Khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện bên dòng sông Giođan, dân chúng rất phấn khởi.
Gioan bắt đầu sứ mạng của ông tại một địa điểm không xa Biển Chết.
Đó là tụ điểm của những đoàn hành hương và các du khách từ khắp nơi trên thế giới đến.
Đó là một nơi tuyệt hảo để mọi người gặp gỡ nhau và trao đổi những tin tức thế giới.
Vì thế đó là một nơi lý tưởng để Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng và làm phép rửa.
Sứ điệp Gioan rất đơn giản và rõ ràng:
“Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”
Đó chính là con đường sám hối, con đường quyết tâm từ bỏ tội lỗi trở về với Chúa.
Một triết gia Ấn Độ đã nhìn lại quãng đời của mình và đã tâm sự như sau:
– Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng.
Lời cầu nguyện duy nhất của tôi là dâng lên Thiên Chúa:
Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi thế giới.
– Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận ra rằng một nửa đời người của tôi đã đi qua mà tôi chưa thấy thay đổi được một người nào.
Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Đế:
Lạy Chúa, xin cho con được biến cải tất cả những người con gặp gỡ hằng ngày.
Và như vậy là con mãn nguyện rồi.
– Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận ra rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào.
Giờ đây, tôi chỉ biết cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa, xin ban cho con được thay đổi chính mình con (Đinh lập Liễm)
Lạy Chúa, xin ban cho con được thay đổi chính mình con.
Đây chính là điều Gioan Tẩy Giả muốn nói với chúng ta hôm nay:
Hãy sám hối, hãy quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi để trở về với Chúa.
Sám hối là quyết tâm xa lìa tội lỗi, khai trừ nó ra khỏi tư tưởng mình, hoàn toàn quyết định trong tâm trí sẽ không tái phạm nữa.
Người Do Thái chủ trương sám hối thật không chỉ biểu hiện bằng cảm xúc buồn thảm mà còn phải thật sự thay đổi đời sống.
Đây cũng chính là quan niệm của Kitô giáo.
Để thực sự sám hối, điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra tội lỗi của mình, nghĩa là phải thực sự thấy mình có tội, nhưng con người ngày nay ngày càng mất dần ý thức về tội, bởi vì họ mất dần ý thức về Thiên Chúa.
Tội lỗi chỉ có nghĩa trong mối liên hệ với Chúa.
Tội lỗi trước hết là hành động xúc phạm tới Thiên Chúa, vi phạm luật Chúa,
và nhất là từ chối tình thương của Ngài.
Cho nên sám hối là nhận ra tội lỗi của mình rồi ăn năn sám hối, quyết tâm trở về với Chúa. Chính vì thế, Sám Hối là một chủ đề nổi bật trong Thánh Kinh.
Giavê không ngừng đòi hỏi Dân Chúa phải canh tân đổi mới cuộc sống và Giavê dùng đủ mọi cách để đổi mới con tim Dân Người.
Trong cuốn “Ơn Trở Về”, Đức cha Bùi Tuần có nói đến những người tội lỗi cứng lòng, mà ngay cả người ngay chính cũng cứng lòng nữa.
Ngài nói: “Tôi tự nghĩ, người con thứ trong dụ ngôn “Người con hoang đàng” là hình ảnh của người tội lỗi, còn người anh cả có thể là hình bóng của những người ngay cứng lòng. Người tự coi mình là công chính, đạo đức mà cứng lòng và tự mãn thì thật khó trở về.
Và Đức cha đã kể lại câu chuyện như sau:
Trong phòng khách của Đức Giáo Hoàng, tôi thấy có một bức tượng thánh Phêrô bằng đồng đen, đặt trên bệ cao. Có lần tôi tò mò lại gần xem, thì thấy tay ông thánh Phêrô cầm một chùm hai chìa khóa.
Tôi tự hỏi: mở cửa thiên đàng thì một chìa là đủ, sao lại phải hai chìa?
Và đột nhiên một ý tưởng thoáng qua trả lời:
Chùm này là để mở lòng người. Kẻ tội lỗi cứng lòng thì một chìa là đủ.
Còn người công chính cứng lòng, thì hai chìa chưa chắc đã mở được.
Mùa Vọng là mùa mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn chúng ta hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn chúng ta làm chứng cho Chúa. Chúa muốn chúng ta giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, chúng ta lại chỉ lo mở đường cho chính những tham vọng của chúng ta.
Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, chúng ta lại lo làm chứng cho một cái gì đó. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, chúng ta lại chỉ giới thiệu “cái tôi” của chính bản thân chúng ta.
Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy thực thi lời kêu mời của thánh Gioan Tẩy Giả:
“Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy