John Newton là con trai một đại uý hải quân người Anh.
Khi John lên 10 tuổi, mẹ cậu qua đời. Từ đó cậu bé thường theo bố đi biển.
Nhờ vậy mà cậu rành rẽ đường lối ngoài biển khơi.
Thế rồi năm 17 tuổi, cậu bé bất mãn với bố.
Cậu bỏ thuyền ra đi lao vào cuộc đời gió bụi.
Cuối cùng cậu nhận được việc làm trên chiếc tàu hàng buôn nô lệ từ Phi Châu đến Mỹ Châu.
Cậu thăng quan tiến chức rất lẹ và chẳng bao lâu đã trở thành thuyền trưởng. Chẳng bao giờ Newton bận tâm suy nghĩ đến việc buôn nô lệ là đúng hay sai. Cậu chỉ làm công việc của mình nhằm mục đích kiếm tiền.
Thế nhưng một biến cố quan trọng đã xẩy đến thay đổi cả cuộc đời cậu.
Một đêm kia một cơn bão dữ dội xuất hiện trên biển.
Sóng dâng cao như thác núi xô đẩy và quay vòng chiếc thuyền của Newton như món đồ chơi trẻ con.
Mọi người trên thuyền vô cùng kinh khiếp.
Lúc bấy giờ bỗng dưng Newton buột lời cầu nguyện.
Đây là điều cậu không hề làm kể từ khi rời khỏi thuyền của bố cậu, cậu kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, nếu Ngài thương, xin cứu vớt chúng con, con nguyện sẽ mãi mãi làm nô lệ cho Ngài”.
Chúa nhậm lời cầu xin của cậu và cứu vớt con thuyền.
Thế rồi sau khi vào được bờ, Newton đã giữ lời hứa và bỏ nghề buôn nô lệ.
Sau đó cậu đi tu, và một thời gian sau trở thành mục sư coi sóc một nhà thờ nhỏ ở Olney, nước Anh.
Ở đây vị mục sư trở nên một nhà giảng thuyết kiêm nhà soạn thánh ca lừng danh. Một trong những bản thánh ca cảm động nhất mà Newton đã sáng tác là bản nhạc ca ngợi Chúa về cuộc trở lại của cậu.[1]
Câu chuyện của John Newton làm cho bài Tin Mừng hôm nay thật sống động trong đời sống chúng ta:
“Câu chuyện Chúa dẹp yên sóng gió không chỉ đơn giản là một tường thuật về một phép lạ.
Câu chuyện đó được coi như một biểu tượng nói lên một cách cô đọng số phận nghiệt ngã của Đức Giêsu.
Nếu Người có đưa các môn đệ vào trận cuồng phong, thì cũng không phải do ngẫu nhiên!
Toàn bộ cuộc đời Người là một cuộc chiến cam go với những thế lực của sự ác. Người phải tiến lên đối đầu với một cuộc chạm trán khốc liệt nhất: đối đầu với chính cái chết của mình.
Việc Người ngủ – chẳng ai lại ngủ giữa lúc phong ba bão táp – lại là điều rất có ý nghĩa.
Đức Giêsu thiếp ngủ đi như chết giữa cảnh xôn xao náo động của hỏa ngục được gợi hình bằng những đợt sóng lồng lộng điên cuồng.
Trong một tình huống như vậy, mà Thầy vẫn ngủ, thì chuyện các môn đệ hoảng sợ cũng là điều dễ hiểu. Trước cảnh tượng của thập giá sau này, cũng như ở đây lúc này, các ông sẽ mất lòng tin là điều hiển nhiên”[2]
Đây cũng chính là cuộc sống của chúng ta hôm nay. Mọi người không ai tránh khỏi những sóng gió và bão tố to nhỏ do biển đời này gây ra! Đây không phải là sóng biển, nhưng là sóng gió cuộc đời như:
– Khi chúng ta lâm vào cảnh hoang mang, sợ hãi, lúng túng, lo lắng, bất an, phiền muộn, chán chường, thất vọng…
– Khi gia đình chúng ta chạm trán với những biến cố đau thương như tai nạn xe cộ, tai nạn nghề nghiệp, thất nghiệp, vợ chồng con cái bất hòa xung đột với nhau, đau ốm, tang chế…
– Khi trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta xảy ra những gương mù, gương xấu: đố kị, ghen tương, kèn cựa, tranh giành quyền lợi, chia bè, kéo phái, tố cáo nhau, mạt sát, thù ghét nhau …
– Khi trong cộng đoàn dòng tu chúng ta phải đương đầu với những khủng hoảng về mặt nhân sự, tài chánh, huấn luyện, đào tạo, kỳ thị, chia rẽ, phân biệt, thiên vị…
Thuyền trên biển gặp sóng gió, bão táp là chuyện rất bình thường.
Khi thuyền đời của chúng ta không thể tránh được sức va chạm và những ảnh hưởng của sóng gió, bão táp giông tố của cuộc đời này thì chúng ta phải làm gì để giữ cho thuyền khỏi bị lật úp?
Cách hay nhất là bắt chước các môn đệ, chạy đến với Chúa Giêsu để xin Ngài dẹp tan sóng gió và bão tố bảo vệ thuyền của chúng ta khỏi bị nhận chìm.
Chỉ khi nào tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô,
Đấng có quyền năng trên sóng gió mưa bão và mở miệng van xin Ngài ra tay cứu giúp thì lúc đó thuyền đời mới được bình an, bởi lẽ “Không có Thầy thì các con không thể làm gì được!” (Ga 15, 5).
Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta luôn sống an tâm.
– An tâm, bởi con thuyền cuộc đời chúng ta ra khơi, giữa phong ba bão táp,
giữa những thử thách gian truân vẫn luôn có Chúa là thuyền trưởng hướng dẫn thuyền vượt sóng.
– An tâm, bởi Chúa luôn xuất hiện đúng lúc đúng thời để ra tay nâng đỡ chúng ta trước những khó khăn.
– An tâm, bởi chúng ta biết chúng ta tin vào Đấng chiến thắng mọi thế lực ác thần và sự chết.
– An tâm, bởi từ nay, cuộc đời chúng ta đã trao vào tay Chúa, tín thác mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa.Amen.[3]
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy