Một cách hiểu lầm phổ biến là việc bố thí và việc đóng thập phân không khác nhau, cho rằng chúng là một, hoặc cái này có thể thay thế cho cái kia. Thật ra chúng là hai hành vi công lý khác nhau mà cả hai đều được Phúc Âm yêu cầu.
Bố thí là hành vi công bằng nằm trong nguyên tắc về Điểm Đến Phổ Thông của Hàng Hóa. Nguyên tắc này của Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo bắt nguồn từ Sáng Thế, nơi Chúa ban tặng mọi của cải trên trái đất cho nhân loại sử dụng. Do đó, của cải trên trái đất, tài nguyên thiên nhiên, nghĩa là cho tất cả mọi người sử dụng khi cần. Mọi người đều có quyền đối với những hàng hóa mà họ cần để sống đàng hoàng. Mỗi người đều có quyền làm việc để có được những hàng hóa này – việc làm phù hợp với mức lương công bằng là một quyền của con người. Nếu ai đó đang túng thiếu hoặc nghèo đói, họ có quyền được bố thí – và những người theo Kitô giáo có bổn phận phải bố thí cho họ. Nhiều Giáo Phụ của Giáo Hội khẳng định rằng “không bố thí cho những người túng thiếu là ăn cắp của họ.”
Chúa Kitô nói rõ rằng chúng ta phải bố thí, điều này không tùy ý: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6:1-4)
Bố thí được chia thành 7 việc thương xót về tinh thần và 7 việc thương xót về thể xác, vì vậy có nhiều cách chúng ta có thể bố thí và nhiều mục đích hoặc tổ chức khác nhau mà chúng ta có thể hỗ trợ họ. (Thomas Aquinas, ST II-II, q. 32, a. 2) Chắc chắn chúng ta có thể trao phần bố thí cho các tổ chức từ thiện (phi lợi nhuận) để sử dụng số tiền đó một cách tốt đẹp. Chúng ta cũng có thể tẩy chay các tổ chức có liên quan đến nhiều điều xấu xa khác nhau (ví dụ, các tổ chức khuyến nghị biện pháp tránh thai – các báo cáo gần đây cho thấy rằng Catholic Relief Services đang giới thiệu mọi người đến các cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai và biện pháp tránh thai ở Phi châu. Vì vậy, khi bố thí, chúng ta có thể tính đến phần bố thí được sử dụng như thế nào.
Thập phân là cách thực hành hoàn toàn khác. Hai hành động này chỉ giống nhau ở biểu hiện vật chất: cả hai đều là hành động trao tặng tiền bạc. Về hình thức, chúng là những hành động riêng biệt. Bố thí là vấn đề công bằng đối với người khác, đối với người nghèo, còn việc đóng thập phân là vấn đề công bằng đối với Thiên Chúa. Thập phân là hành vi đức hạnh tôn giáo, liên quan việc tôn thờ Thiên Chúa đúng mức. (Aquinas, ST II-II, q. 81, 87) Thập phân liên quan việc trao lại một phần tài sản của chúng ta cho Thiên Chúa, nguồn gốc của tài sản. Để làm như vậy, chúng ta trao nó cho Nhiệm Thể Chúa Kitô, tức là Giáo Hội. Hơn nữa, đó là vấn đề công bằng đối với Giáo Hội, là nơi nuôi dưỡng chúng ta về mặt tinh thần. Thánh Phaolô viết: “Một khi chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, nếu chúng tôi gặt của vật chất nơi anh em, thì đâu có phải là chuyện quá đáng? Nếu những người khác còn có quyền đòi hỏi anh em, huống hồ là chúng tôi! Nhưng chúng tôi đã không dùng quyền đó. Trái lại, chúng tôi chịu đựng tất cả mọi sự để khỏi gây trở ngại cho Tin Mừng của Đức Kitô.” (1 Cr 9:11-12)
Theo truyền thống, tiền thập phân được trả theo tỷ lệ 10 phần trăm. Người ta lấy 10 phần trăm thu nhập của mình và đưa cho Đền Thờ (trong Cựu Ước) hoặc cho Giáo Hội. Mặc dù Giáo Hội không còn quy định số tiền thập phân nhất định, nhưng người Công Giáo vẫn bị ràng buộc phải đóng góp tiền bạc cho Giáo Hội, nếu không sẽ phải chịu tội nghiêm trọng. (GLCG số 2043) Theo Giáo Luật, đó là bổn phận nghiêm trọng như việc tham dự Thánh Lễ vào các Chúa Nhật và các lễ buộc.
Không giống như bố thí là chúng ta phải quan tâm rằng số tiền chúng ta cho sẽ được sử dụng tốt (đó là toàn bộ mục đích của việc bố thí, để giúp đỡ người nghèo), tiền thập phân không tính đến những cân nhắc như vậy. Chúng ta có nghĩa vụ phải đưa tiền cho Giáo Hội như một hành động thờ phượng đối với Thiên Chúa và công lý đối với Giáo Hội, vì Giáo Hội nuôi dưỡng chúng ta về tinh thần qua các bí tích. Nghĩa vụ này vẫn còn ngay cả khi các thành viên của Giáo Hội phụ trách tài chính là những kẻ xấu xa, ngay cả khi chúng ta chắc chắn rằng số tiền chúng ta cho sẽ bị lãng phí, ngay cả khi chúng ta chắc chắn rằng các giáo sĩ sẽ sử dụng tiền thập phân của chúng ta để tài trợ cho ham muốn của họ với gái mại dâm. Khi chúng ta nộp tiền thập phân, chúng ta dâng tiền cho Thiên Chúa. Nếu sau đó các giáo sĩ lạm dụng số tiền đó thì tội lỗi hoàn toàn là của họ.
Mặc dù điều này có vẻ khó khăn, nhưng đó là điều mà chính Chúa Kitô đã làm. Trong Lc 21, Chúa Kitô khen ngợi bà góa nghèo đã dâng hai đồng tiền cuối cùng của mình cho Đền Thờ. Ngài cũng nộp thuế đền thờ trong Mt 17:24-27. Mặc dù Chúa Kitô, với tư cách là Đấng Mêsia và Con Thiên Chúa, được miễn thuế thập phân, nhưng Ngài vẫn chọn nộp thuế để tránh gây tai tiếng cho người khác. Tuy nhiên, hệ thống đền thờ đặc biệt thối nát vào thời Chúa Kitô. Ngài đuổi những người đổi tiền ra khỏi đền thờ bằng sự tức giận được tường thuật trong cả bốn Phúc Âm. (Mt 21, Mc 11, Lc 19, Ga 2) Chúa Kitô lên án nhiều tội lỗi của các kinh sư và người Pharisêu trong Mt 23. Cuối cùng, hội đồng đền thờ đã hành quyết Chúa Kitô. Một Giáo Hội đầy rẫy những thành viên thối nát, giống như đền thờ vào thời Chúa Kitô, sẽ không xóa bỏ nghĩa vụ nộp thập phân của chúng ta.
Bố thí và thập phân là hai điều khác nhau. Cả hai đều cần thiết, nhưng không thể thay thế nhau. Người ta không thể bỏ qua bất kỳ điều nào. Người ta không thể chỉ chọn một cách, không thể bố thí thêm thay vì phần thập phân, hoặc nộp thập phân thêm thay cho phần bố thí. Chúng ta phải vừa cho Thiên Chúa vừa cho người nghèo.
MATTHEW McKENNA
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết – 2024