Thánh Luca vừa tưòng thuật cho chúng ta về cuộc đối thoại giữa thiên sứ Gabrien và Đức Maria. Đức Maria hết sức bối rối khi nghe lời đề nghị của sứ thần, nhưng cuối cùng Đức Maria đã thân thưa:
“Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”.
Tiếng “Xin vâng” vừa thoát khỏi môi miệng Đức Maria thì Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, ngự xuống mặc lấy xác phàm trong cung lòng Đức Mẹ.
Sự hiệp nhất bản tính Thiên Chúa với bản tính loài người được thực hiện.
Và ngay lúc đó, Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ được đầy đủ mọi ơn phúc cần thiết để chu toàn vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của Đức Mẹ và Đức Mẹ cũng đã tự do đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Đức Mẹ đã chấp nhận cộng tác vào chương trình cứu độ, và sự ưng thuận của Đức Mẹ đã mở đường cho việc Con Thiên Chúa nhập thể để cứu chuộc chúng ta:
Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người.
Ngôi Lời đã thành xác phàm nhờ tiếng “xin vâng” của Đức Maria
Ngôi Lời đã thành xác phàm nhờ sự cộng tác của Đức Maria.
Đức Maria đã cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa, còn chúng ta như thế nào?
Một vài gợi ý với câu chuyện “tờ giấy trắng và cây viết” của Leonard de Vinci:
“Có tờ giấy trắng nọ nằm lì trên bàn viết với bao đồng bạn khác từ nhiều năm tháng. Nhưng rồi một hôm nó được đặt lên bàn và cây viết đã vẽ lên nó những dấu vết mà nó chẳng hiểu gì cả.
Tờ giấy phàn nàn với cây viết rằng:
“Tại sao anh lại làm thế, anh vẽ trên mình tôi những dấu vết làm tôi mất đi sự trắng sạch ban đầu. Anh làm nhục tôi thế này sao? Anh đã làm hư cả cuộc đời tôi rồi”.
Nhưng cây viết trả lời:
”Không, ông bạn giấy hiểu lầm tôi rồi, tôi không làm dơ bẩn anh đâu, tôi vẽ lên anh những dòng chữ và kể từ nay, anh không còn là tờ giấy vô dụng nữa, nhưng là một sứ điệp, anh trở thành kẻ cộng tác với con người lưu giữ những tư tưởng cao siêu của con người, và vì thế anh sẽ được con người nâng niu bảo vệ”.
Tờ giấy chưa kịp trả lời cây viết thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay thu gom tất cả những tờ giấy vàng đục, bụi bặm mà quăng vào lửa.
Bấy giờ tờ giấy trắng đầy chữ viết mới hiểu được hành động của cây viết và lấy làm sung sương vì được trở thành kẻ cộng tác và lưu giữ kho tàng trí khôn của con người”.
Khi thưa “xin vâng”, “này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin thực hiện cho tôi như lời thiên sứ truyền”, Đức Maria đã từ bỏ quyền làm chủ đời mình và đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa như tờ giấy trước cây viết.
Thật đúng như Hiến Chế Lumen Gentium số 56 nói về Đức Mẹ: “Các thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng Thiên Chúa đã không sử dụng Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của ngài.
Thực vậy, thánh Irênê nói: “Nhờ vâng phục, Mẹ đã trở thành nguyên nhân cứu độ cho bản thân mẹ và cho toàn thể nhân loại”.
Và cùng với thánh Irênê còn có rất nhiều thánh Giáo Phụ khác cũng không ngần ngại dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được tháo gỡ nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng, thì trinh nữ Maria đã tháo cởi nhờ lòng tin”.
Và so sánh với Evà, các Giáo Phụ gọi Đức Maria là “Mẹ kẻ sống” và quả quyết rằng: “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống”.
Cũng như Đức Maria, cuộc đời mỗi người chúng ta có thể được so sánh như tờ giấy trắng kia, nếu không chấp nhận để cho bàn tay Thiên Chúa viết vào đó những dòng chữ, những chương trình hành động, thì sẽ không được hạnh phúc trở thành người cộng tác với Thiên Chúa, không được trở thành người lưu truyền sự khôn ngoan của Thiên Chúa, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tờ giấy không hiểu được những hành động của cây viết vẽ những dấu lạ trên mình nó, con người chắc chắn cũng không thể nào hiểu được tất cả những ý định của Thiên Chúa trên đời mình. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi đặt lời «xin vâng» của chúng ta, trong lời «Xin Vâng» của Đức Mẹ.
Cũng giống như Đức Mẹ, tiếng “xin vâng” ban đầu của chúng ta cần phải làm mới lại suốt đời, nhất là ở ngã rẽ cuộc đời cũng như những lúc khó khăn thử thách lớn nhỏ trong cuộc hành trình ơn gọi làm Kitô hữu.
Xin Mẹ đồng hành và phù hộ chúng ta với tình thương hiền mẫu, để chúng ta cũng sống với lời «xin vâng» giống như Mẹ. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy