Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật 19 TN-B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật 19 TN-B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

Bánh Trường Sinh: Bí Tích Thánh Thể

 

Từ xa xưa, con người đã mơ ước được sống trường sinh bất tử.

Mỗi lần thấy một người thân chết, thì niềm mơ ước bất tử này càng ám ảnh con người dữ dội hơn.

Vì thế chẳng lạ gì khi Chúa Giêsu xuất hiện ở Palestine và bắt đầu nói về cuộc sống vĩnh cửu thì dân chúng liền ùa đến nghe Ngài nói.

Đám đông dân chúng Do Thái rất chú tâm đến vấn đề này vì kể từ thời Abraham và Môisen họ triền miên sống trong mù mịt, chẳng  hiểu chút gì về những điều xảy đến cho những người đã chết.

Họ tin rằng có một “thế giới của người chết”, nhưng họ chẳng có một khái niệm gì về thế giới ấy, vì thế, họ sẵn sàng đón nhận bất cứ tia sáng nào Chúa Giêsu soi dọi vào sự bí nhiệm này.

Khi nói: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống… Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Bánh của Ta ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống”, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta biết cuộc sống nơi trần gian này không phải là cuộc sống duy nhất và chết không phải là chấm hết.

Nhưng còn có một cuộc sống mai hậu không bao giờ chấm dứt, đó là cuộc sống vĩnh cửu, cuộc sống trường sinh.[1]   

Bánh hằng sống ở đây chính là bí tích Thánh Thể.

Khi nói về bí tích Thánh Thể, trước hết chúng ta phải hiểu cho đúng các từ «ăn» và «uống», «thịt» và «máu» theo nghĩa tâm linh. Ăn và uống vật gì là được nuôi dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính vật ấy. Thịt và máu một người nói lên chính bản thân hay bản chất người ấy. Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu hiểu theo nghĩa tâm linh là được bổ dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính bản chất Đức Giêsu.

Bản chất của Đức Giêsu là gì?

Hiểu và thường xuyên ý thức bản chất của Đức Giêsu là gì là điều cốt yếu và hết sức quan trọng để có thể «ăn» và «uống» Mình Máu Ngài.

Trước tiên, Ngài chính là Thiên Chúa, là một vị thần linh. Ngoài ra, Ngài còn là nguồn sống, nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo trên trời dưới đất.

«Ăn» và «uống» Ngài chính là làm cho bản chất của Ngài thấm nhập vào bản chất của ta, làm cho ta càng ngày càng trở nên như Ngài, nói cụ thể hơn là giống như Ngài, trở nên một với Ngài.

Nghĩa là ta cũng trở nên thần linh, trở nên nguồn sự sống, nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo.

Để rồi cuối cùng trở nên đúng như Ngài đã nói: «Ai uống nước tôi cho («nước» ở đây chính là bản thân Ngài) sẽ không bao giờ khát nữa.

Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời» (Ga 4, 14).

Lúc đó ta sẽ không còn khao khát một thứ gì nữa, nghĩa là được thỏa mãn mọi bề, được tràn đầy hạnh phúc, vì Ngài đã là tất cả rồi.

Và mọi người sẽ thấy ở nơi ta một nguồn mạch tràn đầy sức sống, tình thương, khôn ngoan, can đảm, nghị lực… luôn luôn «vọt lên».

Nhờ đó, chẳng những chính bản thân ta tràn đầy hạnh phúc, mà ta còn làm cho tất cả những người chung quanh ta hạnh phúc bằng sự dấn thân phục vụ không mệt mỏi của ta nữa.

Nếu chúng ta muốn cho bản chất của Ngài thấm nhập vào bản chất của chúng ta, tức là ta «ăn» Ngài, thì không cách gì hữu hiệu hơn là thường xuyên ý thức về bản chất của Ngài và sự hiện diện thường hằng của bản chất ấy trong bản thân chúng ta.

Ý thức thường xuyên ấy là điều kiện tối cần thiết để bản chất của Ngài dần dần thấm sang bản chất của ta. Tương tự như hai bình liền nhau, cách nhau bởi một vách xốp: nước trong bình này từ từ thấm và chảy sang bình kia.

Ý thức thường xuyên ấy làm cho vách ấy trở nên xốp để nước có thể thấm và chảy qua “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống… Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời.

Bánh Ta ban là chính Thịt Ta để cho thế gian được sống”. [2]

Có lẽ chúng ta vẫn chưa xác tín vào lời của Chúa. Chúng ta vẫn chưa tin đủ mỗi khi chúng ta rước lễ, chính là lúc chúng ta rước Mình và Máu Chúa. Thì đây là một bằng chứng cụ thể để củng cố đức tin của chúng ta nơi bí tích Thánh Thể.

Năm 700, tại tu viện thánh Longino ở Lanciano, nước Ý. Cha Basiliô, đã dâng Thánh lễ nhưng lại hoài nghi về mầu nhiệm Chúa biến bánh rượu nên Mình Máu Thánh Chúa, thì Chúa đã làm một phép lạ như một bằng chứng cụ thể về phép Thánh Thể, được gọi là phép lạ Lanciano. Sau khi cha Basiliô truyền phép, Bánh đã trở nên Thịt và Rượu đã trở nên Máu, còn được cô đọng đến ngày nay.

Một cuộc khảo sát khoa học được thực hiện vào năm1971 cho biết, thịt đây là một thớ thịt từ trái tim, máu là máu của  một người thuộc nhóm máu AB (vết máu trên chiếc khăn liệm Turin cũng thuộc nhóm máu AB).

Ngày nay, Thịt và Máu Chúa được lưu giữ trong hào quang qúi giá gọi là Hào Quang phép lạ Thánh Thể Lanciano, có từ năm 1713 và thánh đường thánh Phanxicô, nơi lưu giữ, trở nên một trung tâm hành hương về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.[3] 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang hiện diện trong con chính là nguồn sống, nguồn tình yêu, nguồn trí tuệ, nguồn thiện hảo của toàn thể vũ trụ. Nguồn sống ấy đang hiện diện trong con với tất cả năng lực của một nguồn lực vô tận. Nguồn năng lực ấy luôn sẵn sàng tràn sang bản thân con với điều kiện con ý thức được bản chất và sự hiện diện của nguồn sống ấy trong con. Xin cho con luôn ý thức  như thế, để càng ngày con càng trở nên giống Chúa hơn, mỗi khi con lên rước Chúa vào lòng chúng con. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy  


[1] Mark Link SJ,CN 19B TN

[2] JKN, CN 19B TN

[3] Eucharistic Miracles của Carroll Cruz

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …