Đức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong bài Tin Mừng hôm nay:
“Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu sám hối mà tin ông ấy”.
Vậy sám hối là gì? Sám hối trong Kitô giáo gồm bởi hai từ: Ăn năn và thống hối
– Ăn năn lànghiền nát, chà đạp, tan thành miếng nhỏ.
–Thống hối là châm, đâm.
Vào một lúc nào đó, con tim chúng ta bị tổn thương, bị đâm thủng, một cõi lòng tan nát.
Và Sám Hối được chia làm ba giai đoạn.
– Giai đoạn thứ nhất: biết mình sa ngã phạm tội
– kế đó là quyết tâm trở lại với Chúa.
– sau cùng là tiến lên đi tìm sự trọn lành.
Thực tế thì không đơn giản cũng không phức tạp như vậy vì ân sủng là chính sự đơn giản. Khó khăn ở chỗ là đời sống trong Chúa Thánh Thần đâu dễ gì nhìn thấy, chúng đan chéo vào nhau không ngừng, đến nỗi không phải lúc nào cũng dễ phân biệt được những con đường đó.
Quả vậy, tội lỗi, sám hối, và ân sủng đâu phải chỉ là ba giai đoạn nối đuôi nhau.
Trong cuộc sống thường nhật, chúng rối rắm, đôi khi khó gỡ. Chúng lớn lên chung với nhau. Tôi không bao giờ hoàn toàn ở bên này hay bên kia.
Tôi không ngừng ở trong cả ba.
Tội lỗi, sám hối và ân sủng là cơm gạo và thân phận hằng ngày của tôi. Thậm chí cả trong Nước Trời, như chính Đức Giêsu đã nói, nơi đó những người tội lỗi cũng không thiếu vắng và có khi những người thu thuế và gái điếm lại vào trước và dẫn đầu những người khác (Mt 21, 28-32).
Ba giai đoạn này không phải là ba bậc thang giá trị, chúng ta không bước từ bậc này lên bậc kia như thể bước lên bậc tam cấp.
Cũng không phải là ba quân hàm chúng ta gắn trên vai áo.
Không, trước giờ chết, chúng ta sẽ không bao giờ vĩnh biệt hẳn trạng thái này hay trạng thái kia trong ba trang thái đó.
Chúng ta luôn luôn là những người tội lỗi không ngừng đang sám hối,
và trong sự sám hối đó chúng ta đang không ngừng được Thần Khí của Thiên Chúa thánh hoá.
Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng chỉ cần sám hối một lần là đủ.
Không, muôn đời chúng ta luôn là những con người tội lỗi, nhưng là những người tội lỗi được thứ tha, đang sám hối.
Thật vậy, sám hối luôn là vấn đề thời gian, con người cần thời gian và Thiên Chúa cũng cần thời gian với chúng ta.
Thật là sai lầm nếu chúng ta nghĩ rằng, những chuyện đại sự trong cuộc sống con người có thể thực hiện ngay và một lần là đủ.
Không, con người chúng ta là như thế đó, phải có thời gian để lớn lên, để chín mùi và để triển khai tất cả những khả năng của mình.
Ngày hôm nay, thời gian được ban cho chúng ta để mỗi ngày biết Thiên Chúa hơn, đó luôn là thời gian sám hối và ân sủng, quà tặng của lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài chờ đợi và lúc nào cũng chờ đợi, nhưng chúng ta nên nhớ: cái gì cũng có những giới hạn của nó như câu chuyện “Mãi mãi tuổi 17” như sau:
Cái ngày tôi từ giã cõi đời là một ngày đi học bình thường như bao ngày khác.
Chao ôi, ước gì lúc ấy tôi đã chịu đi xe buýt!
Tôi nhớ là mình đã làm mình làm mẩy với mẹ để lấy xe hơi đi cho bằng được.
– Cho con lái đi mà mẹ – tôi nài nỉ – Bạn con đứa nào cũng đi xe hơi cả mà có sao đâu.
Khi chuông reng lúc 2 giờ 30 phút chiều, tôi quẳng vội sách vào ngăn tủ và tự nhủ: “Mình được tự do đến sáng mai!”. Rồi tôi ngồi lên xe, phóng như bay.
Và chẳng bao lâu sau đó, tôi nghe một tiếng va chạm thật lớn, người tôi bị chao đảo khủng khiếp.
Kiếng và sắt thép văng ra khắp nơi.
Toàn thân tôi như bị lộn nhào cả lên.
Tôi nghe một tiếng thét kinh hoàng từ chính miệng tôi và rồi tôi không còn biết gì nữa.
Bỗng nhiên tôi tỉnh dậy, chung quanh hoàn toàn im lặng.
Một nhân viên cảnh sát đang đứng bên cạnh một bác sĩ.
Toàn thân tôi đầy thương tích. Cả người tôi đẫm máu.
Những mảnh kiếng vụn nhọn hoắt găm khắp toàn thân tôi.
Điều lạ lùng là tôi không cảm thấy đau đớn gì cả.
Này, đừng kéo tấm vải phú kín mặt tôi như vậy chứ!
Tôi không thể chết. Tôi chỉ mới 17 tuổi.
Rồi người ta đặt tôi vào trong một chiếc quan tài.
Gia đình đến nhận dạng tôi.
Tại sao người thân phải chứng kiến tình trạng thê thảm như thế này?
Tại sao tôi phải nhìn vào mắt của mẹ khi mẹ đang phải đương đầu với nỗi đau khủng khiếp nhất trong cuộc đời mình?
Cha tôi trông già sọm hẳn đi. Cha tôi nói với người đàn ông trực ở đấy:
– Vâng! Đó chính là con trai chúng tôi.
Rồi đám tang cũng thật kỳ lạ.
Tôi thấy tất cả họ hàng và bạn bè đi về phía quan tài.
Họ nhìn tôi bằng đôi mắt buồn bã nhất mà tôi từng thấy.
Một vài đứa bạn khóc sụt sùi. Vài cô gái sờ vào tay tôi và nức nở quay đi.
Ai đó làm ơn hãy đánh thức tôi dậy!
Tôi xin các người. Hãy đem tôi ra khỏi chỗ này.
Tôi không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy cha và mẹ đau khổ như thế.
Ông, bà suy sụp, bước đi không vững.
Anh chị em tôi thơ thẩn như những bóng ma và cử động như những cỗ người máy.
Mọi người đều bàng hoàng. Không ai tin được chuyện này. Chính tôi cũng không tin.
Làm ơn đừng chôn tôi! Tôi không chết!
Tôi có nhiều chuyện phải làm! Tôi muốn cười đùa và chạy nhảy trở lại.
Tôi muốn ca hát và nhảy múa. Làm ơn đừng chôn tôi dưới lớp đất kia!
“Con hứa nếu Thượng Đế cho con thêm một cơ hội nữa, con sẽ là người lái xe cẩn thận nhất trên trần gian này”.
Tất cả những điều tôi muốn là hãy cho tôi thêm một cơ hội nữa.
“Làm ơn đi Thượng Đế, con chỉ mới 17 tuổi thôi”.
Tất cả đều không thể được, vì em bé 17 tuổi đã chết bất ngờ trong một vụ tai nạn giao thông và em bé đã không kịp ăn năn sám hối.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy