Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

Một ngày nọ, triết gia Diogène của Hy lạp đã đến giữa chợ Athènes và dựng lên một cái lều có ghi đậm hàng chữ như sau: ”Ở đây có bán sự khôn ngoan”.

Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều, cười thầm trong bụng… Muốn biết đàng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái  mà người bán gọi là sự khôn ngoan ấy.

Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogène 3 hào và nói rằng  chủ của anh muốn có sự khôn ngoan.

Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogène nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: ”Anh hãy về đọc lại cho chủ anh câu này: 

“Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.          

Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích của mình.

Đây chính là lý do để Giáo Hội kêu mời chúng ta đến nghĩa trang này.

Chúng ta đến nghĩa trang này để tận mắt nhìn lại những người thân yêu của chúng ta. Họ đã ra đi. Họ đã chết và một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ chết như họ.

Một câu chuyện kể rằng: Xưa có người tử tội vượt ngục, bị vua sai quân đuổi bắt. Người ấy đem hết sức lực ra để chạy thoát thân, đến khi sức cùng lực kiệt thì rơi xuống một vực sâu. May thay, anh ta vớ được một sợi dây leo ven bờ vực thẳm và bám chặt vào đó, treo lơ lửng giữa lòng vực thẳm.

Bấy giờ, nhìn lên miệng vực là quan quân đuổi bắt đang vây kín. Nhìn xuống bên dưới thì ôi thôi, một con rắn độc đang ngóc đầu thè lưỡi nhìn lên, chỉ chực đớp lấy anh.

Kinh khiếp quá, người ấy nhắm mắt lại không dám nhìn nữa. Nhưng rồi anh ta nghe có tiếng động sột soạt và sợi dây leo bỗng rung lên nhè nhẹ. Mở mắt ra, anh ta hãi hùng nhìn thấy ở nơi dây leo mọc ra từ bờ vực thẳm có hai con chuột – một trắng, một đen – đang từ từ gặm đứt dần sợi dây.

Mệt mỏi, đói khát và sợ hãi đến mức không sao tả xiết, anh ta cầm chắc cái chết đã gần hề, không còn chút hy vọng gì có thể tránh né được nữa.

Bỗng có một con chim lớn tha một cái tổ ong từ đâu bay đến đáp xuống cành cây bên trên bờ vực. Từ trong tổ ong, có những giọt mật rỉ ra và rơi xuống, lại rơi đúng vào miệng con người tội nghiệp từ bên dưới đang ngẩng mặt nhìn lên.

Cảm nhận được vị ngọt lịm của những giọt mật ít oi, người ấy trong phút chốc bỗng quên đi tất cả những mối đe dọa quanh mình, cảm thấy trong lòng dâng lên một nỗi khóai lạc vô biên, tưởng như trong cuộc đời này không còn một sự sung sướng nào có thể hơn thế nữa.

Trong cuộc sống, những khổ đau và hiểm nguy tràn ngập quanh ta thật ra cũng không kém gì người tử tù đang chạy trốn trong câu chuyện. Không ai trong chúng ta có thể đảm bảo chắc chắn là mình có thể được sống bình yên vô sự đến lúc nào. Ngay cả mạng sống của ta cũng hết sức mong manh, có thể chấm dứt bất cứ lúc nào mà không cần phải có dấu hiệu báo trước. Và thậm chí nếu chúng ta may mắn có được một đời sống tuyệt đối an toàn không gặp bất trắc gì, thì than ôi, hai con “chuột thời gian” là ngày và đêm vẫn liên tục gặm nhấm, rút ngắn dần đời sống của ta. Mỗi một ngày qua đi thì điều chắc chắn nhất mà mỗi chúng ta luôn có thể biết được là: ta đang tiến gần đến cái chết.[1]

Phải, mỗi ngày hai con chuột thời gian luôn nhắc nhở chúng ta là chúng ta đang tiến dần đến cái chết.Nhưng trong chúng ta, những người đang hiện diện nơi đây, chưa có ai kinh nghiệm về cái chết, nhưng mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và  Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): Nhiều người vì một tai nạn hay vì một lý do nào đó làm họ ngất đi trong một thời gian khá lâu. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết, nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1.370 trường hợp. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm chung sau đây:

          – Họ không còn sợ chết nữa.

          – Họ thấy cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống  ở đời này.

          – Họ không còn ham muốn kiếm tiền bạc, danh vọng và lạc thú nữa.

          – Và điều duy nhất  mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người[2]        

Những điều nghiên cứu trên đây thật là một điều quí giá cho chúng ta.

Nếu ai trên trần thế này cũng sống  như kinh nghiệm của những người “cận tử”

          “ không còn ham muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú

Và luôn yêu thương, phục vụ mọi người”

 thì quả là thiên đàng đã xuất hiện ngay trên trần gian này rồi. Amen

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Nguyên Minh, Vì sao tôi khổ, trg..54-55

[2] Willie Hoffsuemmer

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …