Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2014 của LM. Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Bài giảng Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2014 của LM. Ernest Nguyễn Văn Hưởng

24/12: Đêm Giáng Sinh 

(Lc 2, 1-14)

Tối hôm nay, chúng ta cùng nhau mừng lễ Giáng Sinh. Nếu chúng ta mừng lễ Noel thì xem ra cùng chung với mọi người trên toàn thế giới. Hình như mọi người không phân biệt tôn giáo đều mừng Noel: cũng thiệp, cũng đèn, cũng bánh, cũng ông già Noel, cũng cây thông, cũng hát… Nhận xét đó cho chúng ta thấy việc mừng lễ Giáng sinh mang chiều kích cả thế giới và mọi người đều cảm thấy niềm vui bình an hạnh phúc.
Tuy nhiên, điều ai cũng thấy đây chỉ là ước mong của con người. Ước mong đó có khi bị biến mất nơi những người lao mình vào những cuộc ăn chơi trác táng trong ngày lễ Giáng Sinh; ước mong đó có khi bị biến mất trong những cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu ngay trong ngày lễ Giáng sinh; ước mong đó bị lu mờ vì biết bao người lợi dụng ngày lễ Giáng sinh để trộm cắp, đua xe, gây tai nạn chết chóc thương tật cho nhiều người.
Chính vì thế mà có thể khẳng định một cách không sai lầm rằng người Công giáo chúng ta không mừng lễ như mọi người. Nếu người ta mừng lễ bằng cách lang thang ngoài đường phố thì chúng ta tụ tập nhau đây cùng dự thánh lễ mừng Giáng sinh. Nếu người ta chọn nhảy nhót nhậu nhẹt để diễn tả niềm vui đêm Giáng Sinh thì chúng ta chọn thánh lễ với những bài thánh ca giúp nâng tâm hồn lên tới Chúa. Vậy thì chúng ta có cái giống nhưng có cái khác. Cái giống là cùng mừng lễ. Cái khác là chúng ta đi vào chiều sâu hơn là bề mặt, đi vào nội tâm hơn là hình thức bên ngoài và đó là điểm đặc sắc của chúng ta khi chúng ta biết dung hòa cả cái bên ngoài và bên trong, cả hình thức và nội dung.
Lễ Giáng Sinh là lễ đẹp, có thể nói là nên thơ. Bài Phúc âm cho thấy điều ấy. Việc Giáng Sinh xảy ra vào ban đêm thanh vắng, hài nhi Giêsu chào đời, có các mục đồng vây quanh, có thiên thần hát trên trời với những lời hết sức tốt đẹp: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm (loài người Chúa thương)”. Sứ điệp của Thiên Chúa là sứ điệp bình an, hình ảnh biểu trưng là hài nhi. Nếu người lớn với những thủ đoạn gian manh làm hại nhau để thu lợi cho mình, thì trẻ con được coi là ngây thơ hiền lành và điều chắc không trở nên một đe dọa, một sự chết chóc cho bất cứ ai. 
Sứ điệp đó được loan báo cho những người đang sợ hải là các mục đồng. Khi thấy ánh quang của Thiên Chúa bao tỏa họ. Họ hết sức kinh sợ. Thế nhưng Thiên Chúa không phải là mối đe dọa cho con người. Trái lại Thiên Chúa luôn là Ðấng mang lại sự bình an. Chính vì thế Thiên thần trấn an họ. Ðừng sợ Hãy đi tìm Hài nhi nằm trong máng cỏ. Hài nhi ấy là Ðức Kitô, Ðấng Cứu thế. Các mục đồng hãy đừng sợ vì họ sẽ không bị nguy hiểm. Trái lại, họ sẽ gặp Ðấng Cứu thế. Ðấng Cứu họ và hơn thế nữa đây là Ðấng cứu toàn dân. Ðó là nội dung của tin mừng đặc biệt ngày Giáng Sinh hôm nay. Thiên Chúa đến với con người để làm cho con người được sống và được sống sung mãn.
Vậy thì chúng ta thử cùng với các mục đồng đến Belem để chiêm ngắm Ðức Giêsu Hài Ðồng. Tới nơi Ðức Giêsu sinh ra, việc đầu tiên đập vào mắt chúng ta là Hài nhi Giêsu nằm trong hang thú vật. Tại sao lại ở với bò lừa? Tại sao không có chỗ cho một con người ở nơi một con người? Câu trả lời ở ngay trong Phúc âm: Hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán. Lý do có thể là vì chỗ trọ quá chật, vì hai ông bà không đủ tiền trả, vì bị từ chối.
Vì quá chật : người ta đang bận tiếp những người khác và không có chỗ cho 2 người nầy dù cả hai đang ở trong tình trạng khẩn trương. Cũng có thể vì không đủ tiền trả : Người Việt Nam thường nói “Có tiền mua tiên cũng được”. Nếu anh trả giá bình thường thì không có chỗ nhưng nếu “giá đặc biệt” cao hơn bình thường thì bao nhiêu cũng có. Cũng có thể 2 ông bà không được chấp nhận vì người ta sợ bị quấy rầy, sợ phải giúp đỡ cho người đàn bà sắp sanh và có thể còn nhiều lý do khác nữa. Vậy là Thiên Chúa đến với con người và con người không chấp nhận Thiên Chúa ở với mình và chính vì thế Chúa Giêsu, Ðức Mẹ Thánh Giuse phải chọn hang bò lừa làm nơi trú thân. Thiên Chúa đến với con người và vì lý do nầy khác không thể sống được với con người nên đến cư trú với súc vật. Ðiều đó nói lên tính không hiếu khách của con người.
Thế nhưng, sự việc đó không làm xáo trộn chương trình của Thiên Chúa. Nếu một số người từ chối tiếp đón Chúa thì không phải tất cả. Nếu có một số người lợi dụng đêm Giáng Sinh để ăn chơi trụy lạc thì không vì thế mà Thiên Chúa mất đi lòng kiên nhẫn đối với con người. Thiên Chúa báo cho con người biết rằng Chúa đang ở đây và mời gọi con người đến với Người. Ðó là các mục đồng, những người sống ở ngoài đồng, sống với thú vật, những người có địa vị thấp kém trong xã hội. Họ là những con người có tâm hồn đơn sơ, nhỏ bé. Thiên Chúa mời tất cả mọi người có tâm hồn đơn sơ nhỏ bé đến hang Bêlem.
Vì thế, khi đến hang đá, chúng ta không đến như khách tham quan, chúng ta không quá chú trọng đến việc so sánh hang đá nào đẹp hơn, nhiều đèn hơn, tốn nhiều tiền hơn. Hang đá thời xưa là nơi dành cho những người đơn sơ bé nhỏ, dành cho Hài nhi Giêsu, dành cho mục đồng, dành cho Ðức Maria là người nữ tì của Thiên Chúa, dành cho thánh Giuse là người quên chính mình để dành cho thánh ý Thiên Chúa một vị trí quan trọng trong đời sống của mình. Hang đá thời nay cũng cần được chiêm ngưỡng trong sự đơn sơ đó. 
Ðơn sơ vì Hài nhi Giêsu là Thiên Chúa quyền năng vô tận nhưng sống như con người, chấp nhận thân phận của con người ngoại trừ tội lỗi. Chấp nhận thân phận của con người thì cũng phải có cha có mẹ, có tổ tiên ông bà. Chấp nhận thân phận con người thì cũng chấp nhận sự mỏng dòn, yếu đuối của thân xác. Thân xác Hài nhi, cũng phải chấp nhận sự lớn lên, được nuôi dưỡng như mọi người. Nhờ đó sự xa cách giữa con người và Thiên Chúa không còn nữa. Chúng ta không dám nói Thiên Chúa bằng con người nhưng do sự nhập thể, con người trở nên thân mật với Thiên Chúa và điều đó làm tăng thêm giá trị của con người, tăng thêm tính cao quí của con người.
Chính con người cao quí chứ không phải quần áo, xe cộ, các thứ ở bên ngoài. Con người cao quí là vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Trong ngày tạo dựng Thiên Chúa nói: chúng ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh ta. Con người cao quí vì con người được trao cho quyền cai trị vũ trụ, chim trời cá biển và mọi sự trên trái đất. Con người cao quí vì Thiên Chúa vẫn luôn luôn săn sóc đối thoại với con người, Thiên Chúa muốn nối sự hiệp thông với con người. Con người cao quí vì mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa muốn bảo tồn tuyệt tác là con người để con người biết tự bảo tồn tuyệt tác đó.
Vậy thì nhìn ngắm hang đá trong mùa Giáng Sinh, chúng ta hãy nhớ đến tình yêu Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa tôn trọng lời hứa và luôn muốn cứu loài người khỏi hư mất. Nhìn ngắm hang đá cũng nhắc chúng ta nhớ đến địa vị cao quí của con người dù còn bé tí hay già lão bệnh tật. Con người ấy cần được bảo vệ chăm sóc theo khả năng của những người chung quanh và nhất là con người ấy cần được bảo vệ khỏi tội lỗi, sự dữ để khỏi làm hư hoại bản tính cao cả ấy.
Nhìn ngắm hang đá còn nhắc chúng ta hãy sống thân mật với Chúa. Như những mục đồng chúng ta đến với hang đá, đến với Chúa với 1 tâm hồn đơn sơ thánh thiện, khiêm tốn, đến với Chúa bằng cả con người chúng ta với những khiếm khuyết lỗi lầm. Chính con người đó cần được Hài nhi Giêsu cứu độ và ban ơn. Xin cho ơn Giáng Sinh được lớn lên trong chúng ta để chúng ta luôn gần Chúa.

LM. Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …