Thiên nhiên có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tứ thời, bát tiết luân phiên chuyển đổi, và cảm xúc con người cũng ảnh hưởng thay đổi theo thất tình: Hỷ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố, Dục. Con người bình thường mà khác lạ, cũng vô thường như thiên nhiên, vì thế mà luôn phải nỗ lực vượt lên chính mình, không thể ỷ lại. Vả lại, chính cái “tội trong tư tưởng” mới là tội đáng quan ngại nhất, nhưng đôi khi người ta “làm ngơ” nó.
Thật thú vị và chí lý khi thấy rằng có bốn mùa thiên nhiên thì cũng có bốn mùa tâm linh. Phải chăng Thiên Chúa đã quan phòng tiền định từ thuở hồng hoang? Không ai biết, nhưng điều đó như “được ứng nghiệm” tỏ tường, nhất là từ năm 2002, khi Đức Gioan Phaolô II thêm Năm Sự Sáng.
ĐỨC MẸ VÀ CHUỖI MÂN CÔI
Tháng Mười rất đặc biệt về nhiều thứ, cách riêng là Tháng Mân Côi và có ngày 13 tháng Mười, lần hiện ra cuối cùng quan trọng, trời mưa tầm tã mà không ai bị ướt, và rồi có phép lạ Mặt Trời Múa trước sự chứng kiến của khoảng 70.000 người, trong đó có cả những người hoài nghi và các khoa học gia. Sự thật minh nhiên, không thể chối cãi.
Như chúng ta đã biết, trong 6 lần hiện ra tại Fátima (Bồ Đào Nha) với ba trẻ chăn chiên (Luxia, Phanxicô và Giaxinta) vào năm 1917, Đức Mẹ đã đưa ra 3 mệnh lệnh: [1] Ăn Năn Đền Tội, [2] Tôn Sùng Mẫu Tâm, [3] Siêng Năng Lần Chuỗi Mân Côi. Và có 3 bí mật Fatima: [1] Thị kiến Hỏa Ngục, [2] Thế chiến I & II, [3] Kêu gọi sám hối và việc ám sát giáo hoàng. Đức Mẹ ân cần nhắn nhủ: “Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày… Hãy cầu nguyện nhiều và dâng những hy sinh để cầu cho các tội nhân… Ta là Mẹ Mân Côi. Chỉ có Mẹ mới có thể giúp các con. …Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ thắng!”
Hạnh phúc cho ai yêu mến Đức Mẹ, đặc biệt là tận hiến cho Đức Mẹ và niệm kinh Mân Côi. Kinh Thánh và Kinh Mân Côi đan quyện với nhau, vì Kinh Mân Côi là “Bản tóm lược Kinh Thánh.” Lần chuỗi Mân Côi là một cách thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ, đồng thời được thêm nhiều lợi ích qua việc kết hiệp với Đức Kitô, để nhờ Đức Mẹ đến với Chúa Cha qua Con Yêu Dấu Giêsu Kitô – Độc Đạo duy nhất dẫn tới Vương Quốc Vĩnh Hằng.
Thánh Gioan Phaolô II cho biết: “Kinh Mân Côi là Mầu Nhiệm của các Mầu Nhiệm. Lần chuỗi Mân Côi là giao phó những gánh nặng cho Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Kitô và Mẹ Maria.” Thật tuyệt vời khi Thánh Gioan Phaolô II dùng châm ngôn “Totus tuus – Tất cả nhờ Mẹ” cho đời mục tử của ngài. Đó là cách hoàn toàn tận hiến và giao phó mọi sự cho Đức Mẹ.
Có lần Đức Mẹ cho biết rằng mỗi lần đọc một kinh Kính Mừng là dâng cho Mẹ một đóa hồng tươi đẹp, và đọc xong một chuỗi Mân Côi là dâng cho Mẹ một triều thiên hoa hồng. Kinh Mân Côi có lời nguyện Fátima đầy ý nghĩa: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.” Thật ra chúng ta chưa bao giờ kính mến Đức Mẹ đủ mức theo như Mẹ mong ước. Chúng ta càng kính mến Đức Mẹ bao nhiêu thì chúng ta càng kính mến Chúa bấy nhiêu.
Đức Gioan Phaolô II là “Giáo Hoàng của Đức Mẹ.” Chính Đức Mẹ đã chọn ngài cách riêng. Cả thế giới đều biết Ngài, không bao giờ ngài phát biểu lời nào mà không nhắc tới Đức Trinh Nữ Maria. Không có tài liệu nào trong triều đại giáo hoàng của ngài mà lại không kết thúc bằng lời nguyện cùng Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa. Để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ, và để truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ cho mọi người, ngài đã thành lập Năm Mân Côi – từ tháng 10-2002 đến tháng 10-2003. Ngài nói: “Tôi muốn rằng Kinh Mân Côi phải được nổi bật trong các cộng đồng Kitô khắp thế giới.” Có thể nói rằng chưa bao giờ Giáo Hội thành lập Năm Mân Côi như vậy.
Đức Kitô mong muốn tất cả chúng ta yêu thương mọi người trong Nhiệm Thể Ngài, nhất là những người hèn mọn. Yêu người là thước đo lòng mến Chúa. Thánh tiến sĩ Tôma Aquinô nói: “Có ba điều cần để con người được cứu độ: biết mình TIN gì, biết mình MUỐN gì, và biết mình LÀM gì.” Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì mới là hành động. Cầu nguyện là lắng nghe Chúa, điều mà Chúa Giêsu nói là “phần tốt nhất.” (Lc 10:38-42) Thật vậy, bác học André-Marie Ampère (1775-1836, người Pháp) nói: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện.”
Ai chào kính Đức Mẹ bằng Kinh Kính Mừng thì Đức Mẹ sẽ chào lại bằng ơn phúc. Đức Mẹ luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhạc sĩ và thi sĩ, và họ cũng vui mừng kính chào Đức Mẹ: “Ave Maria.”
Về thơ, chúng ta có “Ave Maria” của thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940). Về nhạc, chúng ta có “Ave Maria” của nhà soạn nhạc Charles-François Gounod (1818-1893), “Ave Maria” của nhà soạn nhạc Franz Peter Schubert (1787-1828), và “Ave Maria” của Lm Ns Vinh Hạnh (1931-1966). Chúng ta cùng dâng lên Đức Mẹ lòng yêu mến chân thành: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”
ĐỨC MẸ VÀ CÁC THÁNH
Chính Chúa Giêsu nói với Thánh Catarina Siena: “Ta muốn ban cho Mẹ Maria đặc ân này vì lòng nhân từ của Ta, và để tôn kính Ngôi Hai nhập thể: bất cứ ai, dù tội lỗi đến đâu, mà kính cẩn tin yêu chạy đến kêu xin Mẹ Maria, sẽ không rơi vào quyền lực của quỷ dữ.”
Các thánh là những người rất yêu mến Đức Mẹ. Với kinh nghiệm yêu mến, các thánh nói gì về Đức Mẹ?
- Hãy yêu mến Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi, vì Kinh Mân Côi là vũ khí chống lại sự dữ trong thế giới ngày nay. Mọi ân sủng đều được Thiên Chúa trao ban qua Đức Mẹ. (Thánh Piô Năm Dấu)
- Kinh Mân Côi là kho tàng vô giá được Thiên Chúa linh hứng. (Thánh Louis de Montfort)
- Hãy chạy đến với Đức Maria, ngã vào vòng tay Mẹ với lòng tin tưởng hoàn toàn. (Thánh François de Sales)
- Tôn sùng Mẹ là dấu chỉ linh hồn có ơn thánh, hay ít nhất cũng sắp được ơn thánh. Con người còn thở chứng tỏ họ còn sống, tôi tớ Mẹ còn kêu tên Mẹ cũng chứng tỏ họ còn sống, còn hoạt động và còn được ơn Chúa phù hộ. (Thánh Germanô)
- Đức Mẹ hộ phù, chúng con khỏi chết; Đức Mẹ cầu bầu, chúng con được sống. (Thánh Laurenzo Justiniano)
- Người nào được Mẹ cầu nguyện cho một lần thôi thì cũng không thể bị chúc dữ đời đời. (Thánh Anselmô)
- Đức Mẹ là phần rỗi của mọi người kêu cầu Mẹ. Ai bền lòng phụng sự Mẹ thì không thể hư mất. Những ai tin tưởng xin Mẹ cầu bầu đều được cứu rỗi.(Thánh Bônaventura)
- Đức Mẹ là chiếc thang bắc lên Trời. Nhờ Mẹ mà Thiên Chúa đã từ Trời xuống thế gian, và cũng nhờ Mẹ mà loài người từ đất lên tới Trời. (Thánh Fulgentius)
- Đức Mẹ thánh đức và cao cả hơn chúng ta bao nhiêu thì cũng khoan dung và xót thương hơn bấy nhiêu đối với các hối nhân. (Thánh Grêgôriô Cả)
- Đức Mẹ có thể đem lại hy vọng cứu rỗi cho cả những linh hồn tuyệt vọng nhất. Ðược sống dưới sự che chở của Mẹ là niềm hạnh phúc lớn lao. (Thánh Ðamianô)
- Tội nhân ơi, chính vì bạn bất xứng nhận ơn Chúa mà Chúa đã ban mọi ơn cho Mẹ, để bạn đến nhận lấy từ tay Mẹ. Và Mẹ là xe tốc hành về trời. (Thánh Bênađô)
- Ai luôn luôn nhiệt tâm sùng kính Đức Nữ Trinh Mẹ Thiên Chúa thì không thể chết dữ được. Ôi, lạy Mẹ Đồng Trinh, một tội nhân không thể được cứu rỗi nếu Mẹ không cứu giúp hộ phù! (Thánh InhaxiôTử Đạo)
Cuối cùng, đặc biệt trong Tháng Mười Này, hãy áp dụng bí quyết nên thánh của Lm Leo Dehon (1843-1926, sáng lập dòng Hiến Sĩ Thánh Tâm – The Oblates of the Sacred Heart, nay là dòng Linh Mục Thánh Tâm – The Priest of the Sacred Heart). Ngài cho biết: “Có hai điều cần để nên thánh: Hãy tách khỏi chính mình và các thụ tạo; yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân trong Thiên Chúa. Hãy nên thánh, nhưng nên thánh kín đáo, làm việc tốt hằng ngày, không ồn ào hoặc chứng tỏ ra bên ngoài.”
Đặc biệt hơn, hãy lưu ý vấn đề Đức Mẹ Fátima đã đặt ra: “Nếu loài người biết vĩnh cửu là gì thì họ sẽ làm mọi thứ để thay đổi cuộc đời.”
Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Ðức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Lễ Đức Mẹ Mân Côi – 2024
Kính Mừng Mẹ Mân Côi – https://youtu.be/VymUxR6F74Q