Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Tin mừng Chúa Nhật 23 TN A của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Tin mừng Chúa Nhật 23 TN A của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy, khi sửa lỗi cho anh em, chúng ta phải theo tiến trình ba bước.

–         Trước hết hãy sửa lỗi anh em trong chốn riêng tư, kín đáo, để tạo niềm tin nơi họ.

–         Nếu người anh em còn cố chấp thì đem theo một hai người có uy tín giúp họ nhận thức rõ về tội của mình, đó là bước thứ hai.

–         Nếu họ cũng không nghe thì mới đưa ra cộng đoàn, đó là bước thứ ba.

Sở dĩ Chúa Giêsu đề nghị nhiều bước như vậy, bởi vì Ngài biết việc sửa lỗi người khác thật là khó khăn.

Khó khăn thứ nhất là do chính đương sự thường cho mình là người không có lỗi như Dale Carnegie đã viết: “Tôi đã phải phấn đấu một phần ba thế kỷ mới thấy được chân lý này: dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội”.

Bà đã kể trường hợp về ba tên cướp đầu đảng nổi tiếng nhất nước Mỹ:

Crowley, Capone và Schultz.

–         Crowley giết người như ngóe mà vẫn nói: “Dưới lớp áo này, trái tim ta đập chán ngán, nhưng thương người không muốn làm hại ai”.

–         Capone đã tự tuyên bố: “Ta dùng những năm tháng tươi đẹp nhất trong đời để mua vui cho tiên hạ, vậy mà phần thưởng chỉ là bị chửi bới, bị săn bắt như thú dữ”.

–         Schultz đã tự mãn khoe với ký giả: “Ta là ân nhân của thiên hạ”.

(Dale Carnegie, Đắc nhân tâm, tr 33-3)

 

Chính vì vậy khi sửa lỗi phải hết sức tế nhị để làm sao đương sự nhận ra điều sai lỗi của mình.

Chúng ta hãy nhìn vào cách sửa lỗi của ngôn sứ Na-than.

Đức Chúa sai Na-than đến với vua Đa-vít. Ông đến gặp nhà vua và kể cho ngài một câu chuyện sau:

“Có hai người trong cùng một thành. Một người giàu, một người nghèo. Người giàu có nhiều chiên, dê, bò. Người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên độc nhất ông đã mua. Ông nuôi và nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông. Nó ăn chung bánh với ông, ngủ trong lòng ông, ông coi nó như con gái ông.

Có khách đến thăm người giàu. Vì tiếc của, người giàu không bắt chiên hay bò của mình mà làm thịt đãi khách. Ông lại đi bắt con chiên của người nghèo để làm thịt đãi khách”.

Vua Đa-vít nghe mà bừng bừng nổi giận nói với Na-than: “Có Đức Chúa hằng sống! kẻ nào làm điều ấy thật đáng chết! Nó phải đền gắp bốn lần con chiên cái, bởi vì nó làm chuyện ấy vì đã không có lòng thương xót”.

Ông Na-than nói với vua Đa-vít:

Kẻ đó chính là ngài! Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này:

“Chính Ta đã sức dầu phong ngươi làm vua cai trị It-ra-en. Chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi và đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà It-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, Ta sẽ ban cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Đức Chúa mà làm những điều dữ trái mắt Người? Ngươi đã dùng gươm mà giết U-ri-gia, vợ y ngươi đã cướp làm vợ ngươi. Còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Am-mon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta, và cướp vợ của U-ri-gia, làm vợ ngươi.

Đức Chúa phán thế này:

Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây họa cho ngươi.

Ta sẽ bắt các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác và nó sẽ ăn nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật.

Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẹ làm điều ấy trước mặt toàn thể It-ra-en và giữa thanh thiên bạch nhật”.

Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Na-than: “Tôi thật đã đắc tội với Chúa”(2 Sm 12, 1-13).

Phương cách ngôn sứ Na-than sửa lỗi cho vua Đa-vít trong câu chuyện trên thật tế nhị và đầy bác ái.

Muốn thành công trong việc sửa lỗi người khác, dù ở bước một, bước hai hay bước ba, chúng ta phải có những tâm tình như sau:

–         Trước hết phải có một tâm tình yêu thương, đừng lên án, chỉ trích, nhưng luôn tế nhị dịu dàng.

–         Thứ đến phải có lòng kính trọng chân tình, luôn giữ thể diện cho người lầm lỗi, đừng chà đạp lên lòng tự ái của họ.

–         Kính trọng vì người anh em tuy có lỡ sai phạm nhưng vẫn có khả năng sửa đổi. Khinh miệt, lên mặt kè cả sẽ chỉ mang đến thất bại.

–         Sau cùng, muốn sửa lỗi người anh em phải hết sức tế nhị.

Tâm hồn người lầm lỗi vừa đày tự ái vừa đầy mặc cảm. một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách.

Vì thế, Chúa dạy chúng ta phải hết sức tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên khi gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trong và yêu thương.

Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, tứ đó người có lỗi dễ đón nhận những sai sót của mình. Amen.

 

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …