: Liên đới trách nhiệm, liên đới môi trường, liên đới tình cảm, liên đới quan hệ, liên đới công việc,… thậm chí cả liên đới tội lỗi. Cái đúng của mình có liên đới với người khác, và cái sai của mình cũng có liên đới với người khác. Không ai có thể là ốc đảo, và không thể bo bo riêng mình.

Khoảng 20 năm trước, một linh mục quản nhiệm một xứ ở vùng quê, thuộc GP Xuân Lộc, muốn khuyến khích trẻ em tham dự thánh lễ, nhưng có “luật tiêu cực” là mỗi em phải nộp 500 đồng (thời giá hồi đó) để chứng tỏ mình có dự lễ. Tôi đã phân tích cho một số giáo dân thấy cái sai của việc “khuyến khích” đó nhưng họ không chịu nghe, cứ tưởng như vậy là… tốt! Trẻ em làm gì có tiền? Vậy tiền đó phải xin cha mẹ, mà cha mẹ ở vùng quê làm gì có thu nhập thường xuyên? Những nhà có vài con ở tuổi thiếu nhi thì số tiền cha mẹ phải “è cổ” ra cho chúng thì chúng mới dám đi lễ. Tại sao không dùng cách tích cực khác để thu hút trẻ em đến với Chúa mà lại áp dụng “luật rừng” như thế? Tôi thấy linh mục kia không phải là chủ chăn đích thực. Sự liên đới kia chắc chắn có những hệ lụy không tốt, và chính Thiên Chúa là người buồn nhất và khổ nhất!

Sách Khôn Ngoan dạy: “Hãy yêu chuộng đức công chính, hỡi những người cai trị trần gian, hãy suy tưởng ngay lành về Đức Chúa và thành tâm kiếm tìm Người” (Kn 1:1). Người ta – cả đời lẫn đạo – luôn có những kiểu nói tự biện hộ cho việc sai trái của mình, vì họ không muốn hiểu rằng “những lý luận quanh co khiến con người lìa xa Thiên Chúa” (Kn 1:3). Thật nguy hiểm!

Người lãnh một yến rồi đem chôn giấu, và lý luận “cùn”: “Tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” (Mt 25:24-25). Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!” (Mt 25:26-28). Đó là hậu quả tất yếu: “Hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến” (Mt 25:28). Ngay cả trí tuệ con người cũng được khoa học chứng minh rằng nếu chúng ta không chịu động não, các “rãnh chất xám” sẽ khô dần, như cành cây không phát triển thì sẽ khô chết dần.

Và Chúa Giêsu xác định: “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25:29). Còn đầy tớ nào vô dụng sẽ phải vào nơi tối tăm mà khóc lóc và nghiến răng (x. Mt 25:30). Không khôn nến hóa khốn!

VĨ NGÔN

Về nguyên tắc công ích, Giáo huấn Xã hội Công giáo ghi: “Mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Công ích không chỉ đơn giản là tổng số các thiện ích riêng của mỗi người trong một thực thể xã hội. Dù là thuộc về mọi người và mỗi người, công ích vẫn là và mãi mãi là ích lợi CHUNG, vì nó không thể phân chia được và vì khi cùng chung như thế người ta mới có thể có được nó, mới phát triển và bảo vệ được hiệu quả của nó, với tầm nhìn hướng về tương lai” (số 164). Hoặc: “Con người không thể tìm được sự phát triển mỹ mãn nơi chính bản thân mình, nếu bỏ qua sự kiện là con người hiện hữu VỚI người khác và VÌ người khác” (số 165).

Công ích đó có tính liên đới yêu thương, cũng là sự hiệp thông trong Giáo hội ba-trong-một (GH Chiến thắng, GH Chiến đấu, và GH Đau khổ) của Thiên Chúa vậy.

Lạy Thiên Chúa nhân hậu và công bình, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng (Lc 17:10), nhưng chúng con có nhiệm vụ phải phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân, xin giúp chúng con trở thành những đầy tớ trung tín và khôn ngoan, luôn tỉnh thức để làm trọn trách nhiệm của mình là sinh lời những gì Ngài đã trao cho chúng con, hoàn tất bổn phận không chỉ để được tặng thưởng mà trước hết phải là vì yêu mến Ngài, yêu mến tha nhân và cứu rỗi các linh hồn. Xin thương tha thứ những lúc chúng con tự mãn và ích kỷ, xin biến đổi chúng con nên giống Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN