Khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện bên giòng sông Giođan, dân chúng rất phấn khởi.
Đó là tụ điểm của những đoàn hành hương và các du khách từ khắp nơi trên thế giới đến. Chẳng mấy chốc, tin tức về hoạt động của Gioan Tẩy Giả đã đến tai những nhà lãnh tôn giáo ở Giêrusalem.
Vì thế họ cử một phái đoàn gồm các tư tế và các thầy Lêvi đến gặp Gioan để biết rõ ông có phải là Đấng Cứu Thế không?
Ông trả lời thẳng: Tôi chỉ là tiếng hô trong hoang địa, hãy dọn đường cho Chúa đến.
Gioan chỉ là người dọn đường: hố sâu phải lấp cho đầy, đồi cao phải bạt xuống, con đường quanh co phải uốn cho ngay.
Gioan chỉ là người dọn đường, chỉ là người loan báo, nhưng là một người loan báo “khiêm tốn xóa bỏ đời mình trước Đấng ông loan báo”.
Ông mong ước được “biến đi” để Người “lớn lên” (Ga 3, 30).
Ông không phải là ánh Sáng, nhưng chỉ là một cây đèn nhỏ đốt sáng trong đêm tối (Ga 5, 35).
Ông chỉ là bạn hữu của chàng rể, đứng xa xa, bị xóa mờ (Ga 3, 29).
Ông đã tự động chuyển giao các môn đệ của mình cho Đức Giêsu” (Ga 1, 35-39).
Gioan dâng hiến hết uy tín, danh dự và sự nghiệp cho Đức Giêsu.
Thậm chí đến lúc chết cũng không được chết công khai trên pháp trường, trước hàng ngàn người ái mộ, nhưng chết trong ngục tối.
Lính vào ngục chặt đầu ông.
Đầu của ông không được người ái mộ đem về chôn, mà được trao cho một người đàn bà ác đức.
Đau quá! Nhục quá!
Nhưng phải như thế Gioan mới được mãn nguyện,
“vì Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”.
Gioan là tấm gương về con người sẵn sàng xóa mình đi để người ta chỉ nhìn thấy Chúa Cứu Thế.
Nhìn vào gương của Gioan để chúng ta đi vào cuộc sống hôm nay
(Sau đây là một số gợi ý của JB. Nguyễn hữu Vinh)
Mỗi người chúng ta sinh ra trong cuộc đời cũng có một sứ mạng để hoàn thành theo ý định của Thiên Chúa.
Cách chung, sứ mạng đó nằm trong ơn gọi làm người của mình.
Con người là hình ảnh Thiên Chúa, có khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa.
Con người phải sống theo lương tâm ngay thẳng để sống đúng phẩm giá làm người và hoàn thiện mình mỗi ngày nên tốt hơn.
Ngoài ra Thiên Chúa cũng để cho mỗi người một hoàn cảnh, một địa vị, một khả năng như phương thế để con người sống đúng ơn gọi làm người của mình.
Như vậy, giá trị của đời người không hệ tại ở địa vị, hoàn cảnh, hay khả năng mà hệ tại ở việc con người biết nỗ lực hoàn thiện cuộc đời mình cho xứng với phẩm giá làm người.
Chính điều đó đã giúp cho thế giới hôm nay vẫn còn đó những con người biết quý trọng nhân cách, quý trọng tình người hơn là những danh lợi thú trần gian.
Dù rằng, sống giữa một trào lưu hưởng thụ, nhiều người đã can đảm từ khước những đam mê thấp hèn để sống cao thượng theo phẩm giá làm người.
Dù rằng, sống giữa một xã hội đầy ích kỷ, luôn đề cao cá nhân, nhiều người vẫn âm thầm lặng lẽ sống hết mình phục vụ tha nhân.
Vâng, thế giới hôm nay vẫn còn đẹp, vì vẫn còn đó những tấm lòng biết sống cho tha nhân, biết vì lợi ích của tha nhân mà quên đi những niềm vui bất chính.
Thế giới hôm nay vẫn còn đẹp, vì vẫn còn đó những con người không vì tiền mà bán rẻ lương tâm, không vì quyền mà sống luồn cúi, thấp hèn, không vì những ham muốn xác thịt mà bôi nhọ thanh danh.
Thế giới hôm nay, vẫn còn đẹp, vì vẫn còn đó những con người biết hoàn thiện mình theo chân thiện mỹ mà Thiên Chúa đã an bài.
Đó cũng chính là sứ mạng tối hậu và khẩn cấp mà Chúa đang chờ đợi chúng ta hoàn thành trong thời đại hôm nay.
Là người kitô hữu, chúng ta không thể sống thiếu trách nhiệm về cuộc sống của mình và của tha nhân. Chúng ta không thể vì những danh lợi thú trần gian để đánh mất phẩm giá và lương tri của một con người. Chúng ta càng không thể để cho những khuynh hướng xấu làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá con người “giống hình ảnh Thiên Chúa” nơi chúng ta.
Đồng thời chúng ta cũng phải là những chứng nhân về chân thiện mỹ, về nét đẹp cao quý của con người, và nhất là về ơn gọi của người kitô hữu là phải quy hướng về Thiên Chúa, sống cho Thiên Chúa và vì Thiên Chúa.
Chúng ta phải hô to cho cả thế giới này thấy rằng: ngoài đời sống vật chất con người còn có sự sống thần linh, sự sống tương giao với Thiên Chúa.
Xin được mượn lời của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI để kết thúc bài chia sẻ này:
” Cũng như Gioan… Ai đã gặp gỡ Đức Kitô trong đời mình rồi thì cảm thấy trong lòng một niềm thanh thản và hân hoan mà không ai, cũng không tình huống nào có thể xóa đi được.
Thánh Augustinô đã hiểu rõ điều ấy trong cuộc đi tìm chân lý, bình an, niềm vui: sau khi đã tìm kiếm trong đủ mọi thứ một cách vô vọng, ngài kết luận bằng câu nổi tiếng rằng trái tim con người vẫn khắc khoải, không tìm đâu ra sự thanh thản và bình an bao lâu nó chưa được nghỉ ngơi trong Thiên Chúa.
Niềm vui đích thực là một ân huệ, phát sinh từ cuộc gặp gỡ với người sống động là Đức Giêsu, từ chỗ đứng chúng ta dành cho Người nơi mình, từ thái độ chúng ta đón tiếp Thánh Thần là Đấng hướng dẫn đời mình“. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy