Việc học một số tiếng Do Thái có thể đem lại lợi ích to lớn cho các Kitô hữu bằng cách cung cấp sự hiểu biết sâu sắc hơn về nguồn gốc, văn hóa và các văn bản tạo nền tảng đức tin của chúng ta.
Rất có thể, Chúa Giêsu nói tiếng Aram là ngôn ngữ chính của Ngài, vì đó là ngôn ngữ phổ biến được sử dụng ở vùng Palestine trong thế kỷ I. Là ngôn ngữ Semitic, nó có liên quan chặt chẽ với tiếng Do Thái và ngày nay vẫn được sử dụng trong các cộng đồng Kitô giáo và Do Thái ở Iraq, Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Azerbaijan và cả ở Nga nữa. Vì đó là ngôn ngữ được sử dụng trong các cuộc trò chuyện hằng ngày, buôn bán và tương tác cộng đồng vào thời của Chúa Giêsu, nên các sử gia cho rằng Ngài nói tiếng Aram trong gia đình và cộng đồng.
Tuy nhiên, cũng có thể là Chúa Giêsu biết chút ít tiếng Do Thái. Tiếng Do Thái là ngôn ngữ của các văn bản và nghi lễ tôn giáo, Chúa Giêsu lớn lên trong một gia đình Do Thái sùng đạo, hẳn Ngài quen thuộc với Kinh Thánh tiếng Do Thái và tham gia vào các nghi lễ tôn giáo của người Do Thái.
Hơn nữa, do sự chiếm đóng của người La Mã trong khu vực, nên có thể là Chúa Giêsu đã tiếp xúc với tiếng Hy Lạp. Tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chung của Đông Địa Trung Hải và thường được sử dụng cho các mục đích thương mại và hành chính. Ảnh hưởng văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp trong thời gian đó có nghĩa là Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đã gặp những người nói tiếng Hy Lạp – và có thể hình dung rằng chính họ cũng có một số khả năng giao tiếp bằng tiếng Hy Lạp. Thật vậy, các sách Phúc Âm đều được viết bằng tiếng Hy Lạp.
Mặc dù tiếng Aram có thể là ngôn ngữ chính của Chúa Giêsu, nhưng việc Ngài quen với tiếng Do Thái và khả năng giao tiếp bằng tiếng Hy Lạp sẽ giúp Ngài có bối cảnh rộng hơn, cho phép Ngài giao tiếp với nhiều cá nhân và cộng đồng khác nhau trong sứ vụ của Ngài. Đó là một trong những lý do việc học tiếng Do Thái có thể đem lại lợi ích to lớn cho Kitô hữu bằng cách cung cấp sự hiểu biết sâu sắc hơn về nguồn gốc, văn hóa và các bản văn hình thành nền tảng đức tin. Tiếng Do Thái là ngôn ngữ mà các phần quan trọng của Cựu Ước được viết ra, nó mang những sắc thái ngôn ngữ độc đáo và hiểu biết sâu sắc về thần học đôi khi bị mất trong bản dịch. Bằng cách trở nên quen với một số từ ngữ và khái niệm tiếng Do Thái, Kitô hữu có thể hiểu sâu sắc hơn về các câu chuyện trong Kinh Thánh, các chủ đề thần học và bối cảnh lịch sử hình thành niềm tin của họ. Đây là ba từ Do Thái quan trọng mà mọi Kitô hữu nên biết:
ELOHIM – Trong Kinh Thánh, chữ Elohim trong tiếng Do Thái thường được dịch là “Thiên Chúa” – hoặc “các thần.” Điều đó đúng ở một mức độ nào đó. Chữ Elohim là số nhiều của chữ Eloah. Trong một số đoạn Kinh Thánh, chữ Elohim đề cập cá nhân các vị thần của các quốc gia khác, hoặc các vị thần ở số nhiều. Nhưng ở một số chỗ khác, đó là một trong những tên chính của Thiên Chúa – và đó là cách nó được sử dụng chủ yếu trong suốt Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái. Gọi Thiên Chúa là Elohim truyền đạt ý tưởng về sức mạnh và quyền tối cao của Ngài.
RUACH HAKODESH – Chữ Ruach HaKodesh được dịch là Chúa Thánh Thần. Trong cả Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái và Tân Ước, chữ Ruach HaKodesh luôn đề cập một cách rõ ràng đến Thần Khí Chúa. Chữ này đề cập sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trên thế giới và trong cuộc sống của các tín hữu – gắn liền với sự linh hứng, mặc khải, hướng dẫn, biến đổi và trao quyền để phục vụ tâm linh.
KIPPUR – Chữ Kippur đề cập khái niệm về sự chuộc tội. Yom Kippur – Lễ Chuộc Tội – là ngày linh thiêng nhất trong năm của người Do Thái. Đó là thời gian ăn chay, cầu nguyện và ăn năn, nơi người ta tìm kiếm ơn tha thứ cho tội lỗi của họ và hòa giải với Thiên Chúa. Mặc dù một số tác giả hiểu sự tha thứ và sự chuộc tội là hoàn toàn khác nhau, nhưng sự thật là cả hai đều nêu bật khả năng con người (và thiêng liêng) của nạn nhân và chủ nợ trong việc tha thứ cho những kẻ vi phạm và con nợ khỏi những món nợ luân lý và tài chính. Cách hiểu về việc xóa nợ này được tìm thấy trong sách Đệ Nhị Luật chương 15 (Remissionis Domini, Shmita, Năm Sabbát) và được lặp lại bằng nguyên văn Hy Lạp của Kinh Lạy Cha (“xin tha nợ cho chúng con,” kae aphes hēmin ta opheilēmata hēmōn) và trong bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu có trong Lc 4:18-19, trong đó trình bày việc Ngài mở cuộn sách Isaia vào một ngày thứ bảy trong hội đường, và thông báo rằng Ngài đã đến để công bố “Năm của Chúa” – Năm Hồng Ân.
Bằng cách học những chữ Do Thái này và ý nghĩa của chúng, Kitô hữu có thể hiểu sâu hơn về Kinh Thánh, đặc tính của Thiên Chúa cũng như bối cảnh lịch sử và văn hóa của đức tin thời đó. Việc khám phá một số sắc thái ngôn ngữ này sẽ mở ra những con đường để nghiên cứu Kinh Thánh một cách toàn diện hơn và tạo ra mối liên hệ sâu sắc hơn.
DANIEL ESPARZA
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)