Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài Giảng Thánh lễ Chúa Nhật 5 Phục Sinh, năm B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài Giảng Thánh lễ Chúa Nhật 5 Phục Sinh, năm B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

CÂY NHO  

 

Đối với nông dân vùng Palestine thời Chúa Giêsu, cây nho là một tài sản quí giá. J.P.Charlier đã lưu ý: “Để có một ý niệm về cây nho ở Israel và trong những vùng phụ cận nắng cháy, chiêm ngắm những vườn nho vùng Bourgogne hay Bordeaux ở nước Pháp chẳng ích lợi gì.

Những gốc nho ôn đới chẳng có gì giống với các gốc nho vùng Palestine vốn lớn như một cây cổ thụ xum xuê cành lá chứ không phải là những thân nho được cắt tỉa kỹ lưỡng và nhỏ xíu như ở Âu Châu.

Phải biết rằng cả một thang lầu trong đền thờ thần Diana ở Êphêsô tạc từ một gốc nho duy nhất mang về từ đảo Chypre.

Nếu không nhớ đến vẻ uy nghiêm hùng tráng đó, sẽ không tài nào hiểu nổi một thành ngữ rất thông dụng trong Kinh Thánh “nghỉ dưới gốc nho” (1V 4,25; Mk 4,4).

Chẳng lạ gì cây nho, đã trở thành biểu tượng của sự phú túc và hào phóng của Thiên Chúa, rất thường được Kinh Thánh dùng như hình ảnh để chỉ Dân Thiên Chúa đã chọn và đã xếp đặt những mối liên hệ yêu thương và âu yếm.

Ôsê đã chẳng miêu tả Israel như một cây nho xum xuê nặng trĩu quả đó sao? (Hs 10,1).[1]

Chính vì vậy Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho để nói với chúng ta:

“Thầy là cây nho thật, các con là cành nho”

Chúa Giêsu biết rõ điều Ngài đang nói.

Tại Palestine, cây nho  thường mọc trên những thềm đất nơi cao, nền đất phải sạch sẽ. Có khi người ta trồng thành hàng rào, có khi thả bò sát đất trên ít cành cây, cũng có khi người ta cho nó bò lên cửa những ngôi nhà tranh.

Nhưng dù mọc ở đâu, việc cần thiết là phải cắt tỉa thật kỹ.

Nó mọc xanh tốt đến nỗi phải chia hàng cách khoảng ít nhất 4 mét, vì nhánh nho phát triển nhanh.

Một cây nho trong ba năm đầu chưa cho trái, mỗi năm, nó phải được cắt tỉa thật sạch để có thể phát triển và giữ được sinh lực. Khi đến độ trưởng thành, người ta cắt tỉa nó vào tháng 12 hoặc tháng 01 dương lịch.

Có hai loại nhánh nho, một loại ra trái và một loại không ra trái.

Loại nhánh không ra trái phải cắt bỏ, để chúng không hút hết sinh lực của cây nho.

Cây nho sẽ không thể cho trái đúng mức nếu không được cắt tỉa thật kỹ.[2]

Muốn nhiều hoa quả, cần phải được cắt tỉa.
Nhưng cắt tỉa là một quá trình gây đau thương cho một cây ăn quả.

Đây là một thực tế không thể chối cãi được.

Nhưng mục đích của việc cắt tỉa không phải là bắt thân cây phải chịu đựng đau đớn, mà là để giúp cho thân cây tạo ra nhiều quả hơn, và quả được ngon hơn.

Cũng vậy, với con người chúng ta, mục đích của cắt tỉa không phải là làm cho chúng ta đau đớn nhưng là để giúp chúng ta sinh trái nhiều hơn và tốt hơn. Có rất nhiều điều chẳng những vô ích mà còn có hại cho sự sống chúng ta, làm hao hụt năng lực chúng ta và cản trở sự sinh hoa trái thiêng liêng của chúng ta. Tất cả những cái đó cần phải được cắt tỉa.[3]

Chính vì vậy khi Thiên Chúa cắt tỉa chúng ta bằng những gian truân thử thách, đó là vì Ngài muốn chúng ta sinh nhiều trái hơn.
Nói tới việc cắt tỉa là chúng ta phải nói đến vấn đề đau đớn, vấn đề đau khổ.

Vấn đề đau khổ là một thực tại ngàn đời tồn tại và luôn luôn đòi được giải đáp.

Đau khổ đến với ta dưới mọi hình thức: tinh thần, thể xác, bên ngoài, bên trong, cá nhận, tập thể, cộng đoàn.

Ta có cảm tưởng đó là một lực lượng đến phá hủy tiềm năng phát triển con người.

Nhưng với ánh sáng Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy được một khía cạnh của đau khổ. Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để cho ta sinh hoa trái tươi tốt về đàng thiêng liêng.

Điều cần thiết là chúng ta có nhận ra được ý nghĩa của những đau khổ mà Thiên Chúa gởi đến cho chúng ta không.[4]

Một tấm gương điển hình: Cha Titus Brandsma trong cũi chó.

Cha Titus Brandsma, thời thế chiến thứ hai, là viện trưởng viện đại học Hòa Lan.

Ngài bị Đức Quốc xã bắt và giam tại trại Tập Trung Dachau.

Người ta nhốt ngài trong một chiếc cũi chó.

Đám lính canh, mỗi lần đi qua, bắt ngài sủa lên như chó.

Cuối cùng, ngài đã chết thê thảm, vì bị tra tấn quá tàn nhẫn.

Trong không gian nhỏ bé của một cũi chó, bị chế nhạo như con chó và bị đối xử như một con vật ghê tởm… ngài vẫn chịu đựng.

Đặc biệt, còn đủ kiên trì viết lại nhiều suy nghĩ về đau khổ, trong một cuốn sách cũ kỹ, trên một khoảng trống ở giữa hai hàng chữ.

Chúng ta có thể nêu ra ở đây một lá thư ngỏ của ngài, gởi Chúa Giêsu:

“Lạy Chúa, không một nỗi đau nào làm con ngã gục, vì con luôn nhìn thấy đôi mắt đầy đau khổ của Chúa.

Con đường cô độc Chúa đã đi qua, đã giúp con chịu đựng nỗi đắng cay một cách khôn ngoan…

Tình yêu của Chúa đã biến màn đêm tăm tối trong con thành nguồn sáng rực rỡ.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ở lại với con, chỉ cần Chúa ở lại với con thôi.

Nếu khi đưa đôi tay ra, con cảm thấy Chúa đang ở bên, con sẽ chẳng còn sợ hãi nữa” Amen.[5]

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Fiches Dominicales

[2] William Barclay

[3] Viết theo Flor McCarthy

[4] Giuse Đinh lập Liễm, CN 5 ps

[5] Kilian Healy, Walking with God (Lm. Hồng Nguyên, Đau khổ, một thách đố cho niềm tin, trg. 93)

 

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …