Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Lễ Chúa nhật 3 Mùa Chay, năm B của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Lễ Chúa nhật 3 Mùa Chay, năm B của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

Chúa đánh đuổi con buôn trong hành lang Đền Thờ

 

Hôm nay, Chúa Giêsu đã phẫn nộ khi bước vào hành lang đền thờ Giêrusalem. Tại sao Chúa lại có thái độ như thế? Chúng ta hãy tìm hiểu một chút về cách tổ chức cũng như sinh hoạt tại đền thờ Giêrusalem vào thời Chúa Giêsu.

1.Trước hết là về việc đóng thuế cho Đền Thờ.

Thuế Đền Thờ là sắc thuế mà mỗi người Do Thái từ 19 tuổi trở lên phải nộp. Đó là phần dành cho việc dâng các sinh tế và lễ nghi trong Đền Thờ hằng ngày. Tiền thuế phải nộp là nửa siếc-lơ, bằng gần hai ngày lương của một công nhân. Trong việc giao dịch bình thường, mọi loại tiền đều có giá trị ở Palestine. Các loại tiền bằng bạc lưu hành từ Rôma, Hy Lạp, Ai Cập đến Tia, Siđôn và Palestine đều có giá trị. Nhưng tiền thuế Đền Thờ phải nộp bằng đồng siếc-lơ Galilê hoặc siếc-lơ của Đền Thờ. Đó là loại tiền Do Thái dùng để dâng cho Đền Thờ. Các loại tiền khác là của người ngoại, do đó bị xem là ô uế. Chúng được dùng trả các món nợ thường, nhưng không thể dùng trả nợ cho Chúa.

Khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến với đủ loại tiền, nên trong Đền Thờ có nhiều người đổi bạc. Nếu họ hành nghề ngay thẳng, thật thà, thì họ đã thực hiện một mục đích chân thật và cần thiết.

Nhưng muốn đổi lấy một đồng nửa siếc-lơ tiền để dâng cho Đền Thờ, người ta phải trả tương đương với ¼ tiền lương một ngày; như vậy cứ đổi 4 đồng nửa siếc-lơ thì người đổi lợi được một số tiền tương đương một ngày công. Do đó, số tiền thuế Đền Thờ thu được và lợi tức đổi bạc thật khủng khiếp.

Thực ra, việc những kẻ đổi bạc ăn lời khi đổi tiền cho khách hành hương tự nó không có gì sai quấy.

Kinh Talmud quy định: “Mỗi người cần có đồng nửa siếc-lơ để nộp thuế cho mình. Do đó, khi đổi đồng một siếc-lơ để lấy hai đồng nửa siếc-lơ, người ấy phải cho kẻ đổi bạc chút ít tiền lời”.

Nhưng điều khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu đựng tệ nạn đổi bạc bóc lột với giá cắt cổ. Thật là một bất công, và càng tệ hại hơn nữa là người ta nhân danh tôn giáo để làm việc ấy.

2. Bên cạnh bọn đổi bạc, còn có một số người bán bò, chiên bồ câu.

Thường thì mỗi lần đến Đền Thờ là một lần dâng lễ vật.

Nhiều khách hành hương muốn dâng một lễ vật cảm tạ vì chuyến hành trình đến thánh địa bình an, hầu hết các hành động hoặc biến cố xảy ra trong đời sống đều có một lễ vật tương ứng. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua được các con vật tại sân Đền Thờ.

Nhưng luật quy định bất cứ con vật nào dùng làm của lễ đều phải lành lặn, không tì vết. Ban quản trị Đền Thờ phân công những người kiểm tra súc vật.

Mỗi lần khám xét đều phải trả lệ phí 1/12 siếc-lơ. Nếu khách hành hương mua con vật ngoài Đền Thờ, chắc chắn con vật ấy sẽ bị từ chối khi khám xét.

Vấn đề dường như chẳng có gì quan trọng, nhưng khốn nỗi, một con vật mua trong sảnh Đền Thờ có khi phải trả đắt gấp mười lăm lần giá mua bên ngoài.

Khách hành hương nghèo bị bóc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Bất công xã hội này càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo. Chính điều ấy đã khiến Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận.[1]

Khi xua đuổi những người buôn bán trong Đền thờ, Đức Giêsu đã bộc lộ cho chúng ta thấy lòng tôn kính của Ngài đối với nhà của Chúa,và để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về cung cách tôn kính những nơi thờ phượng như những thánh địa dành riêng cho việc cầu nguyện mà thôi.
3. Anh chị em thân mến,

Qua sự việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, Hội Thánh không dừng lại ở việc tưởng niệm một biến cố mang tính cách lịch sử, nhưng khi nhắc lại biến cố này, Hội Thánh muốn chúng ta hướng tới một Ngôi Đền Thờ lớn lao hơn, và vượt trên mọi đền thờ, đó chính là thân thể Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, chỉ có Chúa Kitô mới là đền thờ đích thực như chính Ngài đã ám chỉ về mình trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2, 19).

Như thế, Chúa Giêsu không có ý nói đến đền thờ Giêrusalem, nhưng Ngài muốn nói đến chính đền thờ thân thể Ngài, thân thể bị phá hủy và được xây dựng lại; thân thể bị giết chết. 

Sau này, dưới ánh sáng Phục Sinh, các môn đệ mới hiểu Đền thờ Chúa muốn nói ở đây là chính thân xác của Ngài sẽ được phục sinh sau ba ngày ở trong mồ. 

Chúa Giêsu phục sinh trở nên Đền Thờ của Giao Ước mới, mọi tín hữu được mời gọi bước vào  Đền Thờ này.Và thánh Phaolô còn nói: “Nào anh em chẳng biết rằng, anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cor 3, 16).

Như vậy, tâm hồn mỗi Kitô hữu cũng là một đền thờ, được thánh hiến trong ngày lãnh Bí tích Rửa tội. Thế nhưng, nhiều Kitô hữu có khi đã biến đền thờ tâm hồn mình thành nơi đổi chác,buôn bán khi quá bận tâm về tiền tài, theo đuổi những đam mê xấu, chạy theo những dục vọng thấp hèn, địa vị trần thế…

Trong tinh thần sám hối của Mùa Chay, mỗi người chúng ta, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân lúc này đây thử xét xem: Nếu hôm nay Chúa Giêsu bước vào đền thờ tâm hồn tôi, Ngài sẽ nổi giận về điều gì? Ngài xua đuổi những gì? Ngài hất đổ những gì?

Chúng ta chung lời tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho Giáo Hội có những ngôi nhà thờ khang trang, để hằng ngày chúng ta đến gặp gỡ Chúa và hiệp thông với nhau trong lời kinh, nhất là cử hành thánh lễ thờ phượng tôn vinh Chúa. Đồng thời, không chỉ làm đẹp ngôi nhà thờ vật chất này, nhưng ý thức hơn là biết cố gắng giữ tâm hồn trong sạch để xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự.

Lạy Chúa Giêsu, xưa kia Chúa đã đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ vì họ đã tục hóa đền thờ là nơi thánh thiêng. Xin Chúa xua đuổi nhưng thói hư tật xấu ra khỏi tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con xứng đáng là đền thờ sống động được Chúa cư ngụ luôn mãi. Amen.[2]

 Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] William Barclay, CN 3B MC

[2] Lm. Gioan M. Nguyễn thiên Khải CMC

 

 

 

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN