I. BÍ TÍCH
Giáo hội khởi đầu từ Đông phương, trong số những người nói tiếng Hy Lạp, thế nên ngôn ngữ của Giáo hội xưa là Hy ngữ. Nghi lễ của Giáo hội, chẳng hạn Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể, được gọi là Mầu nhiệm của Giáo hội, và Giáo hội Đông phương vẫn như vậy.
“Mầu nhiệm” (mystery) là từ ngữ Hy Lạp, thường được dùng trong các cuộc thảo luận về triết học và tôn giáo đề cập kiến thức chưa rõ ràng, nhưng nay được mặc khải. Từ ngữ “mầu nhiệm” trong Hy ngữ có dạng só ít là μυστηριον (mysterion), và số nhiều là μυστηρια (mysteria).
Khi cử hành việc thờ phượng, chúng ta vẫn tuyên xưng Mnh Đức tin: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
Giáo hội xưa gọi đó là “Mầu nhiệm Đức tin” vì tin rằng Cựu Ước đã dạy giáo lý này, nhưng điều đó chỉ trở nên rõ ràng trong Đức Kitô Giêsu. Thánh Phaolô cho biết:
“Chúng ta không làm như ông Môsê lấy màn che để dân Israel khỏi thấy khi nào cái chóng qua kia chấm dứt. Nhưng trí họ đã ra mê muội. Thật vậy, cho đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, tấm màn ấy vẫn còn, chưa được vén lên, vì chỉ trong Đức Kitô, tấm màn ấy mới được vứt bỏ. Phải, cho đến nay, mỗi khi họ đọc sách ông Môsê, tấm màn vẫn che phủ lòng họ. Nhưng khi người ta quay lại với Chúa, thì tấm màn mới được cất đi. Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do. Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3:13-18).
Giáo hội xưa tin rằng các Kitô hữu dần dần được biến đổi nên giống Chúa. Một phần biến đổi này là cách chúng ta sống như các tác nhân của Chúa quan phòng trong những con người của thế giới, và một phần điều này xảy ra trong các nghi lễ của Giáo hội. Các nghi lễ này cho chúng ta biết sự thật đã từng khó hiểu, thế nên được gọi là “mầu nhiệm”.
Vào cuối thế kỷ III, La ngữ “vượt mặt” Hy ngữ ở Tây phương, một nửa của Đế quốc La Mã. Các giáo sĩ Tây phương rao giảng bằng La ngữ, các thần học gia Tây phương viết bằng La ngữ, và các học giả Tây phương cũng dùng La ngữ để dịch Kinh Thánh. Các Kitô hữu Tây phương nghe giảng, đọc sách và Kinh Thánh bằng La ngữ.
Chữ μυστηριον (mầu nhiệm) là một vấn đề, vì La ngữ không có từ tương đương. Người ta chuyển chữ Hy Lạp sang La ngữ là “mysterium”, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, vì đa số những người nói tiếng Latin không hiểu được chữ đó có ý nghĩa gì. Do đó, các học giả không thể sử dụng chữ sacramentum để dịch chữ μυστηριον của Hy ngữ. Trong số các học giả này có Tertullian – một trong các thần học gia Latin thời kỳ đầu, và Thánh Giêrônimô – người dịch Kinh Thánh sang La ngữ vào khoảng 100 năm sau đó.
Nhưng họ lấy chữ này ở đâu và tại sao lại chọn chữ này? Người ta mượn chữ này của quân đội Rôma. Một người trở thành binh sĩ của quân đội Rôma qua một nghi thức – gọi là “sacramentum”. Nghi thức có hai phần: người lính tuyên thệ, và phía sau tai được khắc dấu số của quân đoàn. Người lính có trách nhiệm tuân thủ quân luật và quân lệnh. Người lính cũng được hưởng các lợi ích theo luật pháp và xã hội, vì điều kiện sống trong quân đội Rôma rất tốt và các cựu chiến binh được ưu tiên đặc biệt.
Các thần học gia Latin cổ đại coi chữ “sacramentum” là La ngữ tương đương với chữ “mầu nhiệm” trong Hy ngữ khi nói tới một nghi lễ của Giáo hội, vì nghi lễ của Giáo hội liên quan cả thể lý và tâm linh, và vì người lãnh nhận bí tích lãnh nhận trách nhiệm mới và tình trạng tâm linh mới trước mặt Thiên Chúa.
Đó là cách thức mà chữ “bí tích” đi vào thần học không thể ở Tây phương. Qua nhiều thế kỷ, người ta sử dụng chữ này cả trong đạo và đời. Vào thời Cải Cách, chữ này chỉ còn là thuật ngữ của không thể.
Làm sao xác định nghi lễ nào của Giáo hội là bí tích?
Thánh GM Augustinô (354-430), GP Hippo, thuộc Bắc Phi định nghĩa: “Bí tích là dấu chỉ hữu hình bề ngoài Thiên Chúa dùng để thông ban ân sủng vô hình bên trong cho chúng ta”. Chính Chúa Giêsu đã thiết lập các bí tích và trao quyền cử hành cho Giáo hội. Thánh GM Augustinô có sức ảnh hưởng mạnh tới tư tưởng Kitô giáo Tây phương đến nỗi trong Cuộc Cải Cách Tin Lành, người ta đã bị thu hút chú ý nhiều tới ngài.
Trong Giáo hội Công giáo Rôma, sự tranh luận về bí tích tiếp tục cho tới Công đồng Trentô được tổ chức trong những năm 1545-1563. Công đồng này giải quyết vấn đề cho người Công giáo. Quyết định của Công đồng có vẻ được ảnh hưởng bởi cách dùng của Thánh Giêrônimô đối với chữ “sacrament” trong Cựu Ước và con số 7.
Tuy nhiên, các vấn đề vẫn chưa rõ ràng đối với phong trào Tin Lành bắt đầu từ trước Công đồng Trentô. Hôn nhân có là bí tích như Công giáo chấp nhận? Một số người nói rằng nghi thức hôn phối là hành động bề ngoài tạo ra thực tế tâm linh mới. Một số người khác, như Martin Luther (lúc đó còn là một linh mục Công giáo) tranh luận rằng hôn nhân không thể là bí tích với lý do đơn giản vì hôn nhân không dành riêng cho các Kitô hữu.
Nếu bạn có bạn bè là tín đồ Hồi giáo, Do Thái giáo, hoặc Ấn giáo, họ sẽ không hỏi bạn hôn nhân là gì, và tất nhiên bạn không phải giải thích với họ về các thuật ngữ Kitô giáo.
Do đó, những người Tin Lành tranh luận rằng tiêu chuẩn tốt hơn đối với một bí tích là nghi lễ của Giáo hội mà các tác giả sách Tin Mừng mô tả rõ ràng Chúa Giêsu là người thiết lập các bí tích cho mọi Kitô hữu khi Ngài còn thi hành sứ vụ trên thế gian. Vì thế, họ có ít bí tích hơn.
Theo lý luận của họ, việc phong chức không là bí tích vì không phải mọi Kitô hữu đều được kêu gọi để thi hành sứ vụ. Hôn nhân không là bí tích vì không rõ ràng thuộc Kitô giáo, Chúa Giêsu không đòi hỏi hoặc thiết lập điều đó, và không phải Kitô hữu nào cũng kết hôn. Việc xức dầu bệnh nhân cũng không là bí tích, vì Phúc Âm không cho biết rằng Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích này, và vì các Kitô hữu khỏe mạnh không cần lãnh nhận bí tích này.
Nếu Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích cho các Kitô hữu, nhưng Tân Ước chỉ cho biết theo chứng cớ của các tông đồ, vậy đó có là bí tích? Người Công giáo nói “có”, người Tin Lành nói “không”.
Như vậy thì Tin Lành có các bí tích nào? Ở đầu cuốn “The Babylonian Captivity of the Church”, Luther tranh luận rằng có ba bí tích là Thánh Tẩy, Hòa Giải và Thánh Thể, vì Chúa Giêsu truyền lệnh cho các Kitô hữu phải làm ba việc này. Tuy nhiên, Luther cảm thấy người ta không cần xưng tội với giáo sĩ, thế nên việc thú tội có thể hiệu quả mà không cần nghi lễ của Giáo hội. Có lẽ vì thế mà Luther chỉ chấp nhận hai bí tích là Thánh Tẩy và Thánh Thể.
Theo La ngữ, chữ “sacramentum” nghĩa là “dấu thánh”. Bảy bí tích là các nghi lễ cho biết điều đó được thánh hóa, có ý nghĩa quan trọng đối với các Kitô hữu. Họ có những dịp đặc biệt để cảm nghiệm Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Đó là những gì các thần học gia ngụ ý khi họ nói rằng các bí tích là dấu chỉ và khí cụ thông truyền Hồng Ân của Thiên Chúa.
- BÍ TÍCH THÁNH TẨY
Đối với các Kitô hữu, Bí tích Thánh Tẩy (Rửa Tội) là bước đầu tiên trong hành trình cuộc đời về việc thề hứa và làm môn đệ của Đức Giêsu Kitô. Dù chúng ta được rửa tội khi còn nhỏ hoặc khi đã lớn, Bí tích Thánh Tẩy là cách thức mà Giáo hội cử hành và trao ban Ân sủng của Thiên Chúa. Bí tích Thánh Tẩy là nghi lễ khởi đầu dẫn chúng ta bước vào đời sống đức tin và Giáo hội.
- BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Tín hữu Công giáo tin rằng Bí tích Thánh Thể vừa là hy lễ vừa là bữa ăn. Thánh Thể là sự hiện hữu thật của Chúa Giêsu, Đấng đã chết vì tội lỗi của chúng ta. Khi lãnh nhận Thánh Thể, linh hồn chúng ta được nuôi dưỡng và được đem tới gần Thiên Chúa hơn.
Chữ “Eucharist” theo Hy ngữ có nghĩa là tạ ơn, tên nguyên thủy của nghi lễ này, đó là tái diễn Bữa Tiệc Ly, là Hiệp Lễ. Người Công giáo cần phải rước lễ ít nhất mỗi năm một lần để duy trì sự sống tâm linh lành mạnh, vì Thánh Thể là Thần Lương. Các nhà cải cách Tin Lành muốn duy trì việc rước lễ hàng tuần, nhưng vì thiếu giáo sĩ hồi thế kỷ 19 ở Hoa Kỳ, đa số các hệ phái Tin Lành duy trì việc rước lễ hàng tháng.
- BÍ TÍCH GIAO HÒA
Bí tích Hòa Giải (Cáo Giải, Sám Hối) có ba yếu tố: hoán cải, thú tội và tha tội. Qua bí tích này, chúng ta được hưởng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và được tha thứ vô điều kiện, đồng thời chúng ta cũng được mời gọi tha thứ cho người khác. Công giáo, Anh giáo, Tin Lành Luther và Chính Thống giáo đều có nghi thức sám hối.
- BÍ TÍCH THÊM SỨC
Bí tích Thêm Sức là một trong ba bí tích khai tâm đối với người Công giáo, dành cho những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Bí tích Thêm Sức ban các ơn của Chúa Thánh Thần để người Công giáo có đủ sức mạnh mà sống đời sống Kitô hữu hiệu quả hơn. Trong Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương, bí tích này được gọi là “Chrismation” (xức dần thánh), và thường được lãnh nhận ngay sau khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.
- BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Đối với người Công giáo, Bí tích Hôn Phối là dấu chỉ công khai để người nam và người nữ tự nguyện thề hứa trung thành với nhau suốt đời. Đó cũng là cách thể hiện Thiên Chúa: sự kết hợp yêu thương giữa vợ chồng chứng tỏ các giá trị gia đình, thể hiện tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Các Giáo hội Kitô giáo khác cũng có nghi thức hôn phối, nhưng chỉ có Công giáo chấp nhận là bí tích. Một số hệ phái của Anh giáo và Chính Thống giáo cũng coi hôn nhân là một bí tích.
- BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
Trong Bí tích Truyền Chức Thánh, người thụ chức phải thề hướng dẫn đoàn chiên của Chúa bằng cách trao ban các bí tích – đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, loan báo Tin Mừng, và cung cấp các phương tiện khác để họ nên thánh. Những người lãnh nhận chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục) được gọi là giáo sĩ. Linh mục triều (giáo phận) có ba lời hứa: đọc Kinh Phụng Vụ, vâng lời Giám mục và sống độc thân. Linh mục dòng có ba lời khấn: nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời.
- BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN
Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (gọi tắt là Bí tích Xức Dầu) là nghi lễ xức dầu chữa lành linh hồn, đồng thời cũng chữa lành cả phần xác. Việc xức dầu lời cầu nguyện có trong Thư của Thánh Giacôbê, chương 5. Trong Giáo hội Công giáo, bí tích này dần dần trở thành nghi thức hối tử, thường dành cho người bệnh năng và có thể qua đời. Chính Thống giáo và một số hệ phái Tin Lành xức dầu cho bệnh nhân để chữa lành. Công giáo, Chính Thống giáo và Anh giáo coi nghi thức xức dầu bệnh nhân là một bí tích, còn Tin Lành không coi đó là bí tích.
Thánh Phaolô xác định: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (2 Tm 2:5-6).
II. KINH THÁNH
Kinh Thánh là gì? Chữ “Bible” (Kinh Thánh) có nguồn gốc La ngữ và Hy Lạp, nghĩa là “sách” – sách cho mọi người và mọi thời.
Bộ Kinh Thánh gồm có 66 cuốn: Các sách luật – chẳng hạn như sách Lê-vi và Đệ Nhị Luật (Thứ Luật); các sách lịch sử – chẳng hạn như sách Ezra và Công Vụ; các sách thơ văn – chẳng hạn như sách Thánh Vịnh và Giảng Viên; các sách tiên tri – chẳng hạn như sách Isaia và Khải Huyền; các sách tiểu sử – chẳng hạn như sách Tin Mừng theo Thánh Mátthêu và Tin Mừng theo Thánh Gioan; và các thư – chẳng hạn như Thư gởi Titô và Thư gởi dân Do Thái.
Có khoảng 40 tác giả khác góp phần vào Kinh Thánh, được viết trong thời gian khoảng 1500 năm. Các tác giả này là các vua chúa, dân thuyền chài, tư tế, viên chức chính phủ, nông dân, người chăn chiên, và bác sĩ. Từ các ngành nghề khác nhau nhưng họ đoàn kết với nhau và xuyên suốt các chủ đề.
Gọi là các tác giả nhưng chỉ là người viết, chính Thiên Chúa mới là tác giả đích thực. Những người viết chỉ viết lại theo tác động của Chúa Thánh Thần: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3:16). Thánh Phêrô xác định: “Lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1:21).
Kinh Thánh chia làm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước là những câu chuyện về một quốc gia, Tân Ước là câu chuyện về một Con Người – tức là chính Đức Giêsu Kitô. Quốc gia là phương thức Thiên Chúa dùng để cho Đức Giêsu Kitô nhập thế và để trao ban Ngài cho thế gian.
Cựu Ước mô tả việc thiết lập và duy trì quốc gia Israel. Thiên Chúa hứa dùng dân Israel để chúc lành cho toàn thế giới (St 12:2-3). Khi Israel trở thành một quốc gia, Thiên Chúa tạo nên một gia đình ở đất nước đó: Gia đình của Đa-vít (x. Tv 89:3-5). Từ gia đình của Đa-vít, Con Người xuất hiện và hoàn tất ơn phúc đã được hứa ban (x. Is 11:1-10).
Tân Ước cho biết chi tiết về việc đến của Con Người được hứa ban này. Thánh danh của Ngài là Giêsu, và Ngài hoàn tất các lời tiên tri thời Cựu Ước là sống hoàn hảo, chịu chết và phục sinh để cứu độ nhân loại. Chúa Giêsu là nhân vật trung tâm trong Kinh Thánh – trọn bộ Kinh Thánh nói về Ngài. Cựu Ước tiên báo việc Ngài đến và nhập thế. Tân Ước mô tả việc Ngài đến và hoạt động để ban Ơn Cứu Độ cho thế gian.
Chúa Giêsu còn hơn là một nhân vật lịch sử. Thật vậy, Ngài là Con Thiên Chúa nhập thể làm người, việc Ngài đến là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Thiên Chúa hóa thành nhục thể để chúng ta biết chân dung của Ngài qua Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa như thế nào? Ngài giống như Đức Giêsu Kitô, Chúa Giêsu là Thiên Chúa trong hình dạng một con người: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14). Chính Chúa Giêsu đã xác nhận: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).
Thiên Chúa dựng nên con người và đặt con người vào một môi trường hoàn hảo. Tuy nhiên, con người đã nổi loạn, và chống lại Thiên Chúa. Vì vậy, Thiên Chúa nguyền rủa con người và thế gian bị tội lỗi kiềm chế, nhưng Thiên Chúa lại có kế hoạch cứu độ nhân loại để con người có thể trở lại nguyên trạng tốt lành như bản chất ban đầu.
Theo kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa kêu gọi Ápraham rời bỏ Babylon để tới đất Canaan (khoảng năm 2000 trước công nguyên). Thiên Chúa hứa với Ápraham, với con của ông là Isaac, và với cháu nội của ông là Gia-cóp (cũng gọi là Israel) rằng Ngài sẽ chúc phúc cho thế giới qua hậu duệ của họ. Gia đình của Israel di cư từ Canaan tới Ai Cập, và họ tạo nên một quốc gia.
Khoảng năm 1400 sau công nguyên, Thiên Chúa dẫn con cháu của Israel ra khỏi đất Ai Cập theo sự hướng dẫn của Mô-sê và ban cho họ Đất Hứa làm sản nghiệp – tức là đất Canaan. Qua Mô-sẽ, Thiên Chúa ban cho dân Israel Luật Pháp và Giao Ước. Nếu họ trung tín với Thiên Chúa và không thờ ngẫu tượng, họ sẽ thịnh vượng. Nếu họ từ bỏ Thiên Chúa và thờ ngẫu tượng, Thiên Chúa sẽ hủy diệt đất nước của họ.
Khoảng 400 năm sau, triều đại vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn, Israel được củng cố. Thiên Chúa hứa với Đa-vít và Sa-lô-môn rằng con cháu họ sẽ cai trị như một vị vua bất diệt.
Sau triều đại vua Sa-lô-môn, quốc gia Israel bị phân chia. Mười chi tộc tới phương Bắc được gọi là “Israel”, kéo dài khoãng 200 năm trước khi Thiên Chúa xét xử họ về tội thờ ngẫu tượng. Assyria bắt Israel làm tù nhân khoảng năm 721 trước công nguyên. Hai chi tộc ở phương Nam được gọi là “Giu-đê” và thời gian kéo dài lâu hơn một chút, nhưng cuối cùng, họ cũng quay lưng lại với Thiên Chúa. Babylon bắt họ làm tù nhân khoảng năm 600 trước công nguyên.
Khoảng 70 năm sau, Thiên Chúa dẫn đưa các tù nhân về đất của họ. Giêrusalem được tái xây dựng khoảng năm 444 trước công nguyên, và Israel được tái lập. Như vậy là Cựu Ước khép lại.
Tân Ước mở ra khoảng 400 năm sau, khởi đầu là sự kiện Chúa Giêsu giáng sinh tại Belem. Chúa Giêsu là hậu duệ được hứa với Áp-ra-ham và Đa-vít, là Đấng hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa: cứu độ và phục hồi công cuộc sáng tạo. Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ vụ qua việc chịu chết và phục sinh. Cái chết của Đức Kitô là nền tảng đối với một giao ước mới với thế giới. Những người tin vào Đức Kitô sẽ được cứu độ và được sống đời đời.
Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi khắp nơi để loan báo Tin Mừng và Ơn Cứu Độ. Họ đã đi khắp Tiểu Á, Hy Lạp, và đế quốc Rôma. Tân Ước khép lại với lời tiên báo việc Ngài trở lại để xét xử thế gian và giải thoát khỏi lời nguyền xưa.
Kinh Thánh được viết trong suốt hơn 16 thế kỷ và là công việc ghi chép của hơn 40 tác giả là con người. Bộ Kinh Thánh gồm có 66 cuốn với văn phong đa dạng, tất cả đều chứa đựng sứ điệp của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Các câu chuyện trong Kinh Thánh không được viết lại ngày, nhưng được kể lại nhiều và được viết trong nhiều năm sau. Các chủ đề tương tự có thể thấy xuất hiện xuyên suốt bộ Kinh Thánh, vừa đa dạng vừa thống nhất.
III. VĨ NGÔN
Vậy Kinh Thánh là gì? Để thêm vào các ý trên đây, Kinh Thánh là:
– Sách hướng dẫn cách sống viên mãn, cho chúng ta tấm bản đồ trên đường lữ hành trần gian đầy nguy hiểm này. Nói cách khác, trên chuyến hải hành của biển đời, Kinh Thánh là mỏ neo cho thuyền đời của chúng ta.
– Kho tàng các câu chuyện tuyệt vời cho mọi người, dù trẻ hay già. Nào là con tàu của ông Nô-ê, chiếc áo khoác nhiều màu của Giuse, Đanien trong hang sư tử, Giôna ở trong bụng cá,… Nào là các dụ ngôn của Chúa Giêsu, các phép lạ của Chúa Giêsu, cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài,…
– Nơi trú ẩn khi gặp nguy hiểm. Những người bị bệnh, gặp đau khổ, bị tù tội, bị thất bại,… sẽ được ủi an và nâng đỡ khi gặp Chúa Giêsu qua Kinh Thánh.
– Kho tàng về sự hiểu biết. Chúng ta không là những robot, nhưng chúng ta là các thụ tạo của Thiên Chúa, được Ngài yêu thương, có mục đích sống rõ ràng là yêu thương và nên thánh.
– Nguồn sống hàng ngày. Chúng ta thấy các tiêu chuẩn về đạo đức, được hướng dẫn để biết điều sai và điều đúng, các quy tắc giúp chúng ta sống công chính ngay giữa cuộc đời phức tạp và xấu xa này.
Nói về Kinh Thánh thì không thể không nhắc lại câu nói nổi tiếng và đầy ý nghĩa của Thánh tiến sĩ Giêrônimô (340-420): “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”.
Thánh Giêrônimô là ai? Ngài là linh mục, nhà thông thái và được tôn phong là Tiến sĩ Giáo hội. Ngài là người đầu tiên dịch bộ Cựu Ước (bản Bảy Mươi, Septuaginta) từ Hy ngữ sang La ngữ, nằm trong bản Vulgata (bản phổ thông). Ngài sinh khoảng năm 340 tại Stridon, Nam Tư, qua đời ngày 30 tháng 9 năm 420 tại Belem, tên đầy đủ theo La ngữ là Eusebius Sophronius Hieronymus, theo Hy ngữ là Εὐσέβιος Σωφρόνιος Ἱερώνυμος, cũng được gọi là Thánh Giêrôm (Hierom).
Thật thú vị nếu hiểu chữ Kinh Thánh theo Anh ngữ: HOLY BIBLE có thể coi là viết tắt của câu Habit Of Lifetime Yearning (for) Basic Information Before Leaving Earth – Thói Quen Khao Khát Suốt Đời về Thông Tin Cơ Bản Trước Khi Từ Giã Thế Trần.
TRẦM THIÊN THU (tổng hợp và biên dịch)