SỨ ĐIỆP LÒNG THƯƠNG XÓT CHO CON NGƯỜI NGÀY NAY
TACE. Sứ điệp lòng thương xót cho con người ngày nay mang tính khẩn cấp đặc biệt. Thiên Chúa đã gởi một sứ điệp khẩn cấp đến với thế hệ chúng ta. Người muốn chúng ta đón nhận và thi hành. Đây là kế hoạch của Chúa và sứ điệp từ trời ! Đây là lời mời gọi tha thiết và mệnh lệnh của các Đức Thánh Cha, giờ là lúc phải trở về với lòng Chúa thương xót Chúa ?
Hơn bao giờ hết, con người ngày hôm nay cần đến lòng Chúa thương xót ! Đây là sứ điệp khẩn cấp gửi tới chúng ta qua vị “Tông đồ và Thư ký” của lòng thương xót Chúa là Thánh nữ Faustina.
– Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II chỉ thị rằng : “Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, và cách riêng trong thời hiện tại chúng ta đang sống, Giáo Hội phải coi một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình là rao truyền và thể hiện Lòng Chúa Thương Xót đã được mạc khải một cách tuyệt vời trong Đức Kitô.”
– Qua Thánh nữ Faustina, Chúa cho biết rõ là : Ngài muốn lòng thương xót ấy phải được tôn vinh : Hãy ca ngợi và tôn vinh lòng thương xót của Ta. Ta đòi hỏi mọi người tôn kính lòng thương xót của Ta. Nếu ai không tôn thờ lòng thương xót của Ta, họ sẽ tàn lụi đi. Ta khao khát lòng thương xót của Ta được tôn thờ.
Các con Hãy công bố sự tôn kính lòng thương xót của Ta cho mọi tạo vật. Đối với các linh mục công bố và tán dương lòng thương xót của Ta, Ta sẽ ban cho những quyền năng lạ lùng. Đối với ai loan truyền lòng thương xót của Ta, Ta sẽ bảo vệ họ trong giờ chết. Ta sẽ xử theo lòng thương xót của Ta vào giờ chết của họ. Danh tánh của họ được ghi trong cuốn sách sự sống này.
Chúa Giêsu cam đoan rằng : Người nào tín thác nơi lòng thương xót của Ta, thì sẽ không bị tàn lụi, vì tất cả những việc của người đó đều là việc của Ta, và những kẻ thù của họ đều sẽ bị tan tác dưới bệ chân Ta.
Khi các con Loan truyền Tin Mừng Lòng Chúa Thương Xót chính là thực hiện lệnh truyền của Ta : “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”.
Đã là lệnh truyền của Chúa thì bất cứ ai, dù thích hay không thích, muốn hay không muốn, cũng phải thi hành. Không thể dựa vào cảm tính của mình, hay nhân danh bất cứ quyền lực nào mà khước từ, ngăn cản, thậm chí chống phá công cuộc loan truyền Lòng Chúa Thương Xót. Đã là lệnh truyền thì ta có bổn phận phải thi hành, khi thuận lợi cũng như khi không thuận lợi, như Phaolô quả quyết : “Rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” . Không tin, không loan truyền Lòng Chúa Thương Xót, tôi đang tự kết án mình, chuốc lấy án phạt vào mình. Thật khốn cho tôi !
Thánh Phêrô và Gioan bị các thủ lãnh Do Thái, kỳ mục và kinh sư điệu ra trước Thượng Hội Đồng cấm tuyệt đối hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa, nhưng hai ông đáp lại : “Nghe lời các ông hơn hay là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi : trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không ? Các ông thử xét xem ! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra”.
Thánh Phêrô và các tông đồ dù bị nghiêm cấm không được rao giảng Tin Mừng và mạng sống bị đe dọa, chết thì chết, vẫn khẳng khái : “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Các tông đồ bị đánh đòn vì loan báo Tin mừng, nhưng “lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu”.
– Cũng như các tông đồ, Thánh Faustina gặp biết bao hiểu lầm, nghi ngờ, chống đối từ chính chị em trong Dòng khi loan báo lòng Chúa Thương Xót. Lúc đó Chúa phải trấn an : “Con được hợp nhất với Cha; con đừng sợ gì cả. Con hãy biết rằng Satan căm ghét con; nó căm hờn mọi linh hồn, nhưng đặc biệt căm thù con, bởi vì con đã giật khỏi quyền thống trị của nó quá nhiều linh hồn”.
“Công cuộc này sẽ giật khỏi nanh vuốt Satan rất nhiều linh hồn, và đó là lý do khiến thần dữ nhiều khi cũng ra sức cám dỗ những người lành ngăn trở công cuộc… Satan căm hờn với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa khủng khiếp biết bao! Hắn chống đối với toàn bộ công cuộc này.”
Gamalien là một kinh sư được toàn dân kính trọng, cũng lên tiếng cảnh báo Thượng Hội Đồng : “Tôi xin nói với quý vị : hãy để mặc những người này. Cứ để cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa thì quý vị không thể nào phá hủy được; không khéo quý vị lại trở thành những kẻ chống Thiên Chúa”.
– Thánh Faustina cũng xác tín : “Tôi biết được chính Chúa đang xúc tiến toàn bộ công việc. Chúa đã khởi sự thế nào thì Người sẽ tiếp tục thực hiện như vậy. Càng thấy những khó khăn chồng chất, tôi càng an tâm hơn. Ôi, nếu toàn bộ vấn đề này không phục vụ hữu hiệu cho vinh quang Thiên Chúa và lợi ích các linh hồn, thì có lẽ Satan đã không điên cuồng chống đối đến thế. Giờ đây tôi đã biết Satan căm ghét Lòng Thương Xót hơn bất kỳ điều gì khác. Đó là cực hình đáng sợ nhất của nó. Tuy nhiên Lời Chúa sẽ không qua đi, điều Người phán vẫn sống động, những khó khăn sẽ không thể đè bẹp công cuộc của Thiên Chúa, nhưng làm sáng tỏ công việc của Người mà thôi… ”.
– Thánh Phaolô tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa tuyệt mỹ biết bao sau khi thánh nhân nói rằng kế hoạch và khát khao của Thiên Chúa là “mọi người đều được hưởng lòng thương xót”. Ôi, sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa thật sâu thẳm !…Vì mọi sự đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại, và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời.
– Thánh Gioan nói : Thiên Chúa là tình yêu, còn Thiên Chúa diễn tả về lòng thương xót của Ngài cho thánh Faustina : “Ta tự thân là lòng thương xót”. Thiên Chúa tự thân là tình yêu và khi tình yêu được tuôn đổ trong việc tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa, đó là lòng thương xót. Lòng thương xót là tình yêu được tuôn đổ. Đó là tên gọi thứ hai của tình yêu. Và Chúa vui thích với danh hiệu “Lòng Thương Xót”, vì nó diễn tả thật tuyệt mỹ Ngài là ai và sự mong chờ tuôn đổ lòng thương xót ấy cho ta. Ngài cũng gọi mình là “Vua của Lòng Thương Xót”, Trái Tim nhân lành chứa đầy lòng thương xót của Ngài.
TACE. Tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa là lý do và mục đích chính của Sứ điệp mà Chúa đã truyền cho chúng ta qua Thánh Faustina. Hãy tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa trong mọi lời nói, việc làm và lời cầu nguyện. Đó cũng phải là sứ mạng của giáo hội – của chúng ta trong thế giới hôm nay.
BÀI GIẢNG LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
TACE. Đại Hội Tòa Thánh Thế Giới về Lòng Chúa Thương Xót lần thứ I tổ chức tại Roma từ ngày 2 đến 6 tháng 4-2008 mang dấu ấn của ĐTC Benedictô XVI. Ngài chúc lành và cổ võ sáng kiến quan trọng này trong đời sống giáo hội. Đức Benedictô XVI đã khai mạc Đại Hội với thánh lễ cầu cho Đức Gioan Phaolô II, một tông đồ vĩ đại của Lòng Chúa Thương Xót, và long trọng trao huấn lệnh trong ngày bế mạc Đại Hội : Anh Chị Em Hãy đi và làm nhân chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, nguồn hy vọng của mọi người và của toàn thế giới. Chúa Phục sinh ở cùng các bạn luôn mãi !”
Huấn lệnh của ĐTC Benedictô là : “Hãy đi và làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa” chứ không phải lòng thương xót của con người chúng ta. Chứng từ lòng thương xót phải xuất phát từ Thiên Chúa, vì “Lòng Chúa Thương Xót chính là nguồn hy vọng cho mọi người và cho toàn thế giới”. Việc của ta là tín thác vào lòng thương xót của Ngài, đồng thời biết xót thương tha nhân và mọi anh chị em… Khi nói đến “mệnh lệnh” hoặc “huấn lệnh” thì nó mang nghĩa là “một lệnh truyền, một chỉ thị, hoặc một huấn thị có thẩm quyền, một hướng dẫn rõ ràng, một giáo huấn, một cho phép”. Do đó những lời của ĐTC mang sức mạnh của một mệnh lệnh không chỉ dành cho bao nhiêu ngàn tham dự viên nhưng còn nhắm đến tất cả các tín hữu trên toàn thế giới.
TTACE. Sứ điệp và hình thức tôn sùng đặc biệt Lòng Chúa Thương Xót mà Chúa Giêsu ban cho Thánh nữ Faustina. Sứ điệp này kêu mời ta hãy tín thác vào Chúa Giêsu, hãy đón nhận Lòng Chúa Thương Xót và chia sẻ cho tha nhân. Khi công bố mệnh lệnh : Hãy đi và làm nhân chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, nguồn hy vọng của mọi người và của toàn thế giới, ĐTC nhấn mạnh đó một sứ điệp khẩn cấp cho thời đại chúng ta. Đã là một mệnh lệnh khẩn cấp từ ĐTC ban ra thì mọi tín hữu trung thành với giáo hội, với ĐTC đều phải thi hành, không có bất cứ lý do gì để khước từ hay chống đối.
– Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đi theo sứ điệp này, đặc biệt khi tuyên bố Chúa Nhật thứ II sau Phục Sinh là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa tại lễ phong thánh cho nữ tu Faustina vào ngày 30/4/2000. Để làm nổi bật sự khẩn thiết của sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa cho thời đại hôm nay, ĐTC nói : “Hôm nay tôi muốn chuyển sứ điệp này vào thiên niên kỷ mới”, và vào ngày 17-8-2002 khi thánh hiến Đền Thờ Quốc Gia Lòng Chúa Thương Xót tại Lagiewniki, Ba Lan, ĐTC cũng phó thác thế giới cho Lòng Chúa Thương Xót và khẳng định: “Xa lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ không có nguồn hy vọng cho loài người”. Tương tự, Đức Benedictô cũng nhấn mạnh “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là nguồn hy vọng cho mỗi người và toàn thế giới”.
Ngài là người đã giao phó thế giới cho Lòng Chúa Thương Xót. Và ước vọng của Ngài là : “Chớ gì Thiên Chúa, Đấng Giầu Lòng Thương Xót chúc phúc cho tất cả mọi người”.
– Vào ngày 20/4/2005, trong sứ điệp đầu tiên làm Giáo Hoàng, Đức Benedictô XVI bày tỏ niềm tri ân vì món quà của Lòng Chúa Thương Xót được lãnh nhận nhờ sự can thiệp của Đức Gioan Phaolô II : “Lúc này đây niềm tri ân sâu xa về hồng ân của Lòng Chúa Thương Xót vượt trên tất cả trong trái tim tôi. Tôi coi đây là một đặc ân mà Vị Tiền Nhiệm đáng kính, Đức Gioan Phaolô II đã nhận cho tôi. Tôi dường như cảm thấy bàn tay mạnh mẽ của ngài đang nắm tay tôi. Tôi như thấy đôi mắt của ngài đang mỉm cười và nghe được trong lúc này lời ngài gọi riêng tôi : Đừng sợ !”
Lòng Chúa Thương Xót là một Quà Tặng Cho Nhân Loại : mặc dù đôi lúc dường như bị hoang mang và lấn át bởi quyền lực sự dữ, bởi ích kỷ và sợ hãi, nhưng Chúa Phục Sinh đã ban tình yêu của Ngài xuống để khỏa lấp, để hòa giải và mở lại trái tim cho tình yêu. Một tình yêu biến đổi cõi lòng và đem lại bình an. Thế giới cần hiểu ra và chấp nhận Lòng Chúa Thương Xót biết bao ! Lửa của Lòng Thương Xót cần được chuyển đến cho thế giới”, và Trong thời đại hôm nay, nhân loại cần một lời công bố mạnh mẽ và chứng tá về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”.
Hãy có đức tin nơi Lòng Chúa Thương Xót ! Từng ngày hãy trở nên con cái của Lòng Chúa Thương Xót. Lòng Thương Xót là chiếc áo ánh sáng Chúa đã ban cho ta ngày Rửa Tội. Ta không được phép để ánh sáng này bị dập tắt, trái lại nó phải sáng lên trong ta mỗi ngày để đem Tin Mừng của Thiên Chúa đến cho trần gian… Trước khi làm chứng nhân cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, ta phải đích thân lãnh nhận quà tặng của Lòng Thương Xót Chúa. Tất cả những ai khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, đều nhận được “Một quà tặng lớn lao của Lòng Chúa Thương Xót”. Hãy để cho ánh sáng của Lòng Thương Xót ngày Rửa Tội “lớn lên trong ta từng ngày” bằng việc thực hành lòng thương xót.
CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Mừng hai Đấng Thánh Giáo Hòang.
TACE. Chúa nhật hôm nay, Lễ kính trọng thể Lòng Thương xót của Chúa, cả triệu tín hữu từ khắp nơi trên thế giới sẽ tuốn về Rôma, Italia để tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành, tôn phong hai vị Chân Phước Giáo hòang Gioan XXIII và Yoan PhaoLô II lên hàng Hiển Thánh. Đây là một biến cố vĩ đại trong lịch sử Giáo hội Công Giáo tòan cầu. Nhiều người Công Giáo Việt Nam háo hức chờ mong ngày này. Một số có điều kiện đang được các công ty Du lịch tổ chức chuẩn bị cho các chuyến đi hành hương, kết hợp dự lễ Phong Thánh có một không hai này. Giáo dân chúng ta cùng hiệp thông, hướng về ngày lễ : dâng lời cảm tạ, chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa; Đấng giàu lòng xót thương đã ân thưởng hai vị Thánh Giáo hòang của thời đại. Nhân dịp này chúng ta cùng ôn lại cuộc đời phục vụ Thiên Chúa và Hội Thánh của các Ngài .
1.- Chân Phước Giáo hòang Gioan XXIII sinh ngày 25 tháng 11 năm 1881 tại Bắc Italia. Thụ phong Linh mục 10.04-1904 tại Chủng viện Bergame lúc đó ngài mới được 23 tuổi. Năm 44 tuổi, 1925 được tấn phong Tổng Giám Mục. Ngài từng làm đại diên Tòa Thánh tại Bulgaria, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và sau cùng tại Pháp. Năm 72 tuổi 1953 Được Đức Piô XII nâng lên Hồng Y Thượng phụ Giáo chủ Venezia. Ngày 25.08.1958 Mật Tuyển viện đã bầu chọn Ngài là Vị Giáo Hoàng thứ 261 của Hội Thánh Công Giáo, khi đó Ngài đã 77 tuổi. Ngài được Chúa gọi về ngày 03 tháng 6 năm 1963 tại Vatican, lúc 82 tuổi. Làm giáo hoàng được gần 5 năm.
Trong triều đại giáo hoàng, Ðức Gioan 23 đã quyết định triệu tập Công Ðồng Vatican II, dù ngài biết rằng mình đã già cả. Ðây là một quyết định “táo bạo”, vì tín nhiệm hoàn toàn nơi Thiên Chúa; hơn nữa, Ngài ý thức rằng việc Ngài làm không phải là việc riêng của Ngài, nhưng là việc của Thiên Chúa, do Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Chính Đức Gioan XXIII, khi trả lời phỏng vấn về ý nghĩa của việc Ngài mở Công đồng chung Vaticanno II, Ngài đã tình cờ chăng (? ) khi đứng dậy mở toang cánh cửa sổ căn phòng, nơi đang trò chuyện với phóng viên. Ngài nói (đại ý) Giáo hội hiện như căn phòng đóng kín cửa, các cửa sổ cần mở ra để đón” Gió” thổi vào. Ngài có ý muốn nói, Chúa Thánh Thần đã đến với Hội Thánh như những đợt gió thổi ào ào trong ngày Lễ Ngũ tuần. Thì “Công đồng phải là một Lễ Hiện xuống mới” .
Quyết định triệu tập Công Ðồng là một hành động can đảm và nhìn xa thấy rộng. Lúc đó, Ngài đã dám dùng danh từ mới “cập nhật hóa”, một danh từ gây nên sợ hãi, nếu không phải là “cách mạng” đối với nhiều nhân vật quan trọng trong Giáo Triều Roma lúc đó. Sự bình thản tâm hồn nơi Ðức Gioan 23 phát xuất bởi sự tín thác hoàn toàn nơi Chúa, đúng như khẩu hiệu Giám Mục của Ngài : “Vâng Lời và Bình An”.
– Chúng ta có thể nhận ra những thay đổi từ sau Công Đồng với Hội Thánh Chúa tại Việt Nam: Việc cử hành các Thánh lễ, nghi thức Phụng vụ bằng tiếng Việt để ai cũng hiểu được và đón nhận, bởi trước đây cử hành hòan tòan bằng tiếng Latinh. Trong Thánh lễ, vị Chủ tế quay xuống với Cộng đoàn, có đối đáp, có phần của chủ tế, có phần của cộng đoàn như đọc các bài đọc, giáo dân tham gia vào việc phụng vụ bàn Thánh, trao Mình Thánh. . .
– Hội nhập văn hóa của Hội Thánh Công Giáo vào các dân tộc : người tín hữu được cử hành các lễ nghi kính nhớ tổ tiên, Giỗ chạp; tham gia các hoạt động của các tôn giáo bạn, các phong tục địa phương. Giáo hội đối thoại và bày tỏ lòng tôn kính các tôn giáo, những người không tín ngưỡng.
– Giáo dân được nâng cao vai trò và vị trí trong Giáo hội qua Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, Người Phụ nữ được tham gia nhiều hơn trong Hội Thánh. Hội Thánh Công Giáo nhận mình là một thành phần trong thế giới hôm nay qua các sắc lệnh, hiến chế công đồng ban hành và thực hiện, khiến Hội Thánh Công giáo như lột xác, không còn “kín cổng cao tường” với thế giới, mà là mở ra với nhân loại.
Đức Giáo hòang Phanxicô đương nhiệm, khi được hỏi về Đức Gioan XXIII, Ngài nói : Đức Gioan XXIII là và Ngài vốn là một vĩ nhân. Ngài triệu tập Công Đồng Vatican II. Đức Piô XII trước đó cũng có ý định này rồi nhưng thời gian chín mùi chưa tới. Đức Gioan không nghĩ tới chuyện thời gian có chín mùi hay không, ngài chỉ theo Chúa Thánh Thần “
2.- Vị Thánh thứ hai được phong Thánh hôm nay là : Chân Phước Giáo Hoàng Gioan PhaoLô II, Ngài sinh ngày 18 tháng 5 tại Wadowice (Ba Lan), năm 1920 với tên gọi là Karol Joseph Wojtyla. Thụ phong Linh Mục năm 1946 – 26 tuổi. Năm 38 tuổi – 1958 là Giám Mục Phụ tá tại Cracow. Năm 44 tuổi, 1964 vinh thăng Tổng Giám Mục Cracow. Năm 1967 được Đức Giáo hòang PhaoLô VI tấn phong Hồng Y ( 47 tuổi ). Lúc 16:30 ngày thứ bảy 14 tháng 10 năm 1978, sau khi cử hành Lễ kính Chúa Thánh Thần tại Ðền thờ Thánh Phêrô vào ban sáng, 111 vị Hồng Y từ khắp thế giới bước vào Mật Viện, để bầu Giáo Hoàng mới. Sáng thứ hai 16 tháng 10/1978, với hai lần bỏ phiếu, các Hồng y vẫn chưa chọn được Vị Giáo Hoàng mới.
Vào lúc 17:30, trong cuộc bỏ phiếu lần thứ sáu, vào chiều ngày 16 tháng 10 năm 1978. Tên của Hồng Y Tổng Giám mục Cracovia đã nhận được nhiều phiếu hơn cả. Sau khi kiểm xong các lá phiếu, Vị Hồng Y nhiếp chính trong thời kỳ trống ngôi lại gần Vị được chọn, chào kính, đặt câu hỏi theo lễ nghi: “Ngài có chấp nhận việc lựa chọn Ngài hay không ?”. Trong cầu nguyện và yên lặng suy tư, đức Karol Wojtyla chưa trả lời ngay. Mọi người chờ đợi và thấy Ngài cảm động, nước mắt chảy trên gò má. Sau cùng, với giọng rõ ràng và nghiêm nghị, Vị Hồng Y trả lời : “Vì Chúa Kitô của tôi, vì Ðức Trinh Nữ, Mẹ của tôi, vì tôn trọng Tông Hiến của Ðức Phaolô VI mời gọi, tôi xin chấp nhận.”… Ngài làm giáo hoàng được 27 năm, đứng thứ hai trong các triều đại giáo hoàng lâu nhất trong lịch sử giáo hội. Ngày 3 tháng 4 năm 2005 Chúa gọi Ngài về lúc 2g37’ tại Vatican.
– Trong 27 năm tại ngôi vị Giáo Hoàng, ngài đã phá kỷ lục trong nhiều lãnh vực. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chủ sự 51 nghi lễ phong thánh cho 482 người và 147 nghi lễ phong chân phước cho tất cả 1338 người. Phong Thánh cho nhiều người hơn tất cả những đức giáo hoàng trước. Đặc biệt trong số những người được phong thánh có 117 vị thánh tử đạo Việt Nam được Ngài tuyên phong tại thành Rôma ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Ngài đã phong Thánh cho Mẹ Têrêxa Canquýta, người mà Đức Thánh Cha đã từng gặp gỡ trước đó trong triều đại của mình. Chính Ngài đã chọn Chúa nhật thứ II Phục sinh là Chúa nhật” Kính trọng thể lòng Thương xót của Chúa”. Ngài cổ võ cho việc tôn sùng lòng thương xót của Chúa, qua gương của Thánh Nữ tu Faustina, người đã được Chúa hiện ra và mạc khải. Đức Gioan PhaoLô II chỉ rõ :”Giáo hội có quyền và nghĩa vụ phải tôn kính, loan báo, và thực hành kêu cầu lớn tiếng kêu van khóc lóc Thiên Chúa nơi Lòng Thương Xót Chúa !
– Được mệnh danh là “Vị Giáo Hòang Lực sĩ “. Với 247 chuyến viếng thăm mục vụ trong và ngoài nước Ý, Đức Gioan Phaolô II đã đi 1.167.295 km ( hay 700.380 dặm ), trên 28 lần chu vi của Trái đất ( gấp 3 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng ), nhiều hơn tất cả những Giáo hoàng trước cộng lại. Những chuyến đi này là dấu hiệu của nỗ lực bắc cầu nối lại những quốc gia và tôn giáo trong nhiệm kỳ của Ngài.
– Đức Gioan Phaolô II đã biến những chuyến tông du trở thành một cuộc hành trình truyền giáo mang tính chất sứ đồ.Ngài hiến dâng tất cả các lục địa cho trái tim Đức Mẹ “để xin Mẹ hãy thấu hiểu tất cả nỗi khổ đau và niềm hy vọng của tất cả chúng con”. Tại Fatima, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đặc biệt phó thác Hội Thánh và bản thân Ngài trong tay Đức Mẹ và xin Mẹ gìn giữ. Ngài cũng đã trực tiếp gặp Nữ tu Lucia, người cuối cùng còn lại trong ba vị được Đức Mẹ hiện ra (Giaxintha, Phanxico, Lucia ). Ngài đã được Đức Mẹ gìn giữ cách đặc biệt qua lần bị tên Mahômet Ali Agca ám sát tại Roma ngày 13. 05. 1981. Ngài Là người rất yêu mến, gần gũi giới trẻ, Đức Yoan PhaoLôII đã khai sinh ngày hội giới trẻ Thế giới. Hiên nay cứ 3 năm một lần, mọi người trẻ trên thế giới đều họp mừng Đại hội Giới trẻ tại một quốc gia nào đó. ( Vừa qua là tại Braxin )
TACE. Hôm nay, Thiên Chúa đã thưởng công hai Ngài vinh phúc Nước trời. Hội Thánh Chúa nơi trần gian tôn vinh các Ngài lên bậc Hiển Thánh. Từ nay (27/4/14), Giáo hội tôn kính các Ngài trên bàn thờ khắp thế giới. Các Ngài luôn ở bên Chúa và cầu bầu cho con cái Chúa nơi trần gian.
Xin hai Thánh Giáo Hòang Gioan XXIII và Yoan PhaoLô II chuyển cầu những lời nguyện xin của chúng con lên Thiên Chúa. Xin Lòng Thương xót của Chúa tuôn tràn trên Hội Thánh Chúa để mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt tại Việt Nam, luôn là Chứng Nhân Tình yêu Chúa cho mọi người.
Lm. Đaminh Lương Đức Toàn