Home / Suy Niệm Lời Chúa / BÀI GIẢNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 15TN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

BÀI GIẢNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 15TN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

 

 

HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI

h7_resizeQua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Ðức Giêsu đã gọi Nhóm Mười Hai và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối vì Nước Trời đã đến gần.

Nhưng thực sự Sám Hối Chúa Giêsu muốn nói ở đây là gì?

Từ ngữ Sám Hối đã đi vào kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, hoà nhập vào tiếng nói của toàn dân. Có lẽ mọi Người Việt đều hiểu Sám Hối như các từ điển lớn của Việt Nam giải nghĩa là “ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình[1]hối hận vì đã mắc lỗi và mong sửa chữa[2] cho nên người Công Giáo cũng đã sử dụng thuật từ này trong đời sống đức tin của mình.Tuy nhiên khi sử dụng, chúng ta cần lưu ý là từ này có nguồn gốc từ Phật Giáo, khi đặt trong ngữ cảnh Công Giáo thì ý nghĩa, nội dung của thuật từ này khác hẳn với quan niệm của anh em Phật Giáo.[3]

1. Quan niệm Sám Hối theo Phật Giáo

Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả sám kỳ tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quá: Sám là sám trừ tội trước, hối là hối cải lỗi sau ‘[4] Sám hối là tự mình ăn năn, hổ thẹn những lỗi lầm trước đây đã phạm, nguyện sửa đổi không dám tái phạm những lỗi lầm đó nữa. Về mặt từ nguyên, Sám Hối vốn được sử dụng trong Phật Giáo có nghĩa là thuyết tội (Phạn: āpatti-deśanā) hoặc thuyết ác (Phạn: pāpa-deśanā)[5] tức là nói lên những lỗi lầm hay việc làm phi pháp của mình, Luật Tạng thường gọi là phát lộ.

Cần lưu ý rằng quan niệm về tội trong Phật Giáo khác với Kitô Giáo.

Chữ “tội” tiếng Phạn là “āpatti”, có nghĩa là: cái bị rơi, do động từ “pat”: rơi, đi xuống mà thành. Vì thế, Nhà Phật quan niệm tội nhân là người không theo kịp mọi người, bị rơi từ chỗ cao xuống chỗ thấp do phạm phải các điều xấu ác. Cũng như trong một lớp học, phần lớn học sinh theo kịp bài thì cuối năm được lên lớp, còn bên cạnh đó là một số ít không theo kịp nên phải lưu ban hoặc bỏ học. Đối với những người “bị rơi” như thế – tức là những người yếu đuối, sự giúp đỡ từ những người “không bị rơi” là điều rất cần thiết, cho nên họ xưng thú (phát lộ) lỗi lầm của mình trước vị chư tăng (những người không bị rơi) để cầu xin năng lực nâng đỡ. Nhờ những lời chỉ bảo và đức hạnh của các chư tăng, ý chí làm lành lánh dữ (thiện pháp) ở trong con người lầm lỗi sẽ được nâng đỡ và tăng cường.

Tóm lại, trong Phật Giáo, Sám Hối có mục đích chữa trị về tâm lý, tu tập về tâm linh và tuyệt nhiên không mang bóng dáng thần quyền như chúng ta có thể lầm tưởng.[6]

2. Sám Hối theo quan niệm Công Giáo

Sám Hối không phải là tự giải thoát mình, nhưng là một tác động giữa Thiên Chúa và tội nhân. Theo Kitô Giáo tội là:

– Bất tuân lề luật Chúa;

– Khước từ tình yêu Thiên Chúa và do đó cũng là khước từ tình yêu anh em.

Tội luôn luôn đụng tới những quan hệ liên vị, liên chủ thể: Tội làm ta đoạn tuyệt với Thiên Chúa và đồng thời cũng chia rẽ ta với anh em. Chính vì thế khi ta hướng nhìn về Chúa Tình Thương để nhận ra tội lỗi của mình, ta sẽ có thể thấy rõ tầm mức ghê tởm của tội lỗi nhưng đồng thời chúng ta cũng biết sám hối ăn năn, thay vì tự dày vò mình trong mặc cảm tội lỗi không lối thoát. Mặc cảm tội lỗi chỉ là một trạng thái tâm lý không có đối tượng rõ rệt nhưng rất khắc nghiệt; còn tâm tình sám hối phát sinh từ một nhận thức đúng về thực trạng của mình trước mặt Thiên Chúa, thì giải phóng cõi lòng tội nhân.

Tóm lại, trong Công Giáo, Sám Hối không phải là tự cứu thoát mình, mà là một tác động hỗ tương giữa Thiên Chúa và tội nhân: Ơn Chúa kêu gọi và tội nhân thật tình đáp lại. Tình thương Chúa đã thắng tội lỗi.[7] Ở đây thiết nghĩ cũng cần phải nói rõ điều này: không nơi nào, không một tôn giáo nào, lại có thể nói đến lòng Sám Hối như truyền thống Kitô Giáo, chỉ có trong Tin Mừng. Lòng Sám Hối Kitô Giáo không thể so sánh với bất cứ kinh nghiệm tự nhiên nào, mọi cố gắng để “bắt chước”, sẽ trở thành lố bịch. Lòng Sám Hối là hoa quả của Thánh Thần và là dấu vết chắc chắn nhất Ngài đang hoạt động trong tâm hồn[8]  

3 Sám Hối: Quyết tâm quay trở về với Chúa

3.1. Sám Hối

Sám Hối được dịch từ chữ metanoein, diễn tả từ shub trong tiếng Hipri. Gốc của từ Sêmit có nghĩa đơn giản là quay trở lại, quay gót trở lại. Thế nên người ta nhấn mạnh đến động tác quay lại được diễn ra. Từ Hy lạp metanoein ghi rõ sự lật ngược đó, sử dụng hai gốc từ, gốc từ thứ nhất, cũng như trong tiếng Hipri, meta nhấn mạnh đến sự đảo lộn, lộn ngược, gốc từ thứ hai cho biết cái gì đã bị đảo lộn (nous), nghĩa là phần thiêng liêng sâu nhất, đáy lòng con người. Đó là một cuộc cách mạng bên trong chúng ta. Tiếng Pháp dịch metanoein  bằng hãm mình (pénitence) ăn năn (contrition) ít thích hợp hơn là sám hối. Tuy nhiên, thậm chí cả từ Sám Hối, đã cùn nhụt đi vì được sử dụng quá thường, vẫn còn quá nhẹ. Ở một chỗ khác, trong bối cảnh tương tự Kinh Thánh nói đến metanoein kai epistrephein (Cv 3,19). “hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa”: để mình bị đảo lộn hoàn toàn, tiến hành cuộc cách mạng để quay về với một cái gì hay với ai đó. Đó là sự xáo trộn tận gốc rễ làm cho một người quay gót trở lại để dấn bước trong một hướng mới.[9]

3.2. Sám Hối: Quyết tâm quay trở về với Chúa

Trở về là con đường Đức Giêsu đã loan báo. Đó là con đường cứu rỗi duy nhất cho những ai muốn gặp gỡ Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ.

Là con đường được chính Thiên Chúa giới thiệu và mời gọi chắc chắn phải là con đường của Thiên Chúa, do Thiên Chúa thiết kế, xây dựng nên sẽ có Ngài trên đó để bảo đảm tính an toàn và chính xác của đường Sự sống, đường Sự Thật, đường Hy Vọng, đường Hạnh Phúc, đường Bình An.

Tin Mừng là con đường về, vì không ngừng mời gọi con người sám hối, trở về với Thiên Chúa là Cha nhân hậu (Mc 1,15), trở về làm hoà với anh em, trở về đáy sâu tâm hồn mình.

Trở về là sứ điệp cứu rỗi. Trở về là cơ hội được cứu độ. Trở về là hoạt động chính yếu của tội nhân cần được cứu rỗi. Không trở về, người ta sẽ không thể giao hoà, vì đường về chính là đường hoà giải. Không trở về, hy vọng nào cũng sẽ tắt, ước vọng nào cũng sẽ tan, kỳ vọng nào cũng sẽ tàn, bởi duy nhất đường về dẫn đến Thiên Chúa là nguồn sống dồi dào, nguồn vui bất tận, nguồn mạch mọi hồng ân.

Nhưng đường về không một chiều buồn tẻ; trái lại, có hai chiều: một chiều Thiên Chúa đi tìm con người và chiều kia con người trở về cùng Thiên Chúa. Một bên đi tìm, một bên trở lại, cả hai sẽ gặp nhau ở giao điểm cứu độ – cứu rỗi, ở đó Thiên Chúa cứu độ và con người được cứu rỗi.

Đường về còn là đường ngược xuôi có Thiên Chúa lên tiếng kêu gọi và con người khiêm tốn trả lời để cuộc đối thoại yêu thương được thực hiện, ở đó, con người khẩn khoản nài xin ơn tha thứ và Thiên Chúa rộng lượng bao dung tẩy sạch mọi lỗi lầm.

Đức Giêsu đã nhiều lần khẳng định đường về của con người với Thiên Chúa là đường của Thiên Chúa đi tìm con người. Hình ảnh “người chăn chiên có một trăm con chiên mà bị mất một con, đã để lại chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất” (Lc 15, 4) một lần nữa cực tả lòng xót thương và hoạt động đi tìm con người của Thiên Chúa.

Như thế, đường về của con người không hoang vắng, buồn tẻ, vì có Chúa hiện diện; bước chân trở về của người có tội không nặng nề cô đơn, vì có Chúa đồng hành; trái tim hoang đàng thống hối không băng giá, sầu buồn vì có Chúa yêu thương, để đường con người về là đường Thiên Chúa đi; nếu không con người sẽ không thể trở về, cũng không thể gặp Thiên Chúa.

Và đường về hôm nay có ơn sủng ngập tràn, có hồng ân rực rỡ, có nhiệm lạ chứa chan đã biến đường về của con người thành “đường tình của Thiên Chúa và con người”: Con đường cứu độ, con đường bình an, con đường hạnh phúc đời đời. Amen.[10]

LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY


[1]  Nguyễn Như Ý (chủ biên), sđd.

[2] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 2000.

[4] Thích Thanh Từ, KINH PHÁP BẢO ĐÀN GIẢNG GIẢI, nxb. TP.HCM, tái bản lần III, TP.HCM, 1999, trg. 96 

[5]John Bowker, THE OXFORD DICTIONARY OF WORLD RELIGIONS, Oxford University Press, 1997, trg. 230  

[8] André Louf, Au gré de sa grâce (buông theo ân sủng)

[9] André Louf, Au gré de sa grâce (buông theo ân sủng), trg.7-12

[10] Jorate Nắng Tím, Ơn Trở Về, trg.70-72

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN