Home / Chia Sẻ / BỂ KHỔ TRẦN AI

BỂ KHỔ TRẦN AI

Be KhoTran AiNgười ta thường nói: “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Điều đó cho thấy cuộc đời không như thảm hoa hồng hoặc thảm nhung lụa, mà là con đường đầy những ổ gà, ổ voi, trắc trở rình rập đêm ngày. Quả thật, đời là bể khổ, và đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Chúa Giêsu đã xác định: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34). Tuy nhiên, những người đau khổ (tinh thần hoặc thể lý) là những người “mạnh khỏe” và thực sự can đảm.

Có ngụ ngôn này: Sau thời gian dài tu luyện, vào một ngày đẹp trời, thầy trò dắt nhau xuống núi. Dọc đường, đệ tử nhìn thấy gì cũng lạ, luôn miệng hỏi sư phụ: nào là con gà, con chó, con trâu,… nào là xe hơi, xe máy,… vật nọ rồi vật kia,… Sư phụ cũng muốn “đâu cái điền”! Đường sá xa xôi, quanh co hiểm trở, vừa nóng vừa mệt, nắng như đổ lửa, bất ngờ đệ tử nhìn thấy xa xa trên cánh đồng có “chiếc nón lá”, thấy nó di động mà đoán mãi không ra là cái gì. Đệ tử đành vừa gãi cái đầu trọc lóc vừa hỏi: “Bạch thầy, kia là con gì vậy thầy?”. Sư phụ khá bất ngờ, nhưng cũng cảm thấy bối rối và khó trả lời. Sư phụ trả lời cách nào cũng không thỏa mãn đệ tử, ậm ừ cho qua mà đệ tử cũng không chịu, cứ hỏi mãi. Sư phụ đành nói ngắn gọn: “Khổ não trần ai đó con!”.

Câu chuyện không ám chỉ phụ nữ là “mối tội đầu” mà muốn nói đến chuyện tình yêu nam nữ là điều “cấm kỵ” với người xuất gia, những người tu trì. Tuy nhiên, ở đây còn mang nghĩa chung: Đời là bể khổ! Chắc chắn là khổ, vì chẳng thấy ai sinh ra mà cười bao giờ, ai sinh ra cũng “cất tiếng khóc chào đời” – chào đời bằng tiếng khóc là dấu báo hiệu “cuộc đời là bể khổ”.

Bản thân Thánh Gióp bị bệnh tật, con cái ông chết hết, thiên hạ dè bỉu và nguyền rủa ông, vợ ông nói: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!” (G 2:8). Nhưng ông Gióp bảo: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2:10). Trong mọi chuyện ấy, ông Gióp không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi. Nhưng sức người có hạn, vì đau khổ đến tận cùng, Thánh Gióp đã mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời” (G 3:3). Rồi ông than thân trách phận: “Phải chi ai cân được nỗi sầu của tôi, và đặt lên bàn cân nỗi đau tôi phải chịu!” (G 6:2).

Thế nhưng ông vẫn tín nguyện: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ. Những đôi mắt từng nhìn thấy con chẳng nhận ra con nữa, nhưng nếu Ngài đưa mắt nhìn con, thì con sẽ chẳng còn” (G 7:7-8). Nhận biết yếu đuối của mình, Thánh Gióp thân thưa với Chúa: “Điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42:6). Và cuối cùng, Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót với ông là khôi phục cả tài sản và con cháu, được nhìn thấy con cháu tới bốn đời.

Bài học về sự đau khổ: “Ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói: ‘Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!’. Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (G 1:20-22).

Mọi thứ đều có ý nghĩa riêng, chính đau khổ cũng có ý nghĩa “độc đáo” riêng và mang ý nghĩa tích cực. Thật vậy, là Kitô hữu, văn sĩ Victor Hugo (1) đã cảm nhận: “Đau khổ là hoa quả, Chúa không khiến nó mọc lên trên những cành quá yếu ớt không chịu nổi nó – Sorrow is a fruit, God does not make it grow on limbs too weak to bear it”. Còn văn sĩ Elbert Hubbard (2) nói: “Nếu bạn đau khổ, hãy cảm ơn Trời! Đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn đang sống – If you suffer, thank God! It is a sure sign that you are alive”. Cố LM Thiên Phong Bửu Dưỡng (Dòng Đa-minh) cũng đã viết cuốn sách dày nói về đau khổ với tựa đề là “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ”. Chắc chắn đau khổ có giá trị cao chứ không như chúng ta tưởng!

Với tình yêu bao la và lòng thương xót vô tận, Thiên Chúa nói: “Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giêrusalem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng” (Dcr 12:10). Thậm chí là “tiếng khóc than còn vang dội khắp Giêrusalem” (Dcr 12:11).

Cuối đường hầm luôn le lói ánh sáng. Thiên Chúa hứa: “Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giêrusalem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế” (Dcr 13:1). Một khi Thiên Chúa đã hứa thì Ngài không bao giờ thất hứa hoặc rút lời.

Bổn phận của thụ tạo chúng ta là THỜ LẠY, TIN YÊU, CẢM TẠ, TÔN VINH và CHÚC TỤNG Ngài: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63:2). Để làm gì? Để “đến ngắm nhìn Ngài trong nơi Thánh điện, để thấy uy lực và vinh quang của Ngài” (Tv 63:3). Đó là lẽ tất nhiên: “Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương. Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca” (Tv 63:4-6).

Cảm nghiệm Hồng Ân rồi, người ta không thể im lặng, mà phải bày tỏ: “Quả thật Ngài đã thương trợ giúp, nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui. Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó, giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì” (Tv 63:8-9).

Nhờ tin mà yêu, và nhờ yêu mà thêm tin. Thánh Phaolô nói: “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3:26-27). Cũng vậy, nhờ tin và yêu mà người ta hòa đồng và hiệp nhất: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gl 3:28-29). Hành-trình-đức-tin thật kỳ diệu!

Một hôm, khi Đức Giêsu cầu nguyện một mình, các môn đệ cũng ở đó với Ngài. Rồi Ngài hỏi các ông: “Dân chúng nói Thầy là ai?” (Lc 9:18). Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại” (Lc 9:19). Ngài lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phêrô nhanh nhảu thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9:20). Thế là các đệ tử tin nhận rồi. Tốt lắm. Nhưng Ngài nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

Vấn đề không là chỗ đó, mà đó chỉ là “đòn bẩy” để tới “đỉnh cao” thôi. Thế nên Ngài nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9:22). Mèn ơi! Sao kỳ vậy ta? Thầy ngon lành vậy mà sao lại bị hại tới chết chứ?

Các môn đệ chả hiểu gì, tròn mắt nhìn nhau rất ngây ngô. Thật mắc cười khi thấy các đệ tử như chú Tàu nghe kèn, nhưng Sư Phụ Giêsu vẫn tiếp tục nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9:23-24). Lại là “chuyện ngược đời” nữa, càng khó hiểu, “căng” thật!

Vô tri bất mộ. Khi nào càng cảm nhận được đau khổ thì người ta càng thấy giá trị của nó. Thật vậy, đau khổ tôi luyện người ta thành nhân, sung sướng khiến người ta hư đốn. Vì thế mà Chúa Giêsu đề cao đau khổ và cảnh báo: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14). Không ai muốn đau khổ, nhưng đau khổ vẫn tồn tại. Muốn thoát khổ, chỉ có cách duy nhất là đi xuyên qua đau khổ. Nhà ngoại giao kiêm văn sĩ Paul Claudel (1868-1955) đã nhận định: “Chúa Giêsu xuống thế không để diệt trừ khổ đau, cũng không giải nghĩa khổ đau, mà để chia sớt khổ đau”.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con hiểu được ý nghĩa của sự đau khổ và đường thập giá mà Đức Kitô đã trải qua, để chúng con có thể sống theo phong cách Giêsu trong mọi hoàn cảnh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(1) Victor Hugo sinh ngày 26-2-1802 tại Besançon, là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng của Pháp, ông còn là một nhà chính trị, một trí thức dấn thân tiêu biểu của thế kỷ XIX. Victor Hugo chiếm một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học Pháp. Các tác phẩm của ông đa dạng về thể loại và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông đã xuất bản các tác phẩm: Odes et Ballades (1826), Les feuilles d’automne (1931) và Les Contemplations (1856). Nhưng ông cũng thể hiện vai trò của một nhà thơ dấn thân chống Napoléon III bằng tập thơ Les Châtiments (1853) và vai trò một nhà sử thi với tập La Légende des siècles (1859 và 1877). Thành công vang dội của hai tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris, 1831, và Anh ngữ là The Hunchback of Notre-Dame – Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà) và Những Kẻ Khốn Cùng (Les Misérables, 1862) đã đưa Victor Hugo trở thành tiểu thuyết gia của công chúng. Về kịch, ông đã trình bày thuyết kịch lãng mạn trong bài tựa của vở kịch Cromwell (1827) và minh họa rõ nét thể loại này ở hai vở kịch nổi tiếng Hernani (1830) và Ruy Blas (1838).

Với sự cống hiến lớn lao cho sự đổi mới thi ca và sân khấu, ông được người đương thời ngưỡng mộ nhưng cũng gây ra tranh cãi ở một số tác gia hiện đại. Cuộc lưu đày 20 năm của ông trong đế chế thứ hai đã khiến nhiều thế hệ phải suy ngẫm cho về vai trò của một nhà văn trong đời sống chính trị và xã hội. Ông qua đời ngày 22-5-1885 tại Paris, nhà nước đã cử lễ quốc tang và thi hài ông được đưa vào điện Panthéon.

(2) Elbert Green Hubbard sinh ngày 19-6-1856 tại Blooming (Illinois, Hoa Kỳ). Ông là văn sĩ, họa sĩ, triết gia và nhà xuất bản. Ông sớm thành công với công ty xà bông Larkin. Ngày nay ông được biết đến là người sáng lập cộng đồng thủ công Roycroft ở Đông Aurora (New York). Các tác phẩm nổi tiếng của ông là bộ truyện “Little Journeys to the Homes of the Great” (9 cuốn) và truyện ngắn “A Message to Garcia”. Ông mất trong vụ đắm tàu ngoài khơi Ai-len vào ngày 7-5-1915.

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …