Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật 14 TN B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật 14 TN B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

Chúa Giêsu bị từ chối tại quê hương Nazareth

 

R. Tagore là một thi sĩ nổi tiếng của Ấn Độ. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn nhỏ.

Một hôm, cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xem.

Ông thân sinh lắc đầu chê: Thơ mày là thơ thẩn!

Tagore mới nghĩ ra một mưu kế:

Cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và chua xuất xứ là trích dẫn trong một cuốn thơ cổ. Cậu cũng không quên đề tên cuốn thơ cổ ấy rất cẩn thận.          

Lần này, ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen:”Tuyệt, tuyệt”.

Rồi đem khoe với đứa con trai lớn của ông, hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói:

Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này.          

Ông con trai chủ nhiệm đọc xong cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen là hay đáo để, và muốn trích đăng lên tờ báo văn học của ông.          

Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đưa cuốn thơ cổ kia ra đối chiếu chứng minh và cũng để dễ bề chua xuất xứ trong khi đăng.          

Đến đây câu truyện mới vỡ lỡ ra.

Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn dựng của cậu bé Tagore!

Ông thân sinh giận sôi máu lên, nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình xưa nay.[1]                   

Qua kinh nghiệm hằng ngày, chúng ta phải công nhận rằng thành kiến là một căn bệnh phổ quát chung cho mọi người.

Thành kiến là chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài nguời, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài.

Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ vào những cái bề ngoài mà đánh giá thiên hạ.           

Cùng một câu văn, một lời nói, một việc làm, mà do người này thì có giá trị, do người kia thì lại vô duyên.

Người có danh tiếng thì lời nói việc làm nào cũng được coi như vàng ngọc.

Người vô danh tiểu tốt thì lời có đẹp như trăng sao, việc có hay như thần thánh, cũng bị thành kiến dìm xuống đến tận bùn đen.

Vì thế, Đức Giêsu đã nói:

”Không tiên tri nào được trọng đãi nơi quê hương mình (Ga 4, 44).[2] 

Nazarét là quê hương của Chúa Giêsu, nơi Người đã sinh trưởng và lớn lên cùng với gia đình và biết bao thân nhân, bạn bè của thời niên thiếu.

Chắc hẳn mọi người biết rõ nhau.

Chúa Giêsu biết nhiều người trong họ, và ngược lại nhiều người biết Chúa Giêsu và đã từng giao tiếp với Người.

Khi Người trở lại đây sau một thời gian xa vắng, mọi sự bắt đầu lại với phần nào ngỡ ngàng.

Chúa Giêsu vẫn đến hội đường như thường lệ, và mọi người đón tiếp cách bình thường lúc ban đầu, Người đứng ra đọc Sách Thánh và bắt đầu giảng.

Thế nhưng mọi sự lần hồi trở nên xấu đi.

Những người đồng hương bắt đầu thay đổi thái độ, từ thiện cảm ban đầu ra ác cảm khi họ bắt đầu đặt câu hỏi trong lòng:

«Bởi đâu Người được khôn ngoan như thế, và làm được những phép lạ như thế? Phải chăng Người không phải là thợ mộc, con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Và chị em của Người không ở đây với chúng ta sao?».

Bi kịch của lòng tin diễn ra từ đây.

Trong tâm trí của những người ở Nazarét, Giêsu vẫn là một ông thợ mộc bình thường mà họ có thể thân quen chào hỏi vui vẻ, nhưng khó có thể chấp nhận được Giêsu như là một vị tiên tri mà Thiên Chúa sai đến. Họ khó có thể vượt qua được khoảng cách tâm lý trong lòng mình.

Vì thế, thái độ của họ từ chỗ ngạc nhiên đã biến thành ác cảm.

Bởi vì trong tâm trí của họ, nhiều ký ức vẫn còn đó, quá khứ của Người, nguồn gốc của Người, những bà con họ hàng thân thuộc của Người vẫn còn như in trong tâm trí, khiến cho họ khó có thể thay đổi ngay được.

Trước mắt mọi người, Giêsu vẫn là một bác thợ mộc với nguồn gốc khiêm tốn bình thường. Người ta đã từng thuê Người đến đóng bàn ghế hay sửa nhà cửa.

Thêm vào đó là những người thân của Người nữa.

Bà Maria mẹ Người, các anh em của Người vẫn còn đang sống giữa mọi người.

Những người Nazarét chắc hẳn khó chấp nhận Người như là vị tiên tri Thiên Chúa gửi đến vì nguồn gốc dân giã của Người.

Nguồn gốc quá dân giã của Người là tiêu điểm để những người đồng hương thân thiết từ chối nhìn nhận Người.

Tin Mừng thánh Marcô đã ghi lại phản ứng của Chúa Giêsu.

Người nói với họ bằng cách trích dẫn một câu ngạn ngữ:

”Không tiên tri nào được trọng đãi nơi quê hương mình (Ga 4, 44)

Đồng thời thánh Marcô cũng cho biết Chúa Giêsu không thể làm phép lạ nào ở đây, và sau đó người đã đi đến các làng khác để tiếp tục giảng dạy và người ngạc nhiên vì việc thiếu lòng tin của họ.

Một kinh nghiệm chua xót, không phải của những người làng Nazarét mà thôi mà còn là của nhiều người trong chúng ta.

Vì thế việc biết nhìn nhận những gì Thiên Chúa làm nơi con người Đức Giêsu để đi vào tương quan với Thiên Chúa là một hành vi đức tin, đòi hỏi chúng ta phải chân thành, tin tưởng và học hỏi với Lời Chúa, biết khiêm tốn để trở nên người môn đệ của Đức Giêsu. Amen.[3] 

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy 


[1] Vũ minh Nghiêm, Sống sống, 1971, trg. 333-335       

[2] Lm Giuse Đinh lập Liễm, CN 14B TN

[3] Lm Phêrô Lê văn Chính, CN 14B TN

 

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …