1. HÃY TRỞ VỀ GALILÊ
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa truyền lệnh cho các phụ nữ đi viếng xác Chúa: “Các bà hãy nói với các môn đệ, nhất là Phêrô rằng: Người đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã báo trước”.
Một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: Tại sao Chúa lại hẹn gặp các môn đệ ở Galilê mà lại không ở một nơi nào khác? Và việc hẹn gặp ở Galilê mang ý nghĩa gì? Và đâu là lý do để Chúa hẹn gặp các môn đệ ở Galilê?
Câu trả lời vẫn là: Galilê là quê hương của các môn đệ.
Mọi sự đều bắt đầu từ đó. Một ngày kia, Đức Giêsu đã đến với họ. Ngài bắt gặp họ đang hành nghề đánh cá. Họ hết sức xúc động trước cái nhìn và lời lẽ của Ngài. Họ bị đánh động và cảm thấy như một niềm hy vọng mãnh liệt vươn dậy trong lòng, đến nỗi họ đã không ngần ngại đi theo ngài với niềm hăng say nhiệt tình của tuổi trẻ và với tất cả niềm hạnh phúc vì đã tìm ra Đấng mà các tiên tri loan báo, Đấng mà mọi người chờ mong.
Galilê, đó là nơi mà Đức Giêsu đã để lại dấu vết hiện diện của Ngài:
là Cana, nơi Ngài đã hóa nước thành rượu ngon trong đám cưới,
là ngọn núi nơi Ngài công bố các Mối Phúc Thật,
là những phép lạ chữa lành bệnh tật mà họ là nhân chứng với tất cả sự kinh ngạc,
là những đám đông hứng khởi và ngày một đông đảo hơn.
là những bữa ăn cùng nhau chia sẻ,
là những nẻo đường rong ruổi mà các môn đệ đi theo Đức Giêsu.
Như thế, Galilê, một vùng đất đã ghi sâu kỷ niệm về tất cả những lời nói và hành động hết sức gần gũi của Đức Giêsu Nagiaret (11,12).
Chính vì vậy, biến cố Phục Sinh cần phải được nối lại với những gì xảy ra trước đó ở Galilê.
Trở lại Galilê là cách thức giúp họ tìm lại một con người rất thật và rất gần gũi của Đức Giêsu.
Gặp lại như thế quả là hết sức cần thiết, nhất là vào thời điểm mà Đức Giêsu khẳng định với họ cách long trọng về vương quyền của Ngài trước khi trở về với Chúa Cha (Mt 28, 18).
Các môn đệ cần phải hiểu rằng không có sự cắt đứt giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Chúa Phục Sinh, Đấng chiến thắng sự chết cũng chính là con người rất gần gũi, “rất người’ mà họ đã từng kề cận, đã từng chung sống.
Được gặp lại Đức Giêsu phục sinh ở Galilê, nghĩa là ở chính nơi mà họ đã biết đến, đã ngưỡng mộ và yêu mến Ngài, quả là một khoảnh khắc mang tính chất quyết định. Cuộc gặp gỡ đã nối kết vinh quang của Đấng Phục Sinh với cuộc đời trần thế của Ngài và do đó tạo nên một ký ức sống động về kinh nghiệm tin mừng phục sinh.
Các môn đệ sống lại kinh nghiệm đó, nhưng lần này là trong ánh sáng phục sinh.
Từ nay tâm trí họ, Đức Giêsu lịch sử và Đức Chúa phục sinh là một. Hơn nữa, một điều chúng ta cần lưu ý ở đây là việc trở lại Galilê cũng như việc Chúa Phục Sinh tỏ mình cho các môn đệ xảy ra giữa hai biến cố Phục Sinh và Hiện Xuống.
Vì thế, cần phải hiểu việc Chúa hiện ra tại Galilê như sự chuẩn bị cho biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Với cuộc gặp gỡ này, Chúa Giêsu cho môn đệ thấy rằng, vinh quang Thiên Chúa mà Ngài vừa bước vào cũng chính là ánh vinh quang của đức ái thần linh đã dẫn dắt Ngài suốt trên con đường trần thế và đưa Ngài đến chỗ trao hiến chính mạng sống mình.
Sự trao hiến này mạnh hơn cả sự chết và đó cũng chính là sự sống mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại.
Như vậy việc trở lại Galilê mang chiều kích của một kinh nghiệm thiêng liêng, chứ không phải chỉ là sự trở về một nơi chốn theo nghĩa địa lý.
Đó thực sự là một cuộc khám phá, dưới ánh sáng của ChúaThánh Thần.
Dưới ánn sáng của Chúa Thánh Thần, các môn đệ cũng như chúng ta khám phá ra nơi nhân tính của Đức Kitô lịch sử một tình yêu siêu việt đã hiến ban cho chúng ta cách nhưng không.
Khi đón nhận tình yêu này, chúng ta thông hiệp vào sự sống viên mãn.
Một sự sống vừa nâng cao và tái tạo chúng ta từ nơi thâm sâu của con người, vừa dẫn đưa chúng ta vào một thế giới rộng lớn bao la.
Một kinh nghiệm như thế cho chúng ta thấy rằng mình được nâng đỡ, được bao bọc bởi một tình yêu, một tình yêu chỉ mong muốn thông ban sự sống, thông ban sự thánh thiện, thông ban niềm vui và vinh quang của Thiên Chúa cho chúng ta.
Sẽ còn và sẽ mãi mãi còn những đêm đen trên trái đất này.
Đêm đen của sợ hãi, khốn quẫn và thất vọng.
Nhưng không có gì, tuyệt đối không có gì có thể tách lìa chúng ta ra khỏi mầu nhiệm tình yêu được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô.
Mầu nhiệm tình yêu vẫn ở trước mắt chúng ta, “như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm” (2P 1,19).
Chỉ cần nhìn vào mầu nhiệm đó thì niềm vui Phục Sinh với vẻ huy hoàng rực rỡ, với vinh quang chói lòa sẽ bừng lên trong tâm hồn chúng ta.
“Đức Giêsu Kitô
Hôm qua, hôm nay và muôn đời
Vẫn là một » (Dt 13,8). Amen.
2. NGÔI MỘ TRỐNG
1. Sự kiện ngôi mộ trống:
Đức Giêsu đã đi vào cõi chết của con người.
Người ta đã chôn Ngài trong mộ đá, nhưng rồi sáng ngày thứ nhất trong tuần, người ta không thấy xác Ngài nữa.
. Bà Maria Mađalêna ra thăm mộ hỏang hốt kêu lên: người ta đã lấy xác Thầy rồi.
. Hai môn đệ Phêrô và Gioan chạy ra mộ, nhưng thấy ngôi mộ đã mở toang.
Nhìn vào trong, thấy khăm liệm còn đó, Phêrô chẳng hiểu gì,
còn Gioan đã thấy và tin.
Tại sao cả ba, đứng trước cùng một sự kiện, mà kẻ tin, người lại không tin?
Đó chính là tâm trạng của mỗi người đối với Chúa Giêsu.
2. Tâm trạng của Maria Mađalêna và Gioan.
Khi người thân của chúng ta chết, chúng ta thường không muốn chấp nhận sự ra đi của họ. Chúng ta biết rằng họ đã chết, và chúng ta luôn cố gắng tạo ra một mối tương quan nào đó với họ. Một trong những cách thông thường nhất là ra viếng mộ.
Ra viếng mộ với hy vọng làm vơi đi nỗi nhớ, nhưng chính việc ra viếng mộ lại càng làm cho chúng ta thương nhớ người chết hơn, bởi vì, chính lúc đứng trước ngôi mộ, lại là lúc, một lần nữa, chúng ta xác nhận rằng : người thân yêu của chúng ta đã chết thật. Nghĩa là giữa chúng ta và họ, không còn mối liên hệ bình thường như những người đang sống.
Cũng vậy, ra viếng mộ, Maria cũng muốn cho vơi đi nỗi nhớ, nhớ một người đã chết và Maria chỉ nghĩ đến thi thể của thầy mình, nghĩa là bà đến đó để gặp một xác chết.
Với tâm trạng đó, làm sao bà có thể nghĩ đến chuyện Chúa sống lại được.
Quả thật, đối với Maria Mađalêna, chết là nằm sâu trong lòng đất, chết là khép lại tất cả, chết là chấm dứt tất cả và đàng sau cái chết là một bóng đêm dày đặc.
Nhưng đối với Gioan, ngôi mộ đâu có mùi chết chóc, ngôi mộ đâu có hoang vu, ngôi mộ đâu có trống rỗng, nhưng ngôi mộ đã được mở ra và Đức Giêsu đã phục sinh và bước ra khỏi mồ.
3. Tâm trạng của Phêrô và Gioan.
Còn Phêrô, ông đang sợ hãi, ông đang sợ bị liên lụy, ông đang sợ bị bắt bớ.
Ông chạy ra ngôi mộ với tâm trạng đối phó.
Với tâm trạng đó, làm sao ông có thể nghĩ đến việc Chúa sống lại được.
Chính vì vậy, Phêrô và Gioan, cả hai vào trong mộ, cả hai đều thấy khăn liệm, nhưng Phêrô chẳng hiểu gì, còn Gioan “ông đã thấy và tin”
Quả thực thánh Gioan đã yêu mến Chúa Giêsu.
Tình yêu đó đã thể hiện ra bên ngòai, nhất là trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu.
Thánh Gioan đã theo chân Chúa trên con đường khổ giá và là tông đồ duy nhất đứng dưới chân thánh giá đến giây phút cuối cùng và chỉ trở về nhà với mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa Giêsu.
Kinh nghiệm cho thấy, khi yêu ai thì ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời mình, cho dù hòan cảnh có bắt buộc phải xa nhau.
Thánh Gioan luôn nhớ tới Chúa Giêsu, luôn nhớ đến những lời giảng dạy của Thầy và hy vọng Thầy sẽ sống lại vì Thầy đã báo trước.
Với tâm tình này Gioan đã nhận ra Chúa sống lại. Ông đã thấy và tin.Amen
3. MARIA VÀ BÁC LÀM VƯỜN
Hỡi bà Ma-ri-a ! Hai thiên thần đã nói với bà là : “Này bà kia, tại sao bà khóc?” (Ga 20,13). Bà đã trả lời: “Bởi vì người ta đã lấy Chúa tôi đi mất rồi, và rồi, giờ đây tôi không biết người ta đã đem Người để ở đâu”.
Câu trả lời bằng đại từ số nhiều “người ta” của bà rất ý nghĩa, bởi vì dầu sao đó cũng là một phạm trù chỉ về loài người.
Chính những con người trộm xác Đức Giêsu, và chính những con người ngăn trở chúng tôi đến tìm Thiên Chúa.
Thế rồi, bà quay lại, và bà thấy Chúa Giê-su đứng bên cạnh, thế nhưng oái ăm thay bà lại không biết đó là Đức Chúa của mình.
Bà chưa biết Ngài bởi vì bà còn đang trong vòng luẩn quẩn của lối chiêm niệm tự nhiên mà chưa chuẩn bị cho lối chiêm niệm mới.
Bà vẫn chưa phải là sẵn sàng để đón Chúa xét như Ngài sẽ đến với bà ngay hôm nay.
Bà tiếp tục nuối tiếc vị Chúa của mình như thể là một vị Chúa của mùa đông rụi tàn.
Hỡi Maria! hãy mở măt ra.
Hãy nhìn vào vị Chúa của bà đang hiện diện trước mặt.
Bà hãy gạt đi những nỗi u buồn của quá khứ và bao tinh thần uỷ mị đang dày vò mình. Dầu cho những tình cảm của bà đã được Chúa để ý đến nhưng giờ đây hãy cắt bỏ nó đi. Chính sự hiện diện của Đức Chúa bây giờ là mới quan trọng.
Bà không nhận ra Đức Giêsu. Bà tưởng Ngài là người làm vườn.
Bà nghĩ như vậy cũng phần nào đúng, bởi xét cho cùng Ngài là người làm vườn thứ thiệt. Trong vườn Địa Đàng năm xưa Ngài không hiện diện ở đó một cách vô hình đó sao ? Cũng trong vườn được gọi là vườn Giêtsimani, ở đây Ngài đã bằng lòng uống chén cứu độ chúng ta.
Và rồi, chính trong khu vườn của ông Giuse Arimathia mà Ngài đã phục sinh.
Ngài cũng là người gieo, người tưới, người làm cho lớn lên và trổ bông, kết trái nơi vườn thiêng và thánh thiện của mỗi tâm hồn chúng ta.
Ngài là người làm vườn vì Ngài vẫn luôn trung thành với chính mình.
Dầu sau biến cố Phục Sinh chói lọi Ngài vẫn tỏ ra hình hài khiêm tốn như năm xưa.
Hỡi Maria! trong giây phút này người làm vườn đã nói với bà :
“Này bà kia, tại sao lại khóc ? bà tìm ai vậy ?” (Ga 20,15).
Trong Tin Mừng cho thấy bà là người thường khóc lóc.
Và khi suy gẫm về những giọt nước mắt của bà đã làm cho chúng tôi đi sâu vào chiều kích lạ lùng của sự sùng mộ, yêu mến của bà, sự sùng mộ làm con tim thổn thức.
Nhưng những giọt nước mắt của bà không chỉ hướng về quá khứ mà nó còn là dấu chỉ của một sự tìm kiếm: “Tại sao bà lại khóc ? Bà tìm ai ?”
Nơi ngôi mộ cũng là nơi nhà của Simon biệt phái, những giọt nước mắt của bà như tỏ ra đang tìm kiếm một con đường mới, một sự sống mới. Bởi vì, tất cả mọi giọt nước mắt của bà đều đi tìm chính Chúa Giê-su.
Hỡi bà Maria, giả như cũng như bà, những giọt nước mắt của chúng tôi không đơn thuần là khóc cho quá khứ, nhưng là đổ ra như sương sa và trổ sinh sự công chính!
Với câu hỏi của Chúa Cứu Thế – “Bà tìm ai” – bà đã trả lời:
“Nếu chính ông đã mang xác Người đi thì hãy nói cho tôi biết để tôi đi lấy xác Người lại”. Tư tưởng của bà giờ này chỉ có một Giêsu mà thôi đến nỗi bà nói với người lạ mà không cần xưng tên riêng Ngài ra.
Nói về Người bà chỉ dùng những đại từ vô nhân xưng: ngài, người ấy.
Thật vậy, đối với bà Đức Giêsu là sự sống còn của bà.
Và rồi một tình yêu thắm thiết biết bao khi nó được gói gọn trong câu nói của bà: “Tôi sẽ đòi lại xác của Người”.
Với chúng ta, trong đời thường khi nói với ai với động từ đòi thì như thế là một sự yêu cầu lên tới cực điểm của nó.
Những gì thể hiện của bà không lẽ con tim của Thiên Chúa vô cảm được hay sao?
Do đó Ngài đã gọi bà: “Ma-ri-a !” (Ga 20,15)
Ma-ri-a ơi! hỏi người làm vườn vậy rồi bà đã quay đi, và lần này nghe Ngài gọi bà lại quay lại – Lần thứ hai -, lần quay lại này của bà đúng là một sự trở về, một sự trở về hết sức thân quen.
Lần đầu tiên bà quay lại hỏi Ngài, bà đã không nhận ra Ngài vì Ngài hoá thân như thế là người làm vườn.
Bà chỉ nhận ra Ngài khi Ngài gọi đúng tên bà.
Lần này Ngài không gọi: “Hỡi bà kia” như lần đầu tiên Ngài gặp bà
nhưng Ngài đã gọi bằng tên thân quen “Ma-ri-a” (Ga 20,15).
Và rồi, với chúng ta cũng vậy, Ngài cũng gọi tên riêng từng mỗi cá nhân chúng ta.
Tên riêng của mỗi chúng ta luôn luôn là những cái tên thân quen trên môi miệng của Chúa Giêsu, vì với Ngài, chúng ta là những người có mối quan hệ hết sức thâm sâu.[1]
4. MARIA MACĐALA, NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH
Maria ơi, bà là người tội lỗi, và bà đã được tha thứ, bà cũng là người đã yêu nhiều, nên chỉ bà là người tri cảm của những kẻ vấp ngã, đồng thời là mẫu gương tuyệt vời của những kẻ chổi dậy, xin bà hãy nói cho chúng tôi biết những gì bà đã thấy nơi khu vườn thuở ấy vào buổi sáng Phục Sinh và cũng xin chia sẻ cho chúng tôi niềm vui được gặp Chúa của bà.
Bà đã tự mình đến với ngôi mộ vào buổi sáng tinh sương, “vào lúc trời còn tối” (Ga 20,1 ). Quả thực, đêm hôm nay không phải như những đêm khác mà bà có thể ngủ được.
Bởi vì, chẳng lẽ, ta có thể ngủ được khi cảm thấy rằng Thiên Chúa không có bên ta hay sao?
Bà đã thấy tảng đá bị lật ra khỏi mồ và đã chạy hớt hải về báo tin cho các môn đồ là người ta đã trộm xác Chúa mất rồi.
Bà là vị tông đồ được gửi đến cho các tông đồ, là sứ giả đầu tiên của biến cố Phục Sinh. Bà đã được chọn lựa, bởi vì, tình yêu của bà dành cho Đức Chúa thì khó có ai sánh bằng. Xin bà hãy là sứ giả thường hằng để loan báo Đấng Phục Sinh mọi ngày cho chúng tôi.
Bà đã theo sau Phêrô và Gioan để trở lại với ngôi mộ.
Bà đứng xa xa ngoài mộ chứ không vào trong mộ như hai người đàn ông kia.
Và khi hai kẻ kia lui gót rời mộ thì bà vân còn nán lại nơi đây.
Bà đến bên cửa mộ, rồi cứ để mặc cho dòng lệ tuôn rơi.
Phần các ông, các ông cũng đang tìm vị Chúa của mình, nhưng dẫu sao sự tìm kiếm đó cũng phần nào nhất thời.
Các ông quyết định trở về nhà, tuy nhiên đối với bà thì không thể.
Bởi vì, bà đã mất trắng điều bà đang tìm kiếm thì hỏi, bà có thể trở về nhà được không ?
Vừa khóc, bà vừa cúi xuống để nhìn vào trong mộ, trong khi đó Phêrô và Gioan cũng làm tương tự như vậy.
Cả ba cũng hướng về nơi ấy như muốn tìm lại những kỷ niệm, những cử chỉ của vị Thầy đã có đối với mình.
Phần bà lại là những kỷ niệm khắc cốt ghi tâm.
Cái cúi xuống để nhìn vào trong mộ không lẽ lại không làm bà liên tưởng tới cái cúi xuống năm xưa mà trong bữa ăn nọ bà đã gục đầu xuống chân Đức Chúa lấy nước mắt, hương thơm của mình để rửa và xức hương thơm cho Ngài hay sao?
Hỡi bà MaRIaỊ vào ngày ấy, chính vì tội lỗi mà bà đã được ơn tha thứ và được yêu nhiều hơn, và giờ đây nơi chúng tôi cũng vậy, chính vì ý thức tội lỗi của mình mà chúng tôi tự uốn mình xuống để hướng cái nhìn của chúng tôi về Đấng Phục Sinh.[2]
Maria là người tội lỗi, nhưng chính vì bà thấy mình tội lỗi và đã được Chúa thứ tha, nên Chúa đã kêu đích danh bà và bà đã thưa lại: “Rabbouni !” (Ga 20,16).
Thành ngữ Hípri ở đây đã mất đi cường lực nguyên khởi của nó.
Dĩ nhiên nó vẫn không kém phần long trọng và thánh thiêng cho dầu pha vào là khấu âm Aram thông thường.
Chữ rabbouni cũng vừa mang tính văn phong và vừa hàm chứa đa nghĩa.
Nghĩa thông thường của nó là “ông lớn của tôi” ;
Cũng như trong từ rabbi chữ rabbouni bao hàm hai khái niệm, khái niệm thứ nhất nói về một sự tối cao hay một sự trổi vượt nào đó; khái niệm thứ hai đề cập đến một vấn đề thuộc lãnh vực hết sức riêng tư, hết sức thân quen.
“Ôi Lạy Chúa, qua mối tương quan với chúng con Ngài là Đấng cao cả, là vị Thầy, tuy nhiên Ngài thuộc về chúng con, Ngài là ông lớn, là Thầy của chúng con”.
Như vậy, trong trường hợp Maria không lẽ bà lại không dùng đến những từ thân quen như vừa nói trên hay sao?
Đức Giêsu trả lời: “Đừng đụng đến Thầy” (Ga 20, 17).
Rồi Ngài còn thêm: “vì Thầy chưa về cùng Cha”.
Câu này chắc chắn không phải là nghĩa đen, do đó chúng ta phải hiểu tất cả mọi mối quan hệ trước kia của Đức Giêsu với những người thân quen của Ngài giờ đây đã có những giới hạn và thêm vào đó là một mối quan hệ mới, mối quan hệ sâu xa và siêu nhiên hơn.
Như vậy, không lẽ từ đây lại phải bắt đầu mọi sự hay sao? Có lẽ, cũng nên hiểu rằng, với Chúa Giêsu Ngài đã đi vào trong một quỹ đạo mới, quỹ đạo tiến về với Cha, do đó làm sao Ngài có thể phân tâm hoặc rung động được khi có một ngoại lực nào đó tác động vào? Và rồi, câu trên có thể là gắn liền với câu sau: “Con hãy ra đi tìm các anh em và nói với họ (Ga 20,17).
Hỡi Maria, vào thời điểm này dường như không thích hợp lắm để bà vùi vào sự chiêm niệm cá nhân,
nhưng là phải hy sinh niềm vui thôi và phải thi hành nhiệm vụ tức thì.
Vị Thầy đã giao phó cho bà sứ mệnh loan tin vui cho anh em đồng môn. Đây là điều cần thiết trước tiên phải thực thi.
Và Tin Mừng đã cho thấy bà đã hoàn thành nhiệm vụ Thầy giao phó,
“Maria Macđala đã đi loan báo cho các môn đệ là Chúa đã sống lại….” (Ga 20,18).
Bà Maria ơi ! xin hãy nói cho chúng tôi, trong vườn bà đã thấy những gì ?”
Bà đã thấy Đấng Phục Sinh .
Đấng Phục Sinh đã mặc lấy hình hài khác nhưng chúng tôi vẫn nhận ra Ngài dưới hình hài của một kẻ làm vườn khiêm tốn.
Và, chúng tôi còn nhận ra nữa giờ đây Ngài không chỉ được gọi Thiên Chúa của sự sống mà còn được gọi vị Thầy của sự chết. Amen. [3]
5.TRÊN ĐƯỜNG EMMAU
“Trong khi họ nói chuyện và thảo luận với nhau thì Đức Giê-su nhập cuộc và đồng hành với họ” (Lc 24,15).
Cung cách làm quen của Đức Giêsu trên lộ trình Emmau người ta có thể gọi đó là một sự thân mật.
Tác giả Tin Mừng mô tả nhiều cách thức tiếp cận của Đức Giêsu với loài người và có khi là loài người đối với Chúa Giêsu.
Thỉnh thoảng người ta đến với Đức Giêsu, nhưng đến với mọi người vẫn là cung cách thông thường của Đức Giêsu.
Ngài đến trực tiếp hoặc đối diện với mọi người.
Nhiều khi Đức Giêsu cũng dừng lại trên đường để đợi chờ đám đông như thể là Ngài ngồi trên bờ giếng Giacóp để đợi chờ người phụ nữ Samaritanô vậy.
Ở đây, trong trường hợp của hai môn đệ trên lộ trình Emmau thì hoàn toàn khác.
Cách thức Đức Giêsu tiếp cận họ không phải là đối diện.
Ngài không đến trước mặt để gặp họ nhưng giữa họ với Ngài vẫn là một khoảng cách.
Dường như trên lộ trình này Đức Chúa đã đi sau các môn đệ nên chỉ không có điều chi làm hai môn đệ lưu tâm, do đó khoảng cách giữa Ngài với hai ông dân dã được thu ngắn lại đến nỗi Ngài có thể nghe câu chuyện rì rầm bàn tán của hai ông.
Cuối cùng Ngài cũng xen vào chuyện hai ông; và các ông cũng sẵn sàng đối thoại với Ngài:
“Các ông đang bàn tán chuyện gì vậy (Lc 24,17).
Sự tiếp cận của Đức Giêsu không chỉ là theo phương diện thể lý mà thôi, nhưng cũng là trên bình diện tâm lý nữa. Bởi vì, trong lúc nói chuyện với họ Ngài cũng không quên lưu ý họ là những kẻ đang buồn.
Chúng ta cũng thấy rằng, thông thường Chúa Giêsu tiếp cận với người ta không phải là về khía cạnh thể lý nhưng cả khía cạnh tâm lý nữa, và có lẽ trường hợp hai môn đệ trên lộ trình Emmau này cũng tương tự như thế.
Chắc chắn rằng bất cứ người đàn ông nào, người phụ nữ nào gặp gỡ Đức Giêsu “trực diện”, dù ít, dù nhiều vẫn nhận ra Ngài.
Với phần đông người thời nay Đức Giêsu là một ai đó hoàn toàn vô danh đối với họ.
Và, vì như vậy nên Đức Giêsu đã đến với họ.
Ngài đến với họ từ phía sau như thế là Ngài đến với hai tông đồ Emmau vậy.
Rồi, trong những trường hợp này Chúa Giêsu thông thường sử dụng thứ ngôn ngữ làm quen mà đối với những con người được tiếp cận thì hết sức thân quen, quen đến nỗi nhiều lúc làm họ ngơ ngác, ngạc nhiên.
Cũng vậy, chúng ta thường hay suy tư chủ đề này, chủ đề nọ mà quên mất Đức Giêsu đã đi vào tư tưởng chúng ta từ khi nào.
Ngài âm thầm đi vào đời ta trong lãnh vực tình cảm cũng như tư tưởng.
Tuy chúng ta không hay biết Ngài ở đó nhưng lần lần chúng ta nhận ra trong đời sống sinh hoạt tinh thần, tâm linh của chúng ta có một Đấng nào đó can thiệp vào.
Dù chúng ta biết tên hay không biết tên Đấng ấy nhưng Đấng ấy luôn luôn chủ động nơi ta. Và ngay cả khi chúng ta từ chối những gì Ngài khơi dậy thì chúng ta vẫn không thể ăn ngon ngủ yên được.
Dầu cho một chút tình cảm, một chút tư tưởng khởi phát từ Đức Giêsu vẫn đem lại cho ta những cái nhìn mới, những viễn cảnh mới.
Sự bối rối và buồn chán của hai môn đệ trên lộ trình Emmau có chăng là phát xuất từ lối suy thuần tuý tự nhiên của họ.
Do đó, khi Thiên Chúa can thiệp vào cuộc chuyện trò của họ bằng những đoạn Thánh Kinh, tâm hồn của họ bỗng sáng ra và nỗi đau biến thành niềm vui.
Và giờ đây thay cho suy tư và thảo luận là sự thinh lặng bình an được khơi nguồn từ Thiên Chúa.
Rồi chúng ta cũng vậy thôi, vào một thời điểm nào đó hành trình dương gian cũng là lộ trình Emmau, hoàng hôn phủ xuống, mệt mỏi, nỗi lo, hồ nghi, lương tâm dằn vặt sẽ ập tới, và sẽ có một ai đó đến can thiệp vào cõi miền riêng tư của chúng ta, kèm theo là những luồng sáng tràn vào đẩy lui những gồ ghề và khổ đau.
Có thể là chúng ta không nhận ra vị lữ khách đó, nhưng cũng như hai môn đệ trên đường Emmau nài nỉ Chúa Giêsu ở lại thì chúng ta cũng van xin vị ân khách vô danh đó đừng bỏ rơi mình: “Đừng rời xa ! Đừng đi ! Hãy ở lại với chúng tôi !” Amen.[4]
LM Giuse Đỗ Văn Thụy