Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Lễ Các Thánh Tử Đạo VN của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Lễ Các Thánh Tử Đạo VN của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

imagesVào lúc 9 giờ sáng ngày 19/6/1988, tại Rôma, tức là lúc 15 giờ cùng ngày tại Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên bậc hiển thánh, gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc.

300 năm bị bách hại với hơn 100.000 vị tử đạo, đủ cho mọi người thấy sự ác liệt thảm khốc cũng như sức chịu đựng bền bỉ kiên cường và lòng trung thành đối với đức tin mà cha ông chúng ta đã lãnh nhận và tôn thờ.

Các ngài cảm thấy hạnh phúc vì thuộc về Chúa, các ngài hãnh diện vì là người Công Giáo, các ngài can đảm tuyên xưng danh Chúa và cương quyết giữ vững lập trường đức tin chân chính của mình.

Trong hơn 100.000 vị tử đạo, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Ý, 15 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân. 
Trải qua ba trăm năm, với 53 sắc dụ cấm đạo dữ dội, Giáo Hội Việt Nam đã bị bách hại và đã biểu lộ hào hùng sức mạnh đức tin qua dọc dài lịch sử. 
– Các Thánh Tử Đạo đã chịu đủ mọi cực hình:

Bị xiềng xích, lao tù,

bị tra tấn, bị bỏ đói, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị bá đao, phanh thây, bị kìm kẹp,

bị voi dày, bị thiêu sống, bị buộc đá thả trôi sông,

bị tống cổ ra khỏi nhà, làng mạc, sống vất vưởng trong rừng sâu nước độc.

Các ngài đã bị chết đói, chết khát, chết bịnh và bị dã thú ăn thịt…

Nhưng với sức mạnh đức tin, các ngài đã chiến thắng mọi thứ cực hình dã man.

Cho dù là gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng, thiêu sống, phân thây ra từng mảnh…các ngài chấp nhận tất cả nhờ đức tin mạnh mẽ.

Quả thật trên đây là những tấm gương anh hùng của các thánh tử đạo Việt Nam.

Tuy nhiên chúng ta luôn phải nhớ rằng tử đạo là một ơn đặc biệt Chúa ban cho một số người, nhưng bổn phận làm chứng cho Chúa thì không dành riêng cho một ai.

Đã là Kitô hữu, chúng ta phải có bổn phận làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình.

Làm chứng một cách âm thầm nhưng không kém phần anh hùng như trường hợp của một giáo lý viên sau đây:

Vào năm 1934, cha Alexis đến truyền giáo tại vùng Đông Bắc Lybia. Nơi đây, cha được một sự cộng tác rất nhiệt thành của một giáo lý viên tên là Joan Cardina.

Cardina được gởi tới một làng ngoại giáo.

Ban đầu anh bị dân làng chống đối, nhất là các thầy phù thủy hầu như lúc nào cũng như muốn tìm cách giết anh cho bằng được.

Cuối cùng anh bị dân làng trục xuất, thế là anh phải cất một cái chòi ở ven làng.

Những người có thiện cảm nhất với anh cũng không ai dám ghé thăm.

Thế nhưng anh vẫn can đảm tự mình làm lụng vất vả, kiên trì cầu nguyện, đồng thời sẵn sàng chia sẻ phần thu họach ít ỏi với những người nghèo đói, cứu giúp họ thóat khỏi những cơn bệnh nguy tử bằng một vài lọai cây thuốc trong rừng.

Có lần, một ông già làng đến gặp anh và nói: ”Tại sao anh không chịu đi nơi khác, anh coi đấy, chẳng ai ưa anh, cũng chẳng ai muốn nghe cái thứ tôn giáo của anh”.

Cardina ôn tồn trả lời:”Thiên Chúa đã sai tôi đến đây, Ngài đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc mọi người chúng ta. Vì thế tôi cũng sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để các ông nhận biết Ngài. Tôi sẽ không rời bỏ nơi này bao lâu chưa có ai trở thành người Kitô hữu”. Thế rồi dân làng đành cho anh ở lì.

Mấy năm sau, Cardina bị bệnh sốt ác tính và anh đã qua đời tại đây.

Sau khi anh qua đời, dân làng cảm phục trước sự kiên trì của anh, đã tự ý đi tìm chỗ học đạo. Thế là một số giáo lý viên được gởi đến và chỉ sau một thời gian ngắn cả làng đều theo đạo.

Giáo Hội thời nào cũng cần những người dám sống đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.

Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống. Mỗi ngày chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Chúa Giêsu y hệt như các vị Tử Đạo ngày xưa.

Càng có tự do, chúng ta càng dễ sa sút đức tin.

Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những tạo vật gây ra những bách hại êm ả nhưng khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.

Ước gì chúng ta không để mất đức tin đã được mua bằng giá máu của bao vị thánh Tử Đạo Việt Nam, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho anh em đồng bào trên quê hương Việt Nam chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …