Home / Chia Sẻ / BÀI 1: ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO (P1)

BÀI 1: ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO (P1)

I. SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

     “Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là sự biểu lộ kế hoạch của Thiên Chúa, sự bày tỏ và thực hiện kế hoạch đó trong thế giới và trong lịch sử, chính trong lịch sử này, rõ ràng Thiên Chúa đưa dẫn lịch sử cứu độ đến cùng đích nhờ việc truyền giáo” [RM 41].

1. Sứ Vụ truyền giáo bắt nguồn từ sinh hoạt của Ba Ngôi Thiên Chúa.

     ”Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” do chính tình thương bao la của Thiên Chúa: ”Ý định này tuôn trào từ “suối tình yêu” cũng là lòng thương của Thiên Chúa Cha, vì chính Ngài là Nguyên lý vô Nguyên lý, bởi Ngài, Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Ngài và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần. Vì quá nhân từ thương xót, Người đã tự ý dựng nên chúng ta, và lại nhưng không mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống và vinh hiển với Ngài; Ngài còn rộng rãi đổ tràn lòng nhân từ xuống cho chúng ta và còn đổ mãi không ngừng đến nỗi Ngài là Đấng tác tạo muôn loài lại trở nên “mọi sự cho mọi người” [1 Cor 15, 28], để đồng thời làm vinh danh Ngài và tạo nên hạnh phúc cho chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa muốn mời gọi mọi ngưòi tham dự vào sự sống của Ngài, không những chỉ từng cá nhân không liên lạc gì với nhau, mà Ngài còn liên kết họ thành một dân duy nhất, trong đó đoàn tụ mọi con cái đã tản mác khắp nơi” [AG 2].

2.Thiên Chúa Cha với kế hoạch cứu độ

     Để cứu rỗi nhân loại, Thiên Chúa đã quyết định đi vào lịch sử nhân loại bằng cách sai Chúa Con nhập thể, mặc lấy xác phàm như chúng ta để nhờ Chúa Con, Thiên Chúa giải thoát con người khỏi quyền lực Satan và làm cho con người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa: “Ýđịnh của Thiên Chúa nhằm cứu rỗi toàn thể nhân loại không phải chỉ được thực hiện một cách có thể nói là kín đáo trong tâm trí con người, hoặc bằng những sáng kiến, ngay cả sáng kiến tôn giáo, nhờ đó con người tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều cách “hầu may ra sẽ gần Ngài hoặc gặp được Ngài, mặc dù Ngài không ở xa nơi mỗi người chúng ta”[ Cv 17, 27]; những kế hoạch đó cần phải được soi dẫn và tu bổ, tuy đôi khi, nhờ ý định nhân lành của Chúa Quan Phòng, có thể được coi như con đường hướng về Thiên Chúa chân thật hoặc chuẩn bị cho Tin Mừng. Nhưng để củng cố hòa bình hay là mối hiệp thông cùng Thiên Chúa, và để xây dựng một xã hội huynh đệ giữa con người, con người tội lỗi, Ngài đã quyết định đi vào lịch sử loài ngươi một cách mới mẻ và dứt khoát bằng cách sai Chúa Con mặc lấy xác phàm chúng ta, để nhờ Chúa Con, Ngài giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và Satan và để trong Chúa Con, Ngài hòa giải thế gian với chính Ngài. Thật vậy, nhờ Chúa Con mà Ngài đã sáng tạo vũ trụ thì Ngài cũng đặt Chúa Con thừa hưởng vũ trụ, để trong Chúa Con mọi sự được tái lập [AG 3].

3. Ngôi Con là Đức Giêsu Kitô thi hành kế hoạch cứu độ

     Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô được sai xuống thế trần làm trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và nhân loại. Vì Người là Thiên Chúa, nên “ở trong Người, ngay trong thân xác Người, có tất cả sự sung mãn về thiên tính” [Col 2,9]. Còn theo nhân tính Người là Ađam mới được đặt làm đầu nhân loại đã đổi mới: ”Người đã đầy ân sủng và chân lý”[Jn 1,14]. Do đó, bằng đường lối nhập thể đích thực, Con Thiên Chúa đã đến để làm cho loài người thông phần vào bản tính Thiên Chúa; dù giầu sang, Người đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta, để nhờ sự thiếu thốn đó mà chúng ta được sang giầu. Con người không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống chuộc tội thay cho nhiều người, nghĩa là mọi người. Các Giáo Phụ luôn quả quyết rằng sự gì không được Chúa Kitô nhận lấy thì không được cứu thoát. Thật vậy, Chúa Kitô đã nhận lấy trọn vẹn nhân tính chúng ta, là những kẻ khốn khổ và nghèo nàn, ngoại trừ tội lỗi” [AG 3].

    “Chúa Kitô, “Đấng được Chúa Cha thánh hiến và sai xuống trần gian” [Jn 19,36] đã nói về chính mình rằng:”Thần Linh Chúa ở trên tôi, nên Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, an ủi kẻ khổ tâm, loan báo sự giải thoát cho kẻ tù đầy và đem sự sáng mắt cho kẻ đui mù” [Lc 4, 18]; Người còn nói:”Con Người đến tìm kiếm và cứu vớt điều gì bị hư mất” [Lc 19, 10].

     Những gì Chúa đã một lần rao giảng hay đã hoàn tất trong Người cho phần rỗi nhân loại, phải được công bố và truyền bá tới tận cùng trái đất, bắt đầu từ Giêrusalem: Như thế những gì đã một lần thực hiện cho phần rỗi mọi người, sẽ có hiệu lực qua suốt dòng thời gian, cho hết mọi người.” [AG 3].

4. Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa

     Và Đức Kitô đã sai Chúa Thánh Thần đến để giúp các tông đồ thi hành sứ vụ của Người: ”Để hoàn thành việc đó, Chúa Kitô đã sai Thánh Thần từ Chúa Cha đến để Ngài thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo Hội bành trướng thêm mãi. Dĩ nhiên là Thánh Thần đã hành động nơi trần gian trước khi Chúa Kitô được vinh hiển, nhưng trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Ngài đã ngự xuống trên các Tông Đồ để ở lại với họ muôn đời: Giáo Hội công khai ra trước mặt dân chúng, Phúc Âm bắt đầu được phổ biến giữa muôn dân nhờ lời giảng dạy, và sau hết tiên báo sự hợp nhất các dân tộc trong tính cách công giáo của đức tin, nhờ Giáo Hội của Tân Ước, nói mọi thứ tiếng, thấu hiểu và bao gồm mọi ngôn ngữ trong tình bác ái và như thể đã thắng vượt sự phân tán do tháp Babel biểu tượng. Thực vậy, ”Công Vụ Tông Đồ” bắt đầu từ ngày lễ Ngũ Tuần, như khi Thánh Thần đến ngự trên Trinh Nữ Maria thì Chúa Kitô được thụ thai, và như khi Chúa Thánh Thần ngự trên Đức Kitô lúc Người cầu nguyện thì Người được thúc đẩy bắt đầu thi hành tác vụ của mình. Chính Chúa Giêsu trước khi hiến mạng sống mình cho thế gian một cách tự do, đã thiết đặt tác vụ Tông Đồ và hứa sai Thánh Thần đến hầu tác vụ và Thánh Thần liên kết với nhau, để công trình cứu chuộc luôn luôn đem lại kết quả khắp nơi. Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần “hợp nhất toàn thể Giáo Hội trong mối hiệp thông và thừa hành, ban phát các phẩm trật và đoàn sủng khác nhau”, như là linh hồn làm sống động những định chế trong Giáo Hội và đổ dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Kitô. Đôi khi Chúa Thánh Thần lại can thiệp một cách hữu hình trước hoạt động truyền giáo, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo dõi và hướng dẫn [AG 4].

5. Giáo Hội tiếp tục thi hành kế hoạch của Thiên Chúa

     Chúa Thánh Thần luôn ở cùng Giáo Hội để giúp Giáo Hội hoàn thành sứ vụ của Đức Kitô: ”Ngay từ đầu Chúa Giêsu” đã gọi đến với Người những kẻ Người muốn và chọn mười hai người để họ ở với Người rồi sai họ đi rao giảng” [Mc 3, 13]. Như thế, các Tông Đồ là mầm mống của Israel mới, đồng thời cũng là nguồn gốc của Hàng Giáo Phẩm. Sau đó, khi Chúa Giêsu, bằng cái chết và sống lại, đã một lần hoàn tất nơi Người những mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta và canh tân vũ trụ, Người đã chiếm hữu toàn quyền trên trời dưới đất và trước khi về trời, đã thiết lập Giáo Hội Người làm bí tích cứu độ và sai các Tông Đồ đi khắp thế gian như chính Người đã được Chúa Cha sai, khi Người truyền: “Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân: Rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con Và Thánh Thần, và dạy họ mọi điều Ta đã truyền cho các con” [Mt 28, 19-20]. “Hãy đi khắp trần gian rao giảng Phúc Âm cho hết mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu rỗi: còn ai không tin sẽ bị luận phạt” [Mc 16, 15]. Do đó, Giáo Hội có bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, phần thì do mệnh lệnh rõ ràng mà các Tông Đồ đã truyền lại cho hàng giám mục với sự tham dự của các linh mục, hợp nhất với Đấng Kế Vị Phêrô cũng là Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội, phần thì do đời sống mà Chúa Kitô thông ban cho các chi thể Người bằng mọi mối khớp cung dưỡng, tùy theo mức độ hoạt động của mỗi chi thể, làm cho thân thể triển nở mà tự kiến tạo trong đức ái” [Eph 4, 16]. Vì thế, sứ mệnh của Giáo Hội được hoàn tất do việc Giáo Hội vâng lệnh Chúa Kitô, được ân sủng và tình thương của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã trở nên hòan toàn thực sự có mặt nơi mọi người hay mọi dân tộc, để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các bí tích và những phương tiện ân sủng khác, Giáo Hội sẽ dẫn họ đến đức tin, tự do và hòa bình của Chúa Kitô: Nhờ đó họ thấy con đường tự do và vững chắc để tham dự trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô” [AG 5].

6. Các nhà truyền giáo thi hành kế hoạch của Thiên Chúa

     Bây giờ hơn bao giờ hết, Giáo Hội đã có cơ hội để Loan Báo Tin Mừng, bằng chứng tá và lời nói, cho tất cả mọi người cũng như mọi dân tộc. Tôi thấy bình minh của kỷ nguyên truyền giáo mới đang ló dạng và một ngày kia sẽ chói chang và đầy kết quả, nếu mọi kitô hữu, đặc biệt các nhà truyền giáo và các Giáo Hội trẻ biết quảng đại và thánh thiện đáp lại những lời mời gọi và những thách đố của thời đại chúng ta [RM 92].

7. Mọi kitô hữu phải truyền giáo

     Sự sống ta nhận được như quà tặng: Cần phải trao tặng cho người khác và đáp trả bằng cuộc sống chứng nhân.

     Tại sao phải truyền giáo? Bởi vì, cũng như với Thánh Phao lô, chúng ta được Thiên Chúa “ban cho ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại sự phong phú khôn lường của Đức Kitô” (Ep 3,8). Cuộc sống mới trong Người là Tin Mừng cho con người thuộc mọi thời đại: Mọi người đều được mời gọi và được chuẩn bị đến lãnh nhận cuộc sống đó. Thực sự mọi người đều tìm kiếm sự sống đó, dù đôi khi không rõ ràng, và mọi người đều có quyền nhận biết giá trị cùng đạt tới ân huệ đó. Giáo Hội và mọi Kitô hữu trong Giáo Hội không được che dấu hay giữ riêng cho mình sự sống mới và sự phong phú đó, mà họ đã nhận được do lòng nhân từ Thiên Chúa để truyền thông cho tất cả mọi người [RM 11].

     Do đó, sứ vụ truyền giáo không chỉ phát xuất do lệnh truyền chính thức của Chúa Cứu Thế, mà còn do đòi hỏi sâu xa của đời sống Thiên Chúa nơi chúng ta. Những ai gia nhập Giáo Hội Công Giáo phải tự coi mình như những người được đặc ân, và do đó, họ càng phải dấn thân làm chứng, bằng niềm tin và đời sống Kitô hữu, chứng tá này là sự phục vụ anh chị em mình và là lời đáp trả cho Thiên Chúa; đồng thời họ cũng phải nhớ rằng: “Địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng, nhưng do đặc ân của Đức Kitô; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm nhặt hơn [RM 11].

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …