Home / Chia Sẻ / BA CHỮ C

BA CHỮ C

BA CHỮ CCách đọc và hiểu ý Chúa qua Kinh Thánh vừa dễ vừa khó. Có lẽ dụ ngôn “Người Gieo Giống” (Mt 13:18-23; Mc 4:13-20; Lc 8:11-15) là dụ ngôn duy nhất được Chúa Giêsu giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ. Để hiểu các dụ ngôn khác, có thể lưu ý ba điều cần thiết này:

  1. XÁC ĐỊNH TÂM LINH – Chúa Giêsu thường giới thiệu một dụ ngôn bằng cách nói “Nước Trời ví như…” hoặc “Nước Trời giống như…” (đề cập 7 lần trong chương 13, Phúc Âm theo Thánh Mátthêu). Trong dụ ngôn “Người Pharisêu và Người Thu Thuế,” Thánh sử Luca cho biết: “Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người TỰ HÀO cho mình là công chính mà KHINH CHÊ người khác…”(Lc 18:9)
  2. PHÂN ĐỊNH “CHÍNH –  PHỤ” – Nói cách khác, không phải các chi tiết của dụ ngôn đều có ý nghĩa sâu sắc. Một số chi tiết chỉ làm cho câu chuyện thực tế hơn. Chẳng hạn, theo cách giải thích của Chúa Giêsu về dụ ngôn “Người Gieo Giống,” Ngài không bình luận về bốn loại đất khác nhau. Chi tiết “bốn loại” chỉ là chi tiết phụ đối với toàn bộ dụ ngôn này.
  3. SO SÁNH KINH THÁNH – So sánh Kinh Thánh với Kinh Thánh là quy luật chú giải vô giá khi tìm hiểu các dụ ngôn. Các dụ ngôn của Chúa Giêsu không bao giờ mâu thuẫn với Lời Chúa (Kinh Thánh), bởi vì Ngài đã xác nhận: “Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.”(Ga 12:49) Các dụ ngôn minh họa giáo lý, và các giáo huấn của Chúa Giêsu luôn rõ ràng, mạch lạc, chính xác.

Trong sách Châm Ngôn có những điều tương tự. Thánh vương Salômôn đã dùng tỷ giảo cách (so sánh) để dạy về sự thật, đặc biệt về tính tương đương điển hình, sinh ra một “dụ ngôn đơn giản.” Chẳng hạn: “Cơn thịnh nộ của vua như tiếng gầm sư tử, kẻ làm vua nổi giận là làm hại chính mình.” (Cn 20:2) Tiếng gầm của sư tử được “ví như” cơn giận của nhà vua với mục đích là so sánh. Cách so sánh là cách giúp người ta dễ hiểu vấn đề nào đó. Văn so sánh là đặc ngữ trong các dụ ngôn – ngụ ngôn không có dạng này.

Tác giả Dale Carnegie (1888-1955) thẳng thắn đề cập trong cuốn “Đắc Nhân Tâm” (How to Win Friends and Influence People, 1936) về sự thật phũ phàng này: “Any fool can CRITICIZE, CONDEMN and COMPLAIN – and most fools do.” – Kẻ ngu dốt nào cũng có thể CHỈ TRÍCH, CHÊ TRÁCH và CẰN NHẰN. Và đa số những kẻ đó đều thích làm như vậy.

Ba mẫu tự C thật kỳ diệu: Criticize, Condemn, Complain – Chỉ Trích, Chê Trách, Cằn Nhằn.

Lạy Thiên Chúa là nguồn cội mọi sự, xin ban thêm trí thông minh để chúng con có thể hiểu, xin ban ơn khôn ngoan để chúng con thi hành các huấn lệnh Ngài truyền ban, và xin giúp chúng con can đảm biến đổi theo Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …