Home / Chia Sẻ / BẰNG MẶT và BẰNG LÒNG

BẰNG MẶT và BẰNG LÒNG

BẰNG MẶT và BẰNG LÒNGKẻ Này Vâng Lời Nhưng Phản Đối

Người Nọ Phản Đối Lại Vâng Lời

Sai lầm là bản chất phàm nhân vì mang gen tội lỗi, đôi khi thích làm ngược lại để chứng tỏ “bản lĩnh” của mình. Có những điều tưởng xuôi mà ngược, tưởng ngược mà xuôi. Người ta thường nói: “Thấy vậy mà không phải vậy.” Quả thật, có những điều tận mắt chứng kiến mà lại không như mình đoán định.

Một lần nọ, Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử. Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải đói khát, nhưng không ai kêu than, thoái chí, vẫn quyết tâm theo thầy.

May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi lo thổi cơm. Nhan Hồi là đệ đạo cao đức trọng được Khổng Tử đặt nhiều kỳ vọng nhất, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Khi Nhan Hồi thổi cơm, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng nghe tiếng “cộp” từ bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ, rồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh và từ từ đưa cơm lên miệng. Thấy vậy, Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên than: “Ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế ư? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”

Rồi Tử Lộ mang rau về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử vẫn nằm im. Khi rau chín, Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm, các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm. Ông ngồi dậy và nói: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ, thế mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, một dạ theo thầy. Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ, nhớ đến cha mẹ thầy, cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?”

Nhan Hồi đứng im. Các môn sinh cùng thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!” Khổng Tử nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?” Tất cả học trò không hiểu ý thầy nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc này Nhan Hồi chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.” Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi, nhưng con nghĩ: cơm ít, anh em đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít đi. Vì thế, con đã mạn phép thầy và anh em để ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em. Như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi. Bây giờ con xin phép không ăn nữa, con chỉ ăn phần rau. Thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”

Nghe xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời nói: “Ôi, thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

Thánh Mátthêu cho biết qua trình thuật Mt 21:28-32 rằng, các thượng tế và kỳ mục hỏi Chúa Giêsu về “quyền bính.” Ngài thản nhiên kể chuyện một người cha có hai con trai, ông bảo người con thứ nhất đi làm vườn nho, nó cãi ngay và nói thẳng là “không đi,” nhưng sau đó nó hối hận nên lặng lẽ đi làm. Ông cũng đi bảo người con thứ hai đi làm, nó ngoan ngoãn vâng lời ngay nhưng rồi nó lại không đi. Hai động thái trái ngược.

Chúa Giêsu hỏi ai đã thi hành ý muốn của người cha trong hai người con đó. Họ trả lời là người thứ nhất. Câu trả lời không khó. Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” Nghe “sốc” quá, nhưng đó là sự thật. Biết họ không hiểu nên Ngài giải thích: “Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông KHÔNG TIN ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại TIN. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn KHÔNG CHỊU HỐI HẬN mà tin ông ấy.” Lòng họ cứng như sáp nguội!

Chính Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ GIỮ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Ai không yêu mến Thầy thì KHÔNG GIỮ lời Thầy.” (Ga 14:23-24) Rất rõ ràng, mạch lạc. Chữ YÊU viết ngắn gọn mà ý nghĩa bao la. Có khi chúng ta là người con thứ nhất, có khi chúng ta lại là người con thứ hai. Lúc thuận, lúc nghịch. Biến hóa thất thường. “Cái tôi” to lớn và hung dữ lắm, ai cũng phải luôn cảnh giác cao độ. Thánh Phaolô lo sợ: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.” (1 Cr 9:27) Ước gì chúng ta biết tâm niệm như Thánh Gioan Tẩy Giả: “Chúa phải LỚN lên, còn tôi phải NHỎ đi.” (Ga 3:30) Làm vậy để Danh Chúa tỏa sáng, để Nước Chúa hiển trị, để Ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Tất cả chúng ta đều là những tội nhân, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta tỉnh thức, nhận ra sai lầm mà hoán cải và trở nên ngoan ngoãn. Và rồi Ngài lại phục hồi cương vị làm con cho chúng ta. Tội nhân thành thiện nhân thì thật tuyệt vời! Về tình trạng thuận – nghịch, Chúa Giêsu nói: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” (Mt 12:30; Lc 11:23) Và Ngài xác định: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9:40; Lc 9:50)

Trong hai người con, một người “bằng mặt mà không bằng lòng,” một người “không bằng mặt mà bằng lòng.” Phàm nhân với nhau mà đối nghịch đã là nguy rồi, càng nguy hơn khi đối nghịch với Thiên Chúa. Vậy mà ngày xưa, dân chúng đã dám lộng ngôn và phạm thượng: “Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.” (Ed 18:25) Có lẽ họ chẳng kém gì Ông Bà Nguyên Tổ ngày xưa khi dám liều lĩnh như vậy.

Thiên Chúa thẳng thắn đặt vấn đề với họ: “Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay ĐƯỜNG LỐI CỦA CÁC NGƯƠI mới không ngay thẳng? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết.” (Ed 18:26-28) Chính Thiên Chúa cũng đang chất vấn chúng ta y như vậy.

Dù phàm nhân chẳng đáng gì vì chỉ là bụi đất, (St 3:19) vậy mà “hạt bụi” lại dám “chọc giận” Thiên Chúa, thậm chí là phản nghịch Ngài, nhưng Ngài không chấp “lũ con nít” chúng ta, mà Ngài vẫn luôn nhớ đến và quan tâm, (Tv 8:5) đồng thời Ngài còn kiên trì chờ đợi chúng ta hối lỗi: “Đối với các dân tộc khác, Chúa Tể nhẫn nại chờ đợi cho đến khi tội lỗi chúng ngập đầu mới trừng phạt; còn đối với chúng ta, Người KHÔNG xử như thế.” (2 Mcb 6:14) Ôi, quả là Lòng Chúa Thương Xót quá lớn lao, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, bởi vì chúng ta chẳng khác gì có cái đầu to mà não bã đậu, chỉ “nổ” thôi. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn cứng đầu thì tự đâm vào ngõ cụt: “Nếu các ngươi không chịu nghe Ta thì Ta sẽ còn sửa phạt các ngươi GẤP BẢY LẦN vì tội lỗi của các ngươi.” (Lv 26:18) Thật đáng sợ!

Khôn sống, mống chết, biết mới sống. Ước gì chúng ta biết khôn ngoan như Thánh Vịnh gia: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.” (Tv 25:4-5) Muốn được Thiên Chúa nhậm lời cầu xin, con người phải chân thành sám hối. Thật thấm thía với lời nhận định của Thánh Padre Piô Năm Dấu: “Người làm điều ác mà xấu hổ về việc đã làm thì gần Chúa hơn người tốt mà không dám làm việc lành.” Đó là điều kiện thực sự ích lợi cho chính chúng ta. Thiên Chúa luôn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ nếu con người biết nhận lỗi: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng. Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người.” (Tv 25:9)

Thiên Chúa cảnh báo: “Nếu các ngươi vẫn không chịu nghe Ta thì Ta sẽ còn sửa phạt các ngươi GẤP BẢY LẦN vì tội lỗi của các ngươi. Nếu các ngươi chống Ta và không muốn nghe Ta thì Ta sẽ còn đánh phạt các ngươi GẤP BẢY LẦN tội lỗi các ngươi. Nếu các ngươi vẫn không chịu nghe Ta mà cứ chống Ta thì Ta sẽ nổi cơn lôi đình chống các ngươi và Ta cũng sẽ sửa phạt các ngươi GẤP BẢY LẦN vì tội lỗi các ngươi.” (Lv 26:18, 21, 27-28) Nhận ra lỗi lầm và biết sám hối chân thành là biết liên kết với Thiên Chúa. Đó là diễm phúc.

Biết mình “nghịch” thì cần chỉnh sao cho “thuận” với Ngài, càng sớm càng tốt. Thánh Phaolô khuyên: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng MỘT cảm nghĩ, cùng MỘT lòng mến, cùng MỘT tâm hồn, cùng MỘT ý hướng như nhau.” (Pl 2:1-2) Sống được như vậy là “nên một” theo ý muốn của Đức Kitô. (x. Ga 17:21-23)

Thực tế thì chúng ta chưa được như vậy, vì thế phải luôn nỗ lực nhiều hơn. Bản chất con người luôn đề cao “cái tôi,” vì thế mà rất nguy hiểm, và phải luôn cố gắng “đè nén” nó xuống càng nhiều càng tốt. Có thể ngay khi chúng ta làm việc gì gọi là “vì Chúa” thì thật ra vẫn “vì mình” nhiều lắm, chứ Chúa chẳng lợi gì. Thánh Phaolô cũng đã từng cảnh báo: “Đừng làm chi vì GANH TỊ hay vì HƯ DANH, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người ĐỪNG tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình NHƯ chính Đức Kitô Giêsu.” (Pl 2:3-5) Khó lắm, thế nên phải cố gắng “chết” triền miên suốt đời.

Thánh Phaolô dẫn chứng rất cụ thể: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2:6-9) Ai cũng đã nghe đi nghe lại điều này nhiều lần rồi, nhưng cảm thấy “giật mình” được mấy lần?

Chúa Giêsu có tất cả mọi sự, nhưng Ngài đã tự hạ đến tột cùng, vì thế mà Ngài xứng đáng được Thiên Chúa Cha siêu tôn: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa.” (Pl 2:10-11) Ngài là Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh Dũng Mãnh, Người Cha Muôn Thuở, Thủ Lãnh Hòa Bình, (Is 9:5) và là Bình An của chúng ta. (Ep 2:14) Tắt một lời, Thiên Chúa là tất cả của chúng ta.

Chúa Giêsu đưa ra hai con người với cách xử sự trái ngược nhau qua dụ ngôn “Hai Người Con” – một đứa thuận, một đứa nghịch. Đó cũng chính là “hai con người” hoặc “hai bộ mặt” trong mỗi chúng ta vậy.

Lạy Thiên Chúa, Ngài thấu suốt mọi sự, (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6) xin giúp chúng con biết sống đúng Thánh Ý Ngài, vừa bằng mặt vừa bằng lòng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

NHỮNG ĐẤNG BẬC ANH HÙNG

NHỮNG ĐẤNG BẬC ANH HÙNG

  Không kể 117 vị tử đạo tại Việt Nam được phong thánh năm 1988 …