Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, các môn đệ nói với Tôma:
Chúng tôi đã thấy Chúa.
Nhưng Tôma nói với các ông kia rằng:
”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người,
nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh,
nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”.
Rồi tám ngày sau, các môn đệ họp nhau trong nhà, có Tôma ở đó,
Chúa đã hiện ra với các ông.
Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn của Tôma,
Ngài lặp lại lời ông và mời ông thực hiện điều mà ông đòi hỏi.
Bấy giờ, Tôma chỉ biết thốt lên:
“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Và Chúa Giêsu nói với ông:
“Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin”
Anh chị em thân mến
“Phúc cho những ai không thấy mà tin” nghĩa là gì?
Chúng ta theo dõi câu chuyện của thầy Sadu.
Ông kể về cảnh con chim mẹ bón mồi cho chim con trong tổ.
Lũ chim con bé tí, chưa mở mắt. Chú chim non bé bỏng quá.
Sự sống của nó như sợi tơ mong manh.
Làn da bụng quá mỏng đến độ ta có thể nhìn thấy tất cả mạch máu đỏ li ti.
Dường như chỉ búng nhẹ một cái là nó tắt thở.
Nó chỉ biết chờ đợi chim mẹ tìm mồi cho nó.
Chúng đang nằm im ả,
mà nghe cánh chim mẹ bay về là tất cả chúng đều ngẩng đầu thi nhau kêu ríu rít, miệng há to.
Nhà tu khổ hạnh cứ ngày ngày nhìn con chim nhỏ há miệng đón miếng mồi đó.
Rồi một giờ linh thiêng nọ, ông bừng tỉnh tự hỏi lòng mình:
Lạ quá, tại sao con chim nhỏ chưa mở mắt, chưa nhìn thấy gì, sao dám ăn?
– Giả sử con chim kia cứ đòi chứng minh miếng mồi có hợp với sức khoẻ của mình không mới ăn thì đời nó ra sao?
– Giả sử con chim bé bỏng kia cứ đợi đến khi chứng minh được tình thương của mẹ,
mới tin đúng là mẹ nó thì đời nó ra sao?
Nhà đạo sĩ Sadhu nhìn con chim mù lòa mà cứ tin là mẹ nó.
Ông tự hỏi lòng, tại sao nó không nhìn thấy mà nó vẫn tin.
Con chim nhỏ không nhìn thấy mẹ mình mà vẫn tin.
Không biết đây có là mẹ mình không, không biết miếng mồi này có hợp không mà nó vẫn ăn.
Anh chị em thân mến
Ngày hôm nay, trong chiều kích tục hóa đời sống tâm linh,
con người có khuynh hướng buông thả mình trong những lý luận.
Họ muốn nhìn thấy Thượng Đế rồi mới tin.
Con chim nhỏ chỉ biết kêu xin không lý luận.
Chớ gì Thiên Chúa cũng cho chúng con biết lãnh nhận để ăn,
rồi chúng con mới mở mắt để lý luận.
Lý luận là điều cần thiết,
nhưng xin đừng để chúng con lý luận trước, vì không ăn không mở mắt làm sao lý luận.
Và rồi nhà đạo sĩ nghe tiếng lũ chim con nói với ông:
Thưa ngài, chúng tôi không lý luận rằng
chúng tôi sẽ không mở đôi mỏ cho đến khi nhìn thấy rõ ràng rằng đấy là mẹ chúng tôi.
Chúng tôi không lý luận rằng,
biết đâu thức ăn không hợp với chúng tôi, biết đâu đấy không phải mẹ chúng tôi.
Nhà đạo sĩ nghe tiếng lòng bày chim nhỏ nói như thế với ông.
Rồi nhà đạo sĩ tâm sự tiếp:
Nếu chúng lý luận, nếu chúng chờ khi nhìn rõ mẹ mình, biết là thức ăn nào mới ăn,
chúng sẽ không bao giờ thấy sự thật. Chúng sẽ chết trước khi biết sự thật.
Anh chị em thân mến
Người ta nghĩ cần lý luận để tìm sự thật.
Nhưng có bao giờ họ lý luận rằng có những sự hiểu biết nằm ngoài lý luận không?
Bởi vì, nếu họ biết lý luận thì cũng phải lý luận như thế.
Sau khi nghe tiếng trong tâm hồn qua bày chim con,
nhà Sadhu khổ hạnh bước ra khỏi cánh rừng.
Ông thấy bày chim con sẽ chết đói nếu cứ lý luận.
Chắc chắn, ông đang nói với chính ông về con đường tâm linh ông đang tìm.
Lũ chim không nghi ngờ về sự hiện hữu của mẹ nó.
Chúng ăn, rồi ít ngày sau, chúng mở mắt.
Một niềm vui òa ngập.
Bấy giờ chúng mới nhìn thấy mẹ.
Rồi chúng tung cánh bay vào trời,
Rồi chúng tung cánh bay vào cuộc đời.
Chúng thấy vũ trụ đẹp quá , xinh quá và thế giới là một bài ca.
Đấy là một ngày tâm linh của nhà đạo sĩ.
Và ông tự hỏi lòng mình:
Loài người nghĩ rằng họ vĩ đại trên trái đất này,
sao họ không bằng lũ chim nhỏ trong tổ rơm kia.
Tại sao con người cứ đặt câu hỏi về hiện hữu của Thượng Đế?
Tại sao con người cứ đặt câu hỏi về tình thương của Ngài?
Chính Ngài đã chẳng nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin” đó sao…” Amen.[1]
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Nguyễn tầm Thường, Đường Đi Một Mình, trg. 149-156