Home / Chia Sẻ / Bảo Hiểm Linh Hồn

Bảo Hiểm Linh Hồn

BaoHiem LinhHonCuộc sống đời thường có nhiều thứ bảo hiểm. Mua bảo hiểm là đề phòng những bất trắc xảy ra bất ngờ cho mình – hoặc cho các thành viên gia đình. Nhờ đó mà có được số tiền lớn để “xoay xở” khi hoạn nạn.

Ngày nay, chuyện mua bán bảo hiểm không còn xa lạ với chúng ta. Xã hội càng văn minh càng có nhiều loại bảo hiểm. Và người ta cũng đua nhau mua đủ thứ bảo hiểm: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm giao thông, bảo hiểm tài sản,… Nhưng có ai bán “bảo hiểm linh hồn” bao giờ chưa?

Xin thưa ngay là CÓ. Chúa Giêsu có loại bảo hiểm độc nhất vô nhị là Bảo-Hiểm-Linh-Hồn, bảo hiểm phúc trường sinh qua Bát Phúc (Mt 5:3-11, quen gọi là Tám Mối Phúc Thật) và Thập Giới (quen gọi là Mười Điều Răn). MƯỜI điều mà chỉ HAI điều: Yêu Chúa và yêu người. HAI điều mà cũng chỉ MỘT điều: Yêu thương – và có thể rút gọn thành một chử YÊU. Bởi vì thước đo lòng mến Chúa là tình thương người – người đời gọi là nhân đạo. Thánh Gioan Tông đồ phân tích: “Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20).

Khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã sáng tạo Bảo-Hiểm-Linh-Hồn bằng cách sống gương mẫu và dạy nhiều điều, nào là “hãy hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48), nào là “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15), nào là “hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (Mc 16:15), nào là “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em (Lc 6:27-28), “hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13:34), nào là “hãy tha thứ cho nhau” (x. Lc 6:36-38), tha thứ không chỉ 1 lần mà “mỗi ngày phải tha thứ 7 lần” (x. Lc 17:4).

Nghe chừng đơn giản nhưng không hề dễ chút nào. Nhưng thật may mắn và hạnh phúc cho chúng ta, vì Ngài lại hứa chắc chắn: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20), điển hình là Thánh Thể và Lời Chúa (Kinh Thánh).

Đó là sứ vụ Thầy Chí Thánh Giêsu đã truyền cho mỗi chúng ta. Là bổn phận, là trách nhiệm, là nhiệm vụ thì không thể không thực hiện. Chúa không bắt ép ai, cho hoàn toàn tự do, ai làm thì được thưởng. Và mỗi chúng ta đều là sứ giả rao truyền Tin Mừng, là chứng nhân cho Thiên Chúa, là nhân viên “bán” Bảo-Hiểm-Linh-Hồn, cũng là Bảo-Hiểm-Nước-Trời.

Trước khi về trời, Chúa Giêsu biết chúng ta quá non yếu nên lại hứa ban Chúa Thánh Thần để chúng ta có đủ sức mạnh mà dấn thân phục vụ. Sau khi về trời, Chúa Giêsu đã giữ đúng lời hứa và đã gởi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta vào ngày Lễ Ngũ Tuần (quen gọi là Lễ Hiện Xuống).

Khi bán bảo hiểm, các nhân viên của các công ty bảo hiểm đều “nói khéo” để bán được nhiều hợp đồng bảo hiểm, nghĩa là tăng doanh thu không chỉ cho công ty mà còn cho chính nhân viên đó. Bán bảo hiểm là một dạng kinh doanh, tất nhiên không thể không có sự thiếu trung thực – dù không là lừa đảo. Nói hay, nói tốt thì người ta mới đủ tin và dám mua.

Nhưng “Tổng Công Ty Thiên Quốc” lại hoàn toàn không “bán” Bảo-Hiểm-Linh-Hồn kiểu như vậy, vì khi “bán” Bảo-Hiểm-Linh-Hồn thì “nhân viên” hầu như bị thua thiệt chứ chẳng lời lãi gì ở đời này. Không chỉ vậy, khó hơn là nhân viên không được “dụ dỗ” hoặc “nói ngon nói ngọt” để người khác tin mà theo Công giáo như mình. Đặc biệt là khi “bán” Bảo-Hiểm-Linh-Hồn, không cần nói nhiều, thậm chí hoàn toàn im lặng, chỉ hành động và sống gương mẫu để người ta thấy đúng thì tự nguyện “mua”. Thánh Phaolô đã “mua” và hiên ngang “bán” loại bảo hiểm này: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4:2). Khó lắm! Vì quá khó nên càng cần có Chúa Thánh Thần soi sáng và hỗ trợ.

Sống, thực hiện và rao truyền Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo (gọi tắt là Giáo huấn Xã hội Công giáo – GHXHCG) cũng là cách thực hiện sứ vụ Chúa Giêsu đã giao phó cho mỗi chúng ta.

GHXHCG đã được triển khai thành một “tổng hợp” giáo lý cập nhật, dựa vào lời đã được Đức Kitô mặc khải trọn vẹn và được Chúa Thánh Thần nâng đỡ (x. Ga 14:16.26, Ga 16:13-15). Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, trong tinh thần bảo vệ con người, Giáo hội cũng đề cập sứ vụ loan truyền Tin Mừng và yêu thương nhau trong GHXHCG:

“Là thừa tác viên của ơn cứu độ, Giáo hội không sống trong trừu tượng hay thuần túy thiêng liêng, mà ở trong chính bối cảnh của lịch sử và thế giới mà con người đang sống. Chính tại nơi đây, con người gặp được tình thương Thiên Chúa và được mời gọi cộng tác vào kế hoạch của Ngài” (GHXHCG, chương II, số 60).

“Với giáo huấn xã hội của mình, Giáo hội tìm cách công bố Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trong hệ thống phức tạp các mối quan hệ xã hội. Không phải chỉ là làm sao đem Tin Mừng đến được với con người trong xã hội mà còn là làm sao cho xã hội được thấm nhuần Tin Mừng và được phong phú lên nhờ Tin Mừng. …Giáo hội quan tâm tới tính chất luân lý của đời sống xã hội, tức là quan tâm tới những khía cạnh đúng là của con người và nhân bản hóa đời sống xã hội của con người” (GHXHCG, chương II, số 62).

“Phẩm giá và quyền lợi của con người đang bị đưa ra đánh cược trong xã hội, và hòa bình trong các quan hệ giữa người với người và giữa các cộng đồng với nhau cũng đang lâm vào tình cảnh này. Đó chính là những điều thiện hảo mà cộng đồng xã hội phài theo đuổi và bảo đảm. Nhìn trong viễn tượng này, học thuyết xã hội của Giáo hội không chỉ có nhiệm vụ công bố, mà còn có nhiệm vụ tố cáo” (GHXHCG, chương II, số 81).

GHXHCG triển khai rộng Luật Chúa. Tuân thủ Luật Chúa và thực hiện những gì Giáo hội dạy là chúng ta vừa “bán” vừa “mua” Bảo-Hiểm-Linh-Hồn cho mình vậy, đồng thời có thể “mua” cho người khác bằng cách hy sinh và cầu nguyện cho họ. Nhưng muốn đủ sức mạnh để sống dấn thân thì phải cầu xin Chúa Thánh Thần:

Muôn lạy Chúa Thánh Thần

Xin ngự đến trần gian

Tự trời cao gửi xuống

Nguồn ánh sáng tỏa lan

(Ca tiếp liên Lễ Hiện Xuống)

Tại trại Ghin-gan, ông Giô-suê để cho người Ghíp-ôn được bình an và ký hiệp ước bảo đảm tính mạng của họ (x. Gs 9:3-18). Chúng ta hãy noi gương Thánh Gióp mà cầu nguyện: “Xin Ngài đứng ra bảo đảm cho con, vì ngoài Ngài ra, ai nào dám đưa tay cam kết?” (G 17:3).

Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12:15). Muốn được “bảo hiểm tâm linh” chỉ còn cách sống đức tin và sống công chính, vì “đức tin là bảo đảm cho những điều chúng ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy” (Dt 11:1), và nếu sống công chính thì chúng ta mới được bảo đảm ơn cứu độ (x. Rm 5:1). Đó mới là “bảo hiểm linh hồn” chắc chắn nhất!

Với các loại bảo hiểm khác, chúng ta phải đóng từng tháng, từng năm, nhưng với loại bảo hiểm linh hồn thì chúng ta phải đóng “phí bảo hiểm” hằng ngày, thậm chí là từng phút và từng giây. Khó vậy mới đáng được bảo hiểm trường sinh.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …