NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO
Hôm nay, ngày Thế Giới Truyền Giáo. Trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha khẳng định rằng những người trẻ có khả năng làm chứng tá can đảm, có những công trình quảng đại và nhiều khi phải đi ngược dòng. Ngài mời gọi họ đừng để bị tước đoạt mất giấc mơ truyền giáo đích thực, theo Chúa Giêsu, và chấp nhận hiến thân trọn vẹn, vì việc loan báo Tin Mừng, trước khi là điều cần thiết cho những người chưa biết Chúa, thì đã là một nhu cầu đối với những ai yêu mến Chúa.
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi những người thánh hiến, các tu sĩ nam nữ, khi phục vụ sứ mạng truyền giáo, hãy thăng tiến sự hiện diện của các tín hữu giáo dân, can đảm cởi mở đối với những người sẵn sàng cộng tác vào kinh nghiệm truyền giáo, kể cả trong trường hợp ngắn hạn, vì ơn gọi truyền giáo là điều nội tại ở trong bí tích rửa tội và liên hệ tới tất cả mọi người.
Đức Thánh Cha còn khẳng định rằng ”Ai theo Chúa Kitô thì không thể không trở thành người thừa sai. Vì thế, những người thánh hiến được mời gọi lắng nghe Chúa Thánh Thần, và đi tới những biên cương rộng lớn, những ”khu vực ngoại biên” của các miền truyền giáo, nơi mà Tin Mừng chưa được truyền tới cho dân ngoại.[1]
Trong sứ điệp Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha còn lưu ý chúng ta về đối tượng ưu tiên cho việc truyền giáo là những người nghèo khổ:
“Người đầu tiên mà sứ điệp Tin Mừng phải được rao giảng là ai?”.
Câu trả lời được tìm thấy rất nhiều trong Phúc Âm là rõ ràng: “ Đó là những người nghèo, những người bé nhỏ và đau yếu, những người bị khinh rẻ hay quên lãng, những người không thể hồi đáp chúng ta”[2] và ngài còn nhấn mạnh:
“Có một ràng buộc không thể tách rời giữa đức tin của chúng ta và người nghèo khó. Xin cho chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi họ”.[3] Đây quả thực là một điều bức thiết cho công cuộc truyền giáo hôm nay.
Câu chuyện đối thoại giữa thánh Antôn và người thợ đóng giầy:
Ngày kia, từ trong sa mạc hoang vắng, thánh Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một ông thợ giầy, vì nghe đồn người này có một đời sống đạo đức rất đặc biệt.
Khi thánh nhân hỏi đâu là bí quyết nên thánh, người thợ giầy đáp:
– Tôi chỉ biết đóng giầy.
Thánh Antôn rất ngạc nhiên, ngài hỏi tiếp:
– Nếu chỉ có thế thì làm sao mà gọi là thánh thiện được? Tôi đây, tôi nghĩ đến Chúa từng giây từng phút, ông có bí quyết nào khác chăng?
Người thợ giầy gải thích:
-Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện 8 giờ và nghỉ ngơi 8 giờ.
Thánh Antôn cũng chưa cho đó là một cuộc sống trọn lành.
Ngài vẫn thắc mắc hỏi:
-Vậy ông sống đức khó nghèo như thế nào?
Người thợ giầy đáp:
-Tôi dâng cho Giáo Hội một phần ba của cải, một phần ba tôi tặng người nghèo, một phần ba giữ lại cho tôi.
Thánh Antôn vẫn chưa chịu cho đó là bí quyết trọn hảo nhất, vì chính ngài đã dâng hết của cải cho Giáo Hội và người nghèo.
Vị thánh nhân vẫn hỏi mãi, nên cuối cùng người thợ giầy mới nói bí quyết của ông như sau:
– Mặc dù tôi phân phát một phần ba tiền lương của tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày tôi không sao yên được khi tôi nhìn thấy cảnh nghèo chung quanh tôi, đến độ tôi đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, thà con phải vào hỏa ngục còn hơn là nhìn thấy những người khốn khổ này phải triền miên trong cảnh nghèo đói”.
Nghe đến đây, thánh Antôn bỏ ra về, ngài chợt hiểu rằng ngài chưa được thánh thiện như người thợ giầy này đã dám hy sinh tất cả chỉ vì yêu thương người nghèo.[4]
Ngoài việc nhấn mạnh đến đối tượng ưu tiên là những người nghèo khổ, Đức Thánh Cha còn nói đến nhiệm vụ của giáo dân trong công cuộc truyền giáo là làm chứng nhân: “Hàng giáo dân nên hợp tác trong công việc truyền giáo của Giáo Hội; như những chứng nhân và đồng thời như những khí cụ sống động, họ thông phần trong sứ vụ cứu độ của Giáo Hội” [5]
Chứng nhân như những bà mẹ phi thường trong cuộc sống đời thường hôm nay:
Leonardo Boff, một nhà thần học nổi danh người Brazil thuật lại:
Ngày kia một người đàn bà mà tôi quen biết vài năm nay, gọi tôi ra một nơi và nói nhỏ: “Thưa cha, con muốn tiết lộ cho cha một bí mật, xin cha đến nhà con”. Đến nhà bà ta, vào phòng ngủ của đứa con trai bà. Đó chính là một quái thai, đầu đứa nhỏ to như đầu một người lớn, nhưng thân mình của nó bé tí xíu, đôi mắt nhìn chăm chăm lên trần nhà, lưỡi nó thò ra thụt vào như lưỡi rắn. Tôi rùng mình thốt lên “Chúa ơi” nhưng bà ta nói: “Thưa cha, từ tám năm nay con chăm sóc đứa con này của con, nó chỉ biết có một mình con mà thôi, và con rất hài lòng về nó, hầu như không có ai biết đến sự hiện diện của nó trên cõi đời này”. Rồi bà ta lớn tiếng nói: “Thiên Chúa là Đấng nhân lành, Ngài là Cha”. Bà ta nhìn lên trời nói tiếp với giọng bình thản “Xin vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời”.
Leonardo Boff cho biết: “Tôi rời nhà bà ta không nói được lời nào, đầu tôi cúi xuống kinh hoàng vì đứạ trẻ quái thai, đồng thời ngỡ ngàng vì thái độ bình thản của bà mẹ. Rồi bất chợt một câu Kinh Thánh xuất hiện trong đầu tôi, lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà bị bệnh hoại huyết: “Hỡi bà, đức tin của bà thật mạnh mẽ”.
Ngày 24/4/1994 Đức Thánh Cha đã tôn phong chân phước cho hai bà mẹ gia đình: Bà Gioana Beritta,người đã chấp nhận cái chết khi sinh con để con được sống. Và bà Elizabet Catanory, người đã bị chồng ruồng bỏ để đi theo tình nhân và tệ hơn nữa là hại đứa con gái đầu lòng đã chết khi vừa mới chào đời, tuy nhiên bà vẫn trung thành với sứ mạng làm vợ, làm mẹ, bà đã biết chấp nhận những hy sinh để xin ơn thánh hóa bản thân cũng như tha nhân, theo tinh thần của Dòng Chúa Ba Ngôi mà bà gia nhập như hội viên Dòng Ba.
Trong bài giảng thánh lễ phong chân phước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Việc làm mẹ có thể trở thành nguồn vui nhưng thường cũng là nguồn đau khổ. Trong trường hợp đó, tình yêu trở nên thật cần thiết ở một mức độ anh hùng trong con tim của bà mẹ. Ngày hôm nay chúng tôi muốn tôn kính không những hai bà mẹ phi thường này mà cả bao nhiêu bà mẹ khác nữa, không quản ngại hy sinh để giáo dục con cái của mình.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban thêm sức mạnh cho bao nhiêu gia đình đang đau khổ vì có những người con tật nguyền, bất hạnh. Xin Chúa trở thành nguồn mạch mang lại ơn thánh hóa cho họ và cho tha nhân. Xin cho họ biết vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời. Như bà mẹ Brazil can đảm trên đây, hoặc như nữ chân phước Elizabet Catanory. Xin Chúa cũng dạy chúng ta biết quảng đại nâng đỡ và cảm thông với những gia đình đang gặp khó khăn, bất hạnh, những bà mẹ sầu khổ vì con cái mình”.[6]
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] G. Trần đức Anh op, CN Truyền Giáo năm B
[2] Lc 14, 13-14
[3] Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng 48
[4] Truyện vui suy niệm, trg.141-142
[5] Sắc Lệnh Đến với Muôn Dân, 41
[6] Truyện vui suy niệm, trg.138-140