Home / Lá Thư Linh Hướng / Bài Chia sẻ của Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long trong Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót 2018

Bài Chia sẻ của Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long trong Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót 2018

(TTMV Saigon, ngày 8.4.2018)

Kính thưa cộng đoàn,

Có thể nói không nơi nào – kể cả ở Ba Lan, quê hương của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và thánh nữ Faustina, hai tông đồ của LCTX -, mà lòng sùng kính này được đẩy lên cao trào như ở Việt Nam. Đi đâu, ở đâu, tôi cũng thấy giáo dân Việt Nam rất nhiệt thành tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót. Nhiều người không lần chuỗi Mân Côi nữa, kể cả trong năm ngoái là năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nhưng không bỏ sót một ngày nào mà không lần chuỗi Lòng Thương Xót. Nhiều nhà thờ, nhà nguyện được dâng kính LCTX. Tại giáo phận Hưng Hóa cũng có một Đền Thánh LCTX ở tỉnh Hòa Bình, mỗi năm đón tiếp hàng vạn người đến hành hương. Nghe nói tại giáo điểm Tin Mừng (Nhà Bè) nơi cha Trần Đình Long giảng thuyết về LCTX, mỗi ngày chứ không phải mỗi tuần, có hàng trăm, hàng ngàn người từ khắp nơi kéo về để cầu nguyện.

Hôm nay, được mời đến chia sẻ với cộng đoàn LCTX tổng giáo phận Saigon, tôi lấy làm vinh hạnh, vì đây là lần thứ hai tôi được đến hợp lời cầu nguyện, dâng lễ, và còn được nói chuyện với cộng đoàn.

Giờ đây, tôi xin chia sẻ với cộng đoàn về Lòng Chúa Thương XótLòng Thương Xót Chúa. Thoạt nghe thì nghĩ rằng giống nhau, nhưng thật ra khác nhau. Ta cần phân biệt để làm cho việc đạo đức này đúng ý nghĩa và mang lại hiệu quả tốt đẹp.

I. LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Trong cụm từ này, Chúa là chủ của lòng thương xót. Nói “Lòng Chúa thương xót” hay “Lòng thương xót của Chúa” đều đúng. Tự bản chất, Chúa là Đấng giàu lòng thương xót (Dives in misericordia), như thánh vịnh 102: “Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và rất mực khoan dung”. Lòng thương xót của Chúa là một chủ đề lớn của Thánh Kinh. Tôi xin trích dẫn vài sự kiện:

Trong Cựu Ước:

–  Ngay sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội không vâng lời, thì dù kết án, Chúa vẫn tỏ lòng thương xót khoan dung, Ngài hứa sẽ cứu chuộc ông bà và con cháu.

– Dân Do Thái khi rong ruổi trong sa mạc đã kêu trách Môsê, xúc phạm Chúa. Chúa cho rắn độc cắn chết nhiều người. Nhưng khi dân hối lỗi thì Chúa bảo Môsê đúc con rắn đồng treo lên, ai bị cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì thoát chết.

– Đavít phạm tội gian dâm với vợ của Uria rồi lập kế giết ông này, cả hai tội đều nặng nề, nhưng khi Đavít hối hận thì Chúa tha ngay cho ông.

Trong Tân Ước:

– Người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị các Biệt Phái và Luật sĩ bắt ra làm bung xung hầu tìm cớ kết án Chúa, nhưng Chúa bênh vực chị, đảo ngược tình thế, khiến chẳng ai dám ném đá chị. Và Chúa bảo chị ta: “Tôi cũng thế, tôi không kết án chị. Chị hãy về và đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 10).

– Dụ ngôn “Đứa con hoang đàng”, hay còn gọi là dụ ngôn “Người cha nhân hậu” tiêu biểu cho lòng thương xót của Chúa. Khi đứa con hoang hối hận trở về, hắn chỉ mới thú tội rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha, không còn đáng được gọi là con của cha nữa”, thì người cha đã tha thứ lỗi lầm, ôm hắn vào lòng, trả lại địa vị làm con, đối xử còn nồng nàn hơn là với đứa con cả vẫn trung thành với ông (cf. Lc 8).

– Chúa để lại nhiều câu nói rất hay về lòng tha thứ, vốn là khía cạnh rõ nét nhất của lòng thương xót: “Hãy tha thứ thì sẽ được thứ tha” (Mt 6, 37); “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có lỗi với chúng con” (Mt 11, 4 – Kinh Lạy Cha); “Thầy không nói là phải tha thứ bảy lần mà bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 21). “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì sẽ được Chúa xót thương” (Mt 5, 7 – Tám Mối Phúc Thật).

– Ông Phêrô chối thầy ba lần, tội nặng quá cỡ. Nhưng Chúa không kết tội ông, nhìn ông bằng ánh mắt tha thứ. Cái nhìn đó xoáy vào tâm hồn ông, khiến ông khóc thảm thiết vì hối hận (Ga 18, 15-27).

– Lúc sắp chết, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 24).

Ôi lòng tha thứ của Chúa lớn lao thế đấy! Không hận thù, không oán than, mà chỉ biết thương xót, tha thứ, khoan dung, nhân hậu.

Để được hưởng lòng thương xót của Chúa, ta phải làm gì?

  1. Hãy đến với Chúa. Ai cũng muốn được tha thứ những lỗi lầm của mình, nhất là được Chúa tha tội. Chúa luôn tha thứ, không mệt mỏi, không giới hạn. Ta cảm nhận được cách rõ rệt nhất lòng tha thứ này nơi bí tích Sám Hối. Trong mỗi thánh lễ, chúng ta đều cúi đầu đấm ngực thú nhận tội lỗi và xin Chúa thương xót tha tội cho. Muốn được hưởng lòng thương xót của Chúa, ta hãy đến với Ngài, bất kể tội lỗi nặng nề đến đâu! Không bao giờ đến với Chúa mà ta lại bị từ chối tha tội. Chúa đã nói qua miệng Ysaia rằng: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Ys 1, 18). Chúa còn nói: “Mọi tội lỗi đều được tha thứ, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần”. Tội đó là tội gì? Là tội ngoan cố, bất khẳng, không đến với Chúa để được tha thứ.
  2. Đến với Chúa, nhưng đồng thời, chúng ta cần tránh một thái cực khác, là vụ lợi để được hưởng lòng thương xót của Chúa. Người Việt Nam nói chung, rất giàu tâm tình tôn giáo, rất nhạy bén với niềm tin tôn giáo, nhưng lại dễ nghiêng chiều về sự cầu khẩn có tính cách vụ lợi. Mở miệng là xin, hết ơn này đến ơn khác, nhiều khi xin những điều vô lý, không đúng, không đáng. Đạo công giáo dạy ta sống với Chúa trong tình Cha-con, yêu mến, tôn thờ Ngài, đạo dạy ta đến với Chúa như đứa con đến với cha, trong lòng mến, để được Ngài yêu thương, săn sóc, bảo vệ, dạy dỗ… chứ không phải đến để xin ơn này ơn nọ. Chúa bị xem như một ông chủ ngồi ôm cái thúng đựng các ơn, ai xin thì Chúa thò tay vào thúng lấy ra cho…, người được ơn như mình xin thì hớn hở, vui mừng, bảo rằng Chúa thiêng lắm, xin gì được nấy, và người đó nghĩ rằng mình đã tin Chúa mạnh mẽ lắm; kẻ xin mà không được như ý thì trách móc, giận dỗi, và có khi bỏ đạo nữa! Nếu anh chị em đến với Lòng Chúa Thương Xót chỉ để xin ơn thì không đúng rồi đó. Tôi có cảm tưởng rất nhiều người tôn sùng lòng Chúa thương xót chỉ để được ơn này ơn nọ, chứ không thật sự có lòng mến Chúa cho đúng đắn.

Khi lòng Chúa thương xót chạm đến một người, thì nhất định người ấy sẽ biến đổi nên tốt. Điều này dẫn chúng ta đến điểm thứ hai: “Lòng Thương Xót Chúa”.

II. LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Cụm từ này nói lên con người là chủ của hành động thương xót, và có hai nghĩa: thương xót Chúa, tức yêu mến Chúa, và yêu như Chúa yêu.

  1. Trước hết, ta đáp lại lòng Chúa yêu bằng cách yêu mến Chúa. Không phải chỉ Chúa yêu thương con người mà thôi, như thể là tình yêu đơn phương, mà Ngài muốn con người yêu mến, đáp lại, làm nên tình yêu song phương. Tình yêu đúng nghĩa phải có hai chiều, có cho và nhận, có xướng và đáp. Chính Chúa dạy: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi”. Thánh Gioan Thánh Giá cũng nói: “Tình yêu chỉ được đền đáp lại bằng tình yêu”. Á thánh An-rê Phú Yên, trên đường đi chịu chết vì đạo, đã lập đi lập lại: “Anh em ơi, ta hãy lấy tình yêu đáp lại Tình Yêu, lấy sự sống đáp lại Sự Sống”.

Dù tình yêu của con người nhỏ bé, mong manh, hay thay đổi, nhưng Chúa vẫn đón nhận và trân trọng tình yêu ấy. Tin Mừng Luca 7, 36-47 kể về người phụ nữ tội lỗi đã tỏ lòng yêu mến Chúa cách độc đáo như sau :

“Có người Biệt phái kia mời Ngài tới dùng bữa với mình. Ngài vào nhà người Biệt phái, và lên giường ăn. Và này một phụ nữ, một người tội lỗi trong thành biết Ngài dùng bữa tại nhà người Biệt Phái, bà mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Ðứng phía sau chân Ngài, bà khóc nức nở, sa nước mắt ướt đẫm chân Ngài. Xõa tóc trên đầu, bà lau và tha thiết hôn chân Ngài, rồi xức dầu thơm. Thấy vậy, người Biệt phái đã mời Ngài nghĩ thầm: “Nếu quả thực ông này là tiên tri, ắt đã biết người đàn bà chạm đến mình là ai, và thuộc hạng người nào: một người tội lỗi”!  Ðức Yêsu nói: “Simôn, tôi có điều muốn nói với ông”. Ông đáp: “Thưa Thầy, xin cứ nói”. “Có hai người mắc nợ một ông chủ; một người mắc nợ năm trăm đồng, một người mắc nợ năm mươi. Vì họ không có gì để trả nợ, nên ông tha bổng cho cả hai. Vậy trong hai người ấy, ai sẽ cảm mến ông hơn?”. Simôn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được ông tha nhiều hơn”. Và Đức Giê-su nói: “Ông đã xét cách chí lý”. Quay lại phía người phụ nữ, Ngài nói với Simôn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông, ông không lấy nước rửa chân tôi, còn bà ấy lấy nước mắt mà tưới đẫm chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông không hôn chào tôi, còn bà ấy, từ lúc vào, không ngớt tha thiết hôn chân tôi. Ðầu tôi, một chút dầu ông cũng không xức, còn bà ấy lấy thuốc thơm mà xức chân tôi. Vì thế, tôi bảo ông: Các tội của bà, các tội lỗi nhiều đó, quả đã được tha rồi vì bà đã cảm mến nhiều. Ai được tha ít, cảm mến ít”.

Ước gì khi anh chị em sốt sắng sùng kính lòng thương xót Chúa, anh chị em cũng yêu mến Chúa tha thiết, hơn là nhắm xin ơn này nọ. 

  1. Khi đã yêu mến Chúa rồi, thì ta sẽ có lòng thương xót như Chúa, trở nên hình ảnh sống động của Chúa, lòng ta trở nên lòng Chúa, ta thể hiện lòng thương xót đó cho người chung quanh.

Chắc anh chị em còn nhớ chủ đề của Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015-2016: “Thương Xót Như Chúa Cha” (Misericordes sicut Pater). Giáo Hội mong muốn chúng ta có lòng thương xót như Chúa. Chúa Giêsu chính là hình ảnh sống động, cụ thể của lòng thương xót của Chúa Cha cho người cùng thời, khi làm  phép lạ cho “người mù được thấy, người què được đi, người phong cùi được sạch, người điếc được nghe, người chết sống lại, và Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó” (Mt 11,5). Kitô hữu phải giống Chúa Giêsu, có lòng thương xót như Chúa.

Sẽ oái ăm khi chúng ta chỉ muốn được hưởng lòng thương xót của Chúa, rồi sau đó chúng ta lại khép lòng thương xót đối với anh em. Chúa Giê-su đã dạy điều đó trong dụ ngôn hai người mắc nợ trong Tin Mừng Mátthêu 18, 24-34:

Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống lạy lục: “Thưa ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!”. Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia. Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Anh chị em thân mến,

Yêu thương tha nhân là điều răn thứ hai, quan trọng không kém điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã trả lời câu hỏi của một luật sĩ về điều răn nào là quan trọng nhất như sau:

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12, 29-31).

Hễ ai yêu mến Chúa thì cũng yêu thương anh em, thánh Gioan đã xác quyết như thế. Ngài còn nói: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói láo”.

Vậy, nếu anh chị em sùng mộ lòng Chúa thương xót, thì anh chị em cũng phải thương xót anh chị em mình, yêu thương và tha thứ cho họ, nhất là với những người đau khổ, bé mọn, nghèo hèn, ở bên lề xã hội, những người xa Chúa, những kẻ tội lỗi, những kẻ chối từ Chúa,

Chúng ta không yêu thương tha nhân theo cách của chúng ta, vì con người thường so đo, tính toán, cân-đong-đo-đếm! Tình thương của con người thường có giới hạn, trong khi tình yêu của Chúa lại không bến không bờ.

Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu như Chúa yêu: “Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau. Nếu các con thương yêu nhau, người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ Thầy”.

Sau cùng, anh chị em thân mến, trong tư cách Chủ tịch Ủy ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi xin anh chị em ý thức rằng khi tôn sùng và thực hành Lòng Thương Xót Chúa là chúng ta đang thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Trong câu trả lời cho các môn đệ của Gioan đến hỏi Chúa có phải là Đấng Mêsia, tức là Đấng Cứu Thế không, Chúa đã nói: “Hãy về kể lại cho Gioan biết điều các anh thấy: người mù được xem, người què được đi, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó” (Mt 11, 5). Có nghĩa là khi chúng ta làm điều tốt lành vì yêu thương tha nhân, thì đó là loan báo Tin Mừng rồi vậy. Chúa Giêsu dạy “khi thấy việc tốt lành anh em làm, người ta sẽ ngợi khen Cha của anh em Đấng ngự trên trời”.

Ý thức như vậy, chúng ta sẽ phấn khởi hơn khi để Chúa thương, và khi mình đáp lại bằng lòng thương yêu anh chị em như Chúa, thì đó là chúng ta đang góp phần loan báo Tin Mừng, làm cho muôn dân nhận biết Thiên Chúa giàu lòng thương xót, để rồi chính họ cũng đến với Chúa, tin yêu Chúa và được Chúa thương xót.

– Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.

– Lạy Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô, xin cầu cho chúng con.

– Lạy Thánh Nữ Faustina, xin cầu cho chúng con.

– Xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót, là CHÚA CHA +, CHÚA CON +, VÀ CHÚA THÁNH THẦN (+)  ban phúc lành cho tất cả anh chị em. Amen.

+ Anphong Nguyễn Hữu Long

   Giám mục Phụ tá Hưng Hóa

   Chủ tịch UBLBTM/HĐGMVN

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG