Vào lúc 9 giờ sáng ngày 19/6/1988 tại Rôma, tức là lúc 15 giờ cùng ngày tại Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên bậc hiển thánh, gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc.
300 năm bị bách hại với hơn 100.000 người tử đạo đủ cho mọi người thấy sự ác liệt thảm khốc cũng như sức chịu đựng bền bỉ kiên cường và lòng trung thành đối với đức tin mà cha ông chúng ta đã lãnh nhận và tôn thờ.
Các ngài cảm thấy hạnh phúc vì được thuộc về Chúa, các ngài hãnh diện vì là người Công Giáo, các ngài can đảm tuyên xưng danh Chúa và cương quyết giữ vững đức tin chân chính của mình.
Trong hơn 100.000 vị tử đạo, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Ý, 15 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân.
Trải qua ba trăm năm, với 53 sắc dụ cấm đạo dữ dội, Giáo Hội Việt Nam đã bị bách hại và đã biểu lộ hào hùng sức mạnh đức tin qua dọc dài lịch sử.
Các Thánh Tử Đạo đã chịu đủ mọi cực hình:
– Bị xiềng xích, lao tù, bị tra tấn, bị bỏ đói, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị bá đao, phanh thây, bị kìm kẹp, bị voi dày, bị thiêu sống, bị buộc đá thả trôi sông, bị tống cổ ra khỏi nhà, làng mạc, sống vất vưởng trong rừng sâu nước độc.
Các ngài đã bị chết đói, chết khát, chết bịnh và bị dã thú ăn thịt… với sức mạnh đức tin, các ngài đã chiến thắng mọi thứ cực hình dã man.
– Cho dù là gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng, thiêu sống, phân thây ra từng mảnh… các ngài chấp nhận tất cả nhờ đức tin mạnh mẽ.
Người ta nghĩ ra mọi thứ hình phạt tàn ác để buộc các tín hữu chối bỏ đức tin.
– Thật kinh hoàng sởn tóc gáy khi nghe kể về cái chết của Cha Cố Du bị xử bá đao: Họ vu cho ngài móc mắt trẻ con khi rửa tội, làm điều ám muội khi cử hành lễ cưới và cho ăn thịt người khi rước lễ.
Sáng sớm ngày 30.11.1835, họ điệu ngài đến nơi hành hình tại Thợ Đức.
Bên một lò than đang cháy đỏ rực và những tên lính với những chiếc kìm sắt đã được nung đỏ.
Họ cột chân tay ngài vào cây cột. Cha Du ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mạng sống mình cho Chúa.
Sau hồi trống báo hiệu, hai tên lính cầm kìm kẹp vào ngực ngài kéo ra hai miếng thịt liệng xuống đất, một tên lính khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông, rồi đến bắp đùi thì chúng lấy kìm kéo ra rồi lấy dao xẻo đứt từng miếng… làm cha rất đau đớn.
Không được bao lâu thì ngài ngất đi, đầu rũ xuống và ngài về chầu Chúa lúc 17g ngày 30.11.1835.
Cha Du chết rồi bọn lính còn chặt đầu ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi, cởi trói lật xác úp xuống rồi phân thây ra từng khúc bỏ tất cả vào thùng vôi.
Đầu ngài họ đem treo 3 ngày ở giữa chợ rồi xay nát, bỏ chung với thùng vôi đựng xác ngài đoạn quăng cả xuống biển cho mất tích”.
-Thánh Giám mục Xuyên, chân tay bị trói vào bốn cọc. Năm lý hình cầm 5 cái rìu, sẵn sàng nghe lệnh quan án sát. Vừa nghe lệnh, hai lý hình chặt hai chân, hai lý hình chặt hai tay, đến lượt lý hình thứ năm chặt đầu. Rồi họ mổ bụng ngài cắt lấy ruột gan.
-Cha Điểm và Cha Khoa bị trói chân tay vào cột, lý hình tròng dây vào cổ. Nghe hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cho đến khi hai vị nghẹt thở và lịm dần.
– Thánh Tôma Thiện, Phaolô Bột, đầu xanh tuổi trẻ, tương lai còn dài, nhiều hứa hẹn. Các ngài đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Chúa nhờ sức mạnh đức tin.
– Thánh Hồ Đình Hy làm quan lớn trong triều đình. Quan Án Phạm Trọng Khảm. Nhờ sức mạnh đức tin, các ngài chấp nhận mất chức quyền, mất danh vọng thế gian và sẵn sàng hiến dâng mạng sống.[1]
– Và cuối cùng, một vị thanh nữ duy nhất trong số 117 vị tử đạo Việt Nam, đó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Đê.
Trước khi là một anh hùng tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.” Đó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.
Nhà bà Đê là nơi các linh mục trú ẩn. Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, quan Tổng Đốc Nam Định cho quân bao vây làng của bà. Bà Đê bị bắt lúc đã 60 tuổi. Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo, bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam, đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu, bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”
Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa. Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta. Thiên Chúa đã làm điều phi thường nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối. Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Định cũng phải bó tay trước sự yếu đuối kiên vững của bà.[2]
Các Thánh Tử Đạo vui lòng đón chịu mọi cực hình đau đớn, chấp nhận mọi thua thiệt, vui lòng mất hết địa vị bổng bộc và hiên ngang tiến ra pháp trường đón nhận cái chết như một mối phúc, minh chứng lòng trung thành của mình đối với Đức Kitô. Cái chết của các ngài làm sáng lên sức mạnh đức tin. Giáo Hội thời nào cũng cần những người dám sống đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.
Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống. Mỗi ngày chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Chúa Giêsu y hệt như các vị Tử Đạo ngày xưa.
Càng có tự do, chúng ta càng dễ sa sút đức tin.
Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những tạo vật gây ra những bách hại êm ả nhưng khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.
Ước gì chúng ta không để mất đức tin đã được mua bằng giá máu của bao vị Tử Đạo, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho anh em đồng bào trên quê hương Việt Nam chúng ta. Amen.
LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY