Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Tin mừng Lễ Các Đẳng Linh Hồn 2014 của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Tin mừng Lễ Các Đẳng Linh Hồn 2014 của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

Hôm qua chúng ta mừng kính các thánh nam nữ trên trời. Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những người đang còn ở nơi luyện tội để họ chóng được về hưởng nhan thánh Chúa. Đây cũng là một dịp để chúng ta nhìn lại những mối tương quan của chúng ta với những người đã khuất.

Các nhà tâm lý học cho rằng: trong cuộc đời có ba cái đáng sợ nhất là cô thế, cô thân và chia ly. Trong trăm ngàn hình thức chia ly thì cái chết là sự chia ly khủng khiếp nhất, vì nó phân rẽ cách thể lý chúng ta với tất cả những gì chúng ta yêu mến như: những người thân yêu, danh vọng, sự nghiệp, hạnh phúc ở trần gian.

Ai đã từng chứng kiến cái chết và đã dự đám tang đều nhận thấy rằng có ba lúc người ta đau đớn và khóc lóc nhiều nhất, đó là lúc lìa đời, phút chia ly thực sự bắt đầu, kẻ sống người chết đôi ngả đôi nơi. Thứ hai là Lúc nhập quan, sự ngăn cách giữa người chết và kẻ sống qua 6 tấm ván. Và thứ ba là lúc hạ huyệt, người chết nằm sâu trong lòng đất, một sự xa cách vĩnh viễn về thể lý.

Cái chết nói chung là như thế, tuy nhiên có một chút khác biệt giữa chúng ta và những người Tây Phương.

Đối với nhiều người Việt Nam chúng ta, sự chết không nhất thiết là điều đáng sợ. Người xưa coi chết là mãn kiếp, tức là kết thúc cuộc đời, nên thường ung dung thư thái đón chờ cái chết và chuẩn bị cho cái chết của mình ngay những tháng năm còn khoẻ mạnh. Chẳng hạn như mua sắm quan tài và những đồ khâm liệm đề phòng khi cái chết đến.

Trong khi đó, người Tây Phương thì không làm như vậy. Họ không sắm sẵn quan tài và những đồ khâm liệm. Thậm chí, họ còn sắp xếp để người thân yêu của mình không chết trong gia đình. Tốt hơn nên để người đó chết ở bệnh viện, rồi từ đó đưa thi hài người quá cố, tới quàn tại nhà xác trước khi đưa tới nhà thờ, và từ nhà thờ đưa thẳng ra nghĩa địa.

Con người là như thế, còn đối với Chúa Giêsu thì như thế nào?

Theo Cựu Ước, người Do Thái không quan niệm chết là hồn lìa khỏi xác, vì đó là quan niệm của người Hy Lạp. Còn người Do Thái thì cho rằng chết là mất hết sự sống. Với phép lạ làm cho Lagiarô sống lại, Chúa Giêsu muốn nhắn gởi chúng ta: Ngài chính là sự sống lại và là sự sống.

Chúng ta trở lại với khung cảnh của bài Tin Mừng ở Bêtania.

Bêtania ở phía đông núi Ôliu, cách Giêrusalem 3 cây số.

Đây là nhà của ba chị em Matta, Maria và Lazarô.

Với Chúa Giêsu, Bêtania trở thành một nơi rất quen thuộc.

Chúa nhiều lần đã qua lại nơi đây sau những ngày rao giảng mệt nhọc, nhất là  sau khi cảm nếm  sự cứng lòng  của những người lãnh đạo Do Thái, khiến Người có cảm giác như bị thất bại  và ruồng bỏ.

Tình bạn giữa Chúa Giêsu và những thành viên trong gia đình Bêtania thật là thắm thiết, đến nỗi khi Lazarô đau nặng, hai chị em đã cho người báo tin cho Chúa: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng” (Ga 11, 3).

Lazarô đã chết, thế là Chúa Giêsu lên đường trở về Giuđêa, mặc dầu trước đó không lâu suýt nữa Chúa Giêsu đã bị ném đá. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu đã thương mến ba chị em như thế nào. Rồi qua diễn tiến câu chuyện chúng ta càng thấy rõ tâm tình của Chúa Giêsu dành cho gia đình này.

Chúng ta nghe tiếp câu chuyện: khi nghe tin Chúa Giêsu đến với gia đình, Matta đã đi đón Người:”Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết”.

Sau đó bà về gọi Maria, em gái bà và nói với em rằng: “Thầy ở ngòai kia, Thầy gọi em”.

Maria đến gặp Chúa và cũng lặp lại lời của Matta: ”Thưa Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết”.

Khi thấy bà khóc và những người Do Thái bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức, xúc động và đã rơi lệ.

Một cảnh tượng thật cảm động. Một cảnh tượng cho thấy Chúa Giêsu thực là một con người. Một con người với tất cả những gì là tự nhiên nhất của nó.

Chính ở đây cho chúng ta thấy: Một Thiên Chúa đã phản ứng như một con người.

Phải, chúng ta có một Thiên Chúa, một Thiên Chúa rất gần gũi với con người.

Một Thiên Chúa sống giữa con người. Một Thiên Chúa biết chia sẻ những mất mát lớn lao của những người thân trong gia đình. Người đã rơi lệ.

Một Thiên Chúa biết rung cảm với một gia đình mà ở đó chỉ có ba chị em.

Hai người chị và một đứa em trai. Bây giờ đứa em trai đã chết.

Quả thật, một sự mất mát vô cùng lớn đối với hai người chị này.

Và làm sao an ủi được hai chị em này.

Thế là Chúa đã khóc. Chúa đã rơi lệ. Những giọt nước mắt rơi xuống.

Những giọt nước mắt của một con người, nhưng cũng là những giọt nước mắt của một Thiên Chúa.

Tất cả đều hé mở cho chúng ta một điều vô cùng quan trọng:

Không có một tôn giáo nào lại có một vị thần linh ở với con người như Chúa Giêsu ở với chúng ta. Phải, một Thiên Chúa đã đến ở với con cái lòai người. Và vị Thiên Chúa đó đã cảm nhận được những nỗi đau thương, những nỗi thống khổ cũng như những mất mát của con người.

Đức Giêsu của Bêtania ngày xưa, cũng là Đức Giêsu của chúng ta hôm nay.

Đức Giêsu cách đây hơn hai ngàn năm cũng chính là Đức Giêsu của chúng ta hôm nay.

Người luôn khẳng định với chúng ta:

Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.

Tin tưởng vào lời Chúa, chúng ta đến đây để cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta. Họ đang nằm sâu trong lòng đất và họ đang mong chờ những lời cầu nguyện cũng những hy sinh của chúng ta để họ chóng được hưởng nhan thánh Chúa. Amen.

 

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …