Home / Học Hỏi Linh Đạo / Bài 1: Tìm Hiểu Tông Chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương

Bài 1: Tìm Hiểu Tông Chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương

Dẫn vào

230415pope3_zpsxn81u5wwTrở về từ Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới Thường kỳ Lần thứ XIV về ơn gọi và sứ vụ của gia đình trong Giáo hội và thế giới ngày nay, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc cho biết Thượng Hội đồng nhấn mạnh đến vai trò chủ động của các gia đình. Bài tham luận La famille, sujet de la pastorale (Gia đình, chủ thể của mục vụ do ngài trình bày nhắc nhở các gia đình phải hết sức tích cực làm mục vụ tông đồ cho các gia đình khác. Đức Tổng còn cho biết về linh đạo của lòng Chúa thương xót thì…: “… phải đi sâu vào trong Giáo hội và đi sâu vào trong gia đình, để với lòng thương xót đó, người ta mới dễ tha thứ cho nhau trong lòng Giáo hội, trong mỗi gia đình”.[1] Vâng, trong bối cảnh của thời đại lòng Chúa xót thương và với viễn ảnh của Năm thánh ngoại thường về lòng thương xót sắp tới (08/12/2015–20/11/2016), chúng ta hãy cùng nhau thực hiện việc tìm hiểu Tông chiếu Dung nhan lòng xót thương.

Cái nhìn khái quát

Để tìm hiểu về Tông chiếu Dung nhan lòng xót thương, một tông chiếu do Đức Giáo hoàng Phanxicô ban hành (12-4-2015), với sự ấn định năm thánh ngoại thường về lòng thương xót (Misericordiae Vultus: Bull of Indiction of the Extraordinary Jubilee of Mercy), việc so sánh sau đây giữa Tông chiếu Misericordiae vultus với Thông điệp Dives in misericordia cho chúng ta một cái nhìn khái quát.

Theo đó: (1) Dives in misericordia một lần sử dụng từ merciless, năm lần sử dụng từ mercies, 29 lần sử dụng từ merciful, và 218 lần sử dụng từ mercy;[2] còn (2) Misericordiae vultus một lần sử dụng từ merciless, một lần sử dụng từ mercies, 25 lần sử dụng từ merciful, và 167 lần sử dụng từ mercy.[3] Hơn nữa, Thông điệp Dives in misericordia với độ dài của khoảng 36 trang giấy A4 chỉ có 15 số; trong khi đó, với độ dài của chỉ khoảng 16 trang giấy A4, Tông chiếu Misericordiae vultus có đến 25 số.

Với 25 số rất cô đọng này, Tông chiếu Misericordiae vultus được phân phối như sau: (1) Năm thánh, chủ đề và thời điểm: lý do công bố Năm thánh ngoại thường về lòng Chúa thương xót, thời gian cử hành Năm thánh này (1-5); (2) Tình thương xót, hành động của Thiên Chúa trong mặc khải Thánh kinh: lòng thương xót (mercy) là từ ngữ then chốt nói lên tác động của Thiên Chúa đối với nhân loại (6-9); (3) Tình thương xót là nền tảng của đời sống Giáo hội, (10-12); (4) Tình Chúa là Cha hay thương xót, xã hội ngày nay xem ra đang quên dần (13-17); (5) Thành phần thừa sai: ơn gọi của Giáo hội, ơn gọi của mỗi cá nhân trong Năm thánh này: “Hãy thương xót như Cha… có lòng thương xót” (18-19); (6) Tình thương xót và công lý: những thể hiện cụ thể của lòng thương xót trong Năm thánh (20-21); (7) Năm thánh, ân xá, liên tôn, Thánh mẫu, Giáo hội: với những người phạm vào những tội ác và những kẻ tham nhũng, ân xá trong Năm thánh, viễn tượng đại kết, kết luận (22-25).

Theo đó, Năm thánh ngoại thường về lòng Chúa thương xót sẽ là một năm hồng ân, một năm xót thương, Mùa Chay của Năm thánh là thời điểm để sống sốt sắng hơn, giao hòa với Chúa và anh chị em mình qua Bí tích Hòa Giải. Trong Mùa Chay, Đức Giáo hoàng sẽ sai đi các thừa sai của lòng Chúa thương xót….

Tuy nhiên, Tông chiếu Misericordiae vultus với 25 số như trên cũng có thể được chia thành ba phần gọn gàng như sau: (1) Ý niệm về lòng thương xót, (2) Một số gợi ý để cử hành Năm thánh, và (3) Một số lời kêu gọi.

Ý niệm về lòng thương xót

Trong phần trình bày ý niệm về lòng thương xót, Ðức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến việc mở cửa Năm thánh tại Ðền thờ Thánh Phêrô với lý do ngày 08 tháng 12: (1) Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria là đấng được Thiên Chúa thương đặt là người thánh thiện không tỳ ố “… để nhân loại không bị lẻ loi và lệ thuộc sự ác”; (2) Năm nay là dịp kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vaticanô II, phá đổ những bức tường thành khép kín Giáo hội với thời gian quá lâu trong một thành trì đặc ân, để đưa Giáo hội đi “loan báo Tin mừng một cách mới mẻ”, sử dụng “liều thuốc thương xót, thay vì dùng những võ khí ngặt nghèo”.

Ðức Giáo hoàng cũng truyền dạy rằng trong mỗi giáo phận cần có một Cửa Năm Thánh như dấu chỉ hiệp thông của toàn thể Giáo hội. Phần ý niệm lòng thương xót còn khẳng định lòng thương xót là xà nhà của Giáo hội, với khẩu hiệu của Năm thánh là “Các con hãy có lòng thương xót như Chúa Cha”.[4]

Gợi ý và lời kêu gọi… 

Trong phần gợi ý để cử hành Năm thánh, Ðức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra một số chỉ dẫn thực hành,[5] cho phép một số linh mục thừa sai của lòng thương xót được tha những tội dành quyền giải cho Tòa thánh, và nói về yếu tố đặc biệt của Năm thánh chính là ân xá. Trong phần đưa ra một số lời kêu gọi, Ðức Giáo hoàng Phanxicô viết: (1) về thiện ích của chúng ta, (2) về những người gây ra hoặc đồng lõa với sự tham nhũng, (3) về việc đối thoại liên tôn, và (4) về tương quan giữa công lý và lòng thương xót. Phần cuối, Ðức Giáo hoàng Phanxicô nhắc đến hình ảnh Ðức mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót. Là hòm bia giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, Mẹ Maria minh chứng lòng thương xót của Con Thiên Chúa không có giới hạn. Trong viễn tượng ấy, ngài nhắc đến Thánh Maria Faustina, người được kêu gọi đi vào chiều sâu của lòng Chúa xót thương. Theo đó, nghĩa vụ đầu tiên của Giáo hội chính là dẫn đưa tất cả mọi người vào trong mầu nhiệm cao cả của Lòng Chúa xót thương, chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô.

Để kết

Để góp phần đưa linh đạo của lòng Chúa thương xót: “… đi sâu vào trong Giáo hội và đi sâu vào trong gia đình, để với lòng thương xót đó, người ta mới dễ tha thứ cho nhau trong lòng Giáo hội, trong mỗi gia đình”,[6] 25 số của Tông chiếu Misericordiae vultus với rất nhiều đề tài có liên hệ sẽ lần lượt được tìm hiểu qua việc nghiên cứu sự xuất hiện của 194 lần sử dụng những từ ngữ mercy, merciful, merciless, mercies.

LM Giuse Tạ Huy Hoàng

 11-11-2015

GTHH

[1] WGPSG, T5, 05/11/2015 – 09:21.

[2] “… việc nghiên cứu sự xuất hiện của 253 lần sử dụng những từ ngữ merciful, merciless, mercy, merciesthực sự góp phần giúp người đọc hiểu khá đầy đủ về nội dung Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ủy ban Giáo dân [HĐGMVN], Tìm hiểu Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót [TP. HCM: LHNB, 2012], 7).

[3] “… việc nghiên cứu sự xuất hiện của 194 lần sử dụng những từ ngữ mercy, merciful, merciless, mercies thực sự góp phần giúp người đọc hiểu khá đầy đủ về nội dung Tông chiếu Dung nhan lòng xót thương” (Ủy ban Giáo dân [HĐGMVN], Tìm hiểu Tông chiếu Dung nhan lòng xót thương [TP. HCM: LHNB, 2015], 7).

[4] Lc 6,36.

[5] Một số chỉ dẫn thực hành: (1) Ði hành hương; (2) Ðừng xét đoán, hãy tha thứ và cho đi, (3) Cởi mở tâm hồn đối với những môi trường bên lề cuộc sống, mang lại an ủi, cảm thương, liên đới và quan tâm, (4) Vui mừng thực thi những công việc bác ái về thể lý và tinh thần, (5) Gia tăng sáng kiến cầu nguyện và thống hối “24 giờ cho Chúa”.

[6] WGPSG, T5, 05/11/2015 – 09:21.

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …