Home / Chia Sẻ / BÁN ĐỜI

BÁN ĐỜI

BÁN ĐỜI [1]Mua – Bán là hoạt động trao đổi vật chất theo thỏa thuận, ngày xưa trao cái này để lấy cái kia, ngày nay văn minh hơn, người ta dùng tiền để mua cái mình muốn.

Cuộc sống trần thế “dính” nhiều tới vật chất, không dễ gì “dứt” ra được. Đó là lẽ tất nhiên, vấn đề quan trọng là đừng bám víu vào nó, đừng coi nó là chủ nhân, mà hãy coi nó là đầy tớ. Nó là phương tiện chứ không là cứu cánh. Như người Pháp nói: “L’argent est un bon serviteur et un mauvais maître” (tiền là đầy tớ tốt và là chủ nhân xấu). Còn người Latin có cách nói lạ: “Pecunia non olet” (tiền bạc không hôi thối). “Không hôi thối” cũng có thể là “thơm tho”, thảo nào người ta mê như điếu đổ!

Chuyện tiền bạc rất nhiêu khê. Chỉ vì nó mà mất cả tình nghĩa, dù là máu mủ ruột rà. Nó chỉ là những mảnh giấy vô hồn, giá trị của nó tùy con số người ta quy ước. Vậy mà nó có ma lực khó có thể cưỡng lại, đơn giản như buôn bán ma túy, biết là nguy hiểm dủ thứ nhưng người ta vẫn như con thiêu thân, lý do là lợi nhuận cao và dễ làm giàu. Lại liên quan chuyện giàu – nghèo!

Ai cũng có tài sản, dù ít hay nhiều. Nhưng con người còn có loại tài sản đặc biệt mà ai cũng rất giàu, đó là “cái tôi” – từ cái Tôi sinh ra Tồi (tệ), Tối (tăm), Tội (lỗi). Chỉ khác cái dấu mà nghiêng ngả cuộc đời! Theo nghĩa cơ bản nhất, tư sản là tài sản riêng, gia sản là tài sản của gia đình. Khi nói đến gia sản, người ta thường liên tưởng ngay tới vật chất – cụ thể là tiền bạc. Gia sản rất quan trọng đối với mỗi gia đình, cũng gọi là sản nghiệp. Đó cũng là tất nhiên thôi. Nhưng có một loại sản nghiệp quan trọng hơn: Thiên Chúa. Phần sản nghiệp này vô cùng quan trọng: “Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng” (Tv 16:5a) – chúng ta quen cách nói này: Chúa là gia nghiệp đời con. Thật vậy, ngày xưa Thiên Chúa đã nói với ông A-ha-ron: “Đất chia cho chúng, ngươi sẽ không có phần; ngươi không có gia nghiệp ở giữa chúng, và CHÍNH TA LÀ GIA NGHIỆP CỦA NGƯƠI giữa con cái Ít-ra-en” (Ds 18:20). Thiên Chúa luôn đại lượng và hào phóng đối với con người – dù đó là ai.

Sản nghiệp, gia sản hoặc gia nghiệp là thứ cần thiết cho cuộc sống đời thường, thế nhưng Chúa Giêsu đã có lần nhắc nhở: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6:19-20). Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Kho tàng ở đâu thì lòng ở đó” (Mt 6:21).Rất thực tế. Tục ngữ Việt Nam cũng nói: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Quả thật, vật chất có sức mạnh khó cưỡng lại, sức mạnh đó được gọi đó là “ma lực”. Cũng liên quan chuyện đời – chuyện đạo, Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Mác-ta! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10:41-42).

Cũng vì vậy mà luôn phải rạch ròi, chuyện nào ra chuyện nấy, đừng lẫn lộn.“Cẩn tắc vô ưu” là thế. Muốn vậy cũng chẳng dễ, bởi vì phải cậy nhờ Đức Khôn Ngoan, mà Đức Khôn Ngoan liên quan Chúa Thánh Thần, bởi vì ơn khôn ngoan là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Ngôi Ba. Thế thì thật tuyệt!

  1. TÌM KHÔN NGOAN

Khôn ngoan là nhân đức cần thiết, là ngọc quý, và được Kinh Thánh đề cập nhiều. Đây là một số câu điển hình: “Đường khôn ngoan là đường thú vị, nẻo khôn ngoan là nẻo bình an” (Cn 3:17), “Gây tội ác là trò tiêu khiển của người ngu, còn khôn ngoan là thú vui cho người hiểu biết” (Cn 10:23), “Sự khôn ngoan làm cho người khôn được sống” (Gv 7:12), “Lẽ trí khôn ngoan là cội rễ không thể nào hư hoại” (Kn 3:15), “Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người. Chiếm được Đức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa, và được Người tin cậy” (Kn 7:14), “Nếu trên đời này, giàu sang là báu vật ai ai cũng khao khát thì còn có gì giàu sang hơn Đức Khôn Ngoan, vì Đức Khôn Ngoan làm nên tất cả?” (Kn 8:5).

Và chính tác giả sách Khôn Ngoan cho biết: “Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và THẦN KHÍ ĐỨC KHÔN NGOAN đã đến với tôi. Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất” (Kn 7:7-9). Tác giả so sánh để chúng ta thấu hiểu Đức Khôn Ngoan rất quan trọng, hơn cả mọi thứ trên trần gian này. Quả thật, “tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1:2).

Một cách xác định, tác giả sách Khôn Ngoan phân tích thêm với chiều sâu hơn: “Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi. Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể” (Kn 7:10-11). Thật là ngạc nhiên về cái “khoảng” trong mối tương quan rất lạ giữa có-mà-không và không-mà-có, một dạng nghịch-lý-thuận.

Thánh Vịnh gia khôn ngoan cầu nguyện: “Xin dạy chúng con ĐẾM THÁNG NGÀY MÌNH SỐNG, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90:12),và tiếp tục thân thưa:“Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây” (Tv 90:13). Tất cả là hồng ân Chúa ban, dù chúng ta có được KHÔN NGOAN tới mức nào hoặc TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG mà KHÔNG được Thiên Chúa thương xót thì cũng VÔ ÍCH. Quả thật, Lòng Chúa Thương Xót luôn cần thiết cho bất kỳ ai, và Lòng Chúa Thương Xót ấy đã có từ thuở hồng hoang, vẫn trải từ đời nọ đến đời kia (x. Lc 1:46-55).

Thiết tưởng cũng nên xem lại cách cầu nguyện, dễ mà khó. Cầu nguyện không chỉ để xin những ơn này ơn nọ, mà còn phải biết chúc tụng Chúa, tạ ơn Chúa. Thánh Vịnh gia tiếp tục khôn ngoan khi thành tâm cầu nguyện: “Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca. Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu” (Tv 90:14-15). Ước gì mỗi chúng ta cũng biết ước nguyện như Thánh Vịnh gia đã mong muốn: “Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa được thấy công trình Ngài thực hiện, và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài. Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm” (Tv 90:16-17).

Tín thác vào Chúa quan phòng, chắc chắn chúng ta sẽ được ơn khôn ngoanđích thực.

  1. SỐNG KHÔN NGOAN

BÁN ĐỜI [2]Người Việt nói: “Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương chỉ tổ cho người ta ghét”. Thiên Chúa cũng chẳng ưa gì loại người “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, thế nên Ngài nói thẳng: “Vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16). Thánh Vịnh gia xác định: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111:10). Chắc chắn như vậy. Và đó là sống khôn ngoan. Thánh Phaolô xác định: “Lời Thiên Chúa là lời SỐNG ĐỘNG, HỮU HIỆU và SẮC BÉN hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12).

Thật vậy, Lời Chúa có lúc làm chúng ta VUI MỪNG và PHẤN KHỞI, nhưng có lúc Lời Chúa lại khiến chúng ta HỔ THẸN và NHỨC BUỐT. Lời Chúa là tấm gương phản chiếu mọi thứ và là đèn soi thấu mọi nơi khuất tịch nhất tận đáy lòng của con người. Thánh Phaolô giải thích rõ: “Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4:13).Thế nên rất cần bí quyết sống khôn ngoan. Ai “sống khôn” thì cũng “chết thiêng”. Các thánh đã sống khôn nên các ngài “thiêng” lắm!

Trong cuộc sống đời thường, vì là phàm nhân nên chúng ta có rất nhiều sai sót và thiếu sót, ngay cả người công chính cũng lầm lỗi mỗi ngày bảy lần (x. Cn 24:16), vì thế chúng ta có rất nhiều điều phải “trả lẽ” trước mặt Chúa, thậm chí có thể phải trả lẽ với Chúa về chính những gì mà chúng ta cho là “việc đạo đức” hoặc “việc tông đồ”, vì có thể chỉ là “cái vỏ bề ngoài”!Chúng ta có thể che giấu với người đời, nhưng không thể giấu được với Thiên Chúa, bởi vì Ngài “ghi hình” và “ghi âm” chính xác từng chi tiết nhỏ của mỗi động thái nơi chúng ta, dù chỉ là ý nghĩ thoáng qua. Do đó, chúng ta càng cần phải khôn ngoan mà sống! Tội lỗi từ sau ra trước, từ trong ra ngoài: tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót. Nhưng đáng quan ngại và đáng sợ nhất là “tội trong tư tưởng”, vì không ai biết, còn mấy thứ kia ít ra cũng còn sợ người ta nhìn thấy.

Sống khôn thì được sống đời đời. Thánh sử Mác-cô kể rằng, hôm đó, Đức Giêsu vừa lên đường thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Ngài và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10:17). Chàng thanh niên này thật là khôn ngoan. Thấy lạ, Đức Giêsu hỏi lại: “Sao anh nói tôi là nhân lành?” (Mc 10:18a).Rồi Ngài nói tiếp: “KHÔNG có ai nhân lành cả, TRỪ một mình Thiên Chúa” (Mc 10:18b). Và Ngài giải thích: “Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (Mc 10:18b-19). Anh ta nói rất tự tin: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10:20).Hay quá! Tốt quá!Tuyệt quá! Thế nên Đức Giêsu “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10:21a). Rồi Ngài bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi BÁN những gì anh có mà CHO người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21b). Bán tài sản không phải để tích lũy mà để “cho người nghèo”.

Ôi chao, mệt với Chúa quá! Khó quá! Căng quá! Mà “căng” thật, vì vừa nghe lời đó, “anh ta SA SẦM NÉT MẶT và BUỒN RẦU BỎ ĐI, vì anh ta CÓ NHIỀU CỦA CẢI” (Mc 10:22). Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10:23). Nghe Ngài nói thế, các môn đệ sững sờ và ngây ngô “như chú Tàu nghe kèn”. Nhưng Ngài lại nói tiếp: “Các anh ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10:23-24). Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và xầm xì với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10:26).Đúng là khó thật chứ chẳng đùa đâu!

Thế nhưng chúng ta đừng vội trách chàng thanh niên “đại gia” kia. Tài sản của gia đình thì đã rõ. Tài sản của cá nhân cũng không khó hiểu. Nhưng có thể chúng ta “quên” loại tài sản “quan trọng” hơn, đó là “cái tôi”. Rất có thể chúng ta nghèo vật chất nhưng “tài sản riêng” của chúng ta vẫn có thể thuộc loại “nứt đố, đổ vách”, vẫn “giàu sụ”, vẫn thuộc hàng “đại gia”. Đó là tính kiêu ngạo, lòng ghen ghét, sự thù hận, tính ích kỷ, thói gièm pha, thói xu nịnh, sự nhẫn tâm, sự vô tình, tính nhỏ mọn, lòng tự ái, óc bè phái, tính tham lam, thói lọc lừa, áp bức, lộng hành, cậy quyền, ỷ thế,…Và còn rất nhiều thứ khác nữa. Đó là loại “tài sản vô giá” mà chúng ta không muốn bỏ để có thể thanh thản bước theo Chúa. Gay quá! Nhưng muốn theo Chúa thì phải triệt hạ “cái tôi” – nghĩa là bán cả cuộc đời mình.

Lúc đó, Chúa Giêsu biết rõ các đệ tử đang xì xầm với nhau điều gì nên Ngài nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ ĐƯỢC”(Mc 10:27). Rồi ông Phêrô lên tiếng thưa: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (Mc 10:28). Câu đó không là một câu hỏi nhưng lại mang ý nghĩa một câu hỏi.

Ông trưởng nhóm đã “đặt vấn đề” rất thực tế với Sư Phụ. Và chắc hẳn chúng ta cũng có nhưng lúc đã từng như vậy! Nghe Phêrô hỏi, Chúa Giêsu nói ngay: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10:29-30).Chúa chẳng để ai bị lỗ vốn đâu!

Cái “được” cũng nhiều đấy, nhưng đừng quên điều kiện kèm theo là “cùng với sự ngược đãi” (câu này dễ bị làm ngơ hoặc bỏ quên lắm).Vấn đề là ở chỗ đó.Chỉ chú ý vế 1 mà “quên” vế 2 là sai lầm to. Phàm điều gì cũng có “điều kiện tự nhiên” kèm theo như điều kiện “ắt có và đủ” vậy: Có đau khổ mới hiểu được giá trị của hạnh phúc, có nước mắt mới quý trọng tiếng cười, có thất bại mới vui sướng khi thành công. Và nhiều điều khác tương tự.

Lạy Thiên toàn năng và nhân hậu,xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan, xin giúp chúng con can đảm bán cuộc đời để có thể thanh thản vui sống và theo Ngài, bởi vì chỉ có Ngài mới là cùng đích vàlà gia nghiệp vĩnh cửu. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …