Home / Chia Sẻ / BIẾU XUÂN TẶNG TẾT

BIẾU XUÂN TẶNG TẾT

+ BIẾU XUÂN TẶNG TẾTThánh Gioan xác định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Đó là tặng phẩm vô giá và tuyệt vời nhất. Đời sống Kitô hữu có vẻ lặng lẽ nhưng không trĩu nặng u buồn, nghĩa là lúc nào cũng “vui như Tết” vì luôn được tận hưởng quà tặng của Chúa Cha là Đức Kitô Giêsu.

Thời gian vui Xuân mừng Tết là lúc thảnh thơi, người ta có thời gian đi thăm nhau và chúc nhau những điều tốt lành nhất, và thường có chút quà biếu nhau để chia sẻ niềm vui Xuân, gọi là quà Tết. Đó cũng là một cách lì xì.

Người giàu thì biếu nhau những món quà giá trị cao về vật chất, người nghèo thì không đủ tiền để mua sắm như người giàu, nên đôi khi người nghèo cũng thấy ngại, ngay cả bà con thân thuộc cũng chẳng tránh được cái “thói đời” này, thậm chí còn bị khinh ra mặt. Biết sao được, vì thời nay người ta coi trọng vật chất hơn tinh thần. Nói mà không có “phong bì” thì bị người khác “khó chịu” trong cái bụng lắm. Chuyện đời quá nhiêu khê!

Thôi thì có vật chất làm quà tết biếu nhau cũng tốt, còn không thì tinh thần và tình cảm vẫn là điều quan trọng hơn. NS Nguyễn Hiền có món quà Tết độc đáo lắm, ông tặng cả mùa Xuân, do đó ông đã viết ca khúc “Anh Cho Em Mùa Xuân”, phổ thơ của Thi sĩ Kim Tuấn. Ca khúc này viết ở nhịp 4/4, âm thể Trưởng, tiết tấu giản dị nhưng vẫn tạo sự vui nhộn của không khí mùa Xuân, lời thơ cũng mộc mạc, bình dị như những người dân quê chất phác.

“Anh” ở đây là chính mình (dù nam hay nữ), là đại từ chỉ ngôi thứ nhất số ít, là người tặng; còn “em” là đại từ ngôi thứ hai, là người được tặng (dù người đó là ai). Vấn đề là chân thành tặng nhau với cả tấm lòng: “Anh cho em mùa Xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều Đông nào nhung nhớ”. Nỗi nhớ thường gắn liền với mùa Đông, có lẽ do cái lạnh khiến người ta có nhiều cảm xúc. Nỗi nhớ đó có thể là nỗi nhớ của đôi tình nhân, của cha mẹ và con cái, của ông bà và cháu chắt, của anh chị em, của bạn bè, của người thân, của người quen,… Mùa Xuân rộn rã nhưng đâu phải ai cũng “vui như Tết”, có người vẫn mặc vẻ trầm tư kỳ lạ: “Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn hè phố, mắt buồn vin ngọn cây”.

Tặng nhau cả mùa Xuân thì quá tuyệt vời, vì mùa Xuân nở hoa và nảy lộc, chẳng mùa nào đẹp tươi hơn: “Anh cho em mùa Xuân, mùa Xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá”. Cảnh quê thật êm ả và trữ tình, toát lên vẻ thơ mộng từ những gì đơn sơ nhất: “Lời thơ rung cõi đời, bầy chim lùa vạt nắng, trong khói chiều chơi vơi”. Khói bay chơi vơi là khói lững lờ bay lên từ các nhà bếp lợp tranh, nhìn khói như lớp sương phủ dính vào mái nhà, chơi vơi mà không buồn, chơi vơi mà đậm đà tình làng nghĩa xóm. Thương biết bao!

Nói đến đồng quê Việt Nam thì người ta nghĩ ngay tới những ruộng lúa như tấm thảm xanh mướt tận chân trời: “Đất Mẹ gầy cỏ lúa, đồng ta xanh mấy mùa, ngoài đê diều căng gió, thoảng câu hò đôi lứa”. Quê hương có Mẹ, ở đâu có Mẹ là có quê hương, có đất nước, có tổ quốc, nên người ta gọi là Đất Mẹ. Đẹp lắm những cánh diều no gió bay cao vút, xa xa vọng vang những tiếng hò thật hữu tình. Ngoài đồng ruộng còn đẹp như vậy, huống chi là xóm làng: “Trong xóm vắng chuông chùa, trăng sáng soi liếp dừa, con sông dài mấy nhánh, cát trắng bờ quê xưa”. Ai có tâm hồn nghệ sĩ thì không thể không viết vài câu thơ hoặc sáng tác một khúc ca. Quê hương là thế, giản dị mà tuyệt vời!

Quà Tết vật chất thì nhỏ, còn quà Tết tinh thần thì to lớn lắm, cả mùa Xuân kia mà! Hãy tặng nhau cả mùa Xuân cho tình yêu thương lên ngôi, cho tình người ngự trị, cho niềm vui trải rộng mọi chiều kích cuộc đời: “Anh cho em mùa Xuân, trẻ nô đùa khắp trời, niềm yêu đời phơi phới”. Quà Tết tinh thần còn tuyệt vời hơn vì đó là mùa Xuân quê hương, nơi đất lành chim đậu, nơi chôn nhau cắt rốn: “Bàn tay thơm sữa ngọt, dải đất hiền chim hót, mái nhà xinh kề nhau”. Mái nhà san sát nhau, không bao giờ rời xa nhau, đó là biểu tượng của tình nghĩa đồng bào, như ca dao nói: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Có Xuân là có Tết, có hoa, có nhạc, có niềm vui tưng bừng, vui từ nhà ra ngõ, vui đó vui đây, vui lây sang mọi người: “Anh cho em mùa Xuân, đường hoa vào phố nhỏ, nhạc chan hòa đây đó”. Cuộc đời luôn cần có tình yêu – tình gia đình, tình xóm giềng, tình đồng bào, tình đồng loại: “Tình yêu non nước này, bài thơ còn xao xuyến, rung nắng vàng ban mai”. Ở đâu có tình yêu thương thì ở đó có mùa Xuân ngự trị.

NS Nguyễn Hiền dùng đoạn coda (kết) ngắn gọn, không kết ở chủ âm mà kết ở trung âm, chuyên môn gọi là “kết nữ”, ít ca khúc dùng loại này nên khá đặc biệt: “Anh cho em mùa Xuân, nhạc thơ tràn muôn lối”. Nét nhạc đi lên như hy vọng dâng cao trong tâm hồn mọi người suốt cả năm mới này.

Tặng nhau cả mùa Xuân trọn vẹn, có nhạc và có thơ, vừa lãng mạn vừa chân thành: Cung Chúc Tân Xuân – Chúc Mừng Năm Mới!

Kinh thánh nói: “CHO thì có phúc hơn là NHẬN” (Cv 20:35). Dù vật chất hay tinh thần cũng vậy. Chúa Giêsu nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7:7). Chính Ngài đã làm trước nên mới dạy chúng ta như vậy. Và đó cũng là lời hứa chắc chắn, bằng chứng là chúng ta đã cầu nguyện và luôn nhận được những điều chúng ta xin – nếu đúng Ý Chúa.

Nhưng Ngài cũng cảnh báo chúng ta: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7:12). Chỉ là người đời thôi mà cũng cảm nhận được điều mà Chúa Giêsu đã dạy, như cổ nhân nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác).

Chúa Giêsu còn khuyến cáo chúng ta điều cao hơn: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33). Đó là điều tối cần thiết cho bất kỳ ai mệnh danh là Kitô hữu.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN