Home / Suy Niệm Lời Chúa / BÀI GIẢNG LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

BÀI GIẢNG LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

 

 

 

Một bà mẹ nghèo, cứ mỗi chiều thứ tư, lúc bà về nhà, thế nào cậu bé cũng được một miếng bánh. Cậu vô tư nô đùa như thế với lũ bạn trước cổng nhà rồi đợi mẹ về. Cậu đã ăn miếng bánh như vậy bao nhiêu lần nhưng vô tâm thờ ơ.

Rồi một ngày, cậu băn khoăn, tại sao mẹ lại chỉ mua bánh cho mình vào chiều thứ tư? Cậu bé bắt đầu tò mò về thắc mắc ấy. Ngày nọ cậu muốn khám phá cái bí mật kia. Cũng một ngày thứ thư, lúc bà mẹ ra khỏi nhà, cậu bé chạy dõi theo xa xa.

Thứ thư là ngày hội của các bà mẹ. Sau phiên hội, các bà mẹ ăn bánh vui vẻ, riêng mẹ mình gói miếng bánh vào tấm giấy, cất vào túi. Bà chỉ uống nước thôi. Cậu nhìn mà thương mẹ trong khi các bà khác ăn bánh vui vẻ thì mẹ mình chỉ uống nước.

Bây giờ cậu mới biết tấm bánh mỗi chiều thứ tư do đâu mà có. Không phải mẹ đi chợ mua, mà mẹ để dành cho mình. Càng nghĩ cậu bé càng thương mẹ. Xong họp, các bà mẹ chuẩn bị ra về. Cậu vội chạy trước, giả bộ như không biết gì, lòng hồi hộp tội nghiệp cho mẹ. Như mọi lần, về đến cổng bà cũng lại gọi con. Mẹ có quà cho con.

Lần này cậu bé biết rồi. Mẹ có mua đâu, mẹ hy sinh nhịn ăn để dành cho con mà.

Cậu bé cầm miếng bánh ra đầu nhà. Nó nhìn miếng bánh trên tay mà rớt nước mắt. Hình ảnh mẹ lại hiện lên rõ rệt như ban chiều. Chung quanh cái bàn, bình nước trà, các bà mẹ vui cười ăn bánh, riêng mẹ mình chỉ uống nước. Cậu nhớ từng chi tiết, cái dáng điệu không mấy tự nhiên của mẹ, mẹ như rón rén cất miếng bánh vào túi kín đáo không muốn cho ai thấy. Lúc mẹ làm như thế chắc chắn mẹ nhớ tới đứa con của mẹ. Thế mà, từ bao lâu nay mình cứ ăn miếng bánh ấy trong cái vô tâm chẳng biết đến lòng hy sinh của mẹ.

Cậu bé nhìn miếng bánh trên tay, nước mắt lăn dài trên má. Cậu thấy thương mẹ quá. Cầm miếng bánh trên tay lần này cậu không dám cắn. Cậu không thể vứt đi, đấy là tình thương của mẹ. Cầm mãi, sau cùng cũng phải ăn, đưa miếng bánh lên miệng, nước mắt cứ chảy dài. Cậu nhai miếng bánh trong mếu máo.

Cậu không thấy cái ngọt của đường nữa mà là cái vất vả của người mẹ hy sinh cho con mình. Trong chất hy sinh ấy, vị ngọt của miếng bánh không phải là mùi sữa thơm mà là lòng thương con.

Từ ngày đó trở đi, cứ thứ ba là cậu lại băn khoăn về miếng bánh thứ tư hôm sau. Miếng bánh trở nên miếng bánh “thánh” vì lòng hy sinh của mẹ. Cứ mỗi chiều thứ thư, cậu bé bồi hồi biết rằng mẹ lại hy sinh vì con. Rồi lại ra đầu nhà, đứng ăn miếng bánh trong nước mắt.

Cái ngọt ở đầu lưỡi không phải là đường mà là hy sinh của mẹ. Một hương vị rất ngọt ngào cho trái tim tuổi thơ biết mình được yêu và biết yêu thương mẹ mình.[1]

 

Có lẽ chúng ta đều cảm động trước sự hy sinh của người mẹ. Người mẹ đã hy sinh, không ăn chiếc bánh để dành lại cho người con. Nhưng Chúa Giêsu đã dành không phải một chiếc bánh, nhưng chính con người của Ngài để trở thành tấm bánh nuôi chúng ta.
Quả thật, Chúa Giêsu đã trao ban trọn vẹn và hoàn toàn con người của Ngài cho chúng ta, để nhờ Ngài chúng ta được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, và được sống đời đời như lời Ngài quả quyết:  “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6, 54). Ngài yêu chúng ta bằng một tình yêu hoàn toàn vị tha. Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi Ngài đã tự huỷ mình để trở nên tấm bánh và ao ước được chúng ta ăn, để chúng ta được nên một với Ngài.

Không chỉ khi hiến thân trên thập giá, trong suốt cuộc sống trần thế của mình, Đức Giêsu đã liên tục chấp nhận trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhiều người. Ngài chấp nhận trở nên “tấm bánh bị ăn”. Ngài tự nguyện trở thành của ăn cho nhiều người trong chúng ta. Đó là một hành vi tự nguyện tiêu tan đi để cho chúng ta nhờ đó mà được sống. Như vậy, cả cuộc đời của Ngài là một “tấm bánh bị ăn”, nhờ thế Thiên Chúa được tôn vinh. Con người cũng nhờ thế mà “được sống và sống dồi dào” (Jn 10,10), được phục hồi lại sự sống đời đời đã bị mất vì tội nguyên tổ.

Hôm nay, ngày lễ kính Mình Máu Đức Kitô, ước gì tất cả chúng ta nhận ra tình yêu bao la mà Con Thiên Chúa đã dành cho từng người chúng ta, để rồi chúng ta biết dành ra một khoảng thời gian thích hợp đến tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, để tạ ơn Ngài, tâm sự với Ngài về tất cả những nỗi lo âu, băn khoăn, khắc khoải của chúng ta trong cuộc sống. Và ngay trong Thánh Lễ này, chớ gì tất cả chúng ta, những người hiện diện nơi đây đều dọn lòng sốt sắng, tham dự bàn tiệc Thánh Thể, để rồi có thể nói như thánh Phaolô: “Bởi vì chỉ có một Tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”(1 Cr 10, 17).

Và rồi khi trở về nhà, từng người chúng ta lại trở nên “tấm bánh bẻ ra” cho nhiều người khác. Được như thế, một lần nữa, chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô đang sống trong tôi” Amen.

 Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1]  Nguyễn tầm thường, Sự cô đơn và sự tự do,p.147-149

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …