Home / Chia Sẻ / BÀI CHIA SẺ CỦA ĐC ANPHONGSÔ NGUYỄN HỮU LONG TRONG ĐẠI LỄ KÍNH LCTX 2015 TẠI TGP SÀI GÒN

BÀI CHIA SẺ CỦA ĐC ANPHONGSÔ NGUYỄN HỮU LONG TRONG ĐẠI LỄ KÍNH LCTX 2015 TẠI TGP SÀI GÒN

 

 

Năm nay, đối với Giáo hội nói chung, và với Phong trào LCTX nói riêng, có nhiều kỷ niệm:

– 15 năm phong thánh nữ tu Faustina và thiết lập lễ Kính LCTX (năm 2000).

– 10 năm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị Tông đồ Lòng Chúa Thương Xót, về nhà Cha (2/4/2005).

– 1 năm lễ phong thánh cho ĐTC Gioan-Phaolô II (27/4/2014). (Ngài được phong chân phước ngày 1/5/2011). Các biến cố này đều xảy ra vào Chúa Nhật kính LCTX.

– Tin trọng đại: ĐTC Phanxicô sẽ mở Năm Thánh LCTX bắt đầu từ ngày 8/12/2015 đến 20/11/2016.

Phong Trào LCTX có lẽ là phong trào được ái mộ nhất, phổ biến nhanh nhất và lan khắp thế giới. Tại Việt Nam, phong trào này càng ngày càng phát triển. Ngay tại giáo phận Hưng Hóa, ở đâu tôi cũng thấy người ta tôn kính LCTX, nhiều nhà thờ dựng tượng, lập bàn thờ, các người H’Mông ở những chỗ xa tít tắp như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái cũng trưng ảnh LCTX trong nhà. Giáo xứ Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình mới hoàn thành và cung hiến một ngôi thánh đường rất đẹp, đẹp nhất giáo phận, dâng hiến LCTX, để ghi ơn Chúa đã tỏ lòng thương xót đoàn con cái Ngài bao năm bơ vơ như chiên không người chăn, để từ con số không, bây giờ được mọi sự: được lập xứ, xây nhà thờ, có cộng đoàn, có linh mục, nữ tu phục vụ!

Hôm nay, được hân hạnh lên tiếng trong cuộc họp mặt gia đình phong trào LCTX của TGP Sài Gòn, tôi xin chia sẻ với cộng đoàn 3 suy nghĩ.

1. Lòng Thương Xót của Chúa thì bao la, vô biên, trường cửu, bất biến… như Thánh Vịnh 136: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Thươngxót là hai khía cạnh của tình yêu Chúa. Khi con người ở trong tình nghĩa với Chúa thì Ngài Thương; còn khi họ lầm lạc, xa cách, chối từ, phản nghịch thì Ngài xót (như mục tử xót con chiên lạc, bỏ 99 con chiên ngoan để đi tìm nó). Thánh Phaolô nói: “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể chối bỏ chính mình” (2Tm 2, 13). Isaia 49, 15: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”, nghĩa là Chúa không bao giờ hết thương xót con người. Chỉ có con người hay thay đổi, không trung tín với Chúa mà thôi. Trong sứ điệp mùa Chay năm nay, ĐTC Phanxicô cảnh báo về sự dửng dưng, hờ hững của con người đối với Chúa. Khi tôi đi làm mục vụ đây đó trong giáo phận Hưng Hóa, có những vùng xa thăm thẳm, từ Tòa giám mục đến đó 700 cây số, sát với biên giới Lào và Trung Quốc. Có những địa danh mà tôi tin ít người biết đến như Tủa Chùa, Nậm Pồ, Na Cô Sa, Huổi Thủng, Lao Chải, Hầu Thào, Mường Nhé, Mường Tè… Tôi đến tận A-pa-Chải, nơi mà “một con gà gáy, cả ba nước cùng nghe”, vì ở ngã ba biên giới. Tôi gặp những giáo dân người Kinh có, người H’Mông có, mà từ thập niên 1960, tức 50 năm qua, không có nhà thờ, bí tích, cộng đoàn… Có những người sau bấy nhiêu năm vẫn giữ được đức tin. Đối với những người này, tôi thấy thương họ quá, họ như “chiên bơ vơ không người dẫn dắt”. Lại có những người hờ hững, nguội lạnh, bỏ đạo, mất đức tin, thờ ơ với Chúa, tôi cũng thấy thương họ, không trách họ, vì hoàn cảnh đưa đẩy họ tới chỗ đó. Họ như những cục than bị gắp bỏ mỗi nơi mỗi cục thì làm sao cháy đỏ được. Tôi nghĩ mình còn thấy thương họ, huống gì Chúa còn thương họ tới mức nào! Kết luận điểm thứ nhất: Chúa luôn luôn thương xót chúng ta, bất kể chúng ta là người thế nào, có tình với Chúa hay bạc tình với Chúa. Vậy chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào Lòng Thương Xót của Chúa.

2. Chưa hết, trong sứ điệp mùa Chay 2015, ĐTC Phanxicô bảo chúng ta hãy để Chúa thương. Có những lúc chúng ta không chịu để Chúa thương, giống như đứa trẻ nít, cha mẹ muốn ôm chúng vào lòng để thương yêu, cưng chiều, vỗ về,… thế nhưng chúng ngúng nguẩy, không chịu, cứ muốn thoát ra ngoài vòng tay cha mẹ. Làm như thế thì chính ta bị thiệt. Thực ra, dù ta có muốn thoát ra khỏi tình thương của Chúa cũng không được, vì chúng ta như con cá, ở trong đại dương tình yêu của Chúa, có vùng vẫy thế nào đi nữa cũng không ra  khỏi tình thương của Ngài. Kết luận điểm thứ hai: Chúng ta hãy để Chúa thương xót, ở lại trong lòng thương xót của Ngài, như Ngài nói trong Ga 15, 10: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”.

3. Cuối cùng, cộng tác với Chúa để làm cho anh chị em của chúng ta cũng được biết Chúa là tình yêu, và ở lại trong tình yêu ấy. Đừng dửng dưng, hờ hững với những anh chị em chưa biết đến tình thương của Chúa. Làm vậy là chúng ta thực hiện sứ mệnh truyền giáo, loan báo Tin mừng tình thương, xây đắp nền văn minh tình thương. Mọi việc chúng ta làm, dù nhỏ bé, nhưng nếu làm do động cơ yêu thương thúc đẩy, làm vì yêu thương, thì có giá trị lớn lắm. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói rằng nếu ta cúi xuống nhặt một cọng rác vì yêu Chúa thì cũng có công nghiệp, cũng góp phần vào công cuộc truyền giáo. Yêu thương bằng hành động bác ái, chứ không bằng lời nói suông hay chỉ bằng việc đọc kinh LCTX hàng ngày (vào lúc 3 giờ chiều là điều vốn khó). Thánh Gioan bảo: “Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 18).

Xin mừng lễ với anh chị em thuộc đại gia đình phong trào Sùng kính LCTX, TGP Saigon.

Chúc anh chị em hân hoan mừng lễ và được tràn đầy Lòng thương xót của Chúa. Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.

Anphong Nguyễn Hữu Long,

Giám mục Phụ Tá Hưng Hóa

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …