TINH THẦN MÙA CHAY
Giá trị và ý nghĩa của chay tịnh:
– Ăn chay là một trợ giúp lớn lao để tránh tội và tất cả những gì dẫn đến đó. Vì thế, lịch sử cứu độ đầy dẫy những sự kiện mời gọi ăn chay.
– Chay tịnh đem lại lợi ích cho hạnh phúc thể lý. Đối với người tín hữu, trước tiên nó là “một phương thế chữa trị” để chữa lành tất cả những gì ngăn cản họ sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
– Chay tịnh giúp chúng ta loại trừ tính ích kỷ và mở rộng con tim để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.
– Chay tịnh cũng góp phần mang lại sự thống nhất cho con người, thân xác và linh hồn, giúp tránh tội lỗi và tăng trưởng trong cuộc sống thân mật với Chúa.
– Chay tịnh là một thực hành khổ chế quan trọng, một vũ khí thiêng liêng để chiến đấu chống lại mọi gắn bó mất trật tự với chính bản thân.
Chay tịnh thực hành.
Chay tịnh chính là hãm mình. Hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật.
Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên, sẽ tạo cho ta một nội lực, một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết.
Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình và bất cứ điều gì.
Thoạt nghĩ tới thì sự hãm mình có vẻ là một sự gò bó, giới hạn, cắt xén, làm cho con người không còn được tự do thoải mái. Chính vì thế mà nhiều người trong xã hội hôm nay, kể cả những người có đạo, thậm chí cả những người sống đời tu trì, không thích hãm mình, và hầu như không còn hãm mình nữa. Ðó là lý do của sự xuống dốc về đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội.[1]
Chay tịnh theo tinh thần Phúc Âm không chỉ là giảm bớt ăn uống mà còn là chay tịnh của con tim được cụ thể hóa trong lời nói, ý nghĩ và việc làm.
Một con tim chay tịnh không có chỗ cho hận thù, chia rẽ, sự nhỏ nhen, ghen ghét, ác ý, lạnh lùng và muôn vàn hình thái của ích kỷ.
Một con tim chay tịnh chỉ có nơi một con người biết yêu thương, quảng đại, cởi mở và nhạy cảm trước bao nỗi khổ của anh chị em đồng loại.
Rồi như anh chị em cũng biết, theo truyền thống, chay tịnh vẫn gắn liền với kiêng thịt. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là ngày nay có nhiều người đã thay thế việc kiêng thịt bằng những thức ăn đắt tiền hơn.
Chay tịnh như thế chưa phải là “xé lòng” mà chỉ dừng lại ở việc “xé áo”.
Chay tịnh mà Hội Thánh đề nghị thật ra là lời mời gọi hướng tới việc chia sẻ của đức ái. Đức ái Kitô giáo không dừng lại việc làm phúc bố thí hiểu như một sự thương hại, nhưng hướng tới tấm lòng yêu thương chân thành, khiêm tốn và tôn trọng phẩm giá con người. Mùa Chay Thánh mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu để học với Ngài về một tình yêu luôn trao ban và sống vì người khác.[2]
CN 1 Mùa Chay, năm B: Chúa Giêsu bị cám dỗ
Đã là con người, ai cũng bị cám dỗ: Nếu không có bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta dễ dàng nghĩ rằng sở dĩ Đức Giêsu hoàn toàn vô tội là vì Ngài không bị hề cám dỗ.
Nhưng đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy chính Đức Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, có bản tính thần linh hoàn toàn trong sạch, cũng bị ma quỷ cám dỗ. Thật là một mạc khải bất ngờ, đáng ngạc nhiên và rất lý thú, đồng thời cũng là điều an ủi chúng ta, tạo động lực cho chúng ta thắng những cơn cám dỗ xảy đến.
Đức Giêsu là Thiên Chúa mà cũng bị cám dỗ, phương chi chúng ta vốn là người phàm, nếu có bị cám dỗ, dù nặng nề đến đâu, cũng là chuyện đương nhiên. Điều đó nói lên: đã là con người thì ai cũng bị cám dỗ. Và sự kiện Đức Giêsu bị cám dỗ chứng tỏ Ngài đích thực là con người như chúng ta.
Kinh Thánh cho biết Ngài cũng yếu đuối như chúng ta, nhờ vậy Ngài rất thông cảm với sự yếu đuối cũng như tội lỗi của chúng ta: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15).
Qua lời Kinh Thánh trên, ta lại được biết rằng tuy bị cám dỗ như chúng ta, nhưng Người khác với chúng ta ở chỗ không hề phạm tội, nghĩa là Người đã luôn luôn thắng mọi cơn cám dỗ, không bao giờ sa ngã.[3]
Sau khi hai ông bà nguyên tổ phạm tội, lỗi lệnh Chúa, con người trở nên yếu đuối, cho nên cám dỗ nói lên thân phận của con người.
Đối với người Kitô hữu, cám dỗ càng đeo đuổi họ như hình với bóng. Nó chỉ buông tha khi họ đã đi hết cuộc hành trình trần gian. Tuy nhiên, thành công hay thất bại cũng tùy thuộc họ chiến thắng hay đầu hàng các cơn cám dỗ.
Số phận đời đời cũng sẽ căn cứ vào việc họ đã vượt qua cơn thử thách hay buông xuôi bỏ cuộc.
Dù thế nào đi nữa, cám dỗ vẫn nói lên thân phận yếu đuối của con người.
Cám dỗ có thể đến từ ma quỷ, từ người khác, và nhất là từ ngay trong chính bản thân.
Ma quỉ hay Satan là một tay lừa đảo, nhưng là một tay lừa đảo rất tinh vi. Hắn có tài thiên biến vạn hóa, mang đủ thứ mặt nạ, khiến chúng ta khó nhận ra. Khi thì như một lão chủ khắc nghiệt, lúc lại có vẻ như là một tên đầy tớ trung thành. Khi thì như một quân sư khoác lác, lúc lại giả điếc làm ngơ như một đứa học trò khù khờ. Hắn thường đội lốt khiêm nhường, bác ái…nhằm phá hủy dần dần mối tương giao giữa người với người.
Satan rất thuộc Kinh Thánh và thường khéo vận dụng Lời Chúa để ngụy biện hay khiêu khích chúng ta.
Hắn thường làm ra vẻ thuận theo những khát vọng chính đáng, những mục đích tốt đẹp để rồi hướng chúng ta đến những điều bất chính và nhất là có tài dụ dỗ coi thường những điều nhỏ mọn để rồi tới một lúc nào đó, chúng ta phạm trọng tội mà chúng ta không ngờ.
Tại nhà tù Sing Sing, người ta thấy một tên tử tù bước vào ghế điện. Người ta buộc những miếng kim lọai vào cái vòng trên đầu rồi bắp chân của hắn. Một lát sau dòng điện chuyền qua làm mất ý thức và chết lúc nào không biết.
Tòa tử hình cho phép anh nói lời cuối cùng. Anh ta buột miệng nói giọng điệu đau đớn cực độ: “Tôi bắt đầu bằng việc ăn cắp đồng năm xu từ túi áo mẹ già. Rồi tôi ăn cắp hai đồng năm xu. Tôi đã bắt đầu ăn cắp đồ vật ở trường học, tiệm thuốc, tiệm tạp hóa rồi những món tiền càng ngày càng nhiều. Cuối cùng tôi quyết định cướp nhà băng và lần đó tôi đã bắn chết các nhân viên ngân hàng. Đó là tất cả sự khốn cùng của tôi bắt đầu từ một đồng năm xu”.
Đây là câu chuyện thường tình của các tội ác. Nó thường khởi sự bằng một điều rất nhỏ, một đồng năm xu, một điếu thuốc, một ly rượu, một ước muốn tò mò. Khi không được ngăn chận nó sẽ dẫn đến tội ác lúc nào không biết.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã bị cám dỗ.Ma quỉ đã cám dỗ Chúa về việc ăn uống, về kiêu ngạo, về danh vọng. Có thể nói đây là những cám dỗ mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống và chúng ta còn bị cám dỗ về nhiều phương diện nữa, nhất là vào thời đại của chúng ta hôm nay.
Điều mà chúng ta cần lưu ý là bị cám dỗ chưa phải là tội, nhưng còn là cơ hội để chúng ta chứng tỏ lòng yêu mến và sự trung thành của chúng ta với Thiên Chúa.
Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, Chúa đã bị cám dỗ, nhưng Chúa đã chiến thắng vẻ vang.
Để được chiến thắng vẻ vang, Chúa đã phải ăn chay cầu nguyện lâu ngày.
Để thắng được cơn cám dỗ, chúng ta cũng phải ăn chay, cầu nguyện, khổ chế. Đồng thời chúng ta cũng phải luôn cảnh giác và nhất là chúng ta đừng khinh thường những điều nhỏ mọn trong cuộc sống. Nếu không cảnh giác chúng ta sẽ gục ngã trước những cám dỗ của ma quỉ. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy