Theo bản văn viết tay từ thời Trung cổ ở TP Florentine, bà cố nội của Chúa Giêsu tên là Ismeria.
Truyền thuyết về thánh Ismeria được giới thiệu trên báo Journal of Medieval History, cho biết về gia đình Đức Mẹ và về cả các giá trị tôn giáo lẫn văn hóa của TP Florence hồi thế kỷ 14.
Catherine Lawless, giáo sư khoa Sử tại ĐH Limerick và là tác giả bài báo, cho biết: “Tôi không nghĩ có phụ nữ nào khác được nhắc tới trong Kinh thánh là bà của Đức Mẹ. Dòng dõi bên nội của Đức Mẹ chỉ có người này được nhắc tới. Chính Đức Mẹ cũng được nhắc đến rất ít trong Kinh thánh. Sự tôn sùng Mẹ Maria nhiều qua các thế kỷ có ít nguồn Kinh thánh”. Lawless đã nghiên cứu câu chuyện về thánh Ismeria, người mà bà Lawless nói là “bị các học giả làm ngơ”, trong 2 văn bản viết tay: “MS Panciatichiano 40” (thế kỷ XIV) của Thư viện Trung tâm Quốc gia tại TP Florence, và “MS 1052” (thế kỷ XV) của Thư viện Riccardiana, cũng ở TP Florence.
Lawles viết: “Theo truyền thuyết, Ismeria là con gái của Nabon thuộc dòng tộc Judea, dòng dõi Vua David. Bà kết hôn với Santo Liseo, người được mô tả là tổ phụ Dân Chúa”. Truyền thuyết này cho biết rằng hai vợ chồng có một con gái tên Anna kết hôn với Gioakim. Sau 12 năm, Liseo qua đời. Các thân nhân lúc đó bỏ mặc Ismeria không một xu dính túi (penniless).
Lawless nói: “Tôi khá chắc rằng đó có thể là thân nhân của người chồng quá cố của bà hoặc dòng họ bà. Gia đình của Đức Mẹ không thể bỏ bà trong tình cảnh như vậy”. Lúc đó Ismeria đến bệnh viện xin trú ngụ. Người ta nói bà đã làm một phép lạ, đổ đầy cá vào vỏ sò để nuôi các bệnh nhân trong bệnh viện. Sau phép lạ này, bà cầu xin được đưa ra khỏi “thói kiêu căng của thế gian này” (vainglory of this world).
Sau khi Chúa gọi bà về thiên đàng, một linh mục tuyên úy bệnh viện đã báo ai tín cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Đức Mẹ và Chúa Giêsu tới bệnh viện cùng với 12 tông đồ, Maria Mađalêna, Maria Salômê và Maria Clêôpha. Ở đó họ đã viếng xác bà Ismeria.
Truyền thuyết này tạo sự thay đổi về niềm tin, vì sự thánh thiêng thường có được nhờ máu của các vị tử đạo hơn là lòng mộ đạo. Lawless tin rằng, để gợi lên lòng tin về Luyện hình (Purgatory), nơi “tạm giam” giữa thiên đàng và hỏa ngục để thanh tẩy những người có tội. Bà nói: “Càng thanh tẩy khi còn sống (qua sự ăn năn, làm việc lành, v.v…) thì thời gian ở Luyện hình càng ít – cho cả chính mình và gia đình. Đa số các Kitô hữu tử đạo ở Tây phương đều chết vì bị Đế quốc Rôma hành hạ, đến thế kỷ IV thì không còn”.
Chưa biết tác giả viết truyền thuyết về Ismeria, Lawless nghĩ có thể là một giáo dân ở Tuscany. Trong thời Trung cổ, “câu chuyện này có thể được dùng làm gương cho các bà vợ và các góa phụ sống nhân đức trong một bệnh viện nào đó thuộc TP Florence”.
Bà nói: “Bà của Đức Mẹ không là một góa phụ đe dọa gia sản của các con bằng cách đòi lại của hồi môn (dowry), cũng không đe dọa gia đình bằng cách tái hôn và bắt đầu dòng dõi khác. Thay vì thế, cuộc đời bà có thể được coi là gương mẫu cho các phụ nữ thống hối ở TP Florentine”.
Nhà nghiên cứu George Ferzoco, thuộc ĐH Bristol, cho rằng bài báo đó phân tích truyền thuyết như vậy là “lỗi lạc” và “biểu lộ một phát hiện về tôn giáo cuối thời Tring cổ và TP Florence phục hưng, nơi có nhiều văn bản viết tay dành cho phụ nữ”.
Carolyn Muessig, thuộc Khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo tại ĐH Bristol, nói: “Điều gây ấn tượng về thánh Ismeria là bà trở nên mẫu mực cho các phụ nữ lớn tuổi đã có chồng. Mẫu mực cho phụ nữ lớn tuổi khó có được trong bất kỳ nền văn hóa nào”.
Muessig kết luận: “Nhưng sự thật là thánh Ismeria đã nổi bật ở TP Florence cuối thời Trung cổ, cho thấy một số động thái tích cực về văn hóa thời Trung cổ đã dành vị trí quan trọng cho phụ nữ trong xã hội”.