Home / Chia Sẻ / Bài Học Kinh Nghiệm

Bài Học Kinh Nghiệm

vKhởi đầu rồi kết thúc, đó là quy luật tự nhiên. Mỗi năm qua đi là dịp để chúng ta nhìn lại một năm qua để rút ra những kinh nghiệm – cả ưu và khuyết điểm, nhờ đó mà cố gắng thêm để hữu ích cho chính mình và người khác. Thật khó để học hết các bài-học-đời, nhưng vấn đề là chúng ta có cố gắng học hay không.

Ngày đầu năm, dù Tết dương lịch hay Tết âm lịch, là ngày cả thế giới ước nguyện một nền hòa bình đích thực. Ước muốn hòa bình mà người ta chỉ ước muốn cho mình, nếu người ta cũng ước muốn cho người khác thì người ta đâu có gây hấn, tranh chấp, khủng bố, hận thù, hoặc khích bác nhau. Mâu thuẫn quá chăng? Chiến tranh vẫn xảy ra ở nhiều nơi, kẻ yếu vẫn chịu nhiều bất công! Chắc chắn một điều: “Không có Công lý, không có Hòa bình – No Justice, no Peace”.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2:14). Lời ca đó được các thiên thần hát vang trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh, và Thiên Chúa luôn rất muốn như vậy. Tuy nhiên, chúng ta chưa thiện tâm nên chúng ta chưa được bình an, chưa có hòa bình đích thực. Quả thật, Thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa nhất định là Đấng chân thật, còn mọi người đều giả dối” (Rm 3:4). Vì chúng ta giả dối, lừa lọc nhau, kèn cựa nhau, thế nên chúng ta bất an nhiều thứ!

Cánh chim bồ câu vẫn vắng bóng trên bầu trời nhiều nơi: Gia đình, giáo xứ, dòng tu, hội đoàn, đất nước,… Vắng bóng bồ câu vì bồ câu chưa thấy có những cành lá xanh biếc yêu thương, và chưa có chỗ đậu an toàn. Thật đáng báo động, vì Thánh Phaolô nói rõ: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7).

Cuộc đời tưởng dài mà ngắn ngủi lắm, như một thoáng qua mà thôi: “Thời gian thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mãi không chờ đợi ai” (ca dao). Còn trẻ tuổi, nhưng cố NS Y Vân đã cảm nhận được “sáu mươi năm cuộc đời”. Như một lời tiên tri, ông đã qua đời ở tuổi đó. Kinh Thánh nói: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90:10). Thế thôi, chẳng bao nhiêu! Vả lại, sinh ký – tử quy. Thiên luật là vậy, và Thiên Chúa đã ra lệnh: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90:3). Cuộc đời ngắn ngủi như đóa phù dung sớm nở tối tàn mà sao chúng ta không tận dụng để yêu thương nhau, tha thứ cho nhau? Ghen ghét và hận thù nhau có lợi gì?

Tình yêu rất cần thiết. Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34; Ga 15:12). Yêu thương rất có lợi, vì “lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4:8). Thánh Phaolô cũng nhắn nhủ: “Hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy sống cho đáng bậc nam nhi và ăn ở kiên cường. Hãy làm mọi sự vì đức ái” (1 Cr 16:13). Thánh Phaolô “lưu ý” nam giới, nhưng không phải vì thế mà nữ giới cứ “vô tư”. Vấn đề là Đức Ái, là yêu thương, là thương xót, ai cũng phải thể hiện, nhờ đó mới có được sự hòa bình đích thực – trong tâm hồn, tại gia đình, ngoài xã hội, trên thế giới.

ĐGH Phanxicô thật tuyệt vời khi dám thẳng thắn giống như Chúa: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1 Pr 1:17). Thật vậy, sáng ngày 22-12-2014, khi mọi người chuẩn bị đón mừng Chúa giáng sinh, ngay tại Hội trường Clementê ở Vatican, ĐGH Phanxicô đã gặp gỡ giáo triều Rôma để ôn lại hoạt động trong năm qua cũng như gởi lời chúc mừng Giáng sinh đến các thành viên trong giáo triều gồm các giám mục và linh mục phụ trách cho các Thánh bộ, Văn phòng, Tòa án,… Nhưng đặc biệt là ngài đã liệt kê 15 căn bệnh trầm kha của giáo sĩ cần chữa trị ngay. Chúng ta đừng nghĩ là ngài nói các giáo sĩ của giáo triều, mà là tất cả mọi người, cách riêng là các giáo sĩ, riêng hơn nữa là các giáo sĩ tại Việt Nam.

Đây là các bệnh trầm kha của giáo sĩ mà “bác sĩ” Phanxicô đã “chẩn đoán” được:

  1. Bệnh ảo tưởng. Chính ảo tưởng mà ngỡ mình là “bất diệt”, “miễn nhiễm” hay “rất cần thiết”. Thế nên họ làm lơ việc kiểm điểm mỗi ngày. ĐGH Phanxicô gọi đó là bệnh của người giàu, tưởng mình bất tử (Lc 12:13-21). Bệnh này thường phát sinh từ việc ham mê quyền bính, từ chủ thuyết “tự yêu mình” (narcissism), say mê hình ảnh của mình, không nhìn thấy Chúa nơi người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và túng thiếu nhất. Thuốc chữa bệnh dịch này là ơn thánh, ơn cảm thấy mình tội lỗi và chân nhận: “Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm những gì chúng tôi phải làm” (Lc 17:10).
  2. Hội chứng Mát-ta (Marthaism). Đó là những người quá bận tâm đến công việc, chìm đắm trong công việc, lơ là với phần tốt là lắng nghe Chúa Giêsu dạy (Lc 10 :38). Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ “nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:31), thiếu nghỉ ngơi sẽ dẫn tới tình trạng căng thẳng và dao động. Thời gian nghỉ ngơi cần thiết đối với các trách nhiệm, cần phải sống thanh thản để dành thời gian cho người thân, nghỉ ngơi để bồi bổ tinh thần và thể xác. Trong sách Giảng Viên, Cô-hê-lét đã nói: “Mọi việc điều có thời” (Gv 3:1-15).
  3. Bệnh xơ cứng tinh thần. Đó là những người có tâm hồn chai đá, “cứng đầu cứng cổ” (Cv 7:51-6), bệnh “bàn giấy”, quan liêu, mất sự thanh thản nội tâm, mất sức sinh động và sáng tạo, nặng về thủ tục và pháp lý chứ không còn là “người của Thiên Chúa” nữa (Dt 3:12). Họ đánh mất “tâm tình của Chúa Giêsu” (Pl 2:5-11), vì thế mà tâm hồn họ trở nên khô cằn, không còn biết mến Chúa và yêu người vô điều kiện (Mt 22:23-40).
  4. Bệnh ôm đồm.Lên kế hoạch tông đồ rất tỉ mỉ và sắp xếp rất chi tiết, y như một kế toán viên hay một con buôn. Chuẩn bị mọi sự là điều tốt và cần thiết, nhưng đừng bao giờ tưởng mình làm hết mọi chuyện, không để cho Chúa Thánh Thần tự do hoạt động. Chính Thánh Thần mới là Đấng hành động chính, quảng đại hơn mọi kế hoạch của con người (Ga 3:8). Thiên tài cũng chỉ giỏi một hoặc vài lĩnh vưc, không phải cứ thiên tài là biết hết mọi thứ, làm được tất cả. Thánh Thần mới là làn gió mát, Đấng khơi nguồn sáng tạo.
  5. Bệnh hợp tác kém.Khi các chi thể đánh mất sự hiệp thông với nhau thì thân thể cũng mất đi sự hài hòa và chừng mực của mình, nó biến thành “ban nhạc chỉ tạo ra những tiếng ồn”, vì các nhạc công không còn ăn ý với nhau, không sống tinh thần hiệp thông và đồng đội. Khi chân không thể nói là không cần nhau, kể cả cái đầu cũng vậy thôi: “Phaolô trồng, A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3:6).
  6. Bệnh Alzheimer tinh thần. Bệnh này khiến người ta quên lịch sử cứu độ, lịch sử cá nhân đối với Chúa, quên mối tình đầu (Kh 2:4). Tiến trình này làm suy thoái dần dần khả năng tinh thần, tạo nên tình trạng tật nguyền trầm, làm mất khả năng tự quyết, sống lệ thuộc vào những quan niệm do tưởng tượng. Đó là những người không còn nhớ cuộc gặp gỡ ban đầu với Chúa, không còn cảm thức trong cuộc sống, chỉ bám vào “thời hiện tại” với các đam mê của mình, họ trở nên nô lệ các thần tượng mà chính tay họ nắn nên.
  7. Bệnh háo danh.Vẻ bề ngoài, màu áo và danh hiệu trở thành đối tượng ưu tiên, họ quên lời Thánh Phaolô: “Anh em đừng làm gì vì cạnh tranh hay háo danh, nhưng mỗi người với tất cả sự khiêm tốn, hãy coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2:1-4). Đó là căn bệnh khiến người ta giả dối và sống theo “thần bí” giả hiệu, một kiểu “tu kín” giả tạo. Thánh Phaolô đã định nghĩa họ là “những kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô” và “hư hỏng” (Pl 3:18-19).
  8. Bệnh tâm thần phân liệt.Đó là bệnh của những người sống hai mặt, giả hình, tầm thường, dần dần bị trống rỗng tinh thần mà các văn bằng tiến sĩ hoặc bằng cấp khác không thể lấp đầy được. Bệnh này thường xảy ra nơi những người bỏ việc mục vụ, chỉ giới hạn vào những công việc bàn giấy, không va chạm thực tế, không tiếp xúc với những con người cụ thể. Họ tự tạo một thế giới hai mặt, họ dạy người ta nhưng sống kiểu khác và sống phóng đãng. Việc hoán cải là điều rất cần thiết và không thể thiếu được đối với căn bệnh trầm kha này (Lc 15:11-32).
  9. Bệnh nói hành.Bệnh này thường bắt đầu bằng những cuộc chuyện trò, nó làm cho con người trở thành kẻ “gieo rắc cỏ lùng” (như Satan), và trong nhiều trường hợp, họ trở thành kẻ “giết người không vấy máu”, giết hại danh thơm tiếng tốt của linh mục đoàn và anh em cùng dòng tu. Đó là bệnh của những kẻ hèn nhát, không dám nói thẳng, chỉ nói sau lưng. Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Anh em hãy làm mọi sự mà đừng lẩm bẩm, không do dự, để không có gì đáng trách và tinh tuyền” (Pl 2:14-18).
  10. Bệnh thần thánh hóa.Đó là bệnh của những kẻ a dua, xu nịnh Bề trên, hy vọng tìm chút ân huệ. Họ là kẻ tham lam, cơ hội, tôn vinh con người chứ không tôn vinh Thiên Chúa (Mt 23:8-12). Khi phục vụ, họ chỉ nghĩ đến tư lợi. Họ là kẻ bủn xỉn, nhỏ nhặt, cau có, hành động vị kỷ (Gl 5:16-25). Bệnh này có thể xảy ra với cả Bề trên khi họ chiêu dụ vài cộng tác viên chịu phục tùng, trung thành, lệ thuộc, nhưng hậu quả chỉ là sự đồng lõa.
  11. Bệnh dửng dưng.Đó là khi người ta chỉ nghĩ đến mình và thiếu sự thành thật trong mối quan hệ chân thành với nhau. Người giỏi không mang kiến thức của mình để phục vụ người yếu kém hơn, người học được kiến thức nhưng chỉ giữ riêng cho mình chứ không tích cực chia sẻ cho người khác. Họ là người ghen tương, tinh ranh, cảm thấy vui mừng khi thấy người khác gục ngã, thay vì khích lệ và nâng người khác đứng lên.
  12. Bệnh làm bộ.Đó là người cộc cằn và hung dữ. Để tỏ ra mình đạo mạo, họ làm bộ mặt rầu rĩ, khắt khe khi xử sự với người khác – nhất là những người lớp dưới. Họ luôn cứng nhắc, lỗ mãng và kiêu hãnh. Thật ra sự nghiêm khắc chỉ nhằm che đậy một tâm hồn bi quan, sợ hãi và bất an. Công tác tông đồ đòi buộc sự nhã nhặn, thanh thản, nhiệt thành và vui tươi, mang niền niềm vui đến nơi mình phục vụ. Một con tim đầy tràn Thiên Chúa là một con tim hạnh phúc, chiếu tỏa và làm lan rộng niềm vui cho tất cả những người quanh mình, người khác sẽ nhận thấy ngay điều đó. Đừng đánh mất sự vui tươi, tính hài hước, và phải viết tự phê phán chính mình. Một chút hài hước thật lòng là điều tốt biết bao! Rất lợi ích. Hãy ghi nhớ câu nói của Thánh Thomas More: “Tôi cầu nguyện hằng ngày và nó mang lại lợi ích cho tôi”.
  13. Bệnh vơ vét.Làm việc tông đồ nhưng tìm cách lấp đầy khoảng trống bằng cách vơ vét của cải vật chất, không phải vì cần thiết mà chỉ vì để cảm thấy an toàn. Trong thực tế, của cải không thể mang theo mình vì “khăn liệm không có túi”, và mọi kho tàng vật chất của chúng ta không bao giờ có thể lấp đầy khoảng trống, trái lại nó càng làm cho người ta thêm nặng nề và chậm chạp hơn. Với họ, Chúa lặp lại: “Ngươi bảo: nay tôi giầu có, đã đầy đủ của cải rồi, tôi chẳng cần gì nữa. Nhưng ngươi không biết mình là kẻ bất hạnh, khốn nạn, một kẻ nghèo, mù lòa và trần trụi… Vậy ngươi hãy nhiệt thành và hoán cải!” (Kh 3:17-19).
  14. Bệnh khép kín.Đó chính là dạng phe cánh, bè phái. Việc lôi kéo, quy tụ lập nhóm để thuộc về nhau coi còn quan trọng hơn thuộc về Thân Mình Chúa Kitô. Căn bệnh này khởi đi từ những ý hướng tốt, nhưng với thời gian nó trở nên xấu, biến thành “ung thư”, đe dọa sự hài hòa nơi Thân Mình Chúa Kitô, gây nên bao gương mù, nhất là cho những anh em mới bước vào đời tu. Bè nhóm là mối nguy hiểm nhất, là sự ác đánh từ bên trong, như Chúa Kitô đã nói: “Nước nào chia rẽ bên trong thì nó sẽ tự tàn lụi” (Lc 11:17).
  15. Bệnh trục lợi.Khi công tác tông đồ biến việc phục vụ thành quyền lực, rồi quyền lực trở nên thứ hàng hóa để kiếm chác lợi lộc trần gian và củng cố quyền hành. Đó là bệnh của những người tìm cách gia tăng vô độ quyền lực và để đạt được mục tiêu đó. Họ vu khống, mạ lỵ và làm mất thanh danh người khác, thậm chí đưa lên cả báo chí. Thường thì chính họ muốn biểu dương và chứng tỏ mình có khả năng hơn người khác. Căn bệnh này cũng gây hại rất nhiều cho Thân Mình Đức Kitô, vì nó đưa người ta tới chỗ biện minh việc sử dụng bất kỳ phương tiện nào để đạt được mục đích, thường là nhân danh công lý và sự minh bạch. Có một linh mục đã gọi các ký giả đến để kể cho họ (điều mà linh mục này bịa đặt) về những chuyện riêng tư của các linh mục khác và của giáo dân. Linh mục ấy chỉ muốn được xuất hiện trên trang nhất của báo chí, và như thế cảm thấy mình có quyền hành và hấp dẫn, tạo ra bao đau khổ cho người khác và cho chính Giáo Hội. Ngày nay người ta muốn nổi tiếng bằng cách tạo xì-căng-đan!

Nếu nghiêm túc xét mình và tự chẩn đoán, có lẽ ai cũng mắc một hoặc vài chứng bệnh trầm kha mà ĐGH Phanxicô liệt kê. Vấn đề là chúng ta có chịu điều trị hay không. Dạng bệnh trầm kha như ung thư thì phải hóa trị hoặc xạ trị, đau nhức lắm, nhưng “thuốc đắng mới đã tật”, không thể có cách chọn lựa khác, nếu không thì… “chết” thôi!

Ca dao Việt Nam có câu: “Thài lài mọc giữa bờ sông, tuy không xanh tốt nhưng tông thài lài”. Cách nói của ca dao nhẹ nhàng mà thâm thúy, nhức buốt lắm!

Một năm mới lại khởi đầu, một hành trình dài lại bắt đầu. Gọi là dài nhưng nào có dài gì, quay đi quay lại đã thấy cuối năm, và lại sắp một khởi đầu mới. Cứ thế, cứ thế,… Có bệnh thì phải chữa trị, thời gian điều trị có thể dài hoặc ngắn, tùy loại bệnh và tùy mức độ bệnh nặng hay nhẹ, nhưng vấn đề là PHẢI CHỮA, càng sớm càng tốt!

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm (Tv 51:3-5).

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …