Không ai biết mình hơn chính mình, và cũng chẳng ai lo cho mình hơn chính mình. Sức khỏe thể lý và sức khỏe tinh thần đều cần thiết. Có sức khỏe thì mới có thể vui sống. Chỉ mình mới có thể “liệu hồn” mà thôi. Đó là sống điều độ và cân bằng.
I. BẢO VỆ SỨC KHỎE
Sức khỏe là vàng. Người Việt chúng ta so sánh như vậy. Chắc hẳn ai cũng đã từng bị bệnh, dù nặng hay nhẹ, do đó chúng ta khả dĩ chấp nhận cách so sánh của tiền nhân là chính xác. Đau đâu khốn đó. Khi mỏi mệt thì chúng ta mới thấm thía và thấy sức khỏe là cần thiết, vàng lúc đó cũng vô nghĩa mà thôi. Vì thế, hãy cố gắng tự bảo vệ sức khỏe. Tự giúp mình rồi trời sẽ trợ giúp!
- CÁC LOẠI HẠT
Các loại hạt đều tốt cho sức khỏe. Hằng ngày, những người ăn khoảng 25 hạt hạnh nhân hoặc 50 hạt hồ trăn (pistachios) có thể giảm nguy cơ tử vong khoảng 30 năm. Đó là nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học “New England Journal of Medicine” sau khi người ta nghiên cứu ở 119.000 người. Các nghiên cứu tin rằng mức cao của chất béo không bão hòa có trong hạt làm giảm cholesterol và viêm nhiễm, giúp giảm nguy cơ bệnh tim, ung thư, và nhiều bệnh khác.
- KHỨU GIÁC
Có một chút khác biệt về mũi mà cả người khỏe và người bệnh đều cảm thấy. Các nhà nghiên cứu đã tiêm một loại độc tố của vi khuẩn để kích hoạt hệ miễn nhiễm. Lần khác, những người tham gia được tiêm một loại dung dịch muối. Cả hai lần họ đều mặc áo thun. Nhóm thứ nhất ngửi mùi từ áo thun, họ thấy khó ngửi và biết đó là chất độc. Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện này có thể ngăn ngừa bệnh: Những thứ nhạy cảm ở phi trường có thể “phát hiện” người nào bị bệnh.
- BIỆT DƯỢC ÁNH SÁNG
Nghiên cứu cho thấy rằng mở cửa để nhiều ánh sáng vào các phòng ở bệnh viện có thể giúp các bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn. Các nghiên cứu thấy rằng ít tiếp xúc ánh sáng sẽ gây mệt mỏi và đau nhức. Thiếu dao động giữa ánh sáng ban ngày và ánh sáng buổi tối có thể gây chứng mộng du (sleep-walk). Ánh sáng cần cho sức khỏe, như một biệt dược vậy.
- VIỆC NHÀ
Các nhà nghiên cứu Thụy Điển nghiên cứu 3.800 người lớn và thấy rằng những người làm nhiều việc nhà có thể giảm gần 30% nguy cơ về tim mạch như đau tim hoặc đột quỵ so với những người lười làm việc.
- CHỨNG MẤT TRÍ
Nếu mắt bạn nhìn thấy như có những đốm sáng, đừng quá lo! Đó không là triệu chứng suy giảm nhận thức. ĐH Virginia nghiên cứu ở 700 người tuổi từ 18 tới 99 và thấy rằng những người già có nguy cơ giảm trí nhớ hơn người trẻ, nhưng không liên quan vấn đề “dính líu” tới chứng mất trí.
- TIM MẠCH VÀ GIẤC NGỦ
Chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea) liên quan bệnh tim ở cả nam và nữ. Nghiên cứu cho thấy rằng rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng xấu tới nhịp tim ở phụ nữ hơn nam giới. Trong nhiều vấn đề về thể lý, nhịp tim của các bệnh nhân bị chứng ngưng thở khi ngủ cũng không thay đổi nhiều so với nhịp tim của người khỏe bình thường, ở phụ nữ thì trầm trọng hơn. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu cách điều trị chứng ngưng thở khi ngủ bằng liệu pháp CPAP để cải thiện nhịp tim của bệnh nhân.
- VẾT ĐỎ TRÊN DA
Nhiều người cho rằng tự nhiên da có vết đỏ là do nhện cắn, nhưng các chuyên gia cho rằng không phải vậy. Thật ra rất hiếm, vì nhện độc thường bị đánh giá sai lầm. Loài nhện nâu thường bị coi là nhện độc, cứ thấy vết đỏ trên da thì nói là nhện cắn, nhưng không hẳn là vậy. Một bài báo trên tạp chí New England Journal of Medicine đã liệt kê khoảng 40 chứng bệnh khác dễ lầm tưởng là vết cắn của nhện – như vết vi khuẩn, dấu vi trùng, vùng nhiễm nấm, khối u ác tính (melanoma). Đừng vội kết luận!
- THÍNH GIÁC
Một y cụ tân tiến có thể làm an tâm những người bị chứng rối loạn vòi Óttát (Eustachian tube dysfunction), nhìn như xâu chuỗi bong bóng nhỏ bằng hạt gạo. Các bác sĩ nối chúng qua mũi tới tai, rồi bong bóng phồng to ra. Nghiên cứu cho thấy rằng 80% bệnh nhân giảm các triệu chứng như khó nghe, sung huyết và chóng mặt trong vòng 3 năm rưỡi.
II. BẢO VỆ TIM
Tim khỏe giúp sống khỏe. Các nhà nghiên cứu đã “xem xét” hơn 10 cuộc nghiên cứu và so sánh bệnh tim mạch với sự lạc quan của con người, sự thỏa mãn, và tâm lý chung. Tiến sĩ Julia Boehm, thuộc nhóm nghiên cứu của ĐH Harvard nói rằng, cách sống lành mạnh – như không hút thuốc và không uống rượu – có mối liên quan mật thiết giữa tim khỏe mạnh với bệnh tim mạch.
- ĂN NHIỀU CÁ
Hải sản chứa nhiều 2 loại axít béo omega-3 – EPA (eicosapentaenoic acid) và DHA (docosahexaenoic acid). Các nhà nghiên cứu Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết rằng hai loại này làm tăng mức dopamine và serotonin (loại hóa chất giúp cảm thấy thoải mái) trong cơ thể.
- TIẾP XÚC ÁNH NẮNG
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Archives of General Psychiatry cho biết rằng mức vitamin D ở những người trầm cảm thấp hơn khoảng 14%. Trường Y dược Harvard cho biết rằng mỗi tuần vài lần, mỗi lần tiếp xúc ánh nắng 15, cũng đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể.
- NGHE NHẠC
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Advanced Nursing cho biết rằng nghe nhạc khoảng 60 phút/ngày giúp giảm trầm cảm khoảng 25%. Theo nghiên cứu của ĐH Quốc gia Singapore, nếu bạn thích nhạc thì đó là điều rất có lợi cho bạn.
- MƠ ƯỚC
Nghiên cứu của ĐH Quốc gia Ohio cho thấy rằng những người có mục đích để theo đuổi thì ít lo lắng, cảm thấy thoải mái hơn, và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn so với những người sống không có mục đích để phấn đấu.
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ Reader’s Digest và Prevention.com)