Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Chúa nhật 28 Thường niên, năm B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Chúa nhật 28 Thường niên, năm B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

Người thanh niên giầu có

 

Câu chuyện con ngỗng đẻ trứng vàng kể rằng: Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Có người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông và nói :”Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất. 

Ông già đưa con ngỗng về nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhìn vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền khá lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông lại được thêm một quả trứng ngỗng bằng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái.  

Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết, nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại và nói :”Trước đây đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao ? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả”. Quả lòng tham vô đáy là như vậy.

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi người thanh niên hỏi Chúa: Phải làm gì để được sống đời đời. Chúa đã kể ra những việc phải làm: đừng giết người, đừng ngoại tình, đừng trộm cướp, đừng làm chứng gian, đừng lừa dối ai, hãy thảo kính cha mẹ.

Nhưng những việc luật đòi giữ đây mới là phần tiêu cực. Chúa đòi ta chia sẻ với anh chị em những gì mà ta quý trọng nhất, những gì tha thiết nhất với chúng ta. Chúa bảo ta yêu thương nhau như Chúa đã yêu, và chúng ta biết Chúa yêu thương cho tới cùng, cho tới hiến cả mạng sống mình. Chúng ta phải sẵn sàng chia sẻ những gì thiết thực nhất, trong đó có tiền của và có thể coi tiền của là một thước đo mức độ bác ái của ta với anh em.[1]

Qua sự thoái thác rút lui của ‘người thanh niên giàu có’, Chúa không lên án của cải vật chất nhưng Chúa cảnh giác về của cải vật chất dễ khiến cho con người thành nô lệ tiền bạc và tiền của không phải bao giờ cũng có sức vạn năng như có người nói rằng:

– Tiền bạc có thể mua được mỹ phẩm, nhưng không mua được sự quý phái.

– Tiền bạc có thể mua được quần áo đẹp, nhưng không mua được sự sang trọng.

– Tiền bạc có thể mua được món ngon vật lạ, nhưng không mua được sức khoẻ.

– Tiền bạc có thể mua được một chiếc giường rộng rãi êm ái,

   nhưng không mua được một giấc ngủ ngon.

– Tiền bạc có thể mua được nhà cao cửa rộng,

   nhưng không mua được đạo đức cao thượng.

– Tiền bạc có thể mua được sách báo tạp chí,

   nhưng không mua được tri thức và minh mẫn.

– Tiền bạc có thể mua được vật dụng trong nhà,

   nhưng không mua được sự đủ đầy ấm cúng.

– Tiền bạc có thể mua được thịt rượu bè bạn,

   nhưng không mua được sự hoạn nạn chi giao.

– Tiền bạc có thể mua được rất nhiều phiếu bầu,

   nhưng không mua được lòng người chân chính.

– Tiền bạc có thể khiến người ta tung hô vạn tuế,

   nhưng không khiến cho người ta tùng phục tôn kính.

– Tiền bạc có thể mua được quan cao chức cả,

   nhưng không mua được sự thành thánh thành hiền.[2]

 

Còn có người nói rằng kể từ khi lọt lòng, lúc còn nằm ngửa, đứa bé đã cố đưa chân lên miệng cắn, thì cuộc sống con người đã là những chuỗi ngày chiến đấu cực nhọc rồi. Những người đang phải ngày đêm làm việc vất vả để kiếm ăn có thể cảm thông với điều này. Nhưng tôi cũng biết rằng việc theo đuổi tiền bạc, xem nó như mục đích cuối cùng, là một việc hoàn toàn vô nghĩa.

Nhà văn Rudyard Kipling đã rất đúng khi khuyên các sinh viên ở đại học McGill rằng khi ra đời, đừng nên phí thời giờ chiến đấu để kiếm tiền vì rằng một ngày nào đó có thể họ sẽ gặp được những con người giàu có thật sự – những người không bao giờ màng đến cuộc sống tiền tài vật chất hay truy đuổi theo những phù hoa, giả tạo của lợi lộc, công danh – đến lúc đó họ mới biết rằng mình “nghèo” đến mức nào.

Hạnh phúc chính là sự giàu có trong tâm hồn, là niềm vui của sự ban cho và trao tặng, những thứ không thể đo đếm được bằng tài khoản ngân hàng hay của cải vật chất. Người hạnh phúc và giàu có thật sự luôn biết làm cho trái tim mình tràn đầy, và khi san sẻ tình yêu thương cho người khác họ lại càng làm cho nó trở nên lai láng, ấm nồng hơn, họ không bao giờ biết đến “sự nghèo nàn” dù sống một cuộc đời thanh đạm.

Sự giàu có của trái tim mới chính là nguồn tài sản quý giá mà mỗi chúng ta nên trang bị cho mình – và đó cũng là con đường dẫn ta đến an bình và hạnh phúc[3].

Đó cũng chính là điều Chúa Giêsu muốn nói với người thanh niên và cũng là điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta hôm nay. Amen

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy 


[1] Noel Quession, CN 28B TN

[2] Đại sư Tinh Vân, Mật mã sinh mệnh, trg.29

[3] Steve Goodier, Sự giàu có của tâm hồn, trg.3-4

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …