Home / Suy Niệm Lời Chúa / BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN, NĂM B CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN, NĂM B CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

 

GIOAN TẨY GIẢ GIỚI THIỆU CHÚA GIÊSU

 

Anh chị em thân mến.

 

Trong chương 1, câu 35-51, Gioan trình bày việc kêu gọi năm môn đệ:

Anrê, Phêrô, Philipphê, Nathanaen và một môn đệ không nói rõ tên. Ngoài ra, Gioan còn nêu Giuđa Iscariôt: thêm một Giuđa nữa và Tôma.

Dù rằng đôi khi Gioan có nói đến nhóm Mười Hai (6,67; 20,24), nhưng trong Tin Mừng không thấy có danh sách nhóm Mười Hai như trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm.

Việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên, nơi Gioan, rất khác với điều mà các Tin Mừng Nhất Lãm trình thuật cho chúng ta, theo đó Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đang quăng chài xuống biển thì Chúa Giêsu đến kêu gọi các ông.

Nơi Gioan, các người được kêu gọi đầu tiên trước hết là các môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Sau khi được nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu, các môn đệ còn được chính Chúa Giêsu trực tiếp mời gọi: “Hãy đến mà xem”.

Hãy đến mà xem. Câu chuyện xảy ra đơn giản thế này:

Hai môn đệ Gioan Tẩy Giả đến với Chúa và hỏi Chúa rằng: “Thầy ở đâu?”.

Đức Kitô trả lời: “Hãy đến mà xem”

Hai môn đệ  Gioan và Anrê đã “ở lại” với Chúa Giêsu.

Động từ “ở lại” được dùng ba lần ở đây.

Đối với Gioan, đó là một từ ngữ thần học đánh dấu đức tin dược thực hiện

và sự dứt khoát gắn bó với Chúa Giêsu (xem 6, 56; 8, 31; 10, 40; 15, 4).

Tiến trình hình thành đức tin là như thế đó: đến với Chúa Giêsu, xem chỗ Người ở và ở lại với Người[1]

Chúng ta trở lại câu chuyện của Tin Mừng.

Khi nghe Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa thì hai ông liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu không lý thuyết dài dòng mà rất cụ thể, rất thực tế: “Đến mà xem”

Và kết quả là: “Chúng tôi đã thấy Đấng Mêsia”.

Nếu đi sâu vào tường thuật của Gioan, chúng ta không khỏi thắc mắc, vì điều chúng ta chờ đợi nhất thì Gioan lại không nói ra:

Trong thời gian một ngày mà hai ông Anrê và Gioan ở lại chỗ Đức Giêsu đã xảy ra những chuyện gì?

Hai bên đã nói với nhau những gì?

Làm sao mà chỉ sau một ngày hai ông Anrê và Gioan tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia?

Tại sao Gioan không có một lời nào để tường thuật về điều quan trọng ấy?

 

Phải chăng Gioan muốn độc giả chúng ta biết rằng đó là một kinh nghiệm hết sức riêng tư và độc đáo của riêng ông, nên ông không thể nói, không thể chia sẻ với người khác, ngoài kết quả của kinh nghiệm gặp Chúa: “Chúng tôi đã thấy và đã tin!”

“Chúng tôi đã thấy và đã tin, vì chúng tôi đã ở lại với Người”.

Quả thật Tin Mừng đã ghi lại: Hai môn đệ ở lại với Chúa Giêsu từ khoảng bốn giờ chiều. Lại một buổi chiều!

Một chiều kích huyền nhiệm được gợi mở: mỗi tín hữu đều được mời gọi thực hiện một tiến trình

đến với Chúa Giêsu, xem chỗ Người ở và ở lại với Người”.

Vậy thì dụng ý của Gioan là nếu ai muốn có một kinh nghiệm gặp Chúa tương tự như ông, thì chỉ có một cách duy nhất là người đó hãy tìm đến với Đức Giêsu Kitô và ở lại bên Người. Không thể sao chép, không thể copy kinh nghiệm của người khác, vì mỗi người là một con người độc đáo, duy nhất trước mặt Chúa.

 

Chuyện kể rằng: Có hai người lái buôn thân thiết cùng quyết chí lên đường tìm cho kỳ được điều quý giá nhất trên đời.

Mỗi người đi một ngả và hẹn sẽ gặp lại nhau khi đã đạt được ước nguyện.

Người thứ nhất lặn lội đi tìm viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất. Ông băng rừng vượt biển, đi đến bất cứ nơi đâu nghe nói có bán đá quý. Cuối cùng, ông đã thỏa mãn vì tìm mua được một viên ngọc tuyệt hảo. Trở lại quê hương, ông có ý chờ đợi người bạn thân, vừa để khoe viên ngọc của mình, vừa tò mò muốn biết điều quý giá của bạn mình là gì.

Nhiều năm trôi qua mà người bạn vẫn bặt vô âm tín.

Ông ta đi khắp nơi để mong thụ giáo được các bậc hiền nhân xem muốn tìm gặp được Thiên Chúa thì phải làm gì. Ông cũng tìm đọc các sách đạo đức, nghiền ngẫm suy tư, nhưng rồi ra ông vẫn chưa gặp được Thiên Chúa…

Một ngày nọ, đang thơ thẩn đi dọc theo một con lạch, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi. Đàn vịt con cứ muốn tách ra đi riêng để mò sục tôm tép, vì thế, vịt mẹ cứ phải kiên nhẫn lặn lội tìm hết đứa con này đến đứa con kia, muốn chúng phải quay về đàn. Ngẫm nghĩ một lúc, người thương buôn chợt mỉm cười rạng rỡ và vội vã lên đường trở về quê hương.

Vừa gặp nhau, người bạn tìm được ngọc quý đã buột miệng hỏi: “Nào, anh hãy cho tôi xem món đồ quý giá nhất mà anh đã tìm được. Tôi nghĩ đó phải là một món tuyệt diệu, bởi vì trông anh thật hạnh phúc mãn nguyện!”

Người bạn trở về với hai bàn tay trắng nhưng tâm hồn thì tràn ngập hân hoan trả lời: “Tôi đã đi tìm Thiên Chúa,  và cuối cùng tôi mới hiểu ra rằng: chính Thiên Chúa, Người đã đi tìm gặp tôi !”

“Và tôi đã gặp được điều quí nhất trên đời”. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Alain Marchabour, CN 2B TN

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …