Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Chúa nhật 4 Mùa Chay, năm B của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Chúa nhật 4 Mùa Chay, năm B của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

CON RẮN ĐỒNG

 

 

Trên hành trình qua hoang địa, dân Israel lẩm bẩm than phiền và tiếc rẻ việc bỏ xứ Ai Cập ra đi. Để trừng phạt, Chúa cho tai họa rắn độc đến cắn chết họ. Dân chúng ăn năn và kêu xin Đức Chúa thương xót, nên Ngài dạy Môsê làm một con rắn bằng đồng, treo lên cao, hễ ai nhìn lên con rắn ấy thì được chữa lành và thoát chết.

Khi Môsê treo con rắn lên thì người Israel nhìn lên và tin vào Đấng đã truyền lệnh cho Môsê làm như thế.

Không phải con rắn đã ban sự sống, nhưng chính Chúa ban sự sống, Chính Chúa đã chữa lành cho họ. Chính Chúa đã ban sự sống cho họ.

Quyền phép chữa lành không ở trong con rắn. Con rắn chỉ là một dấu hiệu, một biểu tượng, chỉ cho người ta hướng tư tưởng về Chúa, và khi họ nghĩ đến Chúa thì được chữa lành.

Gioan dùng câu chuyện này như môt loại dụ ngôn về Chúa Giêsu. Ông muốn nói: “Con rắn bị treo lên, người ta nhìn nó, tư tưởng họ hướng về Chúa, do quyền phép của Chúa, Đấng họ tin cậy thì họ được lành bệnh.

Chúa Giêsu cũng phải bị treo lên như thế, để khi loài người hướng tư tưởng về Ngài, tin vào Ngài, thì được sự sống đời đời”.

Một điểm gợi ý rất lạ ở đây. Động từ treo lên là hupsoun. Từ này được dùng cho Chúa Giêsu theo hai nghĩa. Nó được dùng cho việc Chúa bị treo trên thập giá; và nó cũng được dùng cho việc Chúa được cất lên để vào vinh hiển lúc Ngài về trời.

Nó được dùng chỉ thập giá trong tin mừng Gioan:“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32) và được dùng chỉ Chúa Giêsu lên trời vinh quang: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên mọ danh hiệu” (Pl 2,9) “Và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, và đặt Người làm Thủ Lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israen ơn sám hối và ơn tha tội” Cv 5,31:Có hai lần Ngài được đưa lên cao. Cả hai đều liên hệ với nhau bất khả phân ly. Điều này không thể xảy ra mà không có điều kia.

Với Chúa Giêsu, thập giá là con đường tiến đến vinh quang. Nếu Ngài khước từ thập giá, tránh né, tìm cách để thoát khỏi đó là việc Ngài có thể làm thật dễ dàng nếu muốn – thì Ngài đã không thể bước vào cõi vinh quang.

Với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể chọn con đường dễ đi, có thể khước từ thập giá mà mỗi Kitô hữu được gọi phải vác, nếu thế, chúng ta sẽ mất phần vinh hiển.

Đó là một trong những định luật bất biến của đời sống: Không có thập giá thì không có triều thiên.[1]

Không có đau khổ thì không có vinh quang.

Không có vất vả thì không có hạnh phúc.

Thật vậy, trên đời, có hạnh phúc nào mà không được xây dựng trên đau khổ, hoặc của chính mình, hoặc của người khác?

Đúng thế, hạnh phúc và sự no ấm của con cái chính là thành quả của những vất vả, cực nhọc của cha mẹ.

Sự yên vui của người dân là do sự hy sinh xương máu của những chiến sĩ xả thân bảo vệ quê hương.

Vinh quang của một học sinh thi đậu xây dựng trên những ngày vất vả cắp sách đến trường, những đêm thức khuya cặm cụi với bài vở. Ngược lại, có biết bao đau khổ phát sinh vì những hạnh phúc mà chính mình hay người khác đã hưởng quá sớm, hoặc đã hưởng một cách trái đạo. Thật vậy, gia đình túng thiếu, vợ con cảm thấy cay đắng là vì người chồng đàng điếm, rượu chè. Biết bao thanh thiếu niên làm hỏng cả một cuộc đời chỉ vì sa đà vào nghiện hút, vì biếng học ham vui.Cho nên, trong cuộc sống, ai muốn được hạnh phúc thì phải chấp nhận đau khổ.

Để chấp nhận đau khổ hãy nhìn lên Thập Giá. Thập Giá không chỉ đem lại hạnh phúc ở đời này nhưng cả đời sau nữa như trong bài tin mừng hôm nay:

“Như Moise đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở người, sẽ không bị hủy diệt, nhưng được sống đời đời”

Truyện: Tượng Thánh giá ban phép lành.
Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng Thánh giá rất đặc biệt : Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành. Chuyện kể rằng : một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều.

Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi toà giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã.

Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe:”Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”.

Hối nhân ra khỏi toà giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ.
Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: ”Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha”.

Thật lạ lùng, ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây Thánh Giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân.

Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình:”Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào Thánh Giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi:

”Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.
Thiên Chúa đã không dạy bài học tha thứ suông, nhưng đã dạy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Con yêu dấu Ngài là Đức Giêsu. Nếu ngày xưa, con rắn đồng trong sa mạc được giương lên, thì hôm nay chính Chúa Giêsu được giương lên.

Mãi mãi chúng ta biết ơn Chúa Giêsu và khắc sâu lời Ngài:

”Như Maisen đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ giương cao như vậy”.[2] Amen.

 Lm.Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] William Barclay, CN 4B MC

[2] Lm. Carôlô Hồ Bạc xái, CN 4B MC

 

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN