Suy Tôn Thánh Giá
(Jn 3 13-17)
Bài trích sách Dân Số 21, 4-9, ghi lại câu chuyện con rắn đồng ở sa mạc để trình bày về ý nghĩa và hiệu quả cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên thập giá.
Ý nghĩa này giúp chúng ta biết suy tôn Thánh Giá để biểu lộ tình yêu cứu độ và nhờ đó chúng ta cũng biết dùng những đau khổ của đời sống để đền tội.
Tin Mừng thánh Goian ghi lại:
“Như ông Môisê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để những ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời” (Jn 3, 14-15).
Theo nhiều nhà nghiên cứu kinh thánh, người ta cho biết một số đặc điểm về cây thánh giá ấy.
Cây thánh giá này được làm bằng gỗ tùng rất nặng. Cây dọc 4 thước rưỡi, cây ngang 2 thước rưỡi, nặng 100 ký, khi kéo lê thì giảm được 30 ký. Như vậy, Chúa vẫn cón bị sức nặng 70 ký đè lên thân xác sau những trận đòn khiến Chúa thấy nặng lắm.
Ở khoảng giữa thánh giá, người ta đóng một miếng gỗ để tội nhân tỳ vào cho dễ đóng đinh và đóng mỗi chân một đinh.
Ngày nay các nhà mỹ thuật đã hạ miếng gỗ đó xuống để làm đế đỡ chân và hai chân đóng chụm lại cho đẹp.
Đối với dân ngoại.
Thập giá là một khổ hình để xử tử phạm nhân. Nhưng người Rôma chỉ áp dụng hình phạt này cho những kẻ nô lệ, những người thấp hèn, ít khi áp dụng cho công dân Rôma.
Đóng đinh trên thập giá là một hình phạt đau đớn, nhục nhã và độc dữ nhất. Trước hết, phạm nhân bị đánh đòn cách tàn nhẫn rồi cả tay chân đều bị những mũi đinh to xuyên qua và dính vào thanh gỗ.
Khi thập giá bị dựng lên, máu ra nhiều, phạm nhân bị kiệt sức, lưỡi bị khô cứng và các mạch máu sưng lên, các đường gân căng thẳng, toàn thân nhức nhối vô cùng.
Để hiểu phần nào về thập giá, chúng ta cần phải nhìn vào chính thập giá:
Trên thập giá, con người chẳng còn gì cả, danh dự cũng hết, của cải phải bỏ lại, con người chẳng còn gì để nương tựa. Chân tay cũng trở nên vô ích và cái tôi bị hủy ra không hoàn toàn.
Chính vì vậy, thánh Phaolô đã nói: “Trong khi người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô đã bị đóng đinh vào thập giá, cớ vấp phạm cho người Do Thái, sự điên rồ đối với người dân ngoại (Hy Lạp)” (Cr 1 22-23).
Ngày lễ suy tôn Thánh Giá giúp chúng ta:
Hướng về Thiên Chúa với tâm tình suy tôn, thờ lạy và chúc tụng.
Hướng về Thánh Giá Chúa Giêsu với tâm tình cảm phục tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
Hướng về Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá để ngưỡng mộ và bắt chước bằng cách biến những thánh giá xảy ra trong cuộc sống hàng ngày thành của lễ hy sinh đền tội trong tâm tình sám hối.
Suy tôn Thánh Giá không phải là lễ, ở đó chúng ta chỉ có ngắm nhìn với lòng cung kính, nhưng là đưa Thánh Giá vào cuộc đời chúng ta, tức là chấp nhận con đường thập giá.
Thập Giá cũng không phải là món hàng trang sức, mà là con đường Chúa đi và cũng là con đường môn đệ bước theo.
Vì thế, Đức Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” (Lc 9, 12).
Thomas Kempis nói: Nếu chúng ta tự nguyện vác thập giá, thập giá sẽ nâng đỡ chúng ta và đưa chúng ta đến đích mà chúng ta mong mỏi, cụ thể là đến nơi chúng ta không còn đau khổ.
Nếu chúng ta vác thập giá một cách miễn cưỡng, thập giá sẽ trở thành gánh nặng và càng ngày càng đè nặng trên chúng ta.
Nếu chúng ta tìm cách vứt bỏ thập giá đi, chắc chắn chúng ta sẽ gặp một thánh giá khác có khi còn nặng nề hơn.
Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta:
“Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Lc 9,23).
Chúa luôn nâng đỡ chúng ta:
“Hỡi những ai đang gồng gánh nặng nề, hãy đến, Ta sẽ bổ sức cho, vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” . Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người. Xin cho chúng con mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá mà ngày nay chúng con vẫn còn một lòng yêu mến suy tôn. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy