THÁNH MẪU VINH QUANG LÊN CAO ĐỈNH PHÚC
NHÂN GIAN ƯỚC VỌNG ĐƯỢC ĐẾN MIỀN SINH
Người Yiddish (Do Thái cổ ở Trung và Đông Âu) có câu: “Chúa không thể ở khắp mọi nơi, nên Ngài sinh ra người mẹ”. Dĩ nhiên không thể hiểu cách nói này theo dạng tiêu cực – bởi vì “Thiên Chúa luôn hiện hữu ở khắp mọi nơi”, mà phải hiểu ở dạng tích cực. Cách nói đó chứng tỏ rằng người mẹ thực sự rất quan trọng đối với con cái.
Thật vậy, Gaspard Mermillod xác định: “Mẹ là người có thể thay thế bất kỳ ai khác nhưng không ai có thể thay thế được mẹ”.Văn sĩ Honoré de Balzac nói: “Trái tim của người mẹ là vực sâu muôn trượng mà ở dưới đáy, người ta luôn tìm thấy sự tha thứ”. Lòng mẹ bao la khôn dò và kỳ diệu lắm.
Nói về người mẹ thì vô tận. Ai còn mẹ là người hạnh phúc nhất. Có mẹ là có tất cả. Người mẹ trần gian còn như vậy, huống chi người mẹ tâm linh. Thánh Bênađô nói: “Mẹ Maria là con tàu cứu vớt người ta khỏi chìm trong biển lửa đời đời”. Chúa nói với Thánh nữ Catarina Siena:“Ta muốn ban cho Mẹ Maria đặc ân này vì lòng nhân từ của Ta, và để tôn kính Ngôi Hai nhập thể: bất cứ ai, dù tội lỗi đến đâu, mà kính cẩn tin yêu chạy đến kêu xin Mẹ Maria, sẽ không rơi vào quyền lực của quỷ dữ”. Như vậy có nghĩa là sẽ được về Trời. Thật tuyệt vời!
Là Kitô hữu, chúng ta được biết rằng Đức Mẹ là một thụ tạo nhưng được Thiên Chúa cho về trời cả hồn và xác mà không phải đi qua ngưỡng cái chết, gọi là “mông triệu” – rút gọn từ câu “mông chủ sủng triệu” (Hán ngữ). “Mông” là “chịu” hoặc “được”, “triệu” là “gọi” (triệu tập, hiệu triệu),nghĩa là Đức Mẹ “được sủng ái” (yêu mến) nên được Chủ (Chúa) triệu về Trời (Thiên Quốc), Anh ngữ dùng thuật ngữ “dormition” (nghĩa là “chết mà như ngủ”). “Hồn xác lên trời” là một trong bốn đặc ân mà Đức Mẹ được Thiên Chúa ân ban. (*) Đức Mẹ về trời là ấn tín đối với những người tin vào Đức Kitô, chắc chắn cũng sẽ được về trời sau khi hoàn tất chuyến đời một cách xuất sắc. Đó là mục đích của mọi Kitô hữu – những người tin kính Thiên Chúa và yêu mến Ngài qua tha nhân.
Để củng cố niềm tin cho chúng ta, Thiên Chúa cho một số thánh nhân được thị kiến những điều khác lạ. Thánh Gioan cho biết: “Đền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” (Kh 11:19a, 12:1-6). Trình thuật này như một đoạn phim dài đầy kịch tính và nhiều tình tiết thú vị.Thị kiến kỳ lạ ấy ám chỉ Đức Maria – Thánh Mẫu Thiên Chúa.
Và rồi Thánh Gioan còn cho biết thêm: “Tôi nghe có tiếng hô to trên trời: Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài” (Kh 12:10). Thị kiến này cũng khiến chúng ta phải cẩn trọng hơn về đức ái, nhất là trong cách đối xử với tha nhân hằng ngày. Thánh Padre Pio cho biết một “chuỗi không” rất đáng quan ngại: “Ở đâu không có vâng lời, ở đó không có nhân đức; ở đâu không có nhân đức, ở đó không có sự thiện; ở đâu không có sự thiện, ở đó không có yêu thương; ở đâu không có yêu thương, ở đó không có Thiên Chúa; ở đâu không có Thiên Chúa, ở đó không có Thiên Đàng”.
Đức Maria là người rất đặc biệt. Ngay cả Hồi giáo cũng tôn trọng Đức Mẹ, coi Đức Mẹ là phụ nữ cao cả nhất trong Kinh Koran (Kinh Thánh của Hồi giáo). Ông Luther cũng yêu mến Đức Mẹ, bởi vì “tam sao thất bổn” nên hóa lệch lạc mà thôi. Công giáo có nhiều tước hiệu dành cho Đức Mẹ: Nữ Vương Hòa Bình, Đức Maria Trinh Vương, Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, Đức Mẹ Ban Ơn Lành, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Thương Xót, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ Hoa Hồng,… Có nhiều tước hiệu gắn liền với các địa danh trên thế giới như Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fátima, Đức Mẹ Akita,… Tại Việt nam cũng có Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Giang Sơn, Đức Mẹ Mằng Lăng, Đức Mẹ Sao Biển, Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ Tà-Pao, Đức Mẹ Bãi Dâu, Đức Mẹ Núi Cúi,…
Từ ngàn xưa, với ý nói về Đức Mẹ, Thánh Vịnh gia cũng đã ca tụng: “Hàng cung nữ, có những vì công chúa, bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai, trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy. Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ. Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái, hãy vào phục lạy: Người là Chúa của bà” (Tv 45:10-12). Chắc hẳn phàm ngôn không thể đủ để diễn tả về Đức Mẹ cho xứng đáng, chúng ta chỉ biết dùng những ngôn từ nào cao trọng nhất để tôn xưng Đức Mẹ mà thôi.Thánh Grêgôriô Cả nói: “Đức Maria thánh đức và cao cả hơn chúng ta bao nhiêu thì cũng khoan dung và xót thương hơn bấy nhiêu đối với các hối nhân”.
Mọi phàm nhân,trừ Đức Maria, đều phải bước qua ngưỡng-cửa-sự-chết theo quy luật sinh-tử, vì ai trong chúng ta cũng là tội nhân. Nhưng chết không là “chấm hết”, mà là cuộc biến đổi, như Thánh Phanxicô Assisi xác định: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chết đi để được sống lại, như Đức Kitô chịu chết và phục sinh để bảo đảm với chúng ta về sự sống đời sau. Chết đi mới có thể trực tiếp gặp Thiên Chúa, gặp Đức Kitô, và cũng gặp Đức Mẹ nữa. Cuộc đoàn tụ vô cùng kỳ diệu, bây giờ không thể hiểu thấu.
Thật lớn lao và tuyệt vời đối với niềm hy vọng của Kitô hữu, nhưng Thánh Phaolô cho biết: “NẾU chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ VÌ ĐỜI NÀY mà thôi, thì chúng ta là những kẻ ĐÁNG THƯƠNG hơn hết mọi người” (1 Cr 15:19). Niềm hy vọng của chúng ta không hề như vậy, không thuộc về thế gian này. Thánh Phaolô giải thích: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15:20-22). Niềm hy vọng của tín nhân siêu phàm, cao quý lắm.
Là con người, rồi ai cũng lần lượt “một đi không hẹn về”, kẻ trước người sau, luân phiên lá rụng về cội, dù lá xanh hay lá vàng, như Thánh Phaolô giải thích: “Mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha” (1 Cr 15:23-24). Tất cả đều xảy ra đúng theo trật tự Thiên Chúa đã ấn định, như chúng ta thường nói là Thiên Chúa an bài. Chúng ta không thể hiểu thấu, nhưng sự thật là vậy: “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1 Cr 15:25-26).
Chính Đức Giêsu Kitô,Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, đã dùng thập giá để chiến thắng tất cả, và cũng chính trên thập giá, Ngài đã tiêu diệt sự thù ghét (x. Ep 2:16) để minh chứng tình yêu vô biên và sâu thẳm của Thiên Chúa, tức là Lòng Chúa Thương Xót, điều mà không ai trong chúng ta khả dĩ hiểu hết bởi vì quá đỗi mầu nhiệm.
Qua trình thuật Lc 1:39-56, Thánh sử Luca cho biết: Biết bà chị họ có tin vui, cô em Maria vội vã lên đường đi thăm, mãi miền sơn cước, nơi đó thuộc chi tộc Giuđa.Cô vào nhà Anh Dacaria và chào hỏi Chị Êlisabét. Chị Êlisabét vừa nghe tiếng Dì Maria chào, đứa con trong bụng nhảy lên, được đầy tràn Thánh Thần nênreo mừng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Chính Bà Êlisabét là người đầu tiên đã gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Quả thật đó là cuộc hội ngộquan trọng và mang tính lịch sử giữa hai phụ nữ đặc biệt: Một người là Mẹ Thiên Chúa, một người là Mẹ của Gioan Tẩy Giả. Thấy Em họ Maria đến, Chị Êlisabét vui mừng thốt lên những lời đầy Thần Khí. Và ngay sau đó,Đức Maria cũng quá đỗi vui mừng và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa qua Bài Kinh Ngợi Khen (Magnificat):
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.
Thánh sử Luca cho biết thêm rằng Đức Maria ở lại với Chị Êlisabét độ ba tháng, rồi mới trở về nhà.Đức bác ái đã khiến Đức Mẹ thể hiện lòng yêu thương với tha nhân bằng cách vội vã đi thăm Chị Êlisabét, đồng thời cũng chứng tỏ tình cảm qua việc ở lại giúp đỡ người chị đang mang thai trong ba tháng đầu của thai kỳ – giai đoạn khó khăn của thai phụ.
Kính mừng Thánh Mẫu Mông Triệu gợi nhớ lời Thánh Fulgentius: “Đức Mẹ là chiếc thang bắc lên Trời. Nhờ Mẹ mà Thiên Chúa đã từ Trời xuống thế gian, và cũng nhờ Mẹ mà loài người có thể từ đất lên tới Trời”. Thật diễm phúc cho tín nhân. Qua Mầu nhiệm Mân Côi mùa Mừng, với mầu nhiệm thứ tư: Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời. Chúng ta xin ơn“được chết lành trong tay Đức Mẹ”; với mầu nhiệm thứ năm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Chúng ta xin ơn“được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng”. Hai mầu nhiệm này không chỉ nhắc nhở chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ, mà còn hy vọng được trường sinh để cùng Đức Mẹ mãi mãi chúc tụng Thiên Chúa trên Thiên Quốc vĩnh hằng.
Con đường về Trời dù xa hay gần, có thể gập ghềnh và khúc khuỷu với nhiều nỗi gian truân – cả đời thường và tâm linh, cả thể lý và tinh thần, nhưng nếu có Đức Mẹ đồng hành thì chúng ta an tâm vững bước tiến tới. Cứníu áo Mẹ thì không lo lạc đường, chắc chắn sẽ đi đến nơi về đến chốn. Thật tuyệt vời khi Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria… xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bào chữa, cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ, chẳng nhận lời…” (Kinh Hãy Nhớ – Memorare). Bến Mẹ là nơi thuyền đời chúng ta có thể cặp bến an toàn.
Lạy Thiên Chúa,Ngài muốn cho chúng con được mãi mãi ở bên Ngài, chúng con tạ ơn Ngài. Xin thúc giụcchúng conbiết “ái mộ những sự trên trời”, quyết tâm hành động vì yêu mến Ngài, dám buông bỏ mọi quyến rũ trần tục để ưu tiên hành động vì Nước Trời, nhờ đó mà chúng con xứng đáng được Ngài ban phúc trường sinh. Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp, luôn đồng hành và nâng đỡ chúng con trong mọi hoàn cảnh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Tứ ân của Đức Mẹ: [1] Mẹ Thiên Chúa (lễ ngày 01-01); [2] Hồn Xác Lên Trời (lễ ngày 15-08, Mông Triệu); [3] Đồng Trinh Trọn Đời (lễ ngày 22-08, Maria Trinh Vương); [4] Vô Nhiễm Nguyên Tội (lễ ngày 08-12).
✠Thánh Ca Đức Mẹ