Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài Giảng Chúa Nhật 1 Thường Niên, năm B (Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa) của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài Giảng Chúa Nhật 1 Thường Niên, năm B (Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa) của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

Khi bước xuống để Gioan làm phép rửa, Chúa Giêsu đã hòa mình vào dòng người tội lỗi, để cứu những người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình có quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên người anh em với họ. Rồi cũng từ nước đi lên, Người đã rửa chúng ta trong Thánh Thần, để chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội. Giờ đây chúng ta có dịp nhìn lại bí tích Rửa Tội chúng ta đã lãnh nhận.

Chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi nhìn vào thế giới Tây phương vốn được mệnh danh là Kitô giáo, hiện nay đã trở thành một vùng truyền giáo mới. Thật thế, trong những nước có con số người theo Kitô giáo, phép rửa thường chỉ còn là một nghi thức xã hội không hơn không kém. Người ta chỉ có lý khi nói rằng, suốt một đời nhiều người Tây Phương chỉ đến nhà thờ có ba lần, lần đầu khi chịu phép rửa để gia nhập vào một xã hội vốn được mệnh danh là Kitô giáo. Lần thứ hai để cử hành hôn phối cho long trọng. Lần thứ ba cũng là để cử hành tang lễ cho long trọng[1].                                              

Đức Hồng Y LJ Suenens, trong cuốn sách “Thánh Thần, hơi thở sống động của Giáo Hội” cho biết: Một cuộc thăm dò những người công giáo Pháp cho thấy một sự kiện báo động:

–          95% muốn có nhà thờ, nhưng phần lớn lại chẳng hề bước chân tới.

–          88% đòi cho con họ chịu phép rửa, nhưng hơn một nửa không biết Đức Giêsu.

–          2/3 không tin Đức Giêsu đã phục sinh.

Những sự kiện này cho thấy cách sống sượng một tình trạng có thật.

Vị Giám Mục Pháp cho ngài biết những dữ kiện trên, đã tiếp tục phân tích:

“Một ngày nào đó chúng ta sẽ quyết định rút ra những hệ quả hợp lý từ những nghiên cứu này; nếu không thì chúng ta sẽ lại tiếp tục ban bí tích cho những kẻ không có đức tin, và tiếp tục cử hành thánh lễ hôn phối hay an táng cho những người đến tham dự mà trong lòng bực bội hay chế diễu”.

 “Sancta Sanctis” (điều thánh thiện phải dành cho những người thánh).

Các sự việc của Thiên Chúa phải dành cho những ai có đức tin. Bí tích phải dành cho kẻ nào tin và thực sự lên đường.

(Hồng Y LJ Suenens, Thánh Thần, hơi thở sống động của Giáo Hội, p.145-146)

Hôm nay kỷ niệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo Hội muốn mời gọi các Kitô hữu hãy đào sâu và ý thức về những cam kết khi chịu phép Rửa Tội. Trái với lối sống đạo cả đời đến nhà thờ chỉ có ba lần của người Tây phương, các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta lại tập trung đời sống đạo vào nhà thờ.                          

Trái với những nhà thờ hầu như trống rỗng tại Tây phương, các nhà thờ Việt Nam chúng ta hầu như lúc nào cũng đông nghẹt người. Tuy nhiên, biết đâu những đêm chật ních trong các nhà thờ ấy lại không là những con người có lối sống hoàn toàn xa lạ, hay ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội và Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Biết đâu đám đông sốt sắng cầu kinh ra rả trong nhà thờ ấy lại chẳng là những con người không hề biết đến thế nào là công bình, là bác ái, là tình liên đới, là quảng đại, cảm thông và tha thứ.                   

Nói tắt một lời, nếu chúng ta chưa sống cho ra người kitô hữu thì sự hiện diện đông đảo trong nhà thờ, những lời cầu kinh ra rả, hay những cuộc biểu dương long trọng chưa hẳn đã là thể hiện đích thực của lòng tin.

Nơi nhiều người, đức tin đã bị sói mòn tận căn. Họ cần phải tái khám phá lại ngay nơi trọng tâm của sứ điệp Kitô giáo.

Chúng ta đã quá chú trọng việc “cử hành bí tích”, mà không chú trọng đủ vấn đề “sống và loan truyền Tin Mừng”. Sự thiếu sót này bùng nổ ở tầm mức lục địa, khắp nơi ai cũng thấy người Kitô hữu không sống phù hợp với đức tin của họ.

Trước tình trạng khẩn cấp này, những tranh cãi nội bộ của chúng ta, dù thiên hữu hay thiên tả, không mang lại một cái gì sáng sủa hơn. Chúng ta cần phải tìm lại những đặc tính của người Kitô hữu. Sứ mạng của chúng ta không phải là phê phán cá nhân ai, mà là can trường bảo toàn lý tưởng Kitô giáo. Chúng ta phải trình bày Tin Mừng đúng với bản chất của Tin Mừng, là cho thế gian biết Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, cùng những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi những kẻ tự nhận mang danh Ngài trước mặt thiên hạ.

Chúng ta phải mời gọi các Kitô hữu ngày nay càng ý thức sống động hơn về đức tin của họ, gắn bó với Thiên Chúa ngày càng khắn khít hơn. Phải giúp một số Kitô hữu chuyển từ thứ Kitô giáo ít nhiều mang tính xã hội sang thứ Kitô giáo trọn nghĩa. Thứ Kitô giáo được cha mẹ truyền lại chủ yếu do sinh sản và giáo dục cũng phải trở thành thứ Kitô giáo chính mình lựa chọn, dựa trên quyết định của bản thân và việc nhận thức rõ ràng lý do chọn lựa như thế. Tertulianô đã nói lên điều ấy: “Fiunt, non nascuntur christiani”, nghĩa là không phải mình sinh ra là Kitô hữu, mà mình trở thành Kitô hữu.[2]

 

Sau khi lãnh bí tích Rửa Tội, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa. Ơn gọi là người Kitô hữu tạo ra viễn tượng về một cuộc sống cao cả hơn và trong sạch hơn trước mặt chúng ta. Đồng thời, ơn gọi này còn thông truyền cho chúng ta sự hy sinh và phục vụ người khác. Ơn gọi này mở rộng những khả năng yêu thương và can đảm của con người. Đó không phải là công việc chỉ dành cho cá nhân người Kitô hữu, mà còn dành cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu nữa. Khi lãnh nhận phép Rửa tội, chúng ta được đón nhận vào một cộng đoàn những kẻ tin.

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhở chúng ta về ngày chúng ta được lãnh nhận phép Rửa tội. Ngày mà chúng ta được trở thành con cái của Thiên Chúa. Chúng ta phải cam kết sống trọn vẹn với ơn gọi của phép Rửa Tội. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Veritas

[2] Hồng Y LJ Suenens, Thánh Thần, hơi thở sống động của Giáo Hội, trg.147-149

Xem thêm

CHIỀU KÍCH HOÀN VŨ CỦA ƠN CỨU ĐỘ 

CHIỀU KÍCH HOÀN VŨ CỦA ƠN CỨU ĐỘ 

  Trước đó, ông Phê-rô cũng như các tông đồ khác đều hiểu ơn Cứu …