Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật 20Thường niên, năm B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật 20Thường niên, năm B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

Bí Tích Thánh Thể

 

h5Lời Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống.

Ăn theo nghĩa vật chất đòi hỏi một số tác động như đưa thức ăn vào miệng, nhai, nuốt, và sau đó là cả một tiến trình làm việc âm thầm của dạ dày, gan, mật, ruột… để biến thức ăn thành chất bổ dưỡng. Tất cả đều là tác động thể chất. Còn «ăn thịt» và «uống máu» Đức Giêsu hoàn toàn là những tác động tâm linh. Hình bánh, rượu và tác động nuốt vào bụng đều là những dấu chỉ mang tính bí tích nói lên một thực tại tâm linh có thực ở đằng sau.

Nếu chỉ ăn hay uống Ngài theo kiểu vật chất thì chẳng khác gì ăn một mẩu bánh hay uống một ly rượu, chẳng ích lợi gì cho tâm linh ta cả. Do đó, cần phải biết «ăn» hay «uống» Ngài theo kiểu tâm linh.

Vì Mình Máu Thánh Chúa là của ăn tâm linh bổ dưỡng tâm hồn. Thức ăn tâm linh thì chủ yếu phải ăn bằng tâm linh chứ không phải bằng thể xác. Điều quan trọng để được bổ dưỡng tâm linh là phải gặp gỡ được Đức Giêsu và nhận được sức mạnh từ nơi Ngài. Việc gặp gỡ Ngài ở đây cũng cần được hiểu là gặp gỡ bằng tâm linh chứ không phải bằng thể chất.

Nếu chỉ gặp gỡ bằng thể chất mà thôi thì hoàn toàn chẳng ích lợi gì. Các kinh sư , luật sĩ Do Thái ngày xưa cũng đã từng gặp gỡ và nói chuyện với Đức Giêsu nhiều lần, nhưng họ có được biến đổi gì đâu, trái lại họ lại càng ngày càng trở nên cứng lòng và độc ác hơn.

Cũng vậy, có biết bao Kitô hữu rước lễ hằng ngày mà chưa bao giờ thật sự gặp được Đức Giêsu. Vì thế, họ có rước lễ hằng ngày suốt cả cuộc đời thì đời sống tâm linh của họ chẳng hề thay đổi, bởi họ chẳng hề được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể. Nếu thật sự gặp gỡ Đức Giêsu, tâm hồn ta chắc chắn phải được biến đổi.

Là người Kitô hữu hay tu sĩ lâu năm, nếu chúng ta đã rước lễ hàng ngày hay hàng tuần suốt mấy chục năm trường rồi, mà chúng ta vẫn không thấy mình tiến bộ về mặt tâm linh hơn những người ngoại, thì ta cần đặt vấn đề lại.

Sống trong thời đại khoa học thực nghiệm hôm nay, sự tiến bộ tâm linh nếu có ắt phải được được chứng tỏ bằng những sự kiện rõ rệt như:

khả năng yêu thương ngày càng rộng rãi và bao trùm hơn, tính vị tha ngày càng nhiều hơn, có khả năng hy sinh cho tha nhân nhiều hơn, nội lực tinh thần mạnh mẽ hơn, sự khôn ngoan kiểu Thiên Chúa (chứ không phải kiểu trần gian) tăng triển hơn, bình an và hạnh phúc trong tâm hồn nhiều hơn và biểu hiện rõ rệt hơn, … Nếu không được như thế, chúng ta nên thành thật nhìn nhận rằng mình đã không tiến bộ trong đời sống tâm linh. Lúc đó, chúng ta cần đặt lại vấn đề quan niệm về bí tích Thánh Thể và cách rước Chúa của chúng ta.[1] 

Chúa Giêsu tiếp tục hiến mình làm bánh, là lương thực nuôi sống Giáo Hội, nuôi sống chúng ta qua Bí tích Thánh Thể được cử hành hằng ngày, hằng tuần… Và mỗi người chúng ta cũng như cộng đoàn được mời gọi tiếp rước Mình và Máu của Chúa. Nhưng tiếp rước ở đây không phải chỉ là ăn uống Mình và Máu của Chúa Giêsu mà thôi, mà còn phải là tiếp rước chính Chúa Giêsu với cả cuộc đời và sứ mạng của Ngài, để hoạ lại ý nghĩa của cuộc đời và sứ mạng đó trong chính cuộc sống của mình. Do đó, rước lễ đích thực không thể tách rời khỏi việc tìm hiểu trong Lời của Chúa, trong cuộc đời của Ngài bài học về cách xử sự, về sự lựa chọn, về sự hy sinh, về lòng yêu mến người khác cho chính cuộc đời của mình. Tiếp đến là chuẩn bị tâm hồn thật sốt sáng mỗi khi dâng lễ.            

Cha Piô, tu sĩ dòng Capucinô, ở Itala, được phong thánh năm 2004, là vị linh mục đã được in 5 dấu thánh. Ngài là linh mục và đặc ân của ngài, do thánh chức, là ở toà giải tội và nhất là trên bàn thờ dâng lễ. Cha dâng lễ lâu đến ba tiếng rưỡi đồng hồ. Ai dự lễ do cha Piô làm đều say sưa, sốt sắng, không biết mỏi mệt. Ngài sống mầu nhiệm Chúa hiện diện trên bàn thờ trong Bí tích Thánh Thể. Sau khi dâng Mình Thánh Chúa, thảm kịch tế lễ càng diễn tiến như dưới chân Thánh Giá xưa. Mồ hôi nhỏ giọt, nước mắt dầm dề. Ngài đọc lời truyền phép như một người đang hấp hối, đau khổ tột độ. Ngài cầm Mình Thánh giơ lên, những đường máu từ từ rơi theo dấu ngón tay. Rồi ngài hớn hở như được thấy Chúa.[2]

Một sự kiện để chúng ta nhìn lại việc chúng ta dâng lễ và rước lễ như thế nào. Amen.

 Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Cha JKN, CN 20B TN

[2] Le vrai visage du Padre Pio, Maria Winowska,Fayard

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …