Hôm ấy trên ngọn đồi Golgotha bỗng náo nhiệt rồi im dần.
Hai người trộm cướp còn đang ngắc ngoải trên thập giá liền bị đánh giập ống chân cho chết, còn Chúa Giêsu lúc ấy đã từ trần.
Ông Longinô – tên người lính ấy – cầm đòng đâm vào cạnh sườn Chúa, tức thì có nước và máu chảy ra (Ga 19, 34). Đó là sự kiện cách đây hơn hai ngàn năm.
Còn cách đây gần 300 năm, Chúa Giêsu đã hiện ra với thánh nữ Margarita. Chúa đã mở ngực ra và chỉ trái tim Người như một tòa lửa sáng rực hơn mặt trời, trong suốt như thủy tinh, chung quanh có vòng gai và trên cùng là thánh giá.
Thánh nhân kể: Chúa đã cho tôi biết lòng Chúa nóng nảy khát khao được nhân loại mến yêu, và Người muốn giải thoát nhân loại khỏi vòng trụy lạc.
Vì thế, Chúa có ý tỏ trái tim Người cho nhân loại, một trái tim chan chứa tình yêu, đầy tràn ân sủng và sự cứu rỗi.
Một lần khác, đang sốt sắng chầu Mình Thánh Chúa, Margarita lại được xem thấy Chúa, toàn thân Người sáng láng vinh quang với năm vết thương chói lòa như vầng đông, và nhất là trái tim của Chúa tựa như lò than hồng.
Chúa đã thông ban cho thánh nữ biết những việc lạ lùng khôn tả của tình yêu Chúa và Người đã yêu nhân loại vô ngần.
Thế mà Chúa đã nhận được những gì?
Chúa chỉ nhận được những vô ân tệ bạc!
Thật thế, Chúa đã yêu thương loài người hết cách, đến tuyệt độ, đến chết trên thập giá, ta thấy Chúa hằng giang tay ra ngày đêm như muốn ôm cả nhân loại vào lòng.
Chúa nghiêng đầu cúi xuống như tha thiết kêu gọi người ta trở về cùng Chúa. Trái tim Người mở ra để chứng tỏ lòng yêu thương không bờ bến.
Tình yêu thương vô cùng ấy chưa được nhận biết. Hơn nữa tình yêu ấy lại còn bị khinh dể và phản bội.[1]
Một câu chuyện kể rằng:
Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tỳ vết hay rạn nứt nào.
Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy.
Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!”.
Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ già. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần trái tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo ra những lớp sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà chưa có mảnh tim nào trám lại.
Chàng trai cười nói:
” Chắc cụ nói đùa! Trái tim của tôi mới hoàn hảo, còn trai tim của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt”
Cụ già mới từ tốn nói: “Mỗi vết sẹo trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu mến, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè… mỗi lần tôi xé một mẩu tim trao cho họ, thường thì họ cũng trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu của tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi không bằng nhau nên chúng tạo ra những sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại, chúng đã tạo nên những vết khuyết.
Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ để lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.
Chàng trai đứng lặng yên không nói một lời nào và những giọt nước mắt lăn trên gò má. Anh bước tới và xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ.
Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ và trao cho chàng trai, nhưng mảnh tim không hoàn toàn ăn khớp với nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai.
Giờ đây trái tim của anh không còn hoàn hảo nữa nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết, vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh.
Cũng như trái tim của cụ già và anh thanh niên, Chúa Giêsu đã trao ban trái tim của Người cho chúng ta, để đáp lại sự trao ban ấy, chúng ta cũng phải dâng trái tim của ta cho Người.
Thánh Benoit Joseph Labre là đấng thánh đã đi ăn xin và đã qua đời tại Roma năm 1783.
Ngày kia, khi đi thăm một người đau nặng, ngài dạy cho ông ta phải biết dâng của lễ gì cho đẹp lòng Chúa.
Ngài nói: phải dâng cho Chúa ba quả tim;
– Quả thứ nhất bằng lửa, nghĩa là quả tim đầy tình yêu đối với Chúa.
– Quả thứ hai bằng thịt, nghĩa là quả tim đầy tình yêu đối với tha nhân và năng hướng về sự cầu nguyện.
– Qủa thứ ba bằng đồng, nghĩa là quả tim mạnh mẽ để chống các đam mê của ta, nhất là chống lại tình dục của ta và lo hãm mình để phạt thân xác.
Hằng ngày ta hãy nhắc lại sự phó dâng ấy để luôn luôn lúc nào lòng ta cũng hướng về Chúa.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta tình yêu chân thật và nồng say mỗi khi ta đọc lời nguyện tắt này: “Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, xin ban cho con kính mến Trái Tim Chúa một ngày một hơn. Amen” [2]
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy