Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi được Đức Giáo Hòang Piô V, xuất thân từ dòng Đaminh lập ra vào năm 1572, với tước hiệu là lễ “Đức Mẹ Chiến Thắng” để cảm tạ Đức Mẹ đã giúp đạo quân Công Giáo chặn đứng cuộc xâm lăng của người Hồi Giáo tại vùng Lepante ngày 07/10/1571.
Năm 1571, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của kinh Mân Côi. Cuộc chiến thắng xảy ra hết sức lạ lùng, nhờ hiệu quả của kinh Mân Côi. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân Côi.
Khi ấy quân Hồi xâm lăng Âu Châu, tiêu diệt dân Công Giáo, tàn phá các thánh đường, gây đau thương tang tóc cho Hội Thánh.
Đứng trước tình thế thảm thương đó, Đức Giáo Hòang Piô V kêu gọi người Công Giáo thành lập Đạo Binh Thánh Giá chống trả, đồng thời cổ động mọi người sốt sáng lần chuỗi Mân Côi, để kêu xin Đức Mẹ cứu giúp.
Cuộc chiến dữ dội giữa đạo binh Hồi Giáo với Đạo Binh Thánh Giá đã diễn ra tại vịnh Lepante.
Nhưng lực lượng đôi bên quá chênh lệch: quân đội Hồi Giáo rất đông và có vũ khí tối tân, còn đạo binh Thánh Giá quân số ít ỏi, vũ khí thô sơ, lại không thạo nghề chinh chiến.
Thế mà Đạo Binh Thánh Giá đã chiến thắng vẻ vang.
Hôm đó là ngày 07/10/1571. Vì thế Đức Giáo Hòang đã chọn ngày này để mừng kính Đức Mẹ Mân Côi, ghi nhớ hiệu lực kỳ diệu của việc lần chuỗi Mân Côi và tạ ơn Đức Mẹ đã cứu giúp Hội Thánh.
Năm 1576, Đức Giáo Hòang cho phép mừng lễ này trong tòan thể Hội Thánh và Đức Grêgôriô XII đổi lại thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Chuỗi Mân Côi là lời kinh suy niệm: miệng đọc mà lòng suy đến những mầu nhiệm chính yếu trong đời sống của Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
Mỗi chục kinh nhớ một mầu nhiệm, được phân phối thành mầu nhiệm: Vui, Thương, Mừng, Sáng. Mỗi chục nhằm kêu gọi ơn ích cho đời sống và những bí tích khai tâm, nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo.
Kinh Mân côi là một hình thức cầu nguyện đơn giản nhưng phong phú đã được Giáo Hội phổ biến qua nhiều thế kỷ.
Ðơn giản, vì bất cứ ai cũng dễ dàng thực hiện, dễ dàng đọc một mình trong mọi tình huống, ở mọi nơi, mọi lúc, và dễ dàng khi cầu nguyện chung mà ai ai cũng có thể tích cực tham gia.
Nhưng kinh mân côi lại rất phong phú, vì có bao nhiêu sách viết về kinh Mân Côi đã tìm ra trong các mầu nhiệm nguồn suy niệm dồi dào, dường như không bao giờ cạn.
Kinh Mân Côi chính là nguồn gia tăng sinh lực cho con người và là lời ngợi ca cuộc sống.
Chính Đức Mẹ đã dạy thánh Đa Minh cách lần chuỗi Mân Côi.
Và thánh nhân nhiệt thành cổ động cách lần chuỗi này khắp nơi từ đầu thế kỷ XIII.
Ngài gọi đó là cách cầu nguyện bình dân theo Phúc Âm rất đẹp lòng Đức Mẹ, vì Đức Mẹ mong muốn mọi người lần chuỗi này, để Mẹ cầu cùng Chúa ban cho mọi ơn lành phần hồn phần xác.
Tiếp theo thánh Đa Minh, vào thế kỷ XV, chân phước Alen Rốt cũng cổ động việc lần chuỗi Mân Côi, và đầu thế kỷ XVIII, chân phước Louis Marie Grignon de Montfort cũng nhiệt thành phổ biến cách lần chuỗi này để qui tụ những người thiện chí dùng chuỗi này mà cầu nguyện cho kẻ tội lỗi và người ngọai giáo trở lại cùng Chúa.
Kết quả thật phi thường: nhờ chuyên cần lần chuỗi Mân Côi mà Louis Montfort và hiệp hội của ngài đã đem nhiều người trở về cùng Chúa.
Nếu nguồn gốc của lễ Mân Côi ngày 7 tháng 10, bắt nguồn từ việc các tín hữu Âu Châu thành công trong việc phòng thủ, trước sức tiến công như vũ bão của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ năm 1571, tại vịnh Lepante thời thánh giáo hoàng Piô V, thì cũng từ đó, Giáo Hội cổ võ tín hữu đặc biệt cầu nguyện bằng chuỗi hạt quý giá này.
Cổ võ không phải để mừng kính chiến thắng tại Lepante, nhưng cổ động lòng tin vào sự can thiệp của Đức Maria qua các thời đại.
Thực ra, Đức Maria đã có một ảnh hưởng rất lớn trên đời sống con người chúng ta, vì ngay từ thời Chúa Giêsu, Đức Maria đã can thiệp một cách rất hiệu quả trong tiệc cưới Cana, với sự can thiệp như là một lời truyền lệnh:
“Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Jn 2, 5).
Tin tưởng vào sự cầu bầu của Đức Mẹ trong buổi sơ khai cũng như dọc suốt lịch sử của Giáo Hội, chúng ta kêu cầu Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi.
Kinh nghiệm cho thấy, nhờ kinh Mân Côi, Đức Maria đã can thiệp mạnh mẽ vào đời sống cá nhân, gia đình cũng như các cộng đoàn, can thiệp một cách mạnh mẽ và hiệu quả, nhiều khi quá sự mong ước của chúng ta. Amen.
LM Giuse Đỗ Văn Thụy